Trời cho cái mẽ bề ngoài
Để che đậy cái sơ sài bên trong…
Mình có thói quen rất tệ là đã lên lớp thì cứ phải ghếch mông lên bàn ngồi giảng bài nó mới có hứng, hic. Phong thái này từ nhiều năm cũng đã thành quen trong tất cả các lớp học của mình, từ những lớp bồi dưỡng bên ngoài cho đến các lớp cao học, đại học. Tuy nhiên, có lần, cũng đã dăm bảy năm trước, khi vào dạy hộ một đồng nghiệp vừa vì vui miệng, vừa vì đây không phải học trò mình nên mình đã rất cẩn trọng hỏi các sinh viên trong giảng đường rằng cô có được phép ngồi lên bàn giảng bài không. Cả giảng đường gần trăm sinh viên đồng thanh hô to “cô ngồi đâu cũng được ạ, miễn là cô thấy thoải mái.”, duy nhất có một sinh viên nữ đứng lên nói “thưa cô, không được. Theo em, sinh viên không được phép ngồi lên bàn thì giáo viên cũng không được phép”. Mình nghe thấy thế thì nói luôn “Đúng rồi, thông thường thì người ta sẽ làm theo ý kiến đa số, còn ở lớp này cô sẽ làm theo ý kiến thiểu số, ý kiến của bạn nữ vừa rồi. Tuy nhiên, học trò được ngồi thì không có lý gì giáo viên không được ngồi”. Nói xong, mình bắt đầu ngồi xuống ghế và … mở máy.
Nếu là giảng đường dốc như bên Tây thì cũng không làm sao sất, đằng này giảng đường phẳng lỳ, trò chẳng thấy giáo viên đâu, chỉ nghe những tiếng vóng vót như từ âm ty vọng lên. Thời ấy mình chưa có cái remote điều khiển từ xa cho máy tính, cái bàn đặt máy tính và máy chiếu thì xa chỗ bàn giáo viên nên đến cái slide cũng đứng im thin thít. Không khí trong phòng học nặng dần, tiếng rì rầm to dần. Được khoảng hơn chục phút cứ nghe véo von thế mà chẳng thấy bóng dáng giảng viên đâu, chắc do hết chịu nổi nên cô bé vừa nãy vụt đứng lên nói “thưa cô, cô cứ thoải mái ngồi lên bàn giảng bài đi ạ chứ chỉ nghe thấy tiếng mà không thấy giáo viên đâu thì khó chịu lắm”. May là cô bé nói với vẻ mặt tươi tỉnh, hoặc chí ít cũng tỏ ra tươi tỉnh, chứ nếu với bộ mặt tức tối thì còn lâu mình mới chịu…. phục hồi tư thế cũ, hi hi… Cuối buổi học, trước khi ra về mình mới nhẩn nha nói với các trò: “Các em ạ, cô thì nghĩ thế này, cô ngồi ở đâu không quan trọng, cô để cái tóc thế nào hay cô mặc cái gì cũng không quan trọng nốt (miễn là đừng nhếch nhác hay phản cảm). Cái điều quan trọng duy nhất các em cần chú ý là chất lượng bài giảng của cô như thế nào, có hấp dẫn, thú vị không, có ích cho công việc và hơn nữa là cho cuộc sống của các em sau này hay không. Chỉ có điều đó là đáng quan tâm thôi, phải không?”. Mình vừa dứt lời thì lũ học trò vỗ tay hưởng ứng ầm ĩ.
Phong thái được cho là rất không mô phạm khi lên lớp của mình, he he….
Gần chục năm trước, một vị lãnh đạo của cơ sở đào tạo lớn ở Hà Nội, nổi tiếng là mô phạm, có nhã ý rủ mình về đó công tác. Chẳng biết bác ấy mời thật lòng hay chỉ do vui miệng, tiện mồm nhưng mình vừa nghe thế bèn nhe răng cười bảo ối giời em mà về trường bác thì rồi cũng đến lúc hoặc là trường bác kiếm cách đuổi khéo em đi hoặc em cũng phải nghĩ cách mà chuồn cho lẹ. Người như mình làm sao có thể hợp được với nơi mô phạm đến mức đi họp, chứ đừng nói là đi lên lớp, cũng phải mặc áo có cổ bẻ. Béo đến rụt cổ như mình mà tròng thân vào cái áo cổ bẻ (thậm chí cổ Đức “có chân”) có mà thành tranh biếm họa, he he… Mình lầm bầm tự nhủ “thà chết chứ không bao giờ!”, he he…. Lần khác, cũng người của cơ sở đào tạo đó gọi điện mời mình đến dạy cao học kèm theo lời dặn khéo “cô làm ơn ăn mặc và phong thái mô phạm chút nhé vì bên này khác bên cô” (vì họ biết trường ngoại ngữ của mình phong cách thoáng hơn). Mình nghe xong cười rinh rích và hỏi thế nào là mô phạm thì được trả lời loằng ngoằng với rất nhiều chữ “là”, là …,là…, là…. rồi ừ,….ừ,… cứ thế, cứ thế nhé…. Theo lời giải thích ấy, sau khi ngọ nguậy cái não một lúc thì mình hiểu nôm na mô phạm là phải rất chuẩn mực, đi đứng nói năng phải như vẽ, mặt mũi phải trịnh trọng, ăn mặc phải chỉn chu như …. đi họp chi bộ (bố khỉ, cả đời đã được đi họp chi bộ bao giờ mà biết, nhưng không hiểu sao cứ tưởng tượng ra là như thế, vì xưa nay những gì nghiêm chỉnh, mẫu mực nhất đều làm mình liên tưởng đến Đảng, he he). Tóm lại, đối với họ, cái giống người như mình thì nói khéo, mĩ miều là rất “không mô phạm”, còn nói thẳng toẹt là “phản sư phạm”. Mình nghe xong sợ quá bèn cả đêm ngồi tự vấn xem trong nghiệp giáo gần ba chục năm của mình, với phong cách (chứ không phải “tư cách” nhé) không hề mô phạm mình đã làm hỏng hay làm tha hóa bao nhiêu ngàn con người trẻ tuổi, những ‘kĩ sư trồng người’ tương lai. Bỗng thấy lương tâm mình cắn rứt làm sao. Và mình lại càng lo lắng, hốt hoảng hơn nữa bởi sau khi mình dạy xong thì “hậu quả” là rất rất… (hơi bị nhiều chữ “rất”) nhiều học viên trong gần 200 học trò cao học của trường đấy mà mình dạy cứ lồng lộn lên bảo “giá như tất cả sinh viên sư phạm đều được học với cô”. Thôi chết rồi, cứ cái đà này không khéo rồi đến lúc người ta lại khép cho mình cái tội tày đình đáng chết là “kẻ hủy diệt” nền giáo dục nước nhà, nền giáo dục XHCN chân chính cũng nên. Mà giáo dục là nòng cột của xã hội, không nhẽ nước mình tiến lên CNXH cứ ỳ ạch thế này cũng một phần do lỗi tại mình? Thú thực là mình sợ.
Ở đời lạ thế, phàm cái gì mình không muốn thì lại hay đến, cái gì mình sợ lại càng hay xảy ra. Và một lần nữa mình lại bị “đe” chỉ vì đã trót không mô phạm. Chuyện là thế này, mình đi dạy cao học cùng với một tay GS nước ngoài. Trong giờ nghỉ giải lao, cả hai người vẫn còn dừng lại trên bục, mình ngậm cái gọng kính vào mồm (vì là kính viễn nên khi nhìn gần phải tháo ra) để rảnh cái tay lật lật tìm mấy trang tài liệu chỉ cho tay GS kia. Bỗng một cô trợ giảng (người của cái cơ sở “đại mô phạm” vừa đến nói ở trên) đi đến chỗ mình và rỉ tai mình nói nhỏ “chị bỏ cái kính trong miệng ra kẻo học viên người ta nói cho đấy”. Mình nghe xong choáng sững người nhưng cũng đủ nhanh để phản pháo lại tức thời, may mà còn kịp (mình tự ngưỡng mộ mình quá đê, hê hê…). Mình cũng dí mồm vào tai cô kia và nghiến răng khẽ rít “làm ơn nhìn hộ cái, hi vọng quần chị không bị thủng đít chứ?”. Mình kể với thằng cha GS Tây, nó trợn mắt bảo “điên à” rồi lập tức tháo phắt cái kính của nó ra nhét ngay vào miệng và ngoáy liên hồi kì trận. Mình được phen cười rũ rượi. Ngay sau khi hết giờ giải lao, đợi 250 học viên cao học ổn định lại chỗ ngồi xong mình hỏi luôn “có ai trong số 250 học viên ở lớp học này cảm thấy phiền khi tôi ngậm kính trong miệng không?” (bố Tây đứng cạnh vẫn liên hồi kì trận ngoáy cái kính trong miệng, he he…). Cả giảng đường đông nghịt ai nấy vừa lắc đầu nguầy nguậy vừa hô to không ạ. Có học viên còn hồn nhiên nói bô bô “mồm cô, cô thích ngậm cái gì thì ngậm” làm cả giảng đường cười ngả nghiêng rũ rượi, ha ha…. Tiếc là mình mắt kém lại đứng trên bục cao nên không nhìn được mặt cô trợ giảng kia đã ngả từ màu gì sang màu gì. Điều đọng lại duy nhất là sau năm ngày làm việc quần quật hết công suất từ sáng đến chiều khóa học không chỉ được học viên đánh giá tốt hơn cả sự trông đợi của hai giảng viên mà thậm chí sau này nhiều học viên, từ Bắc chí Trung, Nam tình cờ gặp lại mình còn chào hỏi nồng nhiệt và cứ nhắc đi nhắc lại mãi những điều thú vị, mới mẻ thu được từ lớp học đó. Đại loại là sau vài lần trải nghiệm như thế mình chợt hiểu, thực ra từ sâu thẳm tận trong tâm khảm những người trẻ không ngô nghê, ngớ ngẩn đến mức để không biết đâu mới là giá trị đích thực của cuộc sống.
Sản phẩm của "lò đúc giáo dục" Việt Nam (tranh Lý Trực Dũng)
Nhưng cái đáng sợ hơn cả là thước đo cho cái sự mô phạm đó không chỉ nằm ở cái vẻ bề ngoài, ở cái áo, cái quần hay phong thái, cách đi đứng, nói năng mà nó còn được cân, đong, đo, đếm trong từng sợi nơ ron thần kinh, từng suy nghĩ của những thần dân “mô phạm” xứ này . Lâu dần thành quen. Với cung cách mô phạm trong từng suy nghĩ, người ta không dám nghĩ, chứ đừng nói là dám nói ra, những gì không giống trong sách vở, giáo trình. Chắc phải mượn cố giáo sư, nhà phê bình văn học Hoàng Ngọc Hiến chữ “phải đạo” để dán vào đằng trước chữ mô phạm cho chuẩn xác, “mô phạm phải đạo”, he he…. Đã từ lâu, rất lâu lắm rồi, cái đám người, tạm gọi là trí thức Việt, đã lặng lẽ bảo nhau đứng ngăn nắp gọn ghẽ trong một cái vòng tròn vô hình, có thể gọi là “cái vòng kim cô của ý thức hệ”. Và để nâng cao hệ số an toàn bản thân, mỗi người lại tự vẽ cho mình một cái vòng tròn bé hơn và ngoãn ngoãn đứng khép mình trong đó. Lúc đầu còn cựa quậy, ngo ngoe đôi chút, nhưng không hiểu sao cái vòng tròn ấy ngày càng bé lại, bé lại và mỗi cá thể người trong đó bỗng chốc chỉ còn như con lắc dao động giảm dần rồi từ từ đứng yên như khúc gỗ. Những khúc gỗ xếp cạnh nhau, nghiêm ngắn. Khúc nào khúc nấy giống nhau chằn chặn, tròn vo, nhẵn thín.
Hình ảnh này làm mình sực nhớ đến câu chuyện liên quan đến ông hàng xóm nhà mình mấy chục năm về trước ở nhà B3 khu tập thể ĐHSP Hà Nội. Ông này ngày đó là giáo viên tiếng Nga cực giỏi của ĐHSP Hà Nội nhưng cực hâm (chắc cũng một dạng tâm thần). Chuyện thật một trăm phần trăm. Mỗi khi có việc ra ngoài là ông ta vẽ một cái vòng tròn bằng phấn to giữa nhà rồi bắt vợ và hai đứa con gái cả buổi chỉ được loay hoay trong cái vòng phấn đó, nếu trót bước ra mà để ông biết được sẽ no đòn. Ông ta còn hâm đến mức có lần bà vợ trót đánh ngã đứa con từ trên giường xuống đất bèn bị ông ta bắt ngã lại đúng theo tư thế ấy cho thấm ngã đau như thế nào để từ sau đừng có mà đánh ngã con nữa. Khách đến dù vì bất cứ việc gì cũng chỉ được ông tiếp rất ngắn gọn qua cái khe cửa mở hé tí xíu vì sợ vi trùng bay vào nhà.
Nhớ lại những câu chuyện về ông hàng xóm ngày xưa mà cười khùng khục. Nhưng không hiểu sao lại thấy vị mặn chát trong miệng.
Hình như có vài giọt nước mắt lăn ra.
—————–
N.Thị Phương Hoa
Minh Phượng.K7L1 says
Em thích suy nghĩ của cô, phong cách của cô.”Đã từ lâu, rất lâu lắm rồi, cái đám người, tạm gọi là trí thức Việt, đã lặng lẽ bảo nhau đứng ngăn nắp gọn ghẽ trong một cái vòng tròn vô hình, có thể gọi là “cái vòng kim cô của ý thức hệ”. Và để nâng cao hệ số an toàn bản thân, mỗi người lại tự vẽ cho mình một cái vòng tròn bé hơn và ngoãn ngoãn đứng khép mình trong đó. Lúc đầu còn cựa quậy, ngo ngoe đôi chút, nhưng không hiểu sao cái vòng tròn ấy ngày càng bé lại, bé lại và mỗi cá thể người trong đó bỗng chốc chỉ còn như con lắc dao động giảm dần rồi từ từ đứng yên như khúc gỗ. Những khúc gỗ xếp cạnh nhau, nghiêm ngắn. Khúc nào khúc nấy giống nhau chằn chặn, tròn vo, nhẵn thín”. E thích đoạn này nhất. E xin phép cô cho e được copy sang facebook của em để chia sẻ với mọi người.
Hương says
Đúng là nhiều lúc em nghĩ lại nhiều chuyện “mà cười khùng khục. Nhưng không hiểu sao lại thấy vị mặn chát trong miệng”. Khi định làm cái gì “ngoài vòng” mà chưa làm đc hết, em lại thấy mình “hèn” 😳 Bài viết hay, đúng phong cách cô Hoa ạ
nguyen thi thanh mai says
😆 Me Hoa chi den dạy o benh vien Nhi trung uong may buoi ma khong bao gio bon minh quen. Hom nay doc bai nay minh cam thay qua thich va nguong mo, la niem an ui bat tan voi bon minh. Hay giu lai nhung gi cua rieng minh ma khong anh huong tieu cuc toi nguoi khac. cu bat be nhau nhung chuyen vo van, Chuc me Hoa cho ra them nhieu mon an tinh than NGON va giau dinh duong.
nthiphuonghoa says
@ Nguyen Thi Thanh Mai:
he he…. đọc comment của mẹ Mai mà sướng ghê, hi hi… Viện Nhi TƯ vưỡn chưa quên mẹ Hoa cơ à, hạnh phúc quá.
Mẹ Hoa lúc nào cũng vưỡn là mẹ Hoa, và lúc nào cũng tâm huyết với lũ học trò, hi hi…
Chúc vui nhiều nha.
Huonghoang says
Bai viet hay va y nghia qua co ah. La mot giao vien,e chi hi vong sao hoc hoi o co mot phan phong cach,phong thai ” mo pham” cua co (ma hinh nhu may tam anh co chup khi day o Da Nang phai khong co)!
nthiphuonghoa says
@ Hươnghoang:
Hi hi… nhận ra giỏi nhỉ? Những tấm ảnh này là 1 học trò ở lớp Đà Nẵng năm ngoái chụp cô trong khi lên lớp đấy, hi hi…
Mai Xuân says
Ôi đọc bài này lại nhớ cô Hoa quá. Nhớ giọng nói, tiếng cười, cái nheo mắt, phẩy tay… của cô trên bục giảng. Và nhớ hơn cả là một “luồng gió” mới mà cô đã thổi và nhận thức, tâm hồn của bọn em. Được học cô Hoa là một may mắn lớn trong cuộc đời của bọn em đấy ạ.
Trần Thúy says
8) cháu tích cách viết của cô ạ! Thoải mái, vui vẻ mà nhiều ý nghĩa…Cháu cám ơn cô!
Ngọ Văn says
Vô tình tìm được và đọc được bài viết này của cô. Theo cái cách “sung sướng” của dân miền Nam là đánh đùi cái đét rồi la lên: “Bà nội cha nó! Đọc phê như con tê tê!!!” 😆 Mong cô luôn nhiều sức khoẻ để truyền lửa cho các thế hệ học trò tiếp theo.
nguyen thu l4k7 says
em rat quy co va nho co
nthiphuonghoa says
@ Ngọ Văn: ha ha… cứ đánh đùi cái đét và hô to tiếp đi nhá. Cảm ơn em nhiều.
@ nguyen thu l4k7: Nhớ quí tiếp và nhớ tiếp lâu lâu chút nha, hi hi… Cảm động và cảm ơn em nhìu nhìu, hic.
Giang - CĐSP Hưng Yê says
Đọc bài này em nhớ 1 năm về trước cô về HY. Nhớ phong cách của cô quá! Em xin phép copy về facebook của em cô nhé.
Thanh says
Chuyện ông thầy giáo Tiếng Nga của cô có thật 100%. Em cũng biết. he he!
Tội nghiệp Thầy. May mà hai con gái của Thầy cũng thành đạt.
nthiphuonghoa says
@ Thanh:
hi hi… dân sư phạm hay sao mà biết ông thầy đó? Cô ko học thầy ấy, cô chỉ là hàng xóm thôi.
Loan says
Về cái sự mô phạm của gd Vn cô nói ở trên,cháu đọc rồi nghĩ thời đi học ở nhà.Vâng rõ là “chỉnh tề,mô phạm” mà ăn đút lót như điên,kiến thức thì k dậy hết để hs phải đi học thêm mới làm đc bài ktra.Cao hơn chút nữa thì dậy xong sinh viên chẳng hiểu cái j,tjan thì thầy k có vì còn bận chày “sô” đi dậy nơi khác v.v…. Nhưng dân Vn là thế,lúc nào cũng wan trọng bề ngoài hơn kiến thức truyền tải…chết vì bệnh thành tích.Đất nc gì mà cái bằng tốt nghiệp cấp 3 mang ra ngoài đi xin học nghề bọn tây chỉ cuời lắc đầu và xin lỗi….
Ước j cháu có cơ hội về làm sinh viên của cô ” không chuẩn mô phạm ” nhỉ hehehehe
Nguyễn Hường says
Cô ơi! Em là học viên cao học k6_ĐHGD của cô.
Nhân bài viết của cô em kể chi cô nghe một chuyện ở trường em đang dạy.
Khi lên lớp, giáo viên:
– Không được mặc quần bò, áo phông
– Không được mặc áo không có cổ.
– Không được mặc váy.(chân váy công sở thôi)
Huhu…… cô ơi! …….
nthiphuonghoa says
@ Nguyễn Hường:
nếu dạy ở phổ thông thì qui định như vậy là hợp lý em ạ.
Hoang Hanh Phuc says
Nếu chị nhớ không nhầm, một nhân vật của em Bác Dương Trọng Bái – không biết có “hâm” thật không nhưng bắt cả nhà phải ăn cơm trong màn. Hehe.
nthiphuonghoa says
@ Hoang Hanh Phuc:
Không phải bác Dương Trọng Bái mà là chú Thành Thế Yên Bái dạy tiếng Nga, em trai của chú Thành Thế Thái Bình khoa Văn ấy chị ạ. Bác Dương Trọng Bái ko hâm thế vì bác ấy nguyên hiệu trưởng ĐHSPHN, he he…
le tam chinh says
Cái đoạn sau hay quá. Cảm ơn mấy câu kết của em. Hoa – Văn; Văn – Hoa
Pham Tham says
Có bao nhiêu giảng viên có đc phong cách, tâm huyết, suy nghĩ như cô để giáo dục VN có thể tử tế hơn?! Trò ngày càng chán học , chán thầy nên trẻ em ngày càng hư và nghèo kiến thức, buồn!
vân says
hay quá cô ơi.. 😆
Guest says
Phong cách đẳng cấp, tài ba của cô ít người học được lắm. Con rất thích phong cách ấy!
Seadog says
Bác cuối bài của cô là bác Bái đúng không :sigh:
nthiphuonghoa says
[quote name=”Seadog”]Bác cuối bài của cô là bác Bái đúng không :sigh:[/quote]
Đúng rồi, ông Thành Thế yên Bái đấy. Mà sao thời đó mày bé tí thế mà cũng biết, hay nghe bô và ông bà nội kể hả cu?
Guest says
Em chưa từng học cô bao giờ nhưng đọc các bài của cô như mở ra 1 thế giới quan vậy. Tiếc là năm ngoái em không đăng kí được sớm hơn môn tâm lí hịc với giáo dục học thì có thể được gặp cô rồi. Bất cứ lúc nào các cô tổ bộ môn dạy moin tâm lí hay giáo dục đều nhắc đến cô. Chứng tỏ cô phải để lại ấn tượng cực kì mạnh cho đồng nghiệp của mình.. giá mà được nghe cô truyền lửa 1 lần ….