Tâm Phong
Bữa trước nhà bác Tấn Lộc rủ tán chuyện ông Mao trên QC tự dưng lại nhớ cái chuyện đi tây mấy chục năm trước. Đợt ấy run rủi thế nào mà nhà Bô lại trúng được xuất tây du hí.
Thời chiến tranh, quen đói rách. Áo quần thì bô nhếch, không phòng nhớn thì cũng vá chằng đụp. Thói quen đi chơi, tán gái mặc quần thủng đít vẫn còn giữ từ thời đó đến giờ. Ăn thì đếch biết miếng thịt tử tế là gì, sang nhất cũng chỉ đến gà, vịt rù. Chơi thì toàn tự biên tự diễn, hiền thì bi xèng, bóng bánh, hư thì quân khu quân kheo, giao hữu củ đậu bay. Trẻ con lớn lên trong chiến tranh, quen với đói khổ, bom đạn. Cuộc sống như vậy kể cũng bình thường, thậm chí nghĩ lại còn thích hơn bây giờ khi vật chất có hơn nhưng toàn những bon chen và thủ đoạn.
Giời phú thằng dốt, tự dưng được đi tây. Lũ chúng tôi, mỗi chú đều được cấp 1 bộ com lê bác Bửu, cà vạt, dày da và va li. Oai như cóc! Trước hôm đi, tất cả tập trung tại Thanh Xuận, được nghe lãnh đạo bộ Đại học dặn dò, úy lạo: “Các anh chị là chất nõn của đất nước. Sang đấy lo mà học hành, phấn đấu. Tương lại đất nước có mở mặt mở mày một phần là ở các anh chị”. Chả biết có phải chất nõn hay không nhưng cái cảm giác được bốc thơm đến tận bây giờ nghĩ lại vẫn cảm thấy tê tê. Mát cả cõi lòng!. Cái đám chất nõn ấy sau này số phận mỗi thằng một kiểu. Thằng tha phương cầu thực, kiếm ăn xứ người. Thằng phấn đấu, bon chen tốt, ông này, bà nọ cũng không ít nhưng có lẽ đa phần là nõn thối, không phát triển, sống dật dờ vô tích sự, cả cho đời lẫn cho vợ con.
Đi Nga lúc ấy còn bằng tàu hỏa, máy bay chưa có. Đoàn chúng tôi mấy trăm người rời Hà Nội vào một đêm đầu tháng 8. Có lẽ đứa nào cũng đều có chung một cảm xúc lẫn lộn, vừa phấn khởi háo hức vì sắp được đến thiên đường cộng sản, vừa lưu luyến nhớ nhà không biết khi nào mới được về thăm mẹ. Tàu chuyển bánh từ ga Hàng Cỏ, chạy xình xịch cả đêm, sáng sớm hôm sau đến Đồng Đăng. Mọi người được vào thị xã chơi độ hơn tiếng rồi đi bộ, kéo nhau sang Bằng Tường chuyển qua tàu Trung Quốc.
Đoàn đi xuyên qua đất nước Trung Hoa, từ Bằng Tường đến Mãn Châu Lý cả thảy chừng 7-8 ngày. Có lẽ đến tận bây giờ vẫn chưa quên cái cảm giác rơi vào thiên đường của những ngày sống trên tàu khi đi qua đất TQ. Cơm ăn ngày 3 bữa, món nào cũng ngon, không bữa nào giống bữa nào. Bát đũa, môi thìa bằng sứ sáng bóng. Tàu thì rộng, chạy thì nhanh, không rề rề như tàu Việt. Nhân viên trên tàu thì phục vụ hết lòng, lúc nào cũng thường trực một nụ cười hảo hảo. Tối ngủ, họ còn đi dọc theo các toa, xem ai rớt chăn thì lấy chăn đắp lại. Mà cái lũ chúng tôi vốn chỉ quen nghèo đói, rách rưới nên lần đầu được chạm với cái sự sung sướng cũng chưa biết lịch sự, giữ phép ngoại giao. Đúng là một lũ quê ra tỉnh!. Tàu người ta qui định nước chỉ được dùng để đánh răng, rửa mặt nhưng các chú cứ hồn nhiên hứng nước vào chậu tắm rửa. Tại các bàn ăn ở toa restaurant có bày đặt các chai rượu, đủ loại. Cơm nước thì miễn phí còn rượu thì phải trả tiền. Tiền sinh hoạt phí mỗi ngày được mấy nhân dân tệ, mua táo tây, bấm móng tay hay mấy cái đồ lưu niệm vừa hết, còn đâu mà để uống rượu. Thế nhưng các bố nhà ta cứ “hồn nhiên” rót rượu đãi nhau, tự nhiên như ruồi. Nhà hàng đến thanh tóan thì cả lũ móc cống ra cũng chỉ được mấy đồng, không đủ tiền trả. Thế mà bạn vẫn nhịn, hảo hảo như không có chuyện gì xảy ra. Lúc đó mọi người cứ nghĩ sao mà các tồng chí Tung Của tốt thế.
Tàu chạy nhiều ngày, qua nhiều nơi nên chúng tôi được xem nhiều cảnh, thấy nhiều điều. Phong cảnh hùng vĩ, thơ mộng cũng có, nhưng nhớ nhất vẫn là cảnh đất chật, người đông (nhất là tại các thành phố), dân tình lam lũ. Đâu đâu cũng một bức tranh may ô ba lỗ màu đỏ, xe đạp cởi truồng. Đời sống của người Trung Quốc xem ra cũng chẳng khấm khá hơn gì so với Việt Nam. Có khác là cái cảm giác chật chội, ngột ngạt của cuộc sống và thêm cái oi bức của mùa hè.
Nhưng cái đói kém, ngột ngạt của người dân TQ lúc đó hầu như cũng chẳng ảnh hưởng gì đến cảm giác ngây ngất vì sướng của lũ thanh niên mới lớn được đi tây này. Ngoài cửa sổ là một thế giới, trong tàu là thế giới khác. Có gợn đôi chút là cái cách cười “hảo, hảo” của bạn, miệng cười mà mắt không cười. Và cái vụ bạn X vô ý đập đầu làm vỡ chao đèn trong khoang tàu. Cả lũ sợ xanh mắt lo không có tiền đền. Không ngờ người phục vụ cũng chỉ nhẫn nhịn dọn và thay chao khác, không trách một câu. Khi mọi người tỏ ý xin lỗi thì anh ta cứ xua tay: hảo hảo, không sao, không sao. Tưởng chuyện thế là cho qua, ai ngờ sau đó một hôm, khi mấy đứa lòng thòng đi dạo qua các toa (chủ yếu để ngắm các bạn nữ, hehe), lúc đi qua toa ăn thì thấy các bạn TQ đang họp và đấu tranh gì đó rất căng thẳng như kiểu đấu tố. Người bị đấu chính là anh phục vụ (và phụ trách toa) hôm dọn chao đèn bị vỡ. Mấy đứa thấy thế thế sợ xanh mắt mèo, lẳng lặng đi về toa của mình. Chẳng còn đâu những nụ cười thân thiện thường trực, lúc nào cũng “hảo, hảo” của các bạn TQ.
Tàu dừng Mãn Châu Lý, điểm cuối của TQ. Bên kia đã là đất Nga. Trước khi chuyển sang tàu Nga, đoàn chúng tôi được phía bạn chiêu đãi một bữa ăn bét nhè và một buổi ca nhạc vô cùng “ấm áp tình anh em”. Các bé trai, bé gái quần, váy xanh công nhân, áo trắng, khăn quàng đỏ hát các bài hát tiếng Trung, tiếng Việt thực là cảm động:
“… Việt Nam có bác Hồ,
Trung Hoa có bác Mao.
Nhi đồng cả hai nước,
Yêu hai bác như nhau…”.
Rồi thì cả ta lẫn bạn:
“Việt Nam Trung Hoa,
núi liền núi,
sông liền sông,
chung một biển Đông mối tình hữu nghị thắm như biển Đông….”.
Hai bên hát say sưa, hết bài này đến bài khác.
Cuộc vui nào rồi cũng hết. Buổi văn nghệ kết thúc. Đại diện phía Trung Quốc phát biểu chia tay với đoàn Việt Nam. Chỉ đến lúc họ nói: “Chúc các bạn Việt Nam lên đường đi chiến đấu” thì cả lũ mới hơi ớ ra: sao lại đi chiến đấu? Chiến đấu với ai? Sau định thần mới hiểu: quan hệ Nga Trung thời đó có phần căng thằng. Trước đó mấy năm nghe đâu còn múc nhau kịch liệt. Bạn Tàu “chúc đểu” bạn chiến đấu Việt Nam.
Mà cái lũ Việt Nam cũng đểu, không biết ai dạy mà đã có tư tưởng “trọng tây hơn ta”. Đi trên đất Trung quốc được chiều như vua nhưng bố nào bố nấy cứ nhếch nha nhếch nhác, toàn đánh quần đùi, may ô ba lỗ. Chỉ khi đi ăn hay lúc tàu dừng ở ga được xuống tàu … ngắm gái, mua đồ lưu niệm mới chịu mặc quần dài, áo sơ mi. Chia tay với các bạn TQ, về toa lấy hành lí để chuyển sang tàu Nga, không ai bảo ai tất cả nhất loạt đóng bộ comple, cà vạt nghiêm chỉnh. Chú nào chú nấy xúng xính, cười cười nói nói như thể Thanh Hóa được mùa. Đúng là một lũ quê ra tỉnh!.
Từ Mãn Châu Lí chúng tôi đi tiếp đến Irkursk, thành phố nằm trên sông Angara, đông Siberia. Tàu chạy chừng 2-3 ngày. Sang tàu Nga khác hẳn. Chẳng còn đâu sự chăm sóc nhiệt tình, cơm ngày ba bữa. Bạn cấp cho mỗi đứa ngày 3 rub, thích ăn gì thì ăn, không ăn gì thì dành tiền mua quà gửi về cho người yêu. Nghĩ lại kể cũng nhục, trong đoàn bao nhiêu là cao thủ, học giỏi khét tiếng mà cái vốn tiếng Nga cả năm giời học dự bị cũng đếch đủ để gọi món ăn cho đúng. Nhiều bữa gọi nhầm, tiền thì mất mà khi đồ ăn được bưng ra đành cười trừ, không dám ăn. Mà lỗi cũng tại thầy cô, dạy cái đời thường, tên món ăn không dạy, toàn dạy cái cao siêu: con đường tới Lê Nin hay bó đuốc Lê Văn Tám,… Mấy cái từ được học thì cóc có đất để sử dụng, từ cần thì lại cóc biết. Thế mới biết học mà sai thì càng học càng ngu, chỉ tội tốn chỗ bộ não.
Mấy ngày này cuộc sống trên tàu cũng chẳng có gì đặc biệt để nói. Cái tâm thế hào hứng cũng mất dần. Chỉ đến khi sắp đến Irkursk tàu chạy men qua hồ Baican thì úi trời, thiên nhiên sao mà đẹp dzữ vậy. Trời, nước xanh trong vắt, quanh hồ cỏ dại mọc thành hoa. Toàn hoa đồng nội, màu sắc nhẹ nhàng, dáng hoa thanh tao, yểu điệu như vờn, như đùa với những cơn gió nhẹ thỉnh thoảng lướt qua. Lại nữa, khi tàu chạy qua các làng quê (thường chậm lại), các cô thôn nữ váy hoa lả lướt trông mới đẹp làm sao. Da thì trắng, dáng đi thì mềm, sức sống thì căng đầy,… Cái đẹp của trời đất, của người con gái Nga nó kéo lại cái cảm giác hào hứng, phấn chấn đã gần mất của lũ chúng tôi. Có lẽ sắp đến thiên đường rồi thật ư?
Tàu đến Irkursk, chúng tôi dừng ở đó 2 tuần trước khi chia nhau về các thành phố. Đó là 2 tuần kiểm tra sức khỏe, một vài bạn có bệnh truyền nhiễm phải quay về.Tội nhất là anh Y, ông anh cùng lớp dự bị với tôi. Anh đi chiến trường từ những năm 60, tù Phú Quốc sau nhờ hiệp định Paris được trao đổi. Anh là thương binh, cụt một tay, học chưa phải là xuất sắc trong lớp nhưng một người cả chục năm chiến trường lẫn tù đày không đèn sách mà được như anh thực sự là một tấm gương cho mấy đứa chúng tôi. Trong anh vẫn còn vi trùng sốt rét nên bị buộc phải về. Mà không hiểu sao đại diện bộ Đại học hay sứ quán ta không ai nói khó với phía Nga để anh được ở lại? Tôi tin, với cái lí lịch của anh phía Nga thời ấy chắc sẽ ok và ngưỡng mộ anh.
Hai tuần ở Irkursk là những ngày đầu tiên làm quen với nước Nga, thực hành tiếng, tập tọe tán gái, tập ăn các món ăn Nga. Nhớ nhất là món váng sữa (smetana). Nghe nói món này rất bổ thế là thằng nào thằng nấy ăn, nạo vét xong còn cho nước vào khuấy kịch liệt rồi uống không bỏ sót. Nghĩ lại vẫn thấy quê.
Từ Irkursk nhóm nhỏ chúng tôi còn phải đi tàu 4-5 ngày đến Matxcơva rồi từ đó mới đi tiếp về Kishinov, nơi sẽ học dự bị. Chuyến tàu Irkursk-Matxcơva nghĩ lại vẫn thấy kinh hoàng. Người ta cho chúng tôi đi tàu chợ. Tàu chạy thì chậm, dừng nhiều ga. Trời cũng đã sang thu, khá lạnh nên các cửa sổ đóng kín mít. Trong tàu hập hập một cái mùi hổ lốn, nhớ lại lại thấy buồn nôn. Nào thì mùi nước hoa (sau này mới biết là rẻ tiền), mùi sữa chua, mùi hôi nách của mấy bà sồn sồn, mùi thối chân của mấy tay đàn ông có lẽ cả đời không biết rửa chân là gì, mùi bia chua loét, mùi cá muối tanh nồng. Thôi thì chẳng thiếu mùi gì. Tất cả những cái mùi đó hòa quện vào với nhau thành cái mùi lộn mửa – mùi tây. Cái mùi tổng hợp này lại chất chứa trong một không gian ngột ngạt, thiếu không khí làm thằng bé mấy ngày liền lúc nào cũng ở trạng thái muốn ói. Thà nhịn, thà đói lả chứ quyết không chịu đi ăn. Có lẽ, đây là một trong 2 chuyến tàu để lại kỉ niệm nặng nề nhất trong đời.
Đến Matxcơva, chúng tôi được bố trí nghỉ tạm 2-3 ngày tại kí túc xá MGU*, được đưa đi thăm quan điện Kremlin, Quảng trường đỏ, được biết thế nào metro,… Hôm trước khi đi,mẹ một bạn cùng đoàn đã từng ở Nga kể về metro thật là ấn tượng: chui vào metro Nga như chui vào cung điện, đẹp như lâu đài của vua chúa, mà mỗi ga một kiểu, không cái nào giống cái nào… Mấy thằng đường xá chưa thạo, tiếng Nga thì phọt phẹt nhưng cũng đánh liều rủ nhau đi chơi metro. May mà không lạc, tìm được đường về.
Mấy hôm ở Mat, trời khá lạnh, đứa nào đứa nấy khăn mũ chỉnh tề mà vẫn rúm ró vì rét. Nhìn mấy thanh niên MGU sang năm trước xuống thăm, tay nào tay nấy sơ mi, đầu trần, ăn nói ra dáng đàn anh, trông thực ngưỡng mộ. Cứ nghĩ chắc nhờ cơm tây. Nhìn cái tòa nhà chính, nghe kể về lịch sử của trường mà cứ ước ao: giá mà được học trường này. Mình được cái đã dốt lại thích mơ cao.
Chúng tôi đi tiếp một ngày thì đến Kishinov, thủ phủ của xứ Moldova. Ấn tượng nhất là khi tàu vừa dừng bánh thì đã thấy mấy chục anh chị sinh viên năm trên cầm hoa ra đón đoàn. Các anh chị tranh nhau khênh giúp vali, chỉ dẫn đưa chúng tôi về kí túc nơi mình ở. Phân ai về phòng nấy. Phòng nào cũng được dọn dẹp ngăn nắp, trên bàn bày đầy hoa quả: nho, táo, mận, lê … không thiếu tí gì. Rồi mấy hôm sau họ còn mang máy may xuống giúp và dạy chúng tôi cách tự cắt và may quần áo, chỉ dẫn chợ búa, cửa hàng, cách đi lại, tàu xe … Người Việt thời đó sao mà sống với nhau có tình như thế? Đấy là không nói ở trường Tổng hợp Kishinov, trong chỉ trong có 4 cái ốp, 2 cái sân bóng rổ để đá bóng có đến hơn 300 con người Việt Nam đang học tập. Sáng đi học chạm trán nhau trên xe buýt, chiều về chạm nhau ở sân bóng hay chung bếp ga tập thể. Bây giờ nhìn cảnh người Việt đôi khi vì miếng ăn mà tranh cướp, đá, múc nhau không thiếu miếng gì thực sự thấy buồn.
Mới đó ngoảnh đi ngoảnh lại đã gần bốn chục năm. Nước Nga thay đổi cả hình lẫn xác. Được cái vài chục năm cuối này số phận gắn mình với nước Nga nên vẫn cảm nhận vả hiểu được cái quá trình biến cải ấy. Họ còn nhiều khó khăn nhưng cũng đã đi được những bước dài trên con đường tìm tự do và cơm áo cho nhân dân. Nước Trung Hoa cũng vậy. Có ai ngờ một đất nước cả tỷ dân nghèo đói đến thế mà nay lại thành một cường quốc kinh tế đứng thứ 2 thế giới. Đúng là thời gian thay đổi, vạn vật thay đổi. Hình như chỉ cái nụ cười “hảo, hảo” của anh bạn phương Bắc là không thay đổi.
* Tổng hợp Lomonosov.
Nguyễn Thị Thanh Huy says
40 năm rồi mà cô vẫn nhớ rõ từng chi tiết trên đường đi thế nhỉ. Khâm phục cô quá!
nthiphuonghoa says
@Nguyễn Thị Thanh Huy: bài này ko phải của cô mà của ông anh trai cô viết em ạ, hic…