Chuyện Tây
Một đồng nghiệp Đức của mình, giáo viên một trường THCS tại Berlin, kể rằng nhân dịp Noel và năm mới vừa rồi cô ấy nhận được một món quà là chiếc khăn lụa từ một học sinh châu Á. Chỉ đơn giản có thế thôi nhưng gương mặt cô ấy tỏ ra bất an và lo lắng. Mình bảo, không sao đâu, người châu Á chúng tôi có truyền thống tôn sư trọng đạo, dịp lễ Tết hay ngày nhà giáo phụ huynh và học sinh thường hay tặng quà cho giáo viên dạy con mình để bày tỏ tấm lòng biết ơn, sự tri ân công lao các thầy cô đã dạy dỗ bảo ban con mình, thôi cô cứ nhận và dùng đi cho trẻ nó mừng nhé. Nói thế nào cô ấy cũng lắc đầu quầy quậy, mặt mũi đăm chiêu. Cô ấy nói cô ấy có lẽ sẽ trả lại món quà mặc dù rất không muốn cô bé học trò lớp 6 của mình bị tổn thương, bởi vì một đồng nghiệp của cô ấy đã bị phạt 4000 euro chỉ vì đã nhận món quà từ các phụ huynh. Mình và mấy người bạn Đức nữa ngồi bàn bạc với cô ấy cách xử trí với món quà và một ý kiến đề xuất được đưa ra thế này: cô hãy ra cửa hàng xem cái khăn đấy trị giá khoảng bao nhiêu tiền rồi về tuyên bố công khai trước lớp về trị giá món quà rồi sung vào quĩ lớp đúng số tiền ấy, như thế vẹn cả đôi đường, trò vui, cô cũng vui mà lại thanh thản, học sinh trong lớp qua đó cũng được một bài học ý nghĩa về sự tử tế, minh bạch.
Một cô em chơi thân với mình đợt Noel vừa rồi cũng tặng cô giáo của con 02 hộp Schocola, ngay hôm sau cô giáo gửi trả lại một hộp vì không được phép.
Hè 2001, trong một lần trở lại trường ĐHTH mình học ngày trước, mình có ghé thăm ông tiến sĩ phụ trách sinh viên nước ngoài và tặng ông món quà nhỏ mang từ Việt Nam. Món quà chỉ một chiếc cà vạt bằng lụa tơ tằm nhưng ông ấy đã kiên quyết từ chối "Bà Hoa ơi, cho tôi xin lỗi, tôi hiểu tấm lòng của bà nhưng tôi không được phép nhận quà, tôi không muốn mất việc."
Xã hội Đức nó nghiêm ngắn là thế. Ở Đức có qui định cụ thể về giá trị món quà giáo viên được phép nhận, ví dụ theo qui định của Hiệp hội giáo dục và dạy học bang Nordrhein-Westfalen thì:
– Nếu quà của cá nhân học sinh thì không quá 15 euro;
– Nếu quà của tập thể phụ huynh hay học sinh thì không được phép quá 25 euro và mỗi học sinh không được đóng góp quá 1 euro
– ….và vô số những điều khoản qui định khác nữa, rất chặt chẽ, cụ thể.
Cách đây không lâu một giáo viên ở Berlin (chính tại trường con của cô em mình học), một cô giáo rất nhiệt tình, tận tâm với nghề, được học sinh và phụ huynh rất yêu quí tin tưởng, đã bị phạt 4000 euro (may mà không bị mất việc) cũng chỉ vì đã nhận quà của lớp trị giá 200 euro. Vì yêu quí cô nên khi chia tay cô để lên lớp mới phụ huynh cả lớp đã bàn nhau quyên góp mỗi người 10 euro mua tặng cô bức tượng diễn viên hài nổi tiếng người Đức Loriot mà cô thích. Sau đó vụ việc bị báo chí phanh phui và không chỉ cô giáo chịu hình phạt ấy mà đến cả các phụ huynh học sinh cũng đang có nguy cơ bị truy cứu.
Chuyện Ta
Chuyện ta thì xưa như Diễm, ai cũng rõ, không cần phải nói nhiều. Người xứ ta đi học chẳng mấy ai hỏi nhau học được cái gì mà thường chỉ hỏi học mất bao nhiêu tiền. Cái ngày 20.11 đẹp đẽ và ý nghĩa là thế mà giờ cũng sắp trở thành “quốc nạn”. Kho tàng ngôn ngữ Việt trở nên phong phú hơn, nhiều khái niệm mới được ra đời cho theo kịp thực tiễn đời sống, ví dụ như “văn hóa phong bì”, cũng có khái niệm cũ được “thực tiễn hóa”, “đời sống hóa” và “hiểu theo cách mới”, ví dụ như khái niệm “đi chùa Thầy” từ lâu cũng đã được hiểu theo nghĩa mới, hi hi…. “Đi chùa” tập thể, “đi chùa” nhóm và “đi chùa” cá nhân,…
Không biết bao nhiêu lần học trò cao học cứ hỏi mình làm cách nào để tri ân công lao các Thầy Cô (họ muốn tri ân bằng “phong bì”), mình bảo các anh chị cứ học cho tử tế, làm việc cho nghiêm túc, đấy là cách tốt nhất các anh chị tri ân chúng tôi.
Trò đi thầy, thầy đi Sếp, Sếp của thầy lại đi Sếp cao hơn, Sếp cao hơn lại đi Sếp cao hơn nữa, cứ thế, cứ thế…. cái dòng chảy của xã hội này cứ mãi trôi theo hướng ấy không biết đến bao giờ mới có cơ ngừng lại. Một học viên của mình là phó phòng giáo dục một huyện miền núi. Khi thấy cô ấy dùng chiếc Iphone mình hỏi sao nghèo thế mà có tiền xài Iphone, cô ấy cười hồn nhiên bảo “họ” tặng em nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (họ tức là giám hiệu các trường trong địa bàn huyện mà cô ấy phụ trách). Mình chọc sao không thấy em tặng cô Iphone nhỉ, hi hi….
Buồn thế đấy, trường học đáng lý ra phải là nơi sạch sẽ, nghiêm minh nhất trong cái xã hội này, thế nhưng càng ngày đạo đức học đường càng xuống cấp. Cũng một học trò của mình, giáo viên một trường THCS giữa Thủ đô Hà Nội kể ở trường cô ấy cứ kì phân lớp cho năm học mới là cả đám giáo viên lại phải tốc lực chạy hiệu trưởng để được dạy lớp tốt (lớp chọn hoặc lớp khá), môn chính. Giáo viên dạy Văn mà bị phân dạy Sử hay Giáo dục công dân, giáo viên Toán phân dạy công nghệ thì cầm chắc là học kì đấy “đói rã họng”, bởi thế phải chạy. Mà không chỉ trường ấy…
Nhưng thôi, nếu kể những chuyện như thế có mà nghìn lẻ một đêm không hết.
Ai ai cũng nghĩ, mọi người “ăn” được, tại sao mình không “ăn” chứ. Vua ăn, quan ăn, dân ăn được cũng ăn. Vua ăn kiểu vua, quan ăn kiểu quan, dân ăn kiểu dân.
Trộm nghĩ, nếu luật pháp Đức áp dụng vào Việt Nam không hiểu sự thể rồi sẽ như thế nào? Lãnh thổ Việt Nam chắc phần lớn dành để xây nhà tù và kho bạc hết, he he…
————-
N.Thị Phương Hoa
Mai Kim Thành says
em nghĩ nếu luật pháp Đức áp dụng vào Việt Nam thì lúc đầu sẽ nhiều người vi phạm luật nhưng chỉ cần sử phạt nghiêm minh thì chỉ sau đó thời gian ngắn thì mọi việc sẽ đi vào qui củ cả thôi. Cũng là người Việt đi bộ ở VN thì vượt đèn đỏ,sang nước ngoài thì dừng lại. Chứng tỏ khả năng thích nghi của người Việt mình cao.
Phong says
“Chuyện Tây” hay quá chị ạ ! Mong chị bớt chút thời gian viết tiếp nhé. Cũng là một cách giúp cho xã hội ta mở mang,tiến bộ, được chút nào hay chút ấy.
nthiphuonghoa says
[quote name=”Mai Kim Thành”]em nghĩ nếu luật pháp Đức áp dụng vào Việt Nam thì lúc đầu sẽ nhiều người vi phạm luật nhưng chỉ cần sử phạt nghiêm minh thì chỉ sau đó thời gian ngắn thì mọi việc sẽ đi vào qui củ cả thôi. Cũng là người Việt đi bộ ở VN thì vượt đèn đỏ,sang nước ngoài thì dừng lại. Chứng tỏ khả năng thích nghi của người Việt mình cao.[/quote]
Không xây dựng được cái nhà nước pháp quyền thì làm sao thực thi pháp luật được nghiêm minh hở em?
nthiphuonghoa says
[quote name=”Phong”]”Chuyện Tây” hay quá chị ạ ! Mong chị bớt chút thời gian viết tiếp nhé. Cũng là một cách giúp cho xã hội ta mở mang,tiến bộ, được chút nào hay chút ấy.[/quote]
Ôi giời, trước còn có tham vọng “tẩy não” hay “khai tâm mở trí” chứ giờ xem ra tuyệt vọng dần rồi em ạ. Cảm giác cứ như đấm vào bị bông, hay không khí, hi hi…. Viết cho vui thôi em.
nhìn về phía trước says
Chị Hoa ơi em ngưỡng mộ bài mới quá. Chị không nhớ cún bảo nếu chuyển người đức về việt nam, người việt nam sang đức thì 15 năm sau việt nam thành nước đức còn nước đức thành thùng rác à. Đừng mong ước đừng hai đường thẳng song song gặp nhau, rồi lại thất vọng như bạn mù hát rong mơ câu truyện cổ tích. Hãy dừng tất cả các mong ước hão huyền và bắt đầu với việc tập vứt rác vào thùng,tập làm quen với tư duy đời không thể chỉ mơ là có, mà là mồ hôi sức lao động nỗ lực cần mẫn từng ngày của rất nhiều con người! Berlin –
Guest says
[quote name=”nhìn về phía trước”]Chị Hoa ơi em ngưỡng mộ bài mới quá. Chị không nhớ cún bảo nếu chuyển người đức về việt nam, người việt nam sang đức thì 15 năm sau việt nam thành nước đức còn nước đức thành thùng rác à. Đừng mong ước đừng hai đường thẳng song song gặp nhau, rồi lại thất vọng như bạn mù hát rong mơ câu truyện cổ tích. Hãy dừng tất cả các mong ước hão huyền và bắt đầu với việc tập vứt rác vào thùng,tập làm quen với tư duy đời không thể chỉ mơ là có, mà là mồ hôi sức lao động nỗ lực cần mẫn từng ngày của rất nhiều con người! Berlin -[/quote]
Thôi, tha cho nước Đức đi em, để chị còn có chỗ qua lại chứ nó thành đống phân thì chị lại hết chỗ đi, he he…
Lan Huong says
cô ơi, thật sâu sắc. Giá mà…, ước gì…
Ngoc Anh says
Đọc bài của cô mà em cứ thở dài suốt thôi cô ạ. Nghĩ mà buồn biết đến bao giờ nước mình mới nghiêm chỉnh ngay ngắn được như vậy. 🙁