Xin được chia sẻ tiếp với các bạn câu chuyện rất hay về việc họp phụ huynh cho con ở Berlin, tiếp theo câu chuyện hôm trước….
————————–
…… Ở đây buổi họp chủ yếu thông báo ngắn gọn về các qui định chung, giới thiệu thầy cô mới nhận lớp. Phụ huynh nào cần hỏi kĩ về kết quả, thái độ học tập, gọi là feedback 360 độ, của con mình thì bất cứ lúc nào hoặc là gọi điện hoặc là email cho thầy/cô dậy môn đó để đặt lịch hẹn gặp ở trường. (tuyệt đối ko có chuyện đến nhà thầy).
Buổi gặp mặt này chỉ có riêng thầy và phụ huynh. Như mình cũng đã kể rồi đấy, ai không đi họp/không đi gặp thầy cô hình như cũng chả làm sao cả. Ví dụ cụ thể là chị bạn hàng xóm, con trai đã học đến lớp 11 mà chị ấy chưa từng đi họp bao giờ, trường con học ở đâu cũng chỉ biết sơ sơ chỗ vòng vòng gần nhà thờ. Con chị ấy thành tích học rất đáng nể, nhưng nghiện games, mình choáng quá đang phải lôi đi bác sỹ tâm lý…
Mình thì khác, mình thấy cách truyền tải kiến thức và nội dung sách giáo khoa rất nhiều chủ đề phức tạp nên mình đăng ký gặp tất cả các thầy cô. Mình cho rằng việc dành thời gian quan tâm, gặp trực tiếp xem mặt mũi phong thái thầy cô ra sao là việc hết sức cần thiết. Cún học 14 môn, riêng thầy chủ nhiệm dậy 2 môn Toán và Thể Dục, vì thế mình chỉ cần đi gặp 13 thầy cô. Vì Cún lính mới nên mình hơi sốt ruột, chứ nếu đợi đến ngày 11.11 thì tất cả 13 thầy cô sẽ có mặt ở trường từ 17h – 20h để phụ huynh có thể gặp riêng từng người hỏi han đủ thứ mà không tốn thời gian quá.
Và mình chọn gặp thầy Địa Lý đầu tiên. Lý do là vì mình quá choáng quả bài tập về nhà. Thầy hẹn mình 18h ở phòng 211. Đây là phòng dạy và học môn Địa Lý. Ở trường Cún họ phân lớp như kiểu trên đại học. Có nghĩa là mỗi môn học một phòng, đến giờ học thì học sinh tự đến phòng đó. Chứ không có lớp cố định. Chỗ ngồi trong lớp cũng không cố định, bạn nào thích ngồi đâu thì ngồi.
Họ giải thích sắp xếp lớp như vậy tuy học sinh có vất vả vì giữa các môn phải đeo cặp sách chạy đi chạy lại, mà sách rất nặng và nhiều khi rất vội. Nhưng bù lại, nhà trường sẽ có đủ tiền để sắm trang thiết bị hiện đại nhất cho môn đó. Và việc học sinh chạy đi chạy lại như thế là một hình thức khuyến khích vận động, thay đổi nhiều khung cảnh phòng học khác nhau, đỡ nhàm chán….
Đúng giờ mình có mặt, thấy ở góc phòng có một bé trai tầm 3 tuổi đang mải vẽ vời gì đấy. Thầy tầm 30-32 tuổi gì đó. Câu chuyện bắt đầu như sau.
Thầy: Chào bà, cảm ơn bà đã đến đúng giờ
Mình: Chào ông, cảm ơn ông đã cho tôi cơ hội đến đây.
Thầy: Tôi rất ái ngại, mong bà không phản đối việc con trai tôi có mặt ở đây. Bà biết đấy, hôm nay thứ 4, giờ này hàng tuần vợ tôi có lịch tập Yoga. Mà con trai tôi thì quen với việc sẽ ở bên tôi sau 17h rồi vì thế tôi không muốn gửi cháu nhờ ai đó trông hộ
Mình: Dạ không, tôi cũng rất vội, cho phép tôi trình bầy ngắn gọn được không ạ
Thầy: Mời bà, tôi cảm ơn bà đã quan tâm đến công việc của chúng tôi.
Mình: Thưa thầy, tôi rất ngạc nhiên khi môn Địa Lý các em học rất ít về cấu trúc dân số, vĩ tuyến kinh tuyến, đặc điểm khí hậu. Tôi thấy các em phải học quá nhiều về
1) lịch sử, da trắng da đen, chiến tranh dịch bệnh, tệ nạn, truyền thống…
2) thể chế, tình hình chính trị
3) tôn giáo
4) đặc thù công nghiệp
5) đặc thù nông nghiệp
6) tình hình xuất/nhập khẩu.
7) định hướng phát triển kinh tế trong tương lai
8) có liên quan buôn bán những lĩnh vực gì với nước Đức
Tôi xin hỏi thầy liệu như thế có phù hợp với trình độ và sự quan tâm lứa tuổi lớp 8 không thưa thầy? Tôi xin thú thật là bài tập thầy giao về nhà chủ yếu là do tôi làm vì những câu hỏi đó rất khó, quá sức của con gái tôi, như thầy biết đấy cháu vừa mới chuyển từ Việt Nam sang.
Thầy: Cảm ơn bà đã cho tôi ý kiến. Xin phép bà cho tôi được trình bầy. Trước tiên như bà biết, sỹ số của lớp là 32 học sinh, mỗi tiết học là 45 phút, mỗi tuần một tiết. Xin thưa với bà, tôi thường mất 5 phút để trật tự ổn định lớp học, và cũng là giúp các em nhớ/nhận ra tôi, bởi bà biết rồi đấy, sau 1 tuần thường các em đã quên sạch mọi thứ.
Sau đó tôi chỉ còn có 39 phút, vì gần hết tiết học các em thường hay náo loạn mất tập trung. Như vậy trung bình tôi chỉ có thời gian cho mỗi hs 39/32 phút. Tôi thường chuẩn bị chia giờ học thành 2 phần chính như sau. (lấy giấy bút ra ghi từng mục).
1. Phần cố định ít biến động: Vị trí địa lý, cấu trúc dân số, kinh tuyến vĩ tuyến, đặc thù khí hậu (mưa nắng, ngập lụt, hán hạn v.v )
2. Phần hay thay đổi nhiều biến động: như bà vừa liệt kê.
Theo tôi thì phần 1 quan trọng nhưng không có gì quá vội để các em phải học kĩ ngay bây giờ. Ví dụ Châu Phi thì sau hàng triệu năm nó vẫn nằm gần như y nguyên ở vị trí đó. Tôi cũng biết là China đang lớn mạnh, nhưng không có nghĩa là Châu Phi sẽ dịch chuyển nhanh hơn về phía Châu Á. Tôi không nghĩ cứ nhất thiết phải liệt kê ra các con số, bảng biểu. Những thứ này tẻ nhạt làm các em rất hay chán, hay ngủ gật. Bởi vì nó hầu như chả liên quan gì đến các em và các em cũng không có ảnh hưởng gì lớn lên những thứ đó.
Nhưng bù lại, phần 2 tương đối sinh động. Đó là những vấn đề đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày của các em. Ví dụ như IS buộc người dân Syrien chạy sang Thổ tị nạn, và tràn sang cả Đức. Đây là lúc các em có thể tư duy và đưa ra ý kiến trải nghiệm của mình. Mỗi giờ học tôi thường cử một em ngồi vào vị trí của tôi trên bàn giáo viên, tôi ngồi vị trí của em. Và em đó được phép điều hành giờ học dựa theo sườn bài mà sách giáo khoa và tôi gợi ý. Các em sẽ được phân ra nhiều nhóm, mỗi nhóm 3-4 bạn, có thể ngồi hoặc đứng để thảo luận, dựa vào sách và kinh nghiệm kiến thức đã có, các em trao đổi, cùng so sánh bàn bạc đưa ra những biện pháp để cải thiện tình hình hoặc chỉ ra những ưu điểm mà nước Đức cần học tập. Sau đó các nhóm cử người lên trình bầy cho cả lớp…
Tôi muốn cùng các em dần dần hình thành thói quen suy nghĩ có hệ thống, cách tư duy giải quyết vấn đề dựa theo cấu trúc tiêu chí rõ ràng, được lặp đi lặp lại mỗi giờ học. Để dần dần các em có khả năng tự đưa ra ý kiến nhận xét đánh giá chính xác về một khu vực địa lý cụ thể nào đó. Vị trí đị lý, đặc điểm vùng miền, lịch sử, tổ chức xã hội, thể chế chính trị, là những mảng chính không thể tách rời nhau. Vì bà biết đấy, trái đất quá rộng và chúng ta có nhiều chủ đề cần quan tâm nghiên cứu. Mục tiêu khi kết thúc năm học các em:
1. Kompetent: có kiến thức kĩ năng để hiểu một vùng miền nào đó.
2. Raumorientierung: có khả năng xác định tọa độ và miêu tả mối tương quan các vị trí địa lý.
3. Raumanalyse: Có khả năng phác họa bằng hình ảnh và trình bầy bằng ngôn ngữ những từ ngữ chuyên ngành. (ví dụ áp thấp nhiệt đới là gì, ở đâu ra, gây ra cái gì. Tổng sản lượng quốc gia là gì)
4. Problemsichten: có khả năng phân tích tìm ra nguyên nhân của các vấn đề, ví dụ hạn hán từ đâu ra, tại sao ở Châu Phi người ta đẻ con từ năm 15 tuổi, chết rất sớm.
5. Raumbewertung: có khả năng đánh giá + đưa ra các phương pháp giải quyết vấn đề từ nhiều góc cạnh. Đặc biệt phải nêu được ý kiến của riêng bản thân về những vấn đề này (chứ không phải lặp lại lời trong sách giáo khoa).
Và cuối cùng, từ những khả năng trên thì học sinh cần phát triển ý thức (Raumbewusstsein) và trách nhiệm (Raumverantwortung) của bản thân và đóng góp công sức vào việc giải quyết các vấn đề và tạo dựng tương lai (ví dụ như Cún đi học về giải thích nhức cả đầu là bây giờ không dùng túi nilon, không ăn nhiều thịt bò, không ăn dâu đất trái mùa phải vận chuyển từ Thượng Hải sang vì máy bay làm biến đổi khí hậu và gây ra hạn hán ở A, ngập lụt ở B.
Đấy, thầy nói chậm, tầm 10 phút, mình ù hết cả tai, tốc ký và bây giờ kể ra đây để phụ huynh nhà mình tham khảo. Chẳng phải dọa đòi các mẹ thay đổi cái gì mà để cảnh báo nhà nào có con sắp đi Du Học thì khẩn trương chú ý khuyến khích các con đọc sách, sách chứ không phải truyện Doremon.
Các bạn sinh viên cần để tâm quan sát/ngẫm nghĩ nhiều hơn đến "thời mà chúng ta đang sống", đến các hiện tượng chính trị xã hội đang hàng ngày xẩy ra xung quanh + tập luyện khả năng/thói quen tổng hợp kiến thức và cuối cùng là nêu ra rõ ràng chính kiến/ý kiến của bản thân. Không sau này sang đây cứ thấy Tây nó nói vèo vèo, tận đẩu tận đâu, đến giờ học giáo đứng cầm quyển sách gạch ra ba cái gạch đầu dòng rồi cho cả lớp giải tán, mình ngồi đó ngây ngô chả hiểu mô tê ra sao, lại bảo Tây ẩu…
À, mình muốn kể thêm mấy chuyện thế này:
1. Liên quan đến vấn đề dân số bùng nổ ở Ấn Độ, đến vấn đề nạo thai ở Châu Á, đến hiện tượng sinh con khi bản thân còn là trẻ con cô giáo lớp 7 trường B.I.S của Cún năm ngoái giao cho tất cả các bạn mỗi người một quả trứng gà, đánh dấu cẩn thận. Một tuần liền các bạn phải take care chăm sóc trông nom quả trứng này như một đứa trẻ. Ví dụ như mỗi ngày dở ra 3 lần, thay bỉm, cho ăn, xách đi xách về. Nếu sau một tuần trứng không bị vỡ thì được điểm tốt, trứng vỡ thì làm lại. Cún và các bạn của Cún rất mệt mỏi với quả trứng này, và đều thốt lên baby thật là rắc rối và các bạn còn hẹn nhau kết thúc năm học trèo lên balcon cùng ném "các con" xuống đường để đỡ bị quấy rầy..
2. Sách giáo khoa các môn do thầy cô tự chọn, thay đổi liên tục để phù hợp thực tế. Vì thế không ở đâu giống ở đâu. Sách Địa Lý Cún đang học tên là Diercke của cty Westermann phát hành năm 2012. Ngồi đây nghe quan bàn về sách giáo khoa 34.000 tỷ mà nản. Các mẹ đừng chờ quan chờ người ta, chỉ cần hỏi con mình quan tâm cái gì.
Ví dụ, hôm nay thì chắc chắn phải quan tâm đến Hongkong rồi, hoặc Nhật, Ý, Mỹ, Sing v.v thì tự google in ra cho con cả đống các đề tài hay, có tranh ảnh số liệu sinh động đi kèm. Trên youtube có rất nhiều video về địa lý lịch sử rất sinh động do chính các bạn học sinh post lên. Vừa giúp con tránh xa fb, games, vừa để con thực hành luôn tiếng Anh tiếng Đức vừa tiếp cận địa lý lịch sử một cách tự nhiên nhất mà không hề tốn tiền…. (hôm nào có thời gian sẽ kể về tác hại của fb, kinh phết không được xem thường)..
3. Hôm nay 3.10 là quốc khánh Đức, con được nghỉ nên ngủ muộn, mình vẫn dậy sớm như mọi khi, phố phường im tờ chả thấy tây hò reo cờ quạt mừng đảng mừng thu, bọn này đúng là không biết dạy dỗ dân biết yêu nước gì cả, mật dậy không thể tưởng được
Phạm Hoàng says
Rất mong chị có nhiều bài viết như thế này để phụ huynh chúng tôi hiểu biết thêm. Cảm ơn chị rất nhiều.
Anh Tran says
Cám ơn chị đã chia sẻ những thông tin rất bổ ích và đáng để suy ngẫm!