Ở bài báo dưới đây có câu trả lời hay cho việc tại sao học trò một trường THPT xé đề cương môn Sử khi biết tin môn này không có trong kì thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Với cách dạy và học Sử như hiện nay thì học sinh nào cũng xé hết, thậm chí còn tổ chức ăn mừng. Ông con mình cũng hóa rồ với môn Sử.
——————-
Bài của DAE SELCER (người Mỹ, giảng viên Học viện Yola)
Tôi đã sống và làm việc ở TP.HCM được ba năm. Tôi yêu thích công việc giảng dạy của mình tại đây bởi cho tôi cơ hội tiếp xúc, học hỏi và lắng nghe nhiều câu chuyện từ bạn trẻ Việt.
Và tôi thật bất ngờ khi biết có sự khác biệt rõ về số lượng môn học giữa hệ thống trường quốc tế và trường công tại VN. Nếu như một bên học sinh chỉ phải học bảy môn thì bên kia học sinh phải gồng mình “gánh” tới… 11-14 môn học! Tôi nhận ra những học sinh trường công thường ít làm bài tập về nhà bởi đơn giản các em bị quá tải, vì vậy cũng không thể đào sâu, hiểu thấu kiến thức. Tôi biết nhiều người nghĩ rằng con mình học mười mấy môn đồng nghĩa với việc chúng sẽ tiếp thu được nhiều điều hay hơn là chỉ học bảy môn, nhưng thực chất trẻ sẽ quẳng ngay những kiến thức được học khi có dịp bởi quá mệt mỏi, căng thẳng…
Chưa kể với cách dạy nhồi nhét khiến học sinh phải học thuộc lòng thì sớm muộn người học cũng gian lận trong thi cử. Tôi từng hỏi một số học sinh Việt và rất bất ngờ khi họ thỏa hiệp, cho rằng việc gian lận là “chấp nhận được” bởi điều này sẽ giúp họ đạt được điểm cao, và lúc đó thì “cả nhà đều vui”… Theo tôi, đây là một trong những nguyên do khiến người Việt đi sau các dân tộc khác.
Ở Mỹ, chúng tôi thường chỉ học khoảng sáu môn trong mỗi học kỳ. Một số môn học có thể kéo dài cả năm nhưng cũng có những môn chỉ phải học một học kỳ hoặc gói gọn trong vài tiết đủ để học sinh nắm kiến thức căn bản.
Để vào những trường đại học lớn, học sinh thường phải tham gia hai kỳ thi SAT (kiểm tra kỹ năng đọc, viết và toán) cũng như ACT (kiến thức khoa học). Tuy nhiên, rất nhiều trường không đòi hỏi thí sinh phải có kết quả hai kỳ thi trên mà chỉ xét dựa trên kết quả học tập trong năm. Bên cạnh đó, trong một năm học sinh có thể tham gia thi nhiều lần hai kỳ thi trên để cải thiện điểm (nếu cần).
Giáo dục Mỹ đánh giá cao những học sinh không chỉ học giỏi mà còn có năng khiếu thể thao và thành tích hoạt động xã hội. Chúng tôi được học cách cọ xát với xã hội thực, học cách hướng tới những điều tích cực trong cuộc sống và hoàn thiện bản thân. Việc tham gia những hoạt động cộng đồng và các câu lạc bộ đội, nhóm trong trường chính là một cách để đạt được điều trên. Hình ảnh một sinh viên đến trường và chỉ biết miệt mài học trên giảng đường rồi vào thư viện là điều gì đó rất xa lạ với hầu hết giới trẻ Mỹ. Chúng tôi học để trở thành những người tốt hơn chứ không muốn học chỉ để trở thành những học sinh giỏi, càng không muốn học chỉ để đối phó với các kỳ thi. Tôi nghĩ các bạn trẻ Việt cũng sẽ có suy nghĩ tương tự. Vấn đề là ngành giáo dục phải nhận ra và thay đổi chương trình học, cách dạy và cách học cho phù hợp…
Việc học sinh ở VN học chỉ để đối phó với các kỳ thi, giáo viên nhiều bộ môn đang chạnh lòng với nghề… là sự thật, chúng ta cần nhìn nhận để từ đó đưa ra giải pháp thích hợp. Ai là người có lỗi trong việc này? Tôi nghĩ chúng ta đừng quá quan tâm đến việc đổ lỗi cho nhau mà nên tạo cơ hội cho mọi người ngồi lại với nhau để thảo luận, từ đó cả người lớn lẫn người trẻ có thể nghe được nguyện vọng của nhau và đề ra những hành động cụ thể cần thiết.
Tôi cũng được biết câu chuyện về học sinh một trường THPT tại TP.HCM xé đề cương môn sử khi biết môn sử không có trong danh sách sáu môn thi tốt nghiệp. Từ lúc ngồi ở giảng đường, tôi đã được đọc Truyện Kiều, các tác phẩm của Hồ Xuân Hương, chuyện Bà Trưng, Bà Triệu…Còn trước đó thì tôi đã được học về những cuộc chiến hào hùng, đầy thăng trầm của dân tộc Việt. Cá nhân tôi cho rằng văn hóa và lịch sử VN thú vị nhất thế giới, và cũng là điều đã thôi thúc tôi đến đây. Thật bất ngờ khi học sinh VN phải học sử theo kiểu nhớ ngày tháng, số quân địch, xe tăng bị bắn trong từng trận chiến… những thông tin mà tôi cho rằng rất tiểu tiết. Ở Mỹ, chúng tôi được học theo kiểu “vì sao chúng diễn ra” và “ý nghĩa sau mỗi câu chuyện là gì?”…, thay vì học thuộc lòng từ A-Z. Bài kiểm tra kiến thức thường chỉ chiếm 30% tổng điểm toàn khóa, phần còn lại được chấm trên các bài luận, thuyết trình, đóng kịch tái hiện lịch sử… Tôi nghĩ nhà trường VN cũng nên có những hoạt động tương tự để môn học này bớt khô khan.
Điều gì sẽ xảy ra nếu người học chán ghét môn sử? Đơn giản thế hệ trẻ sẽ lớn lên và không trân trọng những giá trị ông cha gầy dựng, từ đó cũng không quý nguồn gốc, không tự hào khi là người Việt.
Trả lời