Nhiều phụ huynh viết mail hỏi thủ tục cách thức tìm trường chọn lớp cho con ở đây. Sau gần năm sinh sống, đã đi khảo sát thực tế >30 trường ở Berlin, so sánh với 3 lần đi xin học cho Cún ở hà nội, lần 1 vào nhà trẻ Mầm Non B Phan Chu Chinh lúc Cún 4 tuổi mới về, lần thứ 2. vào cấp I Tràng An 2007, và lần thứ 3. vào cấp II Trưng Vương 2012 mình thấy khác cực kỳ. Xin trình bầy tổng quát như sau.
Ở đây nếu ai ấm ớ không biết gì, không có thời gian, không quan tâm thì cứ ra quận nơi mình cư trú đăng ký. Rồi họ sẽ tự phân bổ cho con vào trường đi học. Nhưng mình thấy như vậy là vô trách nhiệm. Theo mình phụ huynh nên tự tìm hiểu thông tin. Không cần quen biết, không cần phong bì, không cần thư giới thiệu, không được phép nghe hơi nồi chõ. Đầu tư thời gian tìm hiểu trên google. Có rất nhiều diễn đàn cha mẹ, hội phụ huynh, hội học sinh, ranking ví dụ như schulkompass, unikompass v.v người ta post lên chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm, chấm điểm bình bầu trường nọ trường kia, dựa theo tiêu chí nọ tiêu chí kia.
Tuy mất nhiều thời gian nhưng sẽ tránh bị lừa bị thất vọng. Và điều quan trọng nhất khi chọn trường chọn lớp là bố mẹ phải cùng với con xác định sở trường sở đoản của con thuộc dạng typ nào, thiên hướng khả năng học tập ra sao, nếp sống thói quen lao động kỉ luật thế nào…
Sơ sơ ở Berlin có bốn loại trường chuyên. Chuyên về tự nhiên, Chuyên về xã hội, Chuyên về thể thao, Chuyên về âm nhạc. Gọi là chuyên nhưng không giống ở nhà vứt hết cả đi chỉ tập trung vào 3 môn chuyên mà vẫn phải học đầy đủ số lượng môn học, tiết học theo qui định.
Tạm chia 3 loại hệ thống trường khác nhau, gọi là A, B, C. A là hệ trường Gymnasium, hệ học 12 năm, ở Berlin có 90 trường thuộc hệ A. B là hệ 13 năm, C là hệ 10 năm. Hệ A là loại dành cho trẻ em sáng sủa, hiếu học, có mong muốn học lên cao, có nhu cầu học sâu hiểu rộng. Bạn nào phổ thông đã học hệ A thì sau này học Universtiaet, bạn nào học hệ B thì Fachhochschule, hệ C thì Ausbildung. Tất nhiên học sinh có thể chạy lung tung giữa 3 hệ này, miễn là đáp ứng đủ khả năng yêu cầu, thiếu cái gì thì bổ sung thêm..
Khi học xong nhà trẻ, bắt đầu 6 tuổi các bạn đi học lớp 1, cấp I. Hết lớp 4 sẽ có lần sàng lọc đầu tiên. Bạn nào giỏi giang, "đỗ" lần sàng lọc đầu tiên này thì hết lớp 4 chuyển lên cấp II bắt đầu vào học lớp 5 hệ A. Bạn nào chưa tỉnh ngủ thì tiếp tục học cấp I đến hết lớp 6, qua một lần sàng lọc lần thứ 2 nếu "đỗ" thì chuyển lên cấp II bắt đầu vào học lớp 7 hệ A 12 năm.
Bạn nào vừa vừa chưa tỉnh hẳn thì vào lớp 7 hệ B 13 năm, học đến hết lớp 10 có một lần sàng lọc thứ 3. Nếu "đỗ" thì học tiếp 3 năm. Nếu không "đỗ" tức chỉ học hệ C 10 năm, sau đó thì đi học nghề. Các hệ này khác nhau nhiều về khối lượng bài vở điểm chác và triết lý đào tạo. Hệ 12 năm học nhiều về lý thuyết. Số lượng bài vở thi cử tư duy viết lách nhiều hơn hẳn so với hệ 13 năm. Hệ 13 năm lý thuyết ít, thiên về thực hành thực tế.
Như vậy có thể hình dung ví dụ một bạn "mẫu mực" đi học 12 năm, thì 4 năm đầu học trường cấp I, và 8 năm sau học trường cấp II + cấp III, tại cùng một trường. Nếu ai có nhu cầu thì việc chuyển trường chuyển lớp chuyển quận chuyển bang bất cứ lúc nào cũng được, không tốn kém khó khăn nhiêu khê phức tạp gì cả.
Những lần sàng lọc này không phải là một kì thi hóc búa "nghìn cân treo sợi tóc" như ở nhà mình. Mà do thầy cô giáo quan sát đánh giá nhận xét cả mấy năm học. Họ không chỉ "chấm điểm" khả năng làm toán = IQ. Họ còn dựa vào rất nhiều tiêu chí để đưa ra bảng nhận xét tổng quát EQ. Ví dụ như khả năng tập trung, khả năng tự lập, khả năng làm việc nhóm, khả năng chịu trách nhiệm, khả năng lãnh đạo, khả năng giải quyết mâu thuẫn, khả năng chịu áp lực, v.v Sau đó cô giáo sẽ viết thư tư vấn cho cha mẹ là nên cho con vào lớp nào trường nào, hệ 12 hay hệ 13 năm. Em nào cực kỳ xuất sắc thì có thể nhẩy cóc 1-2-3 lớp. (mẹ nào có nhu cầu thì bảo tớ gửi cách họ chấm điểm nhận xét EQ để xem tận mắt).
Mục tiêu duy nhất của những lần sàng lọc này là để giúp cha mẹ và các em tìm được trường fit nhất cho bản thân. Vì họ tuyệt đối tin vào lý thuyết chỉ khi nào fit thì học sinh mới flow được. (mỗi con ong trong một tổ ong có vị trí của mình)
Nhìn chung các trường rất cởi mở đầu vào. Có nghĩa là bạn nào cảm thấy mình giỏi giang muốn tham gia thì cứ việc tự đăng ký. Trong quá trình học thấy không theo được, hoặc không phù hợp thì tự bạn lại đi ra. Không ai chế nhạo dè bỉu. Bạn nào 10 năm đầu chưa tỉnh ngủ, đùng một cái chạm đũa thần khát khao trở thành Genie thì bạn luôn luôn có cơ hội. Thông điệp đưa ra rất rõ ràng "Không có gì là không thể". Người ta tháo khoán đầu vào kiểm soát đầu ra. Tức là vào thì thoải mái, còn có tốt nghiệp, có ra được hay không thì phụ thuộc vào thực lực của chính bạn. Ngược hẳn với nhà mình.
Khi đã tham khảo nghiên cứu chọn được trường thì bước thứ 2 là viết mail. Gửi thẳng cho hiệu trưởng hay ban giám hiệu. Trong vòng 1-4 ngày 100% sẽ nhận được mail trả lời hoặc điện thoại trực tiếp của hiệu trưởng. Năm ngoái lúc còn ở việt nam, tức là xin cho Cún sang đây học lớp 7 ở trường quốc tế Berlin International School ông xã mình trao đổi với trường qua mail. Sau đó người ta gửi đề bài kiểm tra về viện gớt. Cún ra đó làm online. Lệ phí trả công viện Gớt trông thi mất hơn 100$. Sau 1 ngày có kết quả họ mail về báo đỗ nhận vào học. Rất đơn giản, chẳng thấy xét thêm bất cứ cái gì. Không xét tài chính hay xét hộ khẩu cũng không xét đạo đức học bạ của Tràng An/Trưng Vương. (bây giờ mình mới biết họ làm gì có thời gian để đọc cái thứ chết tiệt đó).
Lần vừa rồi chuyển trường, hết lớp 7 trường tư quốc tế, sang trường công lớp 8 Gymnasium mình đã viết thư cho ít nhất 20 trường. Berlin có 13 quận, mỗi quận có nhiều trường. Mình muốn xem cụ thể người Đức làm ăn đối xử với người nước ngoài thế nào. Và mình thực sự kinh ngạc. Không thể tưởng tượng được hiệu trưởng ở đây trách nhiệm nhiệt tình, giải quyết đơn từ nhanh gọn như thế
Thực lòng nhận điện thoại xong nhiều khi mình tưởng đang nằm mơ. Sau 3 lần xin học cho con ở nhà, mặc dù trường cách nhà 500m, nhưng đều trái tuyến you know mất rất nhiều tiền. Tiền không tiếc vì mình hiểu cô cần tiền đóng cho bác sĩ. Để được việc mình luôn trả cao hơn thị trường, nhưng thú thật mình thường có cảm giác không vui vì đang ăn cắp cơ hội của người khác. (tháng 6.2014 mình có gửi 2 mail về 2 trường đại học và 3 trường cấp II và 3 trường cấp III top của vn, đến nay chưa có bất kỳ trường nào trả lời. Người việt đối xử với người việt như thế có được gọi là phân biệt kỳ thị không?)
Khi họ mail hoặc gọi điện thì họ cho lịch mời phụ huynh + học sinh đến gặp trực tiếp. Thường thì họ muốn mời phụ huynh + học sinh đến cùng một lần. Nhưng vì mình cầu kỳ, bao giờ mình cũng xin lịch đi gặp hiệu trưởng trước, để check qua xem thế nào. Nếu trường nào có gì không ưng thì mình thôi luôn. Còn trường nào hợp lý thì mình mới xin tiếp lịch để đưa Cún đến.
Cún và mình đã đi gặp ít nhất 10 hiệu trưởng của 10 trường. Mình rất khoái chí vì Cún được tập luyện mà không mất đồng nào. Và mỗi lần là một trải nghiệm vô cùng thú vị, cực kỳ ấn tượng. Mình xin kể lại cuộc nói chuyện với thầy hiểu trưởng Steinke ở trường Gymnasium Dreilinden, 30 phút, ngày 11.6. vừa rồi.
Thầy: Chào bà, chào Julie (ở đây gọi Cún là Julie cho tiện)
Mình và Cún: Hallo ông Steinke
Thầy: Julie, bạn có thể cho tôi biết tại sao bạn đến đây hôm nay?
Cún: À, tôi đang đi tìm trường. Vì tôi muốn năm tới chuyển vào trường Đức học cho đỡ tốn tiền. Tôi đọc trên web thấy trường của ông có nhiều cây xanh và không quá xa nhà tôi.
Thầy: Julie, bạn hãy kể cho tôi nghe một ngày bình thường trong tuần của bạn như thế nào?
Cún: 5h45 dậy, tắm + tập nhạc 15 phút + ăn sáng, 6h50 ra khỏi trường, 16h về đến nhà, nghỉ ngơi + học bài + học nhạc hoặc đi tập thể thao, ăn tối, xem 10 phút thời sự, 20h45 lên giường đi ngủ. Thỉnh thoảng đi nhà hát, đi xem phim, đi dự sinh nhật bạn bè.
Thầy: À, bạn học nhiều thế, thế bạn nghỉ ngơi vào lúc nào? Tôi mong bạn không phải học nhiều quá như thế. Bạn đừng quên <12 tuổi mỗi ngày phải ngủ 10 tiếng, >12 tuổi thì 9,5 tiếng. Nếu ngủ ít các bạn không minh mẫn sáng tạo đâu. Bạn đang tập đàn bài gì đấy? Cún nói đang tập bài gì đó của Bethoven. Thầy bảo thế thì nên đánh thế này thế kia, chỗ này hay chỗ kia khó. Thầy hỏi ý Cún thế nào về bản nhạc này, có thích Bethoven không?
Thầy khen, Julie thật là chăm chỉ, có mấy bạn Đức nào bây giờ chịu khó như thế đâu! Sau đó thầy hỏi thể thao thì tập cái gì? Cún bảo đánh bóng bàn ở trường Hesse Gymnasium. Thầy kể ngay là thầy dậy trường đó 10 năm, hồi đó thầy cũng có một học sinh người Việt tên là Minh, thầy chuyển sang trường này vì làm mãi một trường cũng chán, để sống được con người ta cần tìm nhiều thử thách mới. (vì câu này mà mình phải lòng thầy mất mấy giây). Thầy còn kể là thầy thích âm nhạc, một tối trong tuần thầy dẫn vài bạn học sinh đi chơi nhạc cho quán bar kiếm thêm tiền và cho vui.
Sau một lúc ice-breaking thì thầy tăng tốc độ. Xoay cho Cún chóng mặt, liên tục ngang dọc từ đề tài này sang đề tài kia. Chắc là để xem Cún có tỉnh táo minh mẫn tự tin không. Thầy hỏi Cún các môn Cún đang học là những môn gì, nêu ra cụ thể. Đi đến trường bằng phương tiện gì, tại sao lại đi như thế. Toán đang học cái gì, Lý đang học cái gì. Cún thích học phần nào không thích học phần nào, tại sao lại thế.
Rồi thầy hỏi về bạn bè. Hỏi lớp Cún các bạn giải quyết mẫu thuẫn nội bộ như thế nào? Mỗi lần trong lớp có mâu thuẫn thì vai trò của Cún là gì. Cún có dominant không. Rồi Cún đang đọc sách gì, nhân vật nào Cún thích nhất, câu chuyện diễn ra ở đâu, thời đại nào, nói về cái gì. Phòng của Cún ở nhà đồ đạc gồm những gì kê như thế nào. Chỗ nào Cún ngắc ngứ không biết diễn tả thì thầy bảo nếu thích thì cứ nói tiếng Anh hoặc tiếng Pháp hoặc Latain hoặc tiếng Nga đều được (vì tiếng Đức của Cún vẫn rất lùn). Thầy hỏi Cún có thích làm việc trong nhóm không, Cún thấy cuộc sống ở đây thế nào, phải xa bạn bè ở vn Cún có buồn không, Cún có nhớ vn không, bạn Đức có tốt bằng bạn vn không?
Câu cuối cùng thầy hỏi ở vn các bạn bầu lớp trưởng như thế nào? Haha, đúng vấn đề Cún ấm ức, vì 5 năm cấp I, nhiều lần Cún và bạn Cún định lật đổ Trang lớp trưởng nhưng cô giáo không ủng hộ. Ở đây từ mẫu giáo trẻ em đã quen tranh đua ứng cử tự bầu bán thủ lĩnh lãnh tụ của mình. Hiện ở Đức có >17 đảng to nhỏ, kiểm soát sát sao chính phủ và bậu sậu, liên tục đưa ra các chính sách cạnh tranh dụ dỗ lá phiếu của dân. Tớ sống ở Đức 25 năm, vào quốc tịch Đức được 14 năm, chưa bầu bán bao giờ. Vừa mới ra nhập đảng Afd do giáo sư kinh tế Bernd Lucke đang dậy trường đại học Hamburg thành lập năm 2011. Mình thích bạn này vì mới 52, còn trẻ chưa lú lẫn, biết đọc biết viết, có 1 vợ 5 con, nói năng lưu loát, có khả năng nhận biết tận gốc các vấn phức tạp…
Tóm lại cả buổi gặp diễn ra rất tự nhiên. Nhưng thực ra nó có cấu trúc nội dung rõ ràng, chính là một cuộc interview các mẹ ạ. Thầy muốn xem cún có tư duy linh hoạt, có chính kiến bản lĩnh hay không. Tớ choáng lắm. Nhưng Cún thì không, vì Cún đã được lôi đi tập luyện cho lên thớt nhiều lần rồi.
Thầy rất thân thiện, từ tốn, không chặn họng, không áp lực, không làm cho trẻ con sợ hãi. Các bạn cứ tự nhiên thao thao bất tuyệt như đang tán phét với bạn bè. Mình là phụ huynh ngồi bên cạnh nhưng chủ thể duy nhất là Cún. Thầy không quan tâm mẹ Cún làm gì, hộ khẩu nhà Cún ở đâu, giàu hay nghèo, trước đây Cún học ở đâu thành tích thế nào. Cái thầy quan tâm duy nhất là tư vấn cho Cún nên vào lớp nào phù hợp khả năng nhất, để Cún và các bạn lớp mới của Cún tất cả đều fit. (một lớp họ chỉ nhận 1-2 bạn mới để không làm lớp bị rối loạn).
Sau cuộc nói chuyện thầy nhận xét Cún mới sang như thế rất nỗ lực nhưng tiếng Đức chưa đủ để vào học ngay lớp 8. Thầy khuyên môn tiếng Đức thì học lớp 7, tức là tụt 1 lớp. Còn các môn khác thì ngồi lớp 8. Tất nhiên ngay lập tức thì thầy chưa dám chắc tư vấn như thế có tối ưu hay không, thầy hứa sẽ cùng các thầy cô giáo quan sát kỹ từng ngày. Nếu Toán tiếng Anh Nhạc tốt thì mời Cún ngồi lớp 9.
Mình toát cả mồ hôi. Thế hóa ra con nhãi ranh nhà mình một lúc học 3 lớp à! Mặc dù đã nghe có mô hình này nhưng mình vẫn không tin họ thực sự có thể manage được điều đấy. Sau đó thầy dẫn hai mẹ con sang phòng giáo vụ làm thủ tục nhập học. Nhanh gọn 5 phút. Mình và Cún ra khỏi trường rồi mà vẫn chưa tin thế là xong. Đã được nhận vào học.
Nhưng đó là sự thật. Họ vẫn thường làm như thế. Nhanh gọn chuyên nghiệp. Vì vậy tớ chỉ có thể khuyên các mẹ đừng sợ hãi. Hãy yên tâm chuẩn bị cho các con lên đường trải nghiệm thực tế. Tất nhiên ở đâu cũng vậy, không thể ỉ lại trường 100%, vì người Đức vẫn nói gia đình là quan trọng nhất. Tớ chỉ có thể đảm bảo là từ khi con tớ sang đây, và qua con cái bạn bè người quen, rồi trực tiếp quan sát từ nhà trẻ mẫu giáo đến cấp III, tớ chưa từng nhìn thấy ở đâu thầy cô quát đánh mắng học sinh. Chính Cún cũng nhận xét các bạn thân thiện dễ mến.
Tớ đã gặp đã nói chuyện với rất nhiều hiệu trưởng. Họ không đạo mạo quan cách như hiệu trưởng ở nhà. Họ không bao giờ cho bạn cảm giác con bạn kém cỏi đang có vấn đề. Họ góp ý rất chân thành, nhưng thẳng thắn chính xác. Không hề có kiểu xuề xòa tâng bốc hoặc dìm hàng dọa dẫm. Nhận xét của họ cực kỳ sắc sảo sát với thực tế. Cứ như là họ biết con mình từ lâu rồi. Thật đáng kinh ngạc. Chỉ có thể giải thích bởi vì họ rất yêu nghề và được đào tạo bài bản chuyên nghiệp.
Nếu các mẹ hỏi tớ nên cho con sang học ngay từ lớp 9 hay lớp 10 hay lớp 12 hay chờ thi vào đại học hoặc học xong đại học rồi đi? Thực lòng tớ không biết chính xác được. Nếu các mẹ tin tưởng vào sự tử tế vào triết lý chất lượng giáo dục của nước Đức thì các mẹ nên cho các con thử sớm. Nên cơm nên cháo thành cái gì phụ thuộc hoàn toàn vào chính con các mẹ.
Hãy yên tâm rằng thầy cô nhà trường họ tìm mọi cách để nâng đỡ. Giống như bên Anh tớ thấy giáo viên khiêm tốn lắm. Họ không bao giờ tỏ ra giỏi giang uyên bác biết tất mọi thứ. Họ cũng không đứng ở trên cao ban phát ân huệ cho con các bạn. Họ tự nhìn nhận mình chỉ là Coach, đứng bên cạnh hướng dẫn chỉ bảo học sinh. Còn bay được cao-xa đến đâu là do các bạn phải tự khát khao mong muốn và tự nỗ lực.
Nếu tình cờ gặp thầy hiệu trưởng có khi nhầm tưởng thầy là bác lao công vì thầy ăn mặc rất giản dị. Buổi trưa thầy còn đứng ở căng tin đưa đồ ăn cho các bạn. Phòng của thầy luôn luôn mở cửa, học sinh và phụ huynh tạt vào lúc nào cũng được. Các bạn yêu thầy cô gắn bó trường lớp. Tự các bạn tổ chức khối chương trình, tự dậy dỗ hoặc tìm học sinh lớp trên phụ đạo giá max. 2 Euro/giờ, thành lập ban nhạc, hội họa, vẽ, thể thao, nấu ăn, thêu thùa v.v các bạn còn mở văn phòng "tư vấn học đường". Bạn nào có rắc rối khó khăn gì thì đến đó tâm sự nhờ tư vấn gỡ rối chứ không nhất thiết phải nhờ đến bọn người lớn, lôi thôi thành to chuyện.
Dạy dỗ hướng dẫn trẻ em là nghề các thầy cô yêu thích, chính vì thế họ mới chọn làm giáo viên. Tớ nghĩ đây là điểm khác biệt nên so với giáo viên ở nhà họ yêu thương trẻ em, tận tụy và đáng tin cậy hơn rất nhiều.
Thân mến và tạm biệt
MH từ Berlin
—————–
Tối nay trên TV vừa thông báo đang có quá nhiều người từ Châu Phi, Syrien qua Ý sang Đức xin lánh nạn. Chỉ trong vài tháng có tới những 65.000 trẻ em độ tuổi đi học. Nhiều trường của Đức đang quá tải lúng túng vì giáo viên không đủ trình độ + kinh nghiệm dậy dỗ các em này. Ví dụ một lớp 16 bạn, chưa bạn nào biết tiếng Đức, các bạn nói 9 thứ tiếng, đến từ 6 quốc gia. Giáo viên đang kêu gọi các chính trị gia tìm cách giải quyết vấn đề này.
Khi được phỏng vấn các trẻ em tị nạn trả lời rất vui rất thích đến trường ở đây, vì các thầy cô giáo nhiệt tình thân thiện và buổi chiều buổi tối có nhiều hoạt động thể thao, rất an toàn khác hẳn với ở Châu Phi. Hôm nay chị sinh viên 21 tuổi Alicia Faridi vừa thành lập dự án kêu gọi các cty tổ chức sự kiện thi đấu thể thao và nghệ thuật tặng vé rồi đem đi phát cho người tị nạn, để giúp họ hòa nhập đỡ buồn khi phải bỏ quê nhà….. (alicia.faridi@mhmk.de)
Liên quan đến chủ đề bỏ chấm điểm ở tiểu học mà quan tham đang diễn tớ đang lo đợt tới các mẹ tiếp tục phải mất thêm rất nhiều phong bì vì cái trò mèo này đây. Tớ chỉ có thể nhắc lại, nếu các mẹ không tỉnh ra, vẫn còn quá phụ thuộc vào thành tích điểm chác cô ban phát thì con các mẹ còn khổ. Ở đâu cũng có nhiều giáo tâm huyết, nhưng số này ở vn giờ quá ít, vì bản thân thầy cô là sản phẩm của nền giáo dục "ngu để trị" và họ thường xuyên xung đột lợi ích nên các mẹ và các bạn trẻ không được phép chờ đợi quá nhiều vào họ.
Điểm mười điểm giỏi trên giấy không có bất cứ giá trị gì. Các mẹ cứ phong bì thật lực thì điểm 50 các cô cũng cho chứ điểm 10 là cái đinh. Tớ thấy đau lòng qui định thi chuyển cấp cứ mỗi năm giỏi ở cấp II được x 5 điểm, thế nên các mẹ ra sức rút tiền chạy cái điểm "giỏi" đó. Mẹ A đưa cô 10 triệu, thì mẹ B dúi 20 triệu, đua nhau đấu thầu đến con số X, thế nên 100% tất cả các con cùng "giỏi".
Khi sang first world họ không thèm coi trọng bằng cấp quá đâu. Kể cả sinh viên Đức tốt nghiệp đi phỏng vấn tìm việc các công ty cũng chỉ tính bằng cấp điểm chác max. 30%. Còn đâu 100% phải lên thớt, trải qua hàng loạt Assesment Center và phòng nhân sự của công ty để họ sàng lọc tìm người fit cho công ty…..
Bên này họ cũng biết rõ nhà mình bằng cấp vớ vẩn nên không công nhận môn nào cả. Giỏi thật thì các bạn sang rồi đăng ký thi nhảy cóc luôn tại chỗ. Có qua được hay không là do mình, họ có cấm cản đâu. Ai giỏi muốn làm giáo sư thủ tướng thì cứ việc ra ứng cử, họ rất hoan nghênh. Thuyết phục lôi kéo được nhiều người thì sẽ được dân tình chọn lựa ủng hộ. Chứ tuyệt đối không ai dám dùng bằng giả hoặc vỗ ngực ngày xưa học trường chuyên lớp chọn. Bàn dân thiên hạ cười cho thối mũi.
thanh tuyền says
con tôi năm nay 11 và 10 tuổi,tôi muốn lãnh con sang Đức học.Hai cháu ở VN luôn là học sinh giỏi trong 5 năm,nếu hai cháu sang Đức các cháu sẽ được vào trường nào?mong bạn góp ý
Guest says
[quote name=”thanh tuyền”]con tôi năm nay 11 và 10 tuổi,tôi muốn lãnh con sang Đức học.Hai cháu ở VN luôn là học sinh giỏi trong 5 năm,nếu hai cháu sang Đức các cháu sẽ được vào trường nào?mong bạn góp ý[/quote]
Nếu muốn bạn có thể liên hệ 0912238484. Tks bạn!