Giáo sư – Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đình Chú quê ở xã Thượng Xá, nay là xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Hiện ông cư trú tại phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
GS – NGND Nguyễn Đình Chú |
Nguyễn Đình Chú sinh trưởng trong một gia đình nhà nho, thân phụ là cụ Nguyễn Huy Côn, sinh năm Bính Dần (1866). Cụ đậu Tú tài năm 1894, được chiếu chỉ "Hàn lâm viện đại chiếu". Từ đấy, nhân dân trong vùng gọi cụ là cụ Hàn. Cụ tư chất hiền lành, cởi mở và rất yêu thương người nên được nhân dân trong làng trong xã kính nể, được triều đình cử làm chức quan trông coi lăng tẩm Triều Nguyễn, nhưng thấycảnh nhân dân phải dời mồ mả, cửa nhà để xây lăng, ông bỏ về mở lớp dạy học. Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, các môn sinh của cụ lại tề tựu đến mừng thọ thầy của mình.
Giáo sư – Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đình Chú do hấp thụ được đức tính nhà nho của cha từ lúc nhỏ, bao nhiêu tinh tuý của nho học được hấp thụ trong ông. Ông là người giản dị, đức độ hiền lành, học giỏi, khiêm nhường, được nhiều người yêu quý. Lúc nhỏ được cha dạy Hán – Nôm, nhờ vậy mà vốn cổ văn hóa – văn học dân tộc trong ông còn rất phong phú. Nguyễn Đình Chú không những học giỏi ông còn tích cực tham gia các phongtrào yêu nước trong nhà trường, rồi được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cứu quốc. Về nhà ông còn dạy bình dân học vụ. Lớp đảng viên quê tôi kết nạp năm 1947-1949, ông được chi bộ yêu cầu dạy thoát nạn mù chữ cho những người ấy trước. Ngoài dạy, ông còn tham gia công tác thông tin tuyên truyền. Tháng 10 năm 1954, ông đỗ thủ khoa khoá đầu tiên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Thời kỳ ấy, sinh viên chỉ có 16 đồng học bổng, nộp tiền ăn 12 đồng còn lại ông nhịn cả ăn sáng dành tiền để mua sách là chính. Trong 3 năm học tập, ông vẫn đứng thứ nhất, thứ nhì lớp, thi tốt nghiệp đỗ thủ khoa. Tốt nghiệp đại học, ông được ở lại trường giảng dạy. Ông luôn sống hoà mình trong sự thương yêu của các thầy, của đồng nghiệp và các em sinh viên trong khoa. Nhà trường đã cử ông phụ trách Tổ Văn. Ông cùng các thầy trong tổ phấn đấu xây dựng thành công Tổ lao động XHCN đầu tiên của trường. Và ông nhiều năm được bầu là Chiến sĩ thi đua. Ngoài công tác giảng dạy và nghiên cứu, ông còn tham gia nhiều công trình cấp bộ và cấp quốc gia, được nhiều người trong và ngoài nước biết đến. Sau này ông là uỷ viên bộ môn Ngữ Văn của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, uỷ viên bộ môn Ngữ Văn của Bộ GD – ĐT, đã cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu xuất sắc. Nhiều năm, ông trực tiếp giảng dạy Trường Viết văn Nguyễn Du (từ khoá 1 đến khoá 5). Ông đã được đi dự hội nghị quốc tế nhiều lần để giới thiệu về Văn học Việt Nam.
Năm 1990, Hội thảo khoa học về Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản tham luận của ông đã được Ban Văn hoá – Tư tưởng Trung ương cho in làm tài liệu học tập. Trên 50 năm với nhiệm vụ "trồng người", Giáo sư – Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đình Chú đã góp phần đào tạo hàng ngàn cử nhân ngữ văn cho đất nước, trong số đó có nhiều người đã trở thành giáo sư, tiến sĩ, cán bộ lãnh đạo nhiều ngành nói chung và ngành GD – ĐT nói riêng. Nhiều năm, ông đã tham gia dạy chuyên đề Cao học cho cử nhân ở trong nước và nước ngoài sang học tại Việt Nam, đã đào tạo trên 50 thạc sĩ và 15 tiến sĩ, nhiều lần được phân công làm chủ tịch Hội đồng chấm luận án văn sử, văn học Hán Nôm… Năm 2003, ông được nghỉ hưu. Ở tuổi 80, Bộ và nhà trường vẫn yêu cầu tham gia giảng dạy các lớp trên đại học. Nói về gia đình mình, giáo sư rất tự hào về vợ, các con và các cháu đã nối nghiệp cha ông vượt khó khăn bằng con đường học vấn để mưu sinh. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Minh Thâm, nguyên là Hiệu phó, Bí thư Đảng uỷ Trường THPT Yên Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ông có 6 người con vừa trai, vừa gái, vừa dâu, vừa rể thì có 2 người là tiến sĩ, 4 người là cử nhân các cháu nội, ngoại.
Giáo sư – Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đình Chú là một nhà khoa học xã hội, một trong nhiều chân dung sáng giá của người tríthức Xứ Nghệ để nhiều tiếng thơm cho quê hương!
Nguyễn Đình Khang – (118, Tổ 4, P.Xuân Thọ, TP. Bắc Giang)
Khách says
Giáo sư Thật xứng đáng là hậu duệ Thái Sư-Cương quốc Công Nguyễn Xí. Hy vọng dòng họ ta có thêm nhiều người như Thầy. Kính thay!