Quách Dự Tây
Tôi đang thắc mắc những người tham những, những người hủy hoại thế hệ đi sau, những người đạp lên đầu người khác giành sự tồn tại liệu có giật mình thức dậy lúc nửa đêm để thở hồng hộc với mồ hôi toát đầm đìa?
Nghĩ cũng ngộ, đất nước này chịu quá nhiều tổn thương trong suốt chiều dài lịch sử rồi (trong số những “vết thương” đó có tuyến đường sắt mà tới giờ không có cái thứ 2 thay thế trong trường hợp xấu nhất xảy ra, có những cây cầu già cỗi nhưng chưa có dấu hiệu thấm nứt như hầm chìm dưới sông hay nham nhở như đường cao tốc nào đó v.v..), hà cớ gì lại tiếp tục đóng cửa ẩu đả nhau để tự làm đau chính mình và người khác?
Nếu không làm việc gì xấu, nếu mình minh bạch thì mọi thế lực dù mạnh đến cỡ nào cũng không thể quật ngã. Vậy tại sao thỉnh thoảng lại chặn blog này blog kia, web này web nọ?
Tôi được coi là “chủ”, nhưng có cảm giác như tôi đang là “vật chủ” để bọn ký sinh trùng sống bám và hút triệt để đến giọt máu cuối cùng. Tôi kêu gào, tôi dùng dao thẻo từng thớ thịt để moi cho bằng được đám sinh vật vô lại ấy ra, nhưng chính hành động cầm dao của tôi lại bị quy chụp là có âm mưu sát hại đồng loại. Tôi mong chờ ngày được sang cái làng bên chữa vết thương, và khi tôi trở về, đừng gọi tôi là thằng phản bội làng quê nơi tôi sinh ra và lớn lên, bởi vì nơi đây không có nổi một bác sĩ giỏi để cho tôi một liều thuốc an thần chứ đừng nói chi là trị dứt căn bệnh trầm kha mà bọn tôi – công dân có chỉ số hạnh phúc cao ngất ngưỡng theo đánh giá vớ vẩn nào đó – đang dính hàng loạt. Liệu có nên cảm ơn “những người dẫn đường thông thái”?
Nên đọc truyện cổ tích Việt Nam nhiều hơn nữa, Mai An Tiêm từng nói: “Của biếu là của lo, của cho là của nợ.” Chẳng lẽ ai cho cái gì mình cũng hí hửng nhận sao? Ví dụ: dân làng bán máu, bán mồ hôi và nước mắt để góp tiền mua siêu xe Bugatti Veyron và tin tưởng giao cho bạn để bạn lèo lái họ đi khai phá một mảnh đất mới – nơi chất lượng giáo dục và đào tạo sánh ngang tầm với thành thị, nơi người lao động không phải chật vật mưu sinh, nơi trẻ em, phụ nữ, người già được bảo vệ an toàn, nơi động vật hoang dã không phải kêu gào cùng những cánh rừng đang dần ngã quỵ, nơi khoáng sản sâu trong lòng đất có được giấc ngủ yên lành, nơi dân làng cùng báo chí có thể trải lòng ra một cách vẹn nguyên mà không bị kết tội phản bội, v.v..
Dù cho nó có bị gọi là “Utopi” đi chăng nữa – nhưng bản thân bạn không biết lái xe thì bạn cũng nhận sao? Bạn từng ngồi trên xe không có nghĩa là bạn biết lái xe, mà giả sử bạn biết lái xe chưa chắc gì bạn đã biết lái đến đúng chỗ mà dân làng muốn đến, bởi vì bạn cứ nghĩ lợi ích cho bạn thôi, bạn nghĩ là chỗ đó mới hợp với gia đình của bạn, để dễ dàng thâu tóm những vị trí đẹp nhất, sang trọng và tiềm năng nhất, chứ không phải gia đình của họ, dù họ chỉ cần những chỗ để ngã lưng một cách vô tư lự mà không phải lo canh cánh bị cướp bóc, trộm cắp và hiếp dâm! Đây chẳng phải là một điều đáng hổ thẹn, cần xin lỗi và cần trả xe lại cho dân làng để họ giao cho người phù hợp hơn sao?
Tôi cảm thấy lòng mình đã tắt với nơi đây rồi!
Khi lòng đã tắt, người ta không muốn hồi âm bất cứ cái thư gì của bất kỳ ai dù đã đọc đi đọc lại hàng chục lần (do ngày nào cũng check mail 5,6 lượt)…
Khi lòng đã tắt, người ta chỉ biết mỉm cười ban ngày với gia đình, bạn bè để rồi đêm về lúc chỉ còn một mình thì lại mếu máo như vừa mất đi thứ gì rất quý giá (giống Lão Hạc bán đi con chó Vàng).
Khi lòng đã tắt, người ta sẽ lắng nghe một cách quán tính những chia sẻ của người khác, lời nói đi vô lỗ tai này thì thoát ra lỗ tai bên kia, nếu cơn chán chường lên tới đỉnh điểm, người ta thậm chí còn hét toáng lên với người đang cố gắng kéo mình ra khỏi vũng lầy với bàn tay ấm áp và ánh mắt trìu mến nhất: “IM ĐI!”
Khi lòng đã tắt, người ta không còn chú trọng vào việc chăm chút cho bản thân nữa, người ta không còn sân si khi thấy người khác đang khoác những bộ cánh hàng hiệu, chạy con xe đắt tiền và xài điện thoại đời mới nhất nữa.
Khi lòng đã tắt, người ta coi chuyện tình cảm cũng chỉ là một liều thuốc an thần giống như một kẻ nghiện ngập đang tìm cách tái hiện cảm giác phê, đắm chìm trong thế giới màu sắc bay bổng bằng việc hút, hít, chích và cắn thuốc.
Khi lòng đã tắt, người ta lắc đầu trước những cơ hội việc làm, chỉ nằm bần thần ra đó hoặc đi ra đi vô như một bóng ma, lặng lẽ lướt trên đường phố và không nhận được sự quan tâm của bất kỳ ai.
Khi lòng đã tắt, người ta lao vào thế giới internet, ru ngủ mình bằng những lời khuyên sáo rỗng từ những fanpage hay status của bạn bè, nhanh chóng bấm like nhưng rồi cũng âm thầm bỏ đi.
Khi lòng đã tắt, người ta nghe nhạc với cường độ âm thanh lớn nhất nhưng giọng nói quá bé để có thể rên la như một con thú bị trúng bẫy, đang giẫy giụa từ ngày này sang ngày khác với luồng máu cạn dần.
Khi lòng đã tắt, người ta không còn tin nữa, không còn tin vào những phép màu nhiệm đã xảy đến trong quá khứ nữa. Người ta muốn tìm đến một tôn giáo để có thể trút bỏ những dối trá lọc lừa vô tình thu lượm được trong hành trình khổ đau kia.
Khi lòng đã tắt, người ta trở về đúng bản chất của mình, không còn đánh bóng vẻ hào nhoáng, không còn những xu nịnh, bon chen, không còn sự tự tin, năng động của một thời rực rỡ….
Và khi lòng đã tắt, nghĩa là người ta đã không còn mong chờ và đợi mong bất cứ điều gì nữa rồi…
Theo "Triết học đường phố"
Hồng Berlin says
Xin bạn hãy gắng sức đừng buông xuôi, đừng tắt lửa lòng. Mới hôm qua đây thôi một gia đình ông bác sỹ nhân từ đã thiệt mạng vì ô tô lao xuống ao, lý do có muôn vàn, nhưng chắc chắn có sự vô cảm ở trong đó. Vậy nếu tôi và bạn tiếp tục thờ ơ vô cảm thì ngày mai đến lượt bạn, đến nhân viên, đến sếp, đến chính người thân của bạn gặp nạn thì sao! Bạn có muốn được mọi người giúp đỡ không? Hãy sống vì bản thân và vì cả mọi người nữa bạn nhé! Thân mến.
lê says
Một bài viết hay quá tuy dài nhưng tôi đã cố gắng đọc hết.