(Nguyễn Trần Bạt đối thoại với Nguyễn Hưng, ngày 21/4/2015)
Hỏi: Thưa chú , cháu đã phân vân hơn 1 năm nay khi tìm cách liên lạc với chú. Giờ cháu không thể trì hoãn hơn nữa và cháu quyết tâm đến gặp chú. Có ai đó từng nói rằng “một trí tuệ hạng ba chỉ hạnh phúc khi nó đứng cùng với đa số, một trí tuệ hạng hai chỉ hạnh phúc khi nó đứng cùng thiểu số”, nhưng cháu tin rằng còn có một loại trí tuệ khác không mưu cầu đứng cùng đa số hay thiểu số, một dạng trí tuệ mà nó hạnh phúc chỉ vì nó nghĩ và được nghĩ, tức là nó được thôi thúc bởi các qui luật tinh thần của chính nó chứ không phải bởi cái gì khác. Cháu linh cảm chú là một người như thế. Cháu muốn tìm đến chú để kiểm nghiệm cái linh cảm ấy.
Cháu có cảm giác trong vòng hai ba năm trở lại đây, cháu không còn độ nhạy để quan sát những sự kiện xã hội như trước. Cháu muốn quay về trạng thái ngày xưa của cháu, một cậu bé nhà quê mới ra Hà Nội học đại học, đọc sách gì cũng thích, nghe cái gì cũng hay, không có định kiến nên tiếp thu mọi thứ rất nhanh. Bây giờ cháu cảm giác mình không còn độ nhạy như ngày xưa nữa. Cháu muốn tìm đến chú để hỏi khi gặp những bế tắc, những vấn đề trong cuộc sống chú giải quyết thế nào? Chú có cảm thấy có những năng lực tự nhiên mất đi không và chú tìm lại nó như thế nào?
Trả lời: Trong tất cả những quan sát của con người thì quan sát mình là khó nhất. Phật học gọi kết quả của sự quan sát mình là ngộ ra. Nhận ra, ngộ ra chính là kết quả của việc quan sát bản thân mình. Quan sát ấy không phải chỉ là quan sát con người mình mà còn quan sát hình ảnh của cuộc sống trôi vào miền tinh thần của mình như thế nào. Sự tái hiện của các hình ảnh ngoài cuộc sống trong tâm hồn, trong miền tinh thần của một con người giúp anh ta quan sát tất cả các hiện tượng của cuộc sống một cách kiên nhẫn hơn. Các hiện tượng của cuộc sống bên ngoài mà không va chạm với mình, với tâm hồn mình và không va chạm với kinh nghiệm vốn có của mình về cuộc đời thì tức là miền tinh thần của mình trống rỗng.
Cái cháu nghĩ là mình đánh mất thật ra không mất đi đâu cả. Trước đây cháu cảm thấy dễ tiếp nhận bởi vì miền tinh thần của cháu là một vùng rỗng, mọi cái cứ thế trôi vào, không bị kiểm soát, không bị đánh giá, không bị kiểm nghiệm. Đến lúc nào đó miền tinh thần của cháu bắt đầu chật ních các ấn tượng rồi thì mọi cái tiếp theo đều khó vào. Khi nào cháu bắt đầu học thì dần dần cháu sẽ có tiêu chuẩn. Khi có tiêu chuẩn cháu sẽ biết đánh giá và lựa chọn. Khi đã biết đánh giá để dẫn đến lựa chọn thì cháu không còn ngây thơ nữa. Đấy được gọi là trạng thái phát triển mang chất lượng văn hóa của một cá nhân. Cháu không mất đi cái gì cả mà chỉ tăng cường năng lực đánh giá và lựa chọn. Cháu bắt đầu cảm thấy mình không hồn nhiên, không dễ dãi nữa tức là cháu đã phát triển. Đó là biểu hiện khách quan của hiện tượng đã phát triển của cháu.
Nên nhớ rằng có hai trạng thái để đánh giá cái mà cháu nói là mất. Trạng thái thứ nhất, nếu cháu được học tập một cách đúng đắn, trải nghiệm một cách đúng đắn thì hệ thống tiêu chuẩn của cháu là đúng đắn. Hệ thống tiêu chuẩn đúng đắn thì kết quả là sự lựa chọn là đúng đắn, tức là các phần tử sống trong miền tinh thần của cháu là những phần tử có chất lượng. Trạng thái thứ hai, những kinh nghiệm cháu được cung cấp bởi những ông thầy dốt, những người bạn dở, kinh nghiệm ấy là sự từng trải của cháu đối với các hiện tượng méo mó của đời sống, thì cháu sẽ có một hệ tiêu chuẩn xấu và không chuẩn. Hệ tiêu chuẩn ấy tạo ra một sự lựa chọn không chuẩn, làm cho miền tinh thần của cháu méo mó và ảnh hưởng đến toàn bộ năng lực phát triển của cá nhân cháu. Cho nên người ta mới phải tìm cách đi Tây, đi Mỹ học để tìm kiếm những giá trị chuẩn. Giá trị chuẩn là bộ thước đo năng lực lựa chọn của cháu đối với những yếu tố định gia nhập đời sống tinh thần của cháu.
Hỏi: Nếu không có điều kiện sang phương Tây để tiếp xúc với những giá trị đó thì cháu phải làm thế nào?
Trả lời: Vì thế nên chú mới viết sách. Chú viết sách để cung cấp cho những người không có điều kiện sang phương Tây, không có điều kiện để học một cách cẩn thận, hay được học một cách sai lạc. Chú có đi dự một buổi họp với phụ huynh sinh viên ở một trường đại học. Tất cả mọi người đều muốn thu hồi vốn nhanh từ đứa con của mình sau khi nó học xong. Các phụ huynh đều chất vấn cô giáo là học thế này con tôi ra trường có thể làm gì. Chú có nói với các vị phụ huynh là trong tất cả các ngốc nghếch mà cha mẹ có đối với con cái, thì ngốc nghếch lớn nhất là đòi thu hồi vốn sớm từ con mình.
Hỏi: Thưa chú, ngoài môi trường bên ngoài thì có cách thức nào tìm kiếm năng lực nhận thức đúng sai bên trong chính mình không?
Trả lời: Có, nhưng nếu nói về nguồn gốc thì nó đều bắt đầu từ bên ngoài, bắt đầu từ việc tu dưỡng, rèn luyện. Các hệ tiêu chuẩn của con người trở nên đúng đắn là do tính khách quan của nó. Cháu không thể tìm một cách vu vơ trong đời sống riêng của cháu. Nó lọt vào trong đời sống riêng của cháu chứ không phải nó mọc ra từ đời sống riêng của cháu.
Hỏi: Nó lọt vào trong đời sống riêng của cháu, nhưng ý định chủ quan của cháu sẽ quyết định cái đó đúng hay sai?
Trả lời: Đúng! Nhưng ý định chủ quan của cháu là một phẩm hạnh được rèn luyện do sự va chạm, do kinh nghiệm của cháu đối với những thứ từ bên ngoài vào.
Hỏi: Vậy còn ý chí tự do?
Trả lời: Tự do không nhiều như cháu tưởng. Tự do chính là cháu lựa chọn những thứ bên ngoài lọt vào miền tinh thần của mình. Toàn bộ chất lượng của tự do chính là quyền lựa chọn, từ quyền lựa chọn ông tổng thống đến quyền lựa chọn cái bánh, đấy là quyền lựa chọn cái lẽ phải mà cháu theo.
Hỏi: Lẽ phải mà mình theo tuy là tự do thật nhưng là tự do của Chúa ban?
Trả lời: Nó có màu sắc Chúa, có cái cao thượng có tính chất tinh thần Chúa, mà Chúa cũng là khách quan. Các lẽ phải mà mọi người đều nhận thấy, đều thừa nhận một cách có vẻ tự nhiên ấy chính là những lẽ phải đã được thừa nhận một cách phổ biến. Nó phổ biến đến mức trở thành phổ quát. Phổ biến tức là nó xuất hiện nhiều, còn phổ quát tức là nó hội tụ đến một giá trị, một sự thống nhất.
Hỏi: Vậy có cái gì mà tuy các hiện tượng bên ngoài khách quan, nhưng vào bên trong cháu sự lựa chọn ấy là do chủ quan của cháu. Ví dụ, trong “Phê phán lý tính thực hành” của Kant, chú nghĩ sao về quan điểm của Kant về đạo đức học?
Trả lời: Chú khác cháu. Chú lao động mãi rồi mới có được một số kiến thức và chú đọc Kant để kiểm nghiệm một chút, nhưng sau đó tảng lờ ngay. Nếu cháu hỏi chú về Kant thì chú trả lời là dọc đường đi tìm chân lý, chú gặp Kant như một người quen biết. Chú không để thì giờ để khâm phục vu vơ. Để có thể hiểu về Kant và khâm phục ông ta, có những người mất cả cuộc đời và kết quả là không có cái gì của mình. Khi nào cháu lớn tuổi, cháu sẽ có kinh nghiệm để hiểu rằng cần phải giữ gìn tự do trí tuệ của mình.
Hỏi: Tức là cháu hiện nay gần như một kẻ mông lung, một kẻ gần như bán nhượng phần tự do, phần hiểu biết của mình cho những người mà cháu nghĩ là cao hơn mình?
Trả lời: Cũng không phải thế. Đấy là giai đoạn tất yếu của một con người. Chú chỉ nói với cháu là đi tiếp thì như thế nào, cần tránh cái gì, chú không nói cháu sai hay đúng, chú cũng không thích nói rằng chú đúng hay ai đúng. Bởi vì nếu đi theo hướng ấy cháu sẽ thấy triết học là một khoa học của kẻ đố kỵ, các nhà triết học đố kỵ với nhau và dẫn đến một thực trạng triết học không hề liên quan đến đời sống. Họ không giúp đỡ con người nhiều lắm, trừ những người đầu tiên khi tất cả mọi người chưa có gì. Nếu đến bây giờ chúng ta vẫn đọc Kant để hiểu Kant hơn hay kém Hegel thì chúng ta sẽ phạm phải sai lầm là không có ý kiến của mình.
Cháu cứ làm việc của mình, tự rút ra kinh nghiệm của mình. Khi đã có ý chí để đi tìm ra chân lý, tìm ra lẽ phải và ý thích của mình thì đừng đi theo ai, đấy là lời khuyên của chú. Cuộc sống có rất nhiều thứ mà khi cháu hiểu nó là đủ để cháu tự tin rồi. Nhiều người không chịu học thật, không chịu đọc thật, đặc biệt là không chịu nghĩ thật cho nên ý kiến của họ là ý kiến của người khác. Những cái chú viết và phổ biến với mọi người không phải để quyến rũ hay để trở thành thầy của ai. Chú đã từng viết trong sách là trong tất cả những tham vọng thì tham vọng làm thầy người khác là ngốc nghếch nhất. Chú đã từng khuyên các đồng nghiệp là nếu đọc Marx mà không ra khỏi Marx, đọc Kant không ra khỏi Kant được thì tốt nhất không đọc họ. Sự khôn ngoan một cách hồn nhiên, một cách bản năng đôi khi chính xác hơn nhiều so với sự lựa chọn có chất lượng triết học. Triết học chỉ là cái để người ta xác nhận chứ không phải là công cụ để tìm kiếm. Nếu định sử dụng triết học như một công cụ để tìm kiếm thì cháu luôn đi sau mọi người và không cẩn thận thì không ra khỏi nó được và trở thành một kẻ lẩm cẩm. Cuộc sống có rất nhiều thứ thuyết phục cháu, dạy cháu. Những người dạy cháu sẽ đến rất bất ngờ từ một góc nào đó, từ một khía cạnh nào đó, từ một việc vặt vãnh nào đó.
Hỏi: Cháu học ngành thương mại quốc tế, nhưng lựa chọn ban đầu của tuổi 18 cháu nghĩ là có nhiều cái không thật chuẩn xác. Khi va chạm nhiều thì cháu cảm thấy thích nhiều thứ hơn, ví dụ như cháu thích đọc chú , mặc dù những kiến thức ấy cháu không áp dụng được ở trên trường. Cháu đọc chú vì có cảm giác thích thú.
Trả lời: Điều ấy hoàn toàn chính xác. Học người đời để làm một cái gì đó thì không bao giờ làm được, nhưng đọc cái mà mình thích thì cháu sẽ thấy hóa ra ý thích cũng có quy luật của nó. Khi phát hiện ra quy luật ý thích của mình thì người ta sẽ tìm ra quy luật ý thích của người khác. Hiểu được mình thì cháu sẽ hiểu được người. Hiểu được ý thích của người khác thì cháu sẽ biết bán cho người ta cái mà người ta thích và cháu sẽ thành đạt, sẽ có sự nghiệp. Nếu cháu định học và định bắt trước ai đó để làm một cái gì đó mà không phải từ ý thích vô tư thì cháu rất khó thành công. Con người thích cháu một cách ngẫu nhiên, và sự ngẫu nhiên ấy được gọi là số phận.
Hỏi: Những ý nghĩ của cháu xuất phát từ chỗ cháu cảm thấy tù túng, muốn thoát ra khỏi cái không gian mà mình lớn lên. Có cảm giác như người ta xây cho mình ngôi nhà đầy những định kiến, những quan điểm và cháu muốn phá ra để đi.
Trả lời: Chú nghĩ rằng cháu có tự do đi tìm cái mà mình muốn phá ra. Cháu là người xé rào về mặt nhận thức, về mặt văn hóa, về mặt triết học. Điều ấy là tốt, nhưng cháu phải cẩn thận, đến một ngưỡng nào đấy thì phải dừng lại.
Hỏi: Chú nghĩ điểm dung hòa của tự do và trách nhiệm nằm ở đâu?
Trả lời: Tự do và trách nhiệm của ai thì chỉ người đấy hiểu được, đấy là một bí mật hoàn toàn cá nhân. Điểm cân bằng giữa tự do và trách nhiệm chính là số phận. Suy ra cho cùng, trong tất cả các thứ gắn liền với con người thì sự nghiệp là cái người ta để ý nhất. Sự nghiệp bao giờ cũng là tổng các điểm cân bằng giữa tự do và trách nhiệm. Con người lảng tránh, con người né, con người mải chơi, con người do dự một chút trước khi lựa chọn, đấy là những điểm trước cân bằng.
Hỏi: Hiện tại cháu đang có một công việc nhưng cháu không hoàn toàn yêu công việc ấy vì nó không xuất phát từ ý thích của cháu. Nhưng vì trách nhiệm đối với gia đình cho nên cháu để cuộc sống cuốn cháu ra khỏi cái mình thích. Cháu thích những cái chú viết, tức là một chút gì đấy về chính trị học, triết học. Theo chú cháu nên giải quyết như thế nào?
Trả lời: Cháu phải tự cân bằng. Cháu không thể từ bỏ sự nghiệp, không thể từ bỏ niềm đam mê của mình được, bởi vì nếu không có nó, cháu không phải là cháu. Nhưng không hoàn thành trách nhiệm của mình thì cháu cũng không phải là cháu. Không có con người nào tự do tuyệt đối mà con người tự do trong các mối ràng buộc với cuộc sống, và đặc trưng của sự ràng buộc ấy là trách nhiệm. Cháu sẽ lấy vợ, sinh con, phải nuôi vợ, nuôi con. Cái thú vị nhất, cái tài hoa lớn nhất mà con người có chính là xử lý cái mình thích và cái mình có trách nhiệm. Tất cả sự hấp dẫn của con người là ở chỗ ấy. Trong cuốn sách “Cội nguồn cảm hứng”, chú có nói đến lý thuyết về miền tinh thần. Miền tinh thần của con người có 3 tầng: Tầng thứ nhất là tầng thực dụng, tầng thứ hai là tầng tư tưởng và tầng thứ ba là tầng lý tưởng. Tự do là chất dầu bôi trơn để người ta ra vào, lên xuống một cách linh hoạt giữa các tầng ấy. Chú là người tự do. Năm phút sau khi giải quyết xong những vấn đề cực kỳ lý tưởng, chú lại kiểm điểm chuyện làm ăn và làm phép tính về tiền. Tất cả cái thú vị của con người chính là như thế. Để xử lý các mâu thuẫn hàng ngày người ta phải có công nghệ. Công nghệ quan trọng nhất của con người chính là tự do ra vào các miền khác nhau của đời sống tinh thần.
Triết học là một cách suy tưởng, cái thú vị nhất của sự suy tưởng chính là anh hạ cánh xuống anh như thế nào. Kant bay trên đầu con người, bay trên đời sống tinh thần của con người, Kant không đậu xuống con người bao giờ. Đấy là lý do chú không sùng bái các nhà triết học phương Tây. Kant như một kẻ định phân phát cho con người một thứ gì đó, mà con người thì càng ngày càng hiện đại, càng thực dụng, người ta không đọc Kant nữa, chỉ có những kẻ già nua mới đọc. Những người trẻ như cháu đọc Kant sẽ không tìm ra giá trị thực dụng của nó. Khi nào các cháu đọc sách mà tìm thấy ở đó công nghệ giúp mình giải quyết các vấn đề mà mình mơ tưởng, hay giúp mình từ biệt sự mơ tưởng, thì đấy là quyển sách có ích. Bước vào sự đam mê là một công nghệ, rút ra khỏi nó cũng là một công nghệ, công nghệ ấy chính là tự do.
Hỏi: Như vậy cách tiếp cận của chú khác với những người tiền bối là không làm cho cái gì trở nên quá hàn lâm và quá khó hiểu?
Trả lời: Đúng, vì nhiệm vụ của tất cả các triết gia là làm cho con người trở nên thực tế hơn chứ không phải làm cho con người trở nên ngu hơn trước mình. Có những người đọc một tạ Kant cũng không thuyết phục nổi ai. Tự do chính là sự ra vào một cách hồn nhiên giữa các miền khác nhau của đời sống tinh thần, miền thực dụng, miền tư tưởng và miền lý tưởng.
Con người có rất nhiều vấn đề. Ở những nơi không có đói khổ thì người ta thiếu kinh nghiệm về sự đói khổ. Còn ở những nơi không có điều kiện để no đủ thì người ta thiếu kinh nghiệm về sự no đủ. Làm thế nào để con người có kinh nghiệm về sự no đủ ngay cả khi mình đói, mình thiếu, đấy chính là cái chú tham gia vào giải quyết. Một cách khái quát là giải quyết cách con người nhìn sang khu vực của người khác để có thể mường tượng ra cách chung sống với họ. Ví dụ trong luật học người ta có ngành luật so sánh. Luật so sánh là để giải quyết vấn đề cho những người ở nước này đến sống ở nước kia. So sánh luật chống tham nhũng ở Việt Nam với luật chống tham nhũng của Hoa Kỳ như thế nào, xử lý mâu thuẫn giữa bộ luật này với bộ luật kia như thế nào. Đấy chính là những bài toán về điều kiện sống trong các môi trường khác biệt mà con người phải giải quyết.
Bây giờ ở phương Tây người ta không quan tâm đến triết học chơi chơi nữa mà quan tâm đến triết học kinh tế, triết học chính trị, triết học vật lý, triết học khoa học, triết học công nghệ thông tin… Đó là những ngành triết học xử lý các điểm tới hạn của các khoa học, các công nghệ, kỹ thuật. Con trai út của chú học khoa triết học của trường Kinh tế London. Ở đấy Marx là một cái bia tập bắn, mỗi ngày Marx được đem ra bắn nát trong sự phân tích của sinh viên. Việt Nam chúng ta vẫn xem triết học là một thứ cao siêu, nằm ngoài tầm với của mọi người, nhưng đối với phương Tây triết học đã bắt đầu được kéo sát về nấc thực dụng. Chú đã viết trong một quyển sách rằng “tôi viết về tự do như một thứ có thể ăn được”.
(Còn tiếp)
Trả lời