Trần Long (theo báo Tuổi trẻ)
Để tồn tại và thích nghi trong môi trường làm việc nhiều thị phi, không ít người đã chọn cách im lặng. Hiện tượng này không mới nhưng ngày càng phổ biến. Sau khi Tuổi Trẻ có bài phản ánh, rất nhiều người bảo vệ cách ứng xử này. Một kết quả khảo sát cũng cho thấy gần 74% người được hỏi chọn cách im lặng.
Nhìn vào những con số thống kê hay mô tả về những người chọn cách sống im lặng, nhiều người dễ dàng lên tiếng phê phán, nhẹ thì cho rằng đó là những người chỉ biết sống an phận thủ thường, nặng hơn cho đó là tiêu cực, ích kỷ, chỉ biết lo cho bản thân. Đi vào thực tế từng đơn vị hay một tập thể nào đó, mọi người hiểu hơn tại sao người ta phải chọn “im lặng là vàng”.
Đầu năm học mới, ngành giáo dục đưa ra chủ trương giảm tải chương trình, sách giáo khoa. Chủ trương rất tốt, được mọi người ủng hộ. Thế nhưng, cách thực hiện, nội dung giảm tải lại có quá nhiều vấn đề. Giáo viên phải lên tiếng, báo chí đăng những phát biểu của giáo viên, lập tức họ gặp chuyện. Có giáo viên phải làm báo cáo, có người phải giải trình. Từ đó, các giáo viên “xin” báo chí đừng liên lạc với họ nữa. Giáo viên sợ bị trù dập, sợ bị lãnh đạo làm khó trong công việc của mình.
Hẹp hơn, ở một số cơ quan đơn vị, lúc đầu thấy nhiều vấn đề có thể ảnh hưởng uy tín, sự phát triển của đơn vị mình, có người đã mạnh mẽ lên tiếng. Sau đó, họ bị chụp cho cái mũ bươi móc cái xấu của cơ quan. Đặc biệt, sự im lặng cũng đang xâm chiếm dần đến nhiều cuộc họp.
Có nơi ban đầu trong các cuộc họp, nhân viên thường lên tiếng phản biện cách xử lý, góp ý những vấn đề tồn tại của cơ quan đơn vị. Nhưng rồi những người “lớn tiếng” bị cấp trên “dập tả tơi” vào những sơ suất của họ. Thay vì được lắng nghe, được chia sẻ, họ bị đòn hồi mã thương, từ đó khiến nhiều người dần trở nên chán nản, lui về phòng thủ an toàn.
Cũng có một tâm trạng khác diễn ra khi người nghe, người tiếp nhận ở những vị trí cao hơn nhưng không thẩm thấu được những điều mà cấp dưới trình bày. Lâu dần, người trình bày ý kiến cảm nhận rằng những gì mình viết, mình nói là vô ích. Và họ cho rằng người thông minh, người thức thời thì chẳng nên nói, chẳng nên viết để khỏi phí hoài tâm sức. Sự ít nói, ngại trình bày ý kiến, quan điểm của mình dần dần đưa họ đến chỗ ít trăn trở, suy nghĩ về những vấn đề xung quanh và sau cùng là dửng dưng với cả tập thể, cả cuộc sống xung quanh…
Cho dù là tình huống nào, nguyên nhân đều có phần bắt nguồn từ môi trường làm việc. Sẽ không có những cá nhân dám trình bày ý tưởng, suy nghĩ của mình nếu lãnh đạo của tập thể đó không chịu lắng nghe. Cũng sẽ không có nhiều ý kiến, đóng góp từ cấp dưới nếu lãnh đạo luôn áp đặt mọi quyết định của mình.
Và ý kiến, đóng góp của cấp dưới cũng sẽ ít hơn khi quyền lợi, mục đích của người đứng đầu không đồng nhất với những người thuộc quyền. Khi cấp dưới, những người xung quanh ít góp ý, phản biện, người lãnh đạo sẽ thấy dễ dàng triển khai những chỉ đạo của mình vào thời gian đầu.
Nhưng lâu dần, tập thể đó sẽ cạn dần sức sống, sức sáng tạo, thậm chí đi lạc đường. Ý kiến đóng góp hay phản biện ngày càng ít dần, tập thể sẽ dần mất đi động lực phát triển. Thậm chí phát hiện ra đơn vị mình như một con thuyền tròng trành đi chệch hướng, những người im lặng cũng nhắm mắt làm ngơ.
Thực tế đó với bất kỳ tập thể nào cũng là một mối họa. Và mối họa đó càng lớn hơn khi nó lan rộng ra.
{jcomments on}
Trả lời