Trần Thị Liên
Khi tôi vào học chương trình TS ở Nhật, một trong các chủ để luôn thảo luận với GS là phương pháp học, phương pháp nghiên cứu, phương pháp đào tạo. Ngay từ buổi đầu tiên, ổng xanh rờn: Lien, tao không cần một học trò giỏi, tao cần một đứa biết làm việc; để giỏi không khó, để nó biết làm việc khó hơn nhiều. Đúng vậy, ở các trường học ở NB, yếu tố cần cù, hòa đồng quan trọng hơn thông minh rất nhiều. Thậm chí có người còn từng nhận định: – Trẻ em không cần phải quá thông minh. Thông minh, học giỏi không hẳn là một điều tốt, cái chính là cần có nhân cách tốt. Vì vậy, trẻ em ở Nhật ngay từ nhỏ được dạy dỗ rất cẩn thận, mà chủ yếu dạy phải khiêm tốn, không được thể hiện, không được tỏ ra hơn người, kể cả khi mình biết điều đó mười mươi. Khi làm việc với các bạn nhỏ Nhật, giáo viên người nước ngoài rất phải hiểu yếu tố tâm lý đặc thù văn hóa kiểu này. Việc có nhân cách tốt cũng vậy, cũng không được thể hiện cho người khác biết. Chỉ nên cần cù thực hiện mà thôi. Hôm rồi, một số bạn trẻ ủng hộ chương trình Nepan, khi thả tiền vào thùng tiền quyên góp đã chụp ảnh. Tất nhiên là “for fun” thôi, nhưng cũng là một điều đáng hổ thẹn trong suy nghĩ của người Nhật. Trong một số tình huống, người Nhật thấy/ biết có người ăn trộm trong siêu thị, họ không bắt. Hệ thống camera làm việc hiệu quả, phát hiện và ghi hình tất cả, nhưng người Nhật lại nghĩ: họ đường cùng như vậy, để cho họ một lối thoát, một đường sống. Giữ thể diện cho họ. Trong một bài phản ánh về tình trạn ăn cắp hiện nay, một người Nhật đã trả lời báo chí rằng, tôi muốn gặp người (ăn trộm) đó để nói chuyện tâm giao, chứ không phải để đòi tiền hay kiện cáo gì.
Khi thấy ai đó sai, họ cũng không tranh luận, không chỉ ra lỗi hay khuyết điểm. nhiều khi họ im lặng. Thậm chí, các nhà khoa học cùng nghiên cứu một chủ đề cũng thế. Nhưng cuối cùng khi cần minh bạch, rất có thể họ sẽ chém nhau tơi bời để phân định đúng sai.
Cha mẹ Nhật coi trọng môi trường lớn lên của đứa trẻ. Họ đều cho rằng, khó có thể dạy dỗ một đứa trẻ nên người trong một gia đình hay xung đột, một trường học nhiều trẻ hư hay một khu phố có tệ nạn. Vì thế chưa bao giờ nghe thấy các gia đình Nhật cãi nhau to tiếng hay ồn ào. Ở nơi công cộng, họ nói rất nhỏ, đủ nghe giữa người đối thoại với nhau và không bao giờ làm gì khác thường. Cha mẹ quan tâm đến quần áo, diện mạo, chuyện học hành, giao tiếp của con cái theo hướng tạo ra hòa đồng cho con cùng các bạn.
Các kĩ năng mềm được quan tâm, đầu tư kĩ càng. Bọn trẻ con rất tuân thủ các kế hoạch học hành , vui chơi và không bao giờ vi phạm. Đi chơi với bạn thì đi, nhưng đến giờ học piano hay giờ luyện thể thao là xin phép về để tham gia các chương trình ngoại khóa như thế. Một đứa trẻ Nhật lớn lên thường phải chơi thành thạo ít nhất một môn thể thao như tennis hay cầu lông, hay golf, hay bơi… và một nhạc cụ nào đó như kèn, trống , piano hay guitar.
Cha mẹ Nhật rất kiên quyết trong việc giáo dục trẻ, đặc biệt không bao giờ hình thành cho trẻ một thói quen xấu. Không thỏa hiệp lợi ích ngắn hạn để hình thành thói quen xấu cho con. Không bao giờ thỏa hiệp với con dù biết trẻ sẽ mè nheo, phản đối. Họ cho rằng, thỏa hiệp chỉ khiến kết quả tồi tệ hơn. Ví dụ như: đứa trẻ không ăn, đừng bao giờ bật tivi cho con xem để xúc cơm. Để đạt được mục đích cho con ăn được thêm vài thìa gạo, mẹ sẽ phải đánh đổi bằng một thói quen xấu rất khó bỏ. Vì thế khi làm việc với người Nhật, người ta thường có cảm giác CỨNG, NGUYÊN TẮC. Thực ra cứng hay nguyên tắc không phải là bản chất của người Nhật, cũng không phải thói quen mà là một nguyên tắc để không hình thành thói quen xấu là dễ dãi. Khi dễ dãi với mình thì cũng dễ dãi với người khác và nhiều điều khác. Khi các bên có thỏa hiệp ngầm- dẽ dãi với nhau- là lúc nguyên tắc bị phá bỏ.
Nói về chuyện ăn uống của trẻ Nhật, có thể thấy mấy điều sau: trẻ tự ăn từ khi còn rất nhỏ, ăn nhiều rau, hoa quả, chất xơ và đủ vitamin. NCKH của Nhật chú trọng đến thực phẩm của mọi lứa tuổi, mọi thành phần, giảm công sức lao động và thời gian cho người nội trợ. Đảm bảo ăn ngon miệng, không bị béo và luôn cảm thấy khỏe mạnh (healthy). Chế độ ăn uống cho con phải cân bằng. Thậm chí, bữa ăn phải được tính toán kĩ càng, lên kế hoạch theo tháng để đảm bảo trẻ ăn ngon miệng, đủ chất/ dinh dưỡng và đẹp mắt nữa. Bữa ăn ở trường của học sinh được thông báo tới gia đình theo tháng để các mẹ theo dõi và tránh việc cho trẻ ăn trùng thức ăn ở nhà với thức ăn ở trường.
Trong ăn uống, cha mẹ Nhật coi trọng chế độ ăn uống. Họ cho rằng, chế độ ăn uống cho con phải cân bằng về mặt dưỡng chất và số lượng. Hiếm khi thấy cha mẹ ép con ăn hay chạy theo con để cho ăn. Họ thậm chí còn tin rằng: Trẻ con không bao giờ để mình bị chết đói. Không cần ép con ăn, không cần lo con đói. Vì nếu đứa trẻ có nhu cầu ăn uống, tự nó sẽ ăn mà không cần ép. Nếu đứa trẻ không ăn hay không muốn ăn đồ ăn đó thì cha mẹ phải điều chỉnh khẩu phần và thực đơn. Về mặt hình thức, bữa ăn phải được diễn ra trong ghế ăn. Không ngồi thì không ăn. Không xem TV khi ăn, không để đứa trẻ bị xao nhãng trong lúc ăn. Bữa ăn trong thực tế chỉ diễn ra trong khoảng 30 phút, ở nhà cũng như ở trường. Thậm chí, nếu bữa ăn kéo dài hơn, ngoài nhiều lo lắng khác, phụ huynh sẽ rất sợ con bị hỏng răng. Ít khi gặp một đứa trẻ bị sâu răng hay răng đen ở Nhật.
Việc bổ xung canxi cho trẻ được đặc biệt quan tâm ở Nhật. Người Nhật cho rằng, khi con người đủ vitamin D thì sẽ khỏe mạnh xương cốt. Mà xương cốt thì như cái khung nhà, giúp cơ thể chống chọi bệnh tật. Vì thế, việc lấy vitamin D trong tự nhiên được chú trọng. Nhà người Nhật thường không to, nhưng sân và hành lang đều to, có vườn và luôn đảm bảo ánh nắng vào các phòng. Sân trường từ mẫu giáo cho đến cấp 3 đều rất rộng, các khu thể thao được thiết kế như giành cho chuyên nghiệp. Học sinh phải đảm bảo đủ số giờ chạy và hoạt động ngoài trời, dưới ánh nắng. Đặc biệt vào mùa hè, người Nhật cho rằng, nếu lấy được nhiều/ đủ vitamin D từ ánh nắng mắt trời, sẽ đủ dùng chống chọi cả mùa đông lạnh giá, xương cốt sẽ đủ cứng. Trên nguyên tắc này, các công viên ở Nhật rất nhiều và rất rộng, đủ để các gia đình cho trẻ đi tắm / chơi nắng. Tuy nhiên, trẻ lại không dùng nhiều thuốc để bổ xung vitamin, nhất là vitamin D. Đa phần phụ huynh chỉ cho con chạy nhảy dưới ánh mặt trời, tắm nắng thường xuyên.
Trẻ em ở Nhật được tôn trọng đầy đủ. Nguyên tắc: Tôn trọng trẻ em, biết đồng cảm với trẻ được thể hiện trong cả gia đình, nhà trường và ngoài xã hội. Các lớp học giành cho những người sắp làm cha mẹ được tổ chức theo định kì ở các Quận, được thông báo rộng rãi, theo từng năm để cha mẹ theo dõi và lên kế hoạch theo học. Họ phải học cách chăm sóc trẻ, cách giao tiếp với trẻ, tâm sinh lý trẻ, ngôn ngữ sử dụng với trẻ, cách phản ứng trong các tình huống khác nhau để đảm bảo đứa trẻ được tôn trọng tuyệt đối. Khi quan sát giao tiếp giữa cô với trẻ ở trường học, việc chào hỏi học sinh, quan tâm đến học sinh, thăm hỏi học sinh khi gia đình em/ bản thân em có việc bất thường là nghĩa vụ của trường và giáo viên toàn trường, không phải chỉ của cô giáo chủ nhiệm lớp. Mỗi sáng, thầy hiệu trưởng có nhiệm vụ đứng ở cổng trường để chào đón học sinh. Việc chào hỏi là một trong các tiêu chí xếp loại học sinh. Nên dù có là đứa trẻ nhút nhất thì cũng không thể không vui vẻ chào hỏi mọi người. Có lẽ không một đứa trẻ nào bị mắng là trẻ con ở Nhật. Ngay cả khi lớn lên, học gì, yêu ai, lấy ai, có lẽ không phải là chủ đề bố mẹ có thể can thiệp; đơn giản là vì quyết định của trẻ được hoàn toàn tôn trọng.
Cha mẹ Nhật không né tránh các vấn đề/ chủ đề khó với con. Sự thật luôn được tôn trọng và được diễn tả ở mức độ dễ hiểu nhất. Họ tâm niệm rằng: Luôn nói sự thật với con. Chỉ cần chú ý đến kỹ năng nói và cách nói là được. Không bao giờ tỏ ra “ngoại giao”, nói dối với người khác trước mặt con trẻ. Vì thế, khi giao tiếp với người Nhật phải luôn cố gắng nắm bắt ý, vì cách nói khéo léo rất dễ gây cảm giác mơ hồ về mặt ý nghĩa. Một số cha mẹ thường chọn cách tạo nguồn thông tin để giáo dục trẻ khi muốn trao đổi các vấn đề tế nhị hay khó nói với con cái. Cách làm này làm cho đứa trẻ tự hiểu, tự quyết định thái độ của bản thân trước một vấn đề nào đó, thay vì việc phải tranh luận hay phải “nghe lời cha mẹ” một cách không tự nguyện. Các tổ chức xã hội ở Nhật cũng có vai trò nhất định trong điều hòa mối quan hệ này. Các lo lắng của cha mẹ Nhật hay các vấn đề dễ gây xung đột trong gia đình đều được các tổ chức này quan tâm và có hướng dẫn. Một vài ví dụ như chuyện chọn trường, chọn nghề, chọn ngành…
Tiền là chủ đề nhiều phụ huynh đặc biệt quan tâm. Người Nhật tiết kiệm tiền, chi tiêu tằn tiện và có kế hoạch. Việc dạy trẻ tiêu tiền thường bắt đầu từ khi trẻ 3 tuổi. Vào ngày sinh nhật trẻ tròn 3 tuổi, thường có một phong tục ở Nhật là cho con tiền và để con tự đi mua sắm. Có nhiều bộ phim về việc này rất cảm động. Đa phần các gia đình ghi hình buổi này và giữ làm kỉ niệm và đối chứng với quá trình phát triển sau này của trẻ. Trẻ được dạy cách lên kế hoạch chi tiêu và cách tiêu tiền thông qua việc cha mẹ cho con tiền tiêu vặt hàng tuần, có báo cáo, nói lên ý nghĩa của các chi tiêu đó. Trẻ tương đối độc lập với cha mẹ trong các khoản tiền được giao trên một số nguyên tắc cứng. Vì thế, đứa trẻ có thể có nhiều tiền tiết kiệm nhưng chắc sẽ không bao giờ được đổ vào game hay các khoản chi tiêu linh tinh. Cha mẹ quản chi tiêu của con bằng tài khoản, thể hiện chi tiêu trên tài khoản nên việc chi tiêu minh bạch và ngăn / hạn chế việc đứa trẻ nói dối về khác khoản chi tiêu.
Ngoài việc không để bản thân bị chú ý, người Nhật luôn dạy con giảm nhẹ yếu tố cá nhân, xem nhẹ các tai nạn rủi ro. Họ cho rằng, ai cũng có thể bị bệnh, bị ốm. Do vậy khi một đứa trẻ bị cảm lạnh, bệnh nhẹ, họ không lo lắng, không thể hiện việc quá lo lắng hay mệt mỏi về việc này. Đặc biệt không hoảng sợ, không hoang mang. Đứa trẻ còn được dạy cách tự biết cách chăm sóc bản thân trong các trường hợp ốm đau. Khi họ bị ốm hay tai nạn, họ rất ngán việc ai nhìn thấy cũng hỏi thăm. Thậm chí có người còn thắng thắn trả lời: mày đừng hỏi thăm được không? Tao bình thường mà.
Người Nhật coi trọng khả năng tự giải quyết mâu thuẫn của trẻ, lấy đây làm tiền đề tạo cho trẻ cuộc sống hòa đồng như đã nói ở trên. Nếu việc con làm không ảnh hưởng đến sự an toàn của con, đến lợi ích của người khác, thì cha mẹ không được quá can thiệp vào hành vi của con. Nếu có gì sai hay họ không hài lòng, họ sẽ chờ một dịp phù hợp, lấy đó làm ví dụ để dạy con. Cha mẹ Nhật thường không lên lớp, giáo điều, không mắng mỏ, không nặng lời, và tránh làm tổn thương con trẻ.
Cá nhân tôi cho rằng, người Nhật là một dân tộc kiên cường. Không phải cứ cái gì nguy hiểm cũng cấm con cái không được tiếp cận. Họ tạo cơ hội cho con biết nguy hiểm là như thế nào, xảy ra ở đâu, làm thế nào để tránh. Họ cho con tiếp cận với nguy hiểm trong phạm vi kiếm soát để có trải nghiệm cần thiết. Họ thường không ngại khó, không ngại khổ và muốn thực sự trải nghiệm. Bản thân sự thịnh vượng của nước Nhật cho phép họ dấn thân, tuy nhiên, chính họ mới là người quyết định điều đó. Một anh bạn người Nhật rất gần gũi, kể với tôi rằng, anh ấy không apply học bổng nào, mặc dù học rất giỏi. Để giải thích điều này với tôi, anh nói: tao nghĩ còn nhiều người, ở nhiều nước cần học bổng này mà tao thì cần những trải nghiệm của họ. Sau khi tốt nghiệp một trường đại học rất uy tín của Nhật, anh í sang làm việc ở East Timor. Một anh khác thì làm phó Chủ tịch một trường đại học khác, kể với tôi, có hai thằng con, một thằng hiện nay vừa đi học, và rửa bát- phục vụ bàn cho một quán ăn ở Anh và đang sống chung với bạn gái. Khi tôi tròn mắt nghe chuyện, anh ấy bảo: his choice. Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ hay các chương trình giáo dục ở trường đều hướng về nguyên tắc cần để cho trẻ có cơ hội tư trải nghiệm càng nhiều càng tốt. Không nên nói trước kết quả. Trẻ tự khám phá, biết hậu quả, biết cách thành công, biết cả thất bại. Bài học sau trải nghiệm luôn được tổng kết ở dạng báo cáo, chia sẻ và thảo luận.
Khi làm việc với người Nhật, có lẽ ai cũng có cảm giác họ rất kiên nhẫn và là người biết chờ đợi. Thực ra trẻ em Nhật được dạy học cách chờ đợi từ khi còn rất nhỏ. Người Nhật thường lên kế hoạch cho cả năm, các sự kiện của trường, của lớp, của gia đình đều có kế hoạch theo năm và tuân thủ thực hiện chặt chẽ. Ít khi có thay đổi. Trong công việc, người Nhật phân vai rất rõ ràng. Ai, đi đâu, làm gì… đều có bảng phân công minh bạch và ai cũng có thể xem được. Bằng cách này, đứa trẻ lớn lên với ý thức rất rõ về việc chịu trách nhiệm về hành động của mình. Trẻ em Nhật luôn được cảnh báo về thất bại trong mọi tình huống và học cách đối mặt với thất bại. Cha mẹ thường động viên, khuyến khích con rằng: Con có thể không hài lòng, có thể bỏ cuộc, có thể cố gắng làm tiếp một lần nữa. Nhưng dứt khoát không khóc, không được suy sụp.
Người Nhật mê tín và tin vào nhân quả. Đứa trẻ được nuôi dạy cẩn thận, trong đó chú trọng vào việc cách cho đi và nhận lại và luôn hiểu rằng đó là là quá trình hai chiều. Người nhận cũng phải biết ơn. Người cho cũng phải cảm ơn vì người nhận đã nhận vì nếu người ta không nhận, làm sao mình có cơ hội được cho.
Cha mẹ Nhật cũng tin rằng, thời gian giành cho con, những đụng chạm cơ thể sẽ gắn chặt hơn tình cảm máu thịt trong gia đình. Phải đảm bảo mỗi ngày đều có thời gian dành cho con, chơi với con, ôm con, hôn hít con, giặt quần áo, gấp là quần áo cho con, cho chồng được các mẹ Nhật rất quan tâm. Các câu lạc bộ phụ nữ có hẳn các buổi giảng của chuyên gia hay thảo luận nhóm về các chủ đề này. Mặc dù người Nhật không hài hước, thậm chí quá nghiêm túc, luôn che giấu cảm xúc cá nhân, nhưng họ cũng luôn tâm niệm việc tạo ra tâm trạng tốt cho con. Họ luôn có cách khiến con cười ít nhất vài lần một ngày để duy trì tâm trạng tốt. Khi có tâm trạng tốt, đứa trẻ sẽ có thái độ tốt và tích cực hơn trong suy nghĩ, trong lối sống.
Trả lời