Trích sách "Cuộc chiến với tuổi dậy thì"
——————-
Sẽ là vô tình, thậm chí vô ơn nếu quên không nhắc “công ơn” của “dàn” gia sư, những người cộng tác đắc lực trong công cuộc “giải cứu” ông Cống.
Càng lên lớp trên bài vở ngày một nhiều, một khó, không thể không đi học thêm. Học thêm trên lớp chỉ đi cho có, không hiệu quả nên phải “vời” đến gia sư. Cống lại ngỗ ngược, không lành hiền, dễ bảo như những đứa trẻ khác, vừa dạy phải vừa dỗ, lắm khi dỗ nhiều hơn dạy, rất mệt mỏi. Bởi thế, tìm gia sư cho Cống thật khó. Mềm không được, rắn cũng không xong, cứ phải lúc nắn, lúc buông, lúc cương, lúc nhu, lúc nghiêm túc, lúc hài hước, hóm hỉnh mới thuyết phục được Cống. Riêng môn tiếng Anh phải qua đến năm đời gia sư mới tìm ra người “trị” được Cống. Trước đó gia sư toàn sinh viên hệ chất lượng cao mà rốt cuộc đều “chào thua” vì cái tính Chí Phèo của Cống. Các chị đều hiền quá nên bị em “bắt nạt”.
Một phần do mẹ cất công tìm kiếm, nhưng có lẽ phần lớn là do chữ “duyên” mà Cống có được “dàn” gia sư khủng, toàn “hàng xịn” hiếm có. Phải thừa nhận công đầu với Cống là của ba anh gia sư Anh, Toán, Lý. Anh nào cũng phải “diễn” một lúc cả mấy vai: vừa dạy, vừa dỗ, vừa là chỗ tin cậy để Cống chia sẻ, đúng ra là dốc đủ mọi thứ khúc mắc, bức xúc ở trường, ở ngoài đường, thậm chí cả ở nhà (bức xúc với ba mẹ), thậm chí vừa là “chuyên gia chém gió” cùng Cống.
Đặc biệt nhất là gia sư của Cống anh nào anh nấy đều lận đà lận đận với cái sự học, tuổi đều trên dưới ba mươi mà vẫn chưa nhấc được chân ra khỏi cổng trường đại học. Lận đận với cái sự học thế nhưng anh nào cũng có biệt tài làm Cống từ chỗ thờ ơ, thậm chí có phần căm ghét môn học mà dần dần thành “thăng” lên với môn học ấy.
Dài hơi nhất, nhọc nhằn nhất và đặc biệt nhất là anh gia sư tiếng Anh. Sau nhiều lần thất bại, mẹ rút ra một điều, xem ra những chị gia sư dù học hành giỏi giang nhưng hiền lành quá đều chưa đủ “chiêu” để “trị” Cống. Tình cờ được biết trong số học trò của mẹ có một anh sinh viên “già” chuyên gia “trị” học sinh cá biệt mẹ bèn mời gấp về làm gia sư cho Cống từ lúc Cống bắt đầu vào lớp 6 và theo một mạch cho đến khi thi đại học hè vừa rồi (2014). Gia sư tiếng Anh sinh năm 1975, đang học đại học sư phạm ngoại ngữ thì bỏ (nghe đâu vì hoàn cảnh gia đình). Sau nhiều năm lang bạt kì hồ gian khổ làm đủ thứ nghề từ buôn bán cò con, lậu lẫn không lậu, cho đến đi làm phu hồ (cầu vượt chỗ phố Phạm Hùng có công anh góp sức, hi hi…), thậm chí còn cả đi buôn đồng nát (xoong cũ đổi xoong mới),… anh quyết định quay lại với giảng đường đại học (thi lại đại học và đỗ luôn) với đống nợ trên vai và hai cái “tàu há mồm” mà anh “cả gan tậu” trong những tháng ngày khốn khó ấy. Vừa đi học, vừa quần quật làm gia sư tối ngày kiếm tiền trang trải cho sinh hoạt gia đình, giúp đỡ cha mẹ già yếu ở quê. Đến thăm “nhà” anh, (gọi là nhà cho sang chứ đúng ra phải gọi là “lều) tuyệt không thấy có gì trị giá đến 100 nghìn, nghèo xơ nghèo xác. Hai vợ chồng và một thằng con trai cả ăn, ngủ, nghỉ, học hành đều khoanh trong phạm vi diện tích của một chiếc dát giường quăng trỏng trơ dưới đất. Cái nghèo, cái khổ đeo bám kinh niên làm cái hình dong, tướng mạo con người cũng khắc khổ, da đen cháy, dáng đi lầm lũi như sắp đổ về phía trước. Mấy cô hàng xóm cứ thắc mắc sao bao nhiêu sinh viên Hà Nội xịn không thuê mà lại thuê cậu ấy, trông chẳng có dáng dạy học, chứ đừng nói là dạy ngoại ngữ. Thậm chí có cô hàng xóm còn chê “sao cậu gia sư tiếng Anh nhà chị mặt mũi tối om om thế, ngữ ấy thì dạy dỗ làm sao được mà cũng thuê?”. Mẹ nghe thấy thế chỉ cười, không nói gì. Nếu các cô hàng xóm biết rằng dạy một thằng mà anh nhiệt tình đứng nói sang sảng như dạy cho vài chục thằng, rằng anh không bảo giờ so đo giờ giấc, sẵn sàng ở lại thêm cả tiếng đồng hồ khi em cần dốc bầu tâm sự, hoặc khi em bỗng dưng “lên cơn” say học, rằng anh chuẩn bị bài chu đáo ra sao, chữa bài tỉ mẩn thế nào,…. Bên trong cái vẻ ngoài đen đúa, khắc khổ ấy là một tâm hồn trong sáng, nồng hậu, một tấm lòng tận tụy, nhiệt thành, một cái đầu thông minh, một tính cách dí dỏm, hài hước, đáng yêu. Với đầu óc và tính cách như thế, cùng sự trải đời nhiều như thế, con người ấy đã chinh phục được Cống cũng là điều dễ hiểu. Anh không chỉ dạy em bằng kiến thức, mà còn bằng tấm gương về nghị lực sống, vươn lên từ nghèo khó, bần hàn. Buồn cười là cô em hàng xóm thân thiết, người chê vóc dáng quê mùa của anh này nhiều nhất, về sau buộc phải “xài tạm” anh làm gia sư cho con và nhóm bạn của nó (giải pháp tình thế vì chị gia sư cũ đi du học). Chỉ sau vài ngày đã thấy cô em nắc nỏm “Ôi chị ơi, sao mặt Thắng nó đẹp thế, nụ cười của nó sáng và tươi thế cơ chứ. Thắng nó phát âm tiếng Anh rất tốt, dạy rất nhiệt tình, bọn trẻ con thích lắm. May quá bà chị giới thiệu cho em” (cô này giỏi tiếng Anh, quanh năm đi hội thảo nước ngoài). Đến cô bạn mẹ đầu tiên cũng chê ỏng chê eo khi nhìn thấy anh gia sư này xuất hiện ở trung tâm ngoại ngữ của cô ấy (do mình tiến cử khi cô nhờ tìm giáo viên), vậy mà chỉ vài tuần sau đã phải gọi điện năn nỉ nhờ mẹ nói giúp anh này nhận dạy thêm cho vài lớp nữa. Ở đời không ít người có cái nhìn thiển cận thế đấy, chỉ đánh giá con người qua cái diện mạo bề ngoài.
Trong ba anh mẹ thương anh gia sư tiếng Anh nhất vì anh bị Cống đày đọa và hành hạ lâu nhất, những 7 năm liền. Cống thông minh nhưng cục cằn, nóng nẩy, lúc tươi lúc héo, hứng thì học, chán là bỏ, đã thế lại hay cáu, hay dỗi, thậm chí lúc điên lên còn đập phá, ném tung sách vở. Phải người khác họ đã mệt mỏi và bỏ mặc Cống lâu rồi, nhưng anh vẫn nghiến răng lẽo đẽo theo Cống đến tận kì thi đại học hè vừa rồi. Lớp 12, khi kì thi tốt nghiệp phổ thông và kì thi đại học sắp đến mà Cống còn dở quẻ không cho anh dạy ôn theo chương trình mà “bắt” anh tán phét (bằng tiếng Anh) về những chủ đề tuyệt không liên quan đến thi cử như thể thao (bóng đá, tennis), chiến tranh, phim hành động của Mĩ,…. Thật vui và mừng cho anh vì sau khi ra trường anh đã được tuyển vào làm giáo viên chính thức ở trường Cống học, một ngôi trường có uy tín ở Hà Nội. Sự tận tâm, niềm đam mê với nghề ở anh vẫn luôn thế. Thương đến trào nước mắt mỗi khi nhớ lại hình ảnh anh đưa đôi dép xăng đan rách của mình cho cậu bạn thân và mượn tạm đôi giày của cậu bạn này trước cổng trường cấp 3 đế vào trường gặp hiệu trưởng hôm phỏng vấn xin việc.
Gia sư Toán là cháu ngoại nhà văn Nguyên Hồng, một thanh niên điển giai, mặt mũi sáng láng, thông minh, nguyên học sinh chuyên Hóa trên Bắc Giang. Đang học Đại học Giao thông vận tải năm thứ 4 thì bỏ vì chán (thấy không yêu và không hợp với nghề), nhảy sang thi Đại học Ngoại thương, học đến năm 2 ngành Kinh tế đối ngoại bỗng dưng được “khai quật” ra tài năng sư phạm nhờ đi làm gia sư. Và thế là lại tiếp tục chán học Ngoại thương, quay sang say mê với “nghiệp giáo”. Chọn nhầm nghề nó khổ thế đây, loay hoay học đến 2 cái đại học rồi mà vẫn chọn nhầm nghề, không nhẽ lại bỏ tiếp. Anh chàng này con nhà nòi văn chương (mẹ cũng là giáo viên Văn) nên có khả năng “chém gió” vô địch. Chẳng hiểu anh “chém” kiểu gì mà lũ học trò sùng bái anh như “đại ca”, cứ mở mồm ra là “anh Trung đã nói….”, hay “anh Trung bảo thế…”. Chúng nó đua nhau trích dẫn lời anh ầm ầm. Câu nói “bất hủ” của anh được lũ nhóc khoái và trích dẫn nhiều nhất đó là “Ôi giời, thời này là thời nào rồi mà còn tự hào vì xuất khẩu gạo, trong khi thiên hạ ầm ầm xuất khẩu phần mềm và công nghệ cao,… Rồi lại còn tự hào vì nhân công lao động giá rẻ nữa chứ.”
Tội nghiệp anh, được Cống yêu quí, thần tượng là thế nhưng cũng không thoát khỏi những lần bị Cống lên cơn thần kinh hành hạ cho ra trò, nào thì bỏ học (dù anh đã đến dạy), “đình công” không làm bài tập, cãi láo,… Phần vì yêu quí Cống với cái tính thông minh, hóm hỉnh, “hợp cạ chém gió”, phần vì lúc đó tuổi cũng đã kha khá, bạn bè đa phần đã ổn định công việc, gia đình, còn mình vẫn mãi loay hoay với cái sự học nên khi được “khai quật” ra cái khả năng dạy học anh bèn dốc hết tâm sức vào cái “sự nghiệp gia sư”, xem nó như chỗ bấu víu cuối cùng, duy nhất để khẳng định bản thân, giải cứu bản thân ra khỏi sự mặc cảm thua kém bạn bè. Càng dạy càng say, càng học sinh cá biệt như Cống càng có cơ hội cho anh thử thách. Say quá với cái sự nghiệp gia sư suýt làm anh không ra nổi trường. Với mác “Ngoại thương” anh cũng đã có công ăn việc làm ổn định, đã có vợ đẹp con khôn, tuy nhiên cái duyên và sự đam mê với dạy học vẫn còn nguyên đấy. “Lò” tại gia nhà anh vẫn chạy hết công suất, chồng Toán, vợ Văn, chuyên luyện thi vào đại học và vào các truờng chuyên, lớp chọn. Cái hay là anh sống ung dung bằng nghề tay trái và cũng thăng hoa nhờ nghề tay trái ấy. Thật tiếc vì cái sự chọn nhầm nghề của anh mà ngành giáo dục đã không có được một tài năng sư phạm. Cống học với anh hết lớp 9 thì “kí” cho anh cái “lệnh tha bổng” với lý do “Thôi, anh giờ có gia đình rồi, anh cần tiền nuôi vợ con, dạy mình em thì chẳng bõ, em tha cho anh để anh dành thời gian dạy nhóm tại nhà cho được nhiều tiền và đỡ phải đi lại vất vả”. Cấp 3 tuy không học tiếp với anh nhưng anh em vẫn thân nhau lắm, có cái gì khó vẫn mang hỏi anh, có bức xúc vẫn tâm sự với anh.
Tiếp nữa là gia sư Lý, một nhân vật cũng thật đặc biệt, có thể gọi là “cao nhân”. Học kì 1 năm lớp 10 Cống (và hầu hết các bạn trong lớp) vật vã với môn Lý, học mà như đập đầu vào tường, chịu không hiểu gì. Hội phụ huynh nhờ cô chủ nhiệm feedback lại với giáo viên dạy Lý nhờ thay đổi phương pháp cho trò dễ hiểu bài thì lớp được giáo viên trả lời bằng một câu tuyên bố xanh rờn thế này: “Tôi dạy thế đấy, các anh chị cố mà theo”. Nghe thằng con kể lại mà thấy chán. Ừ thì có ngu, có dốt mới phải đi học. Tất nhiên con mụ mẹ của thằng con giai mình cũng chẳng ngu dại gì mà đi đối đầu với giáo viên của con nên lại đành dùng chiêu “giải cứu” con bằng gia sư, một anh sinh viên khoa Lý trường ĐHSP Hà Nội. Thật nực cười, chỉ sau mấy buổi học với gia sư, mọi thứ tưởng không thể nhằn nổi trên lớp bỗng trở nên sáng tỏ như ban ngày. Bái phục cậu gia sư Lý của con sát đất luôn (cũng vì xuất sắc thế nên ra trường anh được giữ lại làm giáo viên dạy tại Trường chuyên ĐHSP Hà Nội). Từ chỗ căm ghét môn Lý, ông con quay ra say môn Lý, lúc nào cũng Lý, Lý và Lý. Có những hôm còn thức đến 3 giờ sáng để học Lý, làm bài tập môn Lý. Tất nhiên mình cũng hiểu dạy một trò khác với dạy dăm chục trò, và thông cảm với áp lực “chạy cho kịp chương trình” của giáo viên đứng lớp. Tuy nhiên, giờ thì mình cũng lờ mờ hiểu tại sao Tây lại tổng kết “Không có học trò dốt, chỉ có giáo viên tồi”. Trong hội thảo quốc tế “Kết quả của chương trình PISA và những vấn đề đặt ra cho các nhà Lý luận dạy học chuyên ngành”) (10.2004, tại Berlin) các nhà nghiên cứu về Khoa học giáo dục trên thế giới đã kết luận gây sốc thế này: Sở dĩ học sinh học không ra gì vì giáo viên dạy không ra gì. Sở dĩ giáo viên dạy không ra gì vì năng lực giảng dạy của họ không ra gì và sở dĩ năng lực giảng dạy của họ không ra gì do khi còn học ngành sư phạm, họ đã không được trang bị tốt các kiến thức và kĩ năng ở môn Lý luận dạy học chuyên ngành. Tóm lại, nói như Tây thì học sinh không có lỗi gì hết cả, ha ha… Điều này xem ra thật là khó hiểu và không thể chấp nhận được đối với lối suy nghĩ phổ biến của giáo viên Việt Nam. Nếu học sinh không hiểu bài thì cầm chắc là do học sinh dốt chứ nhất quyết không phải do giáo viên dạy không ra gì (tất nhiên những lớp trên sẽ “gánh” hậu quả của những lớp dưới), trong khi đó các bác Tây lại cứ khăng khăng bảo đó là do giáo viên. Chẳng hạn như ở Đức, báo chí dám tru tréo ầm ầm, rít lên ò ò chỉ trích “nhà trường làm học sinh ngu đi” sau khi kết quả khảo sát đánh giá của Chương trình PISA năm 2000 cho thấy học sinh Đức đứng ở thứ hạng thấp, thậm chí còn dưới mức trung bình chung của OECD). Hoặc như ở Mĩ còn có cái đạo luật rõ hay (No child left behind act), trong đó có điều khoản qui định nếu các học sinh không hiểu bài, giáo viên phải có trách nhiệm phụ đạo (không lấy tiền) đến chừng nào học sinh hiểu bài thì thôi.
Mà Giáo sư Hồ Ngọc Đại “nhà ta” xem ra suy nghĩ cũng giống Tây phết. Ông ấy bảo với ông Nông Đức Mạnh (lúc còn làm Tổng bí thư) thế này: “Anh Mạnh ạ, giáo dục rất đơn giản. Chỉ có mấy chữ anh với tôi chia nhau. Có 4 chữ: Anh là “Ai cũng được học”, còn tôi là “Ai cũng học được”. Đi học mà không học được thì đi làm gì? Cho nên, đã đi học thì phải học được và việc đó là việc của nghiệp vụ sư phạm. Nghiệp vụ sư phạm phải xử lý, ai đã đi học thì phải học được.” Đọc mấy câu trên của giáo sư Đại mà thấy sướng. Ở Việt Nam chắc cũng chẳng có mấy ai nghĩ được như ông ấy.
Trở lại câu chuyện về anh gia sư Lý, cũng một anh chàng loay hoay với hai lần đại học. Lần đầu cũng học sư phạm Lý bên ĐH Giáo dục, ĐHQGHN, không hiểu sao không tốt nghiệp. Vẫn quyết tâm theo nghiệp giáo nên sau đó thi lại vào khoa Lý ĐHSP Hà Nội. Từ nét mặt cho đến phong thái anh chàng này thì vừa nhìn đã thấy ngay “chất giáo”. Dù anh chọn nghề hay nghề chọn anh thì cũng đều là sự sáng suốt. Nhà ở Nam Định, gia cảnh cũng thuộc loại khó khăn, nhưng cả 4 anh chị em ai cũng xinh đẹp, giỏi giang. Anh chàng tuy nhỏ nhắn, trắng trẻo thư sinh (và cũng rất hài hước) nhưng lại có “uy” nhất với Cống. Anh là gia sư duy nhất mà Cống chưa bao giờ dám nhờn, dám không học hành tử tế, dám không làm bài tập hay dám nói hỗn, nói láo câu nào, lạ thế. Chiêu trò “láo toét” nhất mà Cống mang ra xài với anh là cho ra “lò” cái luật oái ăm: Nếu anh ra bài kiểm tra mà em và thằng Sơn (Cống học học gia sư Toán, Lý cùng Sơn) làm được thì anh phải chạy vòng quanh khu tập thể 3 vòng và hô “tôi là thằng thầy ngu nhất thế gian”, còn nếu bọn em không làm đuợc thì cũng sẽ phải chạy 3 vòng và hô “tôi là thằng trò ngu nhất thế gian”. Kết cục là anh chưa bị chạy lần nào còn 2 thằng thì chạy đến te tua, he he…. Chỉ tiếc là cái sự học hành của hai thằng em đang suôn sẻ và vào đúng giai đoạn quan trọng nhất (sang lớp 12) thì anh đột ngột quyết định rời Hà Nội về quê dạy ở một trường cấp 3 gần nhà, phần vì quá mệt mỏi với cái sự cơm áo, gạo tiền nơi “đất Thánh”, phần thì muốn phụng dưỡng cha mẹ (vì là con trai cả), phần cũng muốn sớm ổn định gia đình. Cống ức lắm mà không làm gì được (ba mẹ cũng không thuyết phục nổi). Sau đó Cống học gia sư với chị Nga, chị dạy cũng rất khá, rất nhiệt tình, nhưng không thể bằng anh Hiến và chắc cũng do dấu ấn của anh Hiến quá mạnh, Cống quá hụt hẫng khi bị anh đột ngột “bỏ rơi” đúng thời điểm quan trọng nhất (lời của Cống) nên Cống cũng nản dần và chán dần môn Lý, tuy vẫn chọn thi khối A1. Cống giận anh đến mức tuyệt giao luôn, chặn số điện thoại, chặn FB, hỏi không trả lời,….
Có được các anh gia sư tuyệt vời như thế ba mẹ như có thêm chân, thêm tay, thêm mắt, thêm đồng minh mạnh mẽ trong công cuộc “giải cứu” Cống. Có không ít chuyện khó góp ý trực tiếp đuợc với Cống (vì Cống dễ nổi cáu) ba mẹ đều phải “mượn mồm” các anh gia sư để nói, vì cùng “cánh thanh niên” với nhau nói sẽ dễ “vào” hơn. Các anh đều thân thiết như con cháu trong nhà, gặp bữa thì ăn, khát thì uống, có gì ngon ngon, là lạ bao giờ cũng để phần các anh.
Nhà mình có truyền thống thân thiết với gia sư của con từ thời chị Ti học cấp 2. Ti thì ít học gia sư hơn Cống nhưng cũng thân thiết lắm với hai chị Thuỷ, chị Vân gia sư tiếng Pháp. Chị Thủy còn thân đến mức sau khi sang Pháp du học cứ hè đến là đón Ti sang Pháp chơi và học thêm tiếng Pháp. Hai chị em cứ ríu ra ríu rít như chị em ruột. Sau này, cứ mỗi lần về phép, dù ngắn ngày hay vội đến mấy Ti cũng phải bay vào Sài Gòn chơi với gia đình anh chị.
Nhìn về phía trước says
Yêu quá, em rất thích giọng văn tình cảm gần gũi trong bài này
nhi bùi says
cô viết hay quá
cháu xin phép được trích dẫn bài của cô lên fb cháu ạ