Tranh minh họa của Vũ Hữu Nhân
Trích sách "Cuộc chiến với tuổi dậy thì"
—————————
Con nhà thiên hạ có vào cái đận “dở ông dở thằng” thì cũng chỉ vài ba năm (cuối cấp Hai, đầu cấp Ba), đằng này ông Cống “vần” ba mẹ ông ấy những sáu năm liền. Cái tính ngang ngạnh, điên điên khùng khùng của Cống vào tuổi dậy thì được dịp “phun trào” như núi lửa.
Con người Cống vào tuổi này bỗng giống như một bức tranh lập thể đủ hình khối, đa chiều kích, lắm sắc mầu, thật khó đọc, không biết phải bắt đầu từ đâu, nhiều khi rối trí, lắm lúc hoang mang, choáng váng, thậm chí tuyệt vọng, tuy nhiên cũng có những khi ngỡ ngàng, xúc động,… Mọi thứ bỗng đảo điên, hỗn loạn.
Vừa vui chưa dứt cơn đã lại bực mình, cáu bẳn.
Vừa tình cảm, đáng yêu đã lại nổi cơn thịnh nộ, oang oang quát tháo.
Vừa nhân hậu, vị tha đã lại đay nghiến, chì chiết.
Vừa hứng khởi, say sưa đã lại nguội tanh, tung hê, bỏ xó.
Vừa ngọt ngào chưa dứt luỡi đã lại gằn hắt, dữ dằn.
Nói tóm lại, ông Cống luôn cho ba mẹ rơi từ trạng thái cực đoan này sang trạng thái cực đoan khác, khiến ba mẹ có cảm giác cứ như xơi phải những món ăn của một menu hổ lốn do một người điên bốc cho: chưa kịp nuốt xong miếng bánh su kem mềm ngọt đã cắn phải miếng ớt chỉ thiên cay xé lưỡi, hay vừa nuốt khỏi cổ ngụm sữa, hương vị thơm thơm, ngòn ngọt còn chưa kịp trôi khỏi lưỡi đã phải nghiến răng nuốt món dưa muối vừa khú, vừa chua loét và vừa mặn chát.
Khổ quá mà không biết kêu ai. Trong nhà lắm hôm không tiếng cười, tiếng nói.
Nhiều lúc tức điên tưởng không chịu được đến mức muốn buông tay, tung hê tất cả rồi bỏ đi một nơi nào đó thật xa. Có những lần uất quá ước được chết quách cho xong. Vợ chồng cũng chỉ vì thế mà không ít lần lục đục, về đến nhà chẳng ai còn muốn mở miệng, nuốt vội miếng cơm vào mồm mà có cảm giác như nuốt viên kháng sinh, đắng ngắt. Hôn nhân lắm khi cũng kề bên vực thẳm.
Cùng là con do ba mẹ sinh ra, yêu thương như nhau, dạy dỗ như nhau mà Ti và Cống không mảy may giống nhau tí tẹo. Ti tự giác, Ti chăm chỉ, chỉn chu, nề nếp, thậm chí đến mức “kĩ tính” (đến đi chơi cũng không lỡ hẹn), ưa thích sự hoàn hảo, còn Cống thuộc loại “nhất giời nhì bố, không có thằng ở giữa”. Cái tuổi ẩm ương của Ti đến lúc nào không ai biết, đi lúc nào không ai hay, mọi thứ cứ êm ả trôi qua. Còn Cống, Cống “dần”, Cống “vật” ba mẹ những sáu6 năm trời, bắt đầu từ lớp Bảy, đỉnh cao là lớp Tám, lớp Chín, chỉ mãi đến sau kì thi đại học vừa rồi mới tạm kí “lệnh tha bổng” cho ba mẹ.
Làm nghề y đã quá mệt mỏi với công việc ở bệnh viện, về nhà lại phải “chiến đấu” tiếp với ông con nên không ít lần ông ba cứ than với hàng xóm “Giời ạ, sao tôi lại khổ thế này, không biết kiếp trước mình nợ gì nó mà giờ nó hành mình như thế cơ chứ. Đấy cứ “máu” con trai cho lắm vào, giờ nhà nào mà sinh hai con trai khéo tôi phải gửi điện chia buồn. Đúng là cái nợ đời!”. Một gia đình thân với nhà mình có những bốn ông con trai (các “đấng con” ấy giờ cũng đã trên dưới ngũ tuần hết cả), từ mấy chục năm trước ông bố nhà ấy đã suốt ngày rền rĩ “Giời ơi là giời, giá Giời thương mà đổi cho tôi hai thằng sinh đôi thành một cô con gái có phải tốt không”. Xem ra cũng khá nhiều nhà cùng chung cảnh ngộ. Nói vậy thôi chứ con gái thời này cũng chẳng mấy dễ dạy hơn con trai.
Nhiều lúc bị chìm đắm trong suy nghĩ tuyệt vọng cho rằng con cái cứ như “của” Giời cho. Giời cho thế nào thì phải nhận thế ấy, có phước thì được Giời hào phóng cho đứa ngoan ngoãn tử tế, giỏi giang, hiếu đễ, còn vô phước thì bị Giời đày cho đứa chẳng ra gì. Biết rằng nghĩ thế là “oan cho Giời” mà không làm sao nghĩ khác được.
Mình vẫn hay bảo những bà mẹ trẻ mặt mũi hớn hở, mắt sáng long lanh vì hạ sinh được con trai nối dõi tông đường cho nhà nội rằng cố tranh thủ mà yêu mà quý, mà thơm thít, hít hà lúc chúng nó còn nhỏ, lớn lên chút rồi tha hồ mà “thưởng thức”, cứ từ từ mà “hưởng”, thử xem lúc ấy mặt mũi có còn hớn hở được nữa không.
……………………
Em Thư says
Nhà em cũng vùa có được thằng con trai nghịch hơn giặc Cô ạ, mới hơn 8 tháng tuổi mà nghịch làm không thiếu trò gì, ai trông cu cậu một ngày thôi cũng phải kêu giời kêu đất lên, mệt vã mồ hôi.