Trịnh Hữu Tuệ [*]
Trong bài mới đây của mình, Dương Danh Huy nói anh “không tin rằng tất cả các trí thức Việt Nam đều không cần nói về tự do”. Diễn đạt ngắn gọn hơn, ý của anh là một số trí thức Việt Nam cần nói về tự do. Tôi đồng ý với anh ở điểm này. “Tự do” là một khái niệm quen thuộc, nhưng không phải vì thế mà nó dễ hiểu. Bằng chứng là nhiều trí thức vẫn sống như nô lệ, mặc dù về mặt pháp lý, họ là những công dân tự do. Một nô lệ không bao giờ dám phê bình chủ mình một cách công khai, mặc dù hắn có thể chửi ông ta như hát hay khi ngồi cùng bạn bè. Hắn luôn để ý đến tâm trạng của chủ để biết lúc nào nên nói, lúc nào nên im. Hắn khoái chí khi “chọc khéo” được chủ bằng câu này, câu kia. Có những trí thức coi cách sống này là khôn ngoan, thức thời. Họ hùng hồn phê phán chính quyền trên bàn rượu nhưng câm như hến khi ra trước công luận. Họ luôn tính toán xem lúc nào nên nói gì, và phải nói thế nào để “có người nghe,” để “không bị tường lửa.” Họ thỏa mãn với những comments tủn mủn kiểu hàng nước, đặt bên cạnh những mẩu tin lấy từ CAND. Những trí thức này nhìn Martin Luther King bằng con mắt ái ngại và nhìn Condoleeza Rice bằng con mắt thèm thuồng. Họ mải mê cân nhắc các “điều kiện thực tế” mà quên đi nhiệm vụ căn bản nhất của mình: nói sự thật.
Có người nói tôi quá đề cao giới trí thức khi tôi bảo họ có nhiệm vụ nói sự thật. Tôi không nghĩ vậy. Tôi không nghĩ nhiệm vụ này làm ai cao quý hơn ai. Nó là nhiệm vụ của tất cả mọi người. Tôi nhấn mạnh tầng lớp trí thức chỉ vì tôi nghĩ quá trình đào tạo, môi trường làm việc và quan hệ xã hội của họ mang lại những thuận lợi rõ ràng khi họ muốn nói sự thật. Đối với những người lao động chân tay, có internet để đọc đã là cả một vấn đề, nói gì đến chuyện viết một bài báo. Nhân đây cũng xin lưu ý rằng khi những người lao động chân tay bị kết tội im lặng, chẳng trí thức nào đứng ra bảo vệ họ.
Tôi vẫn nhớ vụ cô bé Nguyễn Thị Bình. Cô bé này phải làm không công cho một quán phở trong suốt 10 năm. Không những thế, Bình còn bị hai vợ chồng chủ quán thường xuyên đánh đập dã man. Những người sống xung quanh biết cả nhưng ai cũng làm ngơ, trừ một bà bán thịt bò. Lúc chuyện vỡ lở, hàng xóm của Bình bị công luận lên án kịch liệt. Họ bị gọi là “nhẫn tâm,” là “vô cảm,” mặc dù họ có nói là họ “sợ bị trả thù”. Lúc đó, chẳng Giáo sư nào nhắc đến “quyền được im lặng về một số vấn đề” của họ. Chẳng Phó giáo sư nào bảo họ “im lặng nhưng vẫn làm được những việc có ích”.
Chúng ta khác gì những người hàng xóm kia khi chúng ta im lặng trước những hành vi mọi rợ không kém? Có bao nhiêu người trong số chúng ta dám hé răng nói nửa lời khi Điếu Cày không được phép dùng màn tránh muỗi, khi Trần Khải Thanh Thủy bị ném phân vào nhà, etc? Có lẽ, chúng ta chỉ khác những người hàng xóm của em Bình ở khả năng biện minh cho sự im lặng của mình mà thôi. Phải, ta có thể tha hồ chửi rủa một bà bán quần áo hay một ông công an, nhưng khi ta động đến trí thức, ta sẽ được nhắc nhở rằng họ phải im lặng để “đạt được những mục đích cao hơn”. Ta sẽ bị coi là “simplistic, chưa có đủ cơ sở, và quá khắt khe,” sẽ bị gán cho một loạt những “fallacies” mà “người Việt hay mắc phải khi tranh luận”.
Một nô lệ vô học chỉ có thể hái bông. Một nô lệ biết đọc wiki có thể bắt nạt được một vài nô lệ khác. Một nô lệ có học như Condoleeza Rice có thể giết hại hàng trăm ngàn người. Nói đến đây, tôi lại nhớ đến một câu trong nhật ký của Victor Klemperer – một Giáo sư gốc Do Thái sống trong nước Đức Quốc xã. Ông nói về các đồng nghiệp chấp nhận đi theo phục vụ chính quyền phát-xít như sau.
“Nếu có ngày tình thế thay đổi và số phận những kẻ thua trận nằm trong tay tôi, tôi sẽ tha thứ đám dân thường. Thậm chí, tôi sẽ tha thứ một số lãnh đạo – họ có lẽ cũng chỉ là những kẻ thật lòng và không biết mình làm gì. Nhưng tôi sẽ treo cổ hết các trí thức, và tôi sẽ treo các Giáo sư cao hơn những tên khác một mét; tôi sẽ để chúng trên cột đèn chừng nào vệ sinh còn cho phép”.
Sự phẫn nộ của Klemperer, theo tôi, là hoàn toàn chính đáng.
THT
Nguồn: http://www.talawas.org/?p=8790
[*] Tiến sĩ ngôn ngữ học, giảng viên Đại học tại Đức
Trả lời