Theo trào lưu giật tít hiện nay cho ăn khách của các báo Việt Nam (đa phần là lá cải) thì bài viết này của mình sẽ phải được chạy với cái tít giận gân , gây sốc: "CẬU TÔI VÀ CÂU CHUYỆN CỤC CỨT CHIA ĐÔI" (he he…) cho ăn khách. Nhưng cậu chuyện này chỉ được đặt với tiêu đề thật giản dị "Cậu tôi", bởi:
1. Ngôi nhà thân yêu này của mình không xây trên vườn cải, hi hi…
2. Mình không tham gia "Hiệp hội những người trồng cải", ha ha
3. Các bạn ghé thăm ngôi nhà thân yêu này của mình chắc cũng không thuộc loại thích ăn rau cải, ho ho…
————————-
Bài đăng trên Tạp chí truyền hình VTC News số ra ngày 6.08.2012
Cậu là em kế mẹ tôi.
Kĩ sư địa chất tốt nghiệp ở Liên Xô về từ cuối những năm 60 của thế kỉ trước.
Đẹp trai và tài hoa. Từ vóc dáng cao lớn đến khuôn mặt đều mang vẻ lãng tử.
Mắt, miệng luôn cười tươi roi rói, mái tóc dài bồng bềnh hất hững hờ trên vầng trán rộng và sáng.
Đã thế, Giời lại hào phóng ban cho cái duyên ăn nói hóm hỉnh, hài hước. Nếu ai đã trót lỡ tán vài câu với cậu, bất luận chủ đề gì, từ chuyện chính trị cao siêu ở tận đẩu tận đâu bên Anh quốc hay Mĩ quốc, cho đến chuyện trồng rau, nuôi lợn, chăm chó, trông mèo, ắt sẽ khó mà dứt ra cho được. Chuyện chẳng có gì nhưng chỉ cần chạy vèo qua cái miệng của cậu là dân tình đã có thể được bữa tiệc cười nghiêng ngả. Có lần cậu khoe với lũ cháu chúng tôi:
– Ở cơ quan cậu, thủ trưởng quí nhất cậu. Cái gì cũng kể với cậu, đi đâu cũng tha lôi cậu đi cùng, cái gì cũng “nhất anh T.”, he he….
– Tại sao?
– Ha ha… vì cả cơ quan không ai thông minh bằng cậu.
Rồi với giọng nửa trinh thám, nửa bỡn cợt, cậu kể:
Cơ quan cậu mọi người vừa đuợc phân căn hộ lắp ghép, dân tình sướng như điên. Cái sướng nhất là thoát được cảnh xếp hàng dài dằng dặc mỗi sáng với bộ mặt nhăn nhăn nhó nhó khó tả trước khu hố xí công cộng trong khu tập thể. Thế nhưng, niềm vui chưa trọn nỗi thống khổ đã ập đến. Câu chuyện bên tách trà ba hào ở cơ quan bỗng rộ lên chủ đề “cái toa-lét” (thời đó mà được cái toa-lét ngồi xổm –tự hoại- ngay trong nhà đã là thiên đường lắm, làm gì có toa-lét bệt như thời nay). Mấy tay ở cơ quan được phân nhà mới cứ nháo nhác hết cả lên, ông viện trưởng cũng được phân nhà nhưng tịnh không thấy ho he một câu. Cậu không được phân nhà nên cũng không quan tâm mấy đến các cuộc tranh luận chủ đề này. Một hôm, viện trưởng đích thân mời cậu đến nhà chơi, (mời cơm hẳn hoi,, he he…) rồi khẽ thẽ thọt nỉ non “khổ quá ông ạ, chẳng biết cái toa-lét người ta thiết kế kiểu quái gì mà khi ngồi ị cục cứt tõm xuống là nước cứ bắn ngược hết lên cả đít, kinh quá. Cố chổng mông lên cao nó lại càng bắn mạnh. Ông thông minh, lắm mẹo vặt, ông nghĩ giúp mình xem có cách nào không. Mình nghĩ mãi mà chịu, vẫn chưa nghĩ ra cách". Ha ha… hóa ra gia đình tay viện trưởng cũng lâm vào cảnh ngộ bất an như nhân viên, nhưng vì sĩ diện nên không dám ỉ ôi gì ở cơ quan. Cậu ngồi nghĩ mấy phút rồi cười khà khà bảo ông viện trưởng kiếm cho cái vỏ hộp thịt/cá (thời chiến tranh, Trung Quốc, Liên Xô viện trợ đầy đồ hộp). Cậu lấy kéo cắt một miếng sắt tây, cắm xuống cái lỗ hố xí rồi cười khành khạch bảo “Chỉ cần cắm miếng sắt tây vào đây, khi cục cứt rơi xuống lập tức bị cắt làm đôi, khắc sẽ chìm xuống, có thách bố nó nước cũng không bắn ngược lên đít được nữa nhá”. Không ngờ cái “phát minh vĩ đại mang tầm thế kỉ” đó đã nhanh chóng bị ăn cắp bản quyền và từ đó trong các cuộc buôn dưa lê bán dưa chuột của đám dân cư khu tập thể của viện tịnh không còn thấy đề cập đến chủ đề hoành tráng nhưng không mấy thanh tao đó nữa, he he…
Nghe cậu kể thế lũ cháu chúng tôi cứ lăn lê bò toài ra cười.
Nói được, làm đuợc, và chỉ thích làm những việc mới mẻ hoặc to tát, đó chính là cậu.
Đẹp giai, tài hoa, đàn sáo tưng bừng (cậu chơi guitar và violin rất khá từ khi còn học bên Nga) nên được trang sức bằng cô vợ là gái chính gốc Hà Nội cũng là lẽ thường. Của đáng tội, nói thế cũng oan cho vợ cậu, tuy là gái Hà Nội xịn nhưng có lẽ do sớm mồ côi, lại lấy phải ông chồng suốt ngày “thăng thiên” nên từ khi lấy chồng, bao nhiêu cái chất yểu điệu thục nữ của gái Hà Thành được cô vợ gói ghém cất kĩ xem như kỉ vật thời thiếu nữ. Tay năm, tay mười, cô tôi xăm xắn, lo toan mọi việc trong nhà, ngoài họ. Khu Vạn Bảo chỗ Daewoo giờ là đất Thánh, nhưng ngày xưa ngôi nhà cấp bốn của cô cậu tôi tọa ở đó (do cậu tự xây). Vợ cậu thả bè rau muống, đến vụ thu hoạch chèo xuồng tôn đi hái rau mang bán, rau già cho lợn, rau non cho người, chả vứt đi cọng nào. Thời đó cả xã hội khốn khó, cậu thi thoảng cũng xắn áo giúp vợ một tay, nhưng cũng chỉ đủ cho cô vợ có cảm giác mình cũng đang sở hữu một đấng chồng, có thể nói là vô hại nhưng cũng … vô tích sự, hi hi…. “Nỗi lo cơm áo gì sát đất” ngày ấy dù có lớn mấy cũng không thể làm mòn vẹt tí nào cái chất lãng mạn trong con người này. Ngay thời còn ở trong căn nhà lá rách rưới sập xệ của khu tập thể giáo viên trường tiểu học Hoàng Diệu ở dốc Tập Lái phố Đội Cấn, cứ chiều đến, dân tình xung quanh vẫn thường xuyên nghe tiếng đàn violin nuột nà hay tiếng guitar phừng phừng của cậu. Nhà nào nhà nấy ai cũng trợn mắt rướn cổ nhai cơm trộn bo bo với rau muống luộc chấm nước mắm mậu dịch chát xít hơn cả muối mà được khuyến mại thưởng thức món thức ăn tinh thần thanh tao như thế thì còn gì bằng, he he… Chất lãng mạn đích thực của hiện thực xã hội chủ nghĩa có lẽ không phải tìm ở đâu xa mà nằm ở ngay chỗ đó.
Những năm bảy mươi và đầu những năm tám mươi thế kỉ trước, dân tình ai cũng hăm hở chúi đầu hì hụi ngốn cái món tiếng Nga. Thời đó, ai được sang Nga là oai như cóc, chuyến đi có ngắn ngày đến mấy cũng tranh thủ vọt ra quảng trường Đỏ làm kiểu ảnh (đứng kiểu “chó đái”, chân co chân duỗi, he he..) về khoe với anh em bạn bè, tất thảy ai cũng xuýt xoa, trầm trồ ngưỡng mộ. Thế nhưng, ngay từ thuở xa xưa ấy, ngày ngày con người gàn dở đó đã cặm cụi ngồi nghiên cứu vạch ra những cái dở, cái lỗi thời của chủ nghĩa Mác (may mà không bị cho đi bóc lịch) và đã biết nhìn xa trông rộng, học và luyện tiếng Anh nhoay nhoáy, bởi thế cứ có suất xuất ngoại nào là cậu được cho tên vào danh sách. Nhưng chắc do nặng vía quá nên mãi đến năm 1990 cậu mới được suất xuất ngoại 2 tháng sang Malayxia. Ngày đó, được chuyến xuất ngoại là oai như cóc, là mang thân đi “cứu nước, cứu nhà”. Cả nhà hớn hở, cả họ mừng vui, mơ về một cuộc đổi đời nho nhỏ. Bao nhiêu tiền của anh em họ hàng, bạn bè chiến hữu hí hửng gom góp giúp cậu đầu tư cho chuyến đi. Nhưng chẳng ai ngờ đó là chuyến đi “định mệnh”. Đi thì chủ yếu là áo phông và“đồ bò” (quần bò, váy bò), về thì tam thất. Nhưng khốn nỗi, thứ đồ lạc mốt cậu mang sang bên xứ Mã chẳng ma nào thèm mua nên sau đó lũ cháu chắt trong họ cả loạt phải nghiến răng đồng phục đồ bò. Còn mớ tam thất thì vừa bán vừa cho cũng không đắt, đi rao bán mà phải mang bộ mặt van lơn thiểu não như đi xin tài trợ. Khổ quá, khổ quá. Những nợ nần sau chuyến đi, kéo theo là những tiếng bấc, tiếng chì ném qua ném lại đã thổi ào lên cơn dông tố cuốn phăng cuộc hôn nhân được nuôi dưỡng bao nhiêu năm bằng đức tần tảo hi sinh của người vợ, dù đã có với nhau hai mặt con, nếp tẻ đủ cả. Sức chịu đựng của con người cũng có hạn. Dù có tốt đến mấy, chịu thương chịu khó đến mấy cô vợ cậu cũng không thể tiêu hóa được cái giống người đâu mà suốt đời cứ đằng vân giá vũ, thăng thiên ở tận đẩu tận đâu. Người đâu mà không làm ra tiền nhưng lúc nào cũng coi tiền không bằng rác. Tuy nhiên, không hiểu sao đến giờ tôi vẫn cứ cho rằng chính chủ nghĩa Mác mới là thủ phạm chính làm tan vỡ cuộc hôn nhân của cậu, he he… Thử hỏi trên đời này có con đàn bà nào chịu được cái cảnh trời nóng như đổ lửa, lợn kêu, con khóc, thùng gạo, can dầu rỗng tuếch mà ông chồng cứ như vừa câm vừa điếc, ung dung hết giờ này sang giờ khác thượt lưng ngồi thù lù một đống bên cái bàn đặt giữa nhà để nghiên cứu chỉ ra những cái sai của học thuyết Mác. Lắm lúc lên cơn hen rụt cả cổ lại vẫn còn cố mà đọc, mà viết. Tôi nghĩ, giá Mác-Ăng ghen chỉ cần thiên tài hơn một chút, chịu khó nhìn xa trông rộng hơn chút nữa, thì chắc vợ cậu đã không có lý gì để li dị một người đàn ông như cậu, he he… Giữa những năm 80 của thế kỉ trước, trong bữa cơm tiễn ông anh con bác tôi (gọi cậu tôi là chú ruột) sang Nga du học ngành Triết, cậu nửa đùa nửa thật buông một câu: này thằng kia, mày đi học Triết về cho giỏi giang mà viết cuốn “Sự khốn cùng của Triết học Mác xít" nhá, he he… Nói thế thôi chứ cậu tôi cũng là người rất biết điều và cái văn hóa học được bên Tây (cho dù là Nga ngố, he he…) xem ra cũng có ích phết. Sau khi ra tòa li dị xong xuôi, cậu một mình xách valy ra đi với mấy bộ quần áo, không một lời mè nheo đòi phân chia tài sản. Mà của đáng tội, tài sản thời đó có quái gì để mà chia ngoài căn nhà cấp bốn, không lẽ chia bôi để vợ con ra gầm cầu ở.
Cậu tôi Nam tiến.
Với hi vọng một là để đổi đời, hai là để thoát khỏi cái khí hậu ẩm ướt luôn hành cậu bằng những cơn hen.
Vợ cậu và lũ nhỏ ở lại Hà Nội. Mấy mẹ con làm thêm đủ thứ nghề để mưu sinh, kể cả quét sân trường học. Vợ cậu ngày trước từng là hiệu phó của cái trường tiểu học nổi tiếng mà vừa rồi phụ huynh hăng máu đạp tung cổng trường để lao vào mua đơn xin học cho con được báo chí cả nước đăng tải ầm ầm. Hiệu phó ban ngày, lao công ban đêm. Thử hỏi có mấy ai dám vượt qua cái chữ sĩ to đùng để làm được như thế? Dù nuôi con một mình có khốn khó đến mấy nhưng cô bảo chưa bao giờ cảm thấy ân hận là đã li dị cậu.
Rồi vào một ngày đẹp trời mấy năm sau đó, con trai cậu nhận được cuộc điện thoại của bố với giọng cười sang sảng “Mấy mẹ con có khỏe không? Bố các con hôm nay làm chú rể nhé”.
Cậu tôi lấy vợ.
Kể ra cậu cũng tốt số lấy vợ. Tập hai của cậu cũng là một cô gái gốc gác Hà Thành, nhan sắc vào loại khá nhưng không hiểu sao lại nhỡ thì.
Chắc cậu có số “thân cư thê” nên cả tập một lẫn tập hai ai cũng chổng mông lên lo phục vụ cậu. Tập hai của cậu, cô gái già bà vợ trẻ của cậu, nguyên là giáo viên, không thể cứ “sướng bằng lông” mãi nên từ lâu đã giải nghệ ra làm ngoài. Tập hai ngưỡng mộ trí thông minh, tính hài hước và tài ăn nói của cậu lắm nên có vất vả mấy cũng vẫn cứ cười tít mắt phục vụ vô điều kiện. Ai nhòm vào cái tủ lạnh nhà cậu cũng choáng. Nhìn các khẩu phần ăn cho từng bữa kèm theo là những lời dặn dò đính kèm trên nắp hộp ai cũng tưởng nhà có con nít cần chăm sóc đặc biệt (hai ông bà không có con chung), hi hi…. Đi đâu, gặp ai, có mở miệng ra nói chuyện gì thì loay quanh một hồi cũng lại quay về chủ đề “Anh T nhà mình”, rồi tự bụm miệng cười rinh rích. Mẹ bố khỉ, mật độ các câu “anh T nhà mình bảo thế” cứ dày chìn chịt không thua gì mật độ các câu trích dẫn Lê Nin đã nói hay Mác – Ăng ghen đã nói trong các công trình nghiên cứu về khoa học xã hội ở Việt Nam thời trước, he he…
Làm cho vợ say mình, sùng bái mình mà phục vụ vô điều kiện thì không ít đàn ông xứ này làm được, chỉ cần dẻo mỏ tí là xong vì đàn bà xứ này là cái giống "thậm ngu" (sorry tí, hi hi..), chỉ phỉnh cho mấy câu là chổng hết cả phao câu lên lao đi hầu hạ dạ vâng cả họ nhà chồng. Cái mà ít đấng mày râu làm được nhưng cậu tôi lại làm rất tài, đó là “xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân”, he he… Tôi đùa bảo đáng ra phải “báo cáo tổ chức” phân cho cậu về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỗ ông Huỳnh Đảm để phụ trách mảng này mới phải. Cậu còn có những độc chiêu gì nữa tôi không rõ, chỉ thấy lần nào gọi điện hỏi thăm tập một và các con ngoài Hà Nội không bao giờ cậu quên nhắn một câu rằng tập hai gửi hỏi thăm tập một và các con, và ngược lại, cũng đều như vắt chanh, sau khi kết thúc cuộc điện thoại cũng không bao giờ quên chuyển lời hỏi thăm của tập một và các con tới tập hai. Tập một và tập hai thực sự có hỏi thăm nhau hay không thì chắc chỉ có Chúa mới biết, he he…. Thế nhưng, chẳng hiểu thế quái nào mà không bao lâu sau tập một tập hai của cậu dính nhau như nhựa. Khi đứa con gái tập một mua xe, thậm chí khi tập một xây nhà, tập hai đều gửi tiền ra hỗ trợ với lời nhắn “chị cứ cầm lấy cho em vui nha chị”. Tập hai lần nào ra Hà Nội chơi cũng ghé vào đàn đúm ăn uống với tập một cùng các con. Cả nhà cười nói, chuyện trò ríu rít. Tôi vẫn hay tếu táo đùa trêu hai bà “gớm, bà cả vừa ôm hôn thống thiết bà hai vừa cảm ơn rối rít là em đã hót giúp chị cái cục nợ… đời, chị phải cảm ơn em lắm lắm nha”, ha ha… Hai bà nghe vậy cười tít mắt. Rồi lũ con của tập một cứ mỗi lần vào Sài Gòn chơi nhởi hoặc công tác đều vác theo lũ nhóc quẳng cho tập hai của bố rồi thẳng cánh lượn. “Bà nội rởm” sướng run người vì có dịp hầu lũ cháu nên cười hinh hích. Ngày nghe tin tập một phải nằm viện K điều trị ung thư vú, tập hai hốt hoảng gói ghém tiền bạc giục cậu ra Hà Nội chăm sóc tập một. Mà cũng phục cậu thật, nhiều ngày liền cứ lăn lóc ở bệnh viện cả ngày lẫn đêm để chăm sóc vợ cũ, mặt mũi tuyệt không thấy lúc nào quạu cọ, nhăn nhó, hay tỏ thái độ miễn cưỡng, thêm nữa mồm miệng cứ tỉnh queo “mẹ ăn gì để bố đi mua?”, “mẹ phải chịu khó ăn thêm cho chóng khỏe chứ”, “mai cơ quan bố đến thăm mẹ đấy nhé” (cơ quan cũ của cậu ở Hà Nội), hi hi… Cả buồng bệnh tuyệt không ai biết đây là cặp vợ chồng đã có hơn hai chục năm thâm niên li dị. Tuy cô đã bỏ cậu hơn hai chục năm có lẻ nhưng cả họ nhà tôi xưa nay tịnh không có ai coi cô là người ngoài, các ngày giỗ ông bà, rồi đám cưới, đám hỏi lũ cháu chúng tôi chưa bao giờ vắng mặt cô, bởi thế, khi biết cô ốm nặng ai cũng nhào vào chia sẻ.
Trước Tết năm ngoái, nghe mẹ tôi mặt mũi rầu rĩ và thì thào kể, tập hai của cậu gọi điện ra Hà Nội tâm sự nỉ non gì đó dài lắm với tập một và chốt lại một câu xanh rờn “Càng ngày em càng hiểu vì sao ngày xưa chị cương quyết bỏ anh ấy. Em rất thương chị”. Tôi nghe xong thì nhe răng ra cười hềnh hệch bảo "Rõ hâm, thân mình không thương cứ lo đi thương người khác", còn mẹ tôi thì lo thon thót chỉ sợ không khéo tập hai lại cao hứng làm theo gương tập một cương quyết dứt áo ra đi thì gay. Mẹ tôi bảo, giờ ngoài bảy mươi rồi mà bị vợ bỏ thêm lần nữa thì chỉ còn nước chết. Không ai may mắn đến lần thứ ba được đâu.
Hóa ra là tập hai của cậu tôi ghen…. he he….
Cậu tôi đã thề sống thề chết là “không có chuyện gì đâu” mà vợ cậu vẫn ghen.
Hề hề… ai bảo cậu già rồi mà vẫn phong độ làm gì, vẫn hào hoa phong nhã làm gì, vẫn phóng xe ô tô ầm ầm ngoài đường làm gì để cho vợ cậu phải……. ghen cơ chứ, hi hi….
——————
N. Thị Phương Hoa{jcomments on}
Ha says
Hay qua co oi, em doc ma cu cuoi hinh hich. 😀
TNT-Vinh Phúc says
Em đọc những bài viết của cô, bài nào cũng gây cho em ấn tượng, cám ơn cô.
Lan Phuong says
Có phải e viết về ông nhà thơ Anh Ngọc đấy phải ko?
nthiphuonghoa says
@ Lan Phuong: ko đâu, đây là anh trai ông Anh Ngọc, một con người thông minh và thú vị cực kì, hi hi….
Nhung says
Oài, giờ lại biết thêm Hoa mama là cháu ngoại dịch giả Nguyễn Đức Vân. Kiếp trước mama ăn gì mà sướng thế! Sinh ra trong gia đình KHỦNG quá đi mất! Nhưng thế này liệu CỐNG có bị áp lực j ko nhỉ hehehe hahaa :p
nthiphuonghoa says
@ Nhung:
có học tiếng Trung/Hán Nôm giề giề đó ko mà bít dịch giả Nguyễn Đức Vân nhờ? Thế ổng dịch những tác phẩm giề có bít ko hở? 😉
Nhung says
Nói cho cô biết con là FAN ruột của HỒNG LÂU MỘNG nhá! 😉
ThanhHoa says
Em Hoa cô ạ
Mấy hôm vừa rồi đi coi thi tốt nghiệp vừa mệt vừa bực mình, đọc Cậu tôi xong, mọi thứ tan hết.Cười ngả nghiêng, sung sướng. Đã quá cô ạ!
Thanks cô rất nhiều!
Meng Jun says
Được anh bạn giới thiệu cho đọc trang này. Mới đọc có bài này thôi. Viết duyên quá!
nthiphuonghoa says
@ Meng Jun: Vậy thì xin mời bạn từ từ “khám phá” tiếp nha.
@ Thanh Hoa: Bj tra tấn mấy ngày liền còn gì. Chia bùn nha, ha ha…
xứ quảng says
Tôi một thời cũng “cặm cụi” như bà;Rồi thời gian cộng với “lời phê” hâm của mọi người nên mệt mỏi và đánh một dấu chấm to đùng. Nay vô tình đọc bài của “bà” thấy vẫn “cháy” lắm. Chúc luôn “bốc cháy” nhe.
(Người bạn cũ)
ThoaPhung says
Cứ lúc nào rối trí, lằng bà nhằng; vào thăm “cô” là thấy đầu nhẹ thênh thang. Cảm ơn cô giáo em.
Em Thao be nho says
Con rat thich giong dieu cua Co viet.Co la nguoi Thay tuyet voi trong long Con
Rọn vườn says
Ke.ke.ke…
Bà này hỏng rồi… đang làm giảng viên, giờ đi viết văn. Không biết đặt thể loại bài này là gì? Truyện, Phóng sự, hay ký sự…? Viết chẳng ra gì mà cứ mải miết đọc đến hết lại muốn đọc tiếp!
Đúng là …hạng cá biệt, hạng ngoa ngôn…May mà học viên họ không kiên về vụ này! ke,ke,ke…
Đời thường mà chẳng thường tẹo nào…
Viêt tiếp Phương Hoa nhé, viết về ông câu đi…
nthiphuonghoa says
@ Rọn vườn:
Ối giời, văn chương quái gì đâu. Viết lách lăng nhăng cho đời nó đỡ buồn ấy mà. Với lại toàn kể “chuyện nhà” đấy chứ, hi hi…
Hoang Hanh Phuc says
Đúng thật là “Hổ phụ sinh hổ tử!” Hihi.
Hồ Thị Phương Hoa says
Bài viết của chị hay quá.
tuyet says
Hay tuyệt.Mụ viết tiếp về ông cậu cạnh nhà tôi đi nhé