I. Có nên qua Đức hay không?
Có vẻ thừa nếu bạn so sánh giữa „học ở Việt Nam“ và „học ở Đức“. Nhưng nếu bạn thuộc 2 trường hợp: Bạn thừa điều kiện để thoải mái học ở những nước khác ngoài Đức (vd Anh, Mỹ, Úc) và bạn không đủ điều kiện tài chính để đi Đức thì sao? Với trường hợp thứ nhất, bạn có thể tra cứu ở đây: https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_international_rankings để đối chiếu nước Đức với các lựa chọn khác. Với trường hợp thứ hai, bạn nên đi nếu bạn học về các ngành khoa học/công nghệ/nghiên cứu (như lượng tử, công nghệ hóa sinh, tâm lý học) mà Việt Nam chưa có nhiều đất diễn. Nhưng tựu chung bạn phải biết cụ thể mình qua Đức để học gì làm gì, phải đối mặt với cái gì để có một kế hoạch thật hợp lý.
Trong thế giới hiện nay, việc học tập nghiên cứu đã không bị bó hẹp trong phạm vi các trường đại học truyền thống. Rất nhiều thông tin đã được phổ biến rộng rãi trên mạng hoặc qua hình thức MOOC (Massive open online courses). Nếu bạn chịu khó học hỏi tìm hiểu, chủ động rèn luyện bản thân thì việc tìm một công việc tương đối dễ chịu trong nước với một số ngành nghề (như quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin, thiết kế đồ họa) cũng không phải khó.
II. Học Tiếng Đức:
Nếu bạn đã quyết định qua Đức học thì bạn cần phải học Tiếng Đức. Có rất nhiều địa chỉ học tiếng ở Việt Nam, bạn có thể google ra rất nhanh. Ở đây mình muốn nói tới phương pháp học.
Có hai điều nên nhớ (1) Ngôn ngữ là một dạng phản xạ và (2) Bạn không có nhiều thời gian. (1) Có nghĩa rằng để hình thành và duy trì phản xạ ngôn ngữ, bạn cần phải thực hành liên tục càng nhiều càng tốt. (2) Có nghĩa rằng bạn không có thời gian để đọc nghe xem tất cả những cái mình thích mà nên tìm ra những cái mình cần nhất, như trong phạm vi học, trong phạm vi cuộc sống của mình.
1. Đọc: Để xem tin tức bạn có thể vào:http://news.kadaza.de/ hoặc các trang tổng hợp như http://www.zeitung.de/. Để đọc sách chuyên môn các bạn có thể ra thư viện hoặc các trang ebook mở như http://allesebook.de/kostenlose-ebooks/. Đừng ngại đọc nếu thấy nó nhiều chữ – vốn từ thường dùng ko phải vô tận, nên sau khi bạn đã đọc nhiều đến một mức độ nào đấy thì bạn sẽ thấy các tài liệu khác „quen quen“.
2. Viết: Bạn có thể khởi đầu bằng viết status, blog hay nhật ký. Nguyên tắc là "viết càng đầy đủ càng tốt" và "viết càng ngắn gọn càng tốt". Đầy đủ là bạn nên tìm cách bằng Tiếng Đức tất cả suy nghĩ của mình. Ngắn gọn có nghĩa là nếu một từ/cụm từ có thể thay thế được cho một câu hoặc một cụm từ dài hơn thì bạn nên dùng, tránh viết tràng giang đại hải. Hai nguyên tắc này sẽ giúp thi viết hoặc làm klausur ở bậc Đại học. Những trang như http://lang-8.com/ rất có ích với bạn (bạn đăng cái gì lên đó, người Đức bản xứ sẽ đọc và sửa chữa cho bạn).
3. Nói: Nếu bạn có bạn người Đức, bạn có thể nói với người bạn đó. Nếu bạn chỉ có một mình, bạn hãy thử nghĩ ra một chủ đề gì đó rồi vừa nghĩ vừa nói sao cho càng trôi chảy càng tốt những suy nghĩ của bạn. Lâu dần bạn sẽ hình thành nên phản xạ nói. Trang web hay để bạn luyện cách phát âm: http://forvo.com/.
4. Nghe: Ngoài việc thực hành nghe các bản tin, xem truyền hình hàng ngày và giao tiếp với bạn bè thì bạn nên trau dồi càng nhiều càng tốt các từ thông dụng và các từ trong lĩnh vực của mình. Trang web giúp bạn học nghe: https://bliubliu.com/
Thay cho kết luận: nhiều sinh viên Việt Nam tiếp thu kiến thức một cách thụ động, thành ra ko phải thi cử là hệ quả của kiến thức mà kiến thức là những gì chưa bị rơi rụng sau kỳ thi. Hãy học Tiếng Đức vì mục đích dài hạn ngay từ ban đầu, không chỉ bó hẹp trong khóa học, trong thi cử, bạn sẽ thấy các kỳ thi dễ dàng hơn rất nhiều.
III. Tìm hiểu trước khi hỏi:
Do lối học thụ động nên kỹ năng tự tìm kiếm thông tin của sinh viên Việt thường yếu. Bạn nên rèn luyện kỹ năng này vì đây là một trong những kỹ năng phải có trong đại học ở Đức. Phần lớn những gì bạn cần biết đều được quy định trong các văn bản pháp luật, nội quy trong nhà trường hoặc những ứng dụng mạng khác giúp bạn nhận định khách quan. Bạn nên tự đặt vấn đề tìm hiểu trước khi đi hỏi vì không phải ai ở Đức cũng hiểu đúng trường hợp của bạn để tư vấn cho bạn (và tránh mất tiền ko đáng cho các „dịch vụ tư vấn“).
Nên đọc trước khi qua Đức:
Làm sao để sử dụng google hiệu quả: http://mashable.com/2011/11/24/google-search-infographic/…
https://www.gesetze-im-internet.de/aufenthg_2004/__16.html: Luật lưu trú dành cho học sinh sinh viên.
http://www.verwaltungsvorschriften-im-internet.de/…/BMI-MI3…: Điều 16: quy chế quản lý người nước ngoài là học sinh sinh viên (về điều kiện cấp visa, thời hạn gia hạn lưu trú, bằng tiếng, các frist phải tuân thủ, vấn đề đi làm thêm, vấn đề chuyển trường chuyển ngành usw).
http://www.studienkollegs.de/: Danh sách các Studienkolleg ở Đức. Có thông tin về khóa học, hệ đại học được học sau khi ra trường, cách đăng ký nhập học usw.
http://www.bachelor-and-more.de/suche/: Trang web tổng hợp các ngành bachelor tại các trường đại học. Có thông tin ngành, thông tin trường, nơi ăn chốn ở, thông tin học bổng, ngôn ngữ đào tạo, điều kiện tuyển sinh usw.
http://www.master-and-more.de/master-in-deutschland.html: Tương tự trang trên, nhưng cho hệ master.
http://ranking.zeit.de/che2015/de/faecher: CHE ranking, xếp hạng từng ngành học trong các trường Đại Học khác nhau theo tiêu chí chương trình học, trình độ giảng viên, cơ sở vật chất, khả năng kiếm việc, tỉ lệ ra trường usw.
IV. Cần có kế hoạch:
Sau khi đã tìm hiểu thông tin thì bạn cần sử dụng thông tin để lên kế hoạch. Lên kế hoạch tránh cho bạn xao lãng mục tiêu học tập, rơi vào tình thế bị động “nước đến chân mới nhảy” và sử dụng tối đa những gì bạn có.
Bạn không nên chọn một ngành chỉ vì nó “hay hay” hay nghe người ta nói “dễ xin việc”. Chọn một ngành trong khi bạn chưa hề có khái niệm nó là gì, mình học gì trong đó mà bạn không có đủ năng lực hay hứng thú để theo học thì kiến thức của bạn sẽ không đủ tốt để vào nhóm “dễ xin”.
Một số bài test có thể giúp bạn nhìn nhận được với năng lực của mình thì nên ưu tiên những ngành nào như test hướng nghiệp RIASEC: http://www.roguecc.edu/Counseling/HollandCodes/test.asp. Nếu hứng thú & thấy kết quả khó hiểu bạn có thể làm rồi inbox kết quả cho mình, mình sẽ nói rõ hơn cho các bạn.
Sau khi chọn được ngành thì bạn tìm trường. Ở Đức, không phải cứ trường to là ngành nào cũng tốt. Không phải cứ Uni là tốt hơn FH. Điều đó phụ thuộc vào trường và ngành bạn học. Các ranking như CHE hay các foren như studis-online sẽ giúp bạn có một cái nhìn toàn diện khách quan.
Sau khi đã xác định ngành, trường và vùng thì bạn tìm hiểu dần điều kiện vào trường để làm mốc cố gắng, nơi ăn chốn ở, điều kiện việc làm, nội quy trong trường để có một kế hoạch hợp lý. Tất cả những việc này bạn không nên để đến khi tốt nghiệp dự bị mới nháo nhào đi tìm.
V. Hòa nhập với xã hội:
Nếu bạn qua Đức mà không hòa nhập với xã hội Đức thì những gì bạn có chỉ là tấm bằng (có giá trị không cao như ngày trước trong thời đại thông tin hiện tại). Hòa nhập cũng không có nghĩa bạn phải tích cực đi chơi, party, bar sàn, mà nó ở các lĩnh vực:
1. Cách sống: Hiểu và sống đúng pháp luật, có kế hoạch, bỏ rác vô thùng, trước khi ra khỏi phòng tắt điện, biết nói cảm ơn xin lỗi usw. Những thói quen đó tưởng chừng rất nhỏ nhưng người ta sẽ dựa vô đó để đánh giá bạn.
2. Tư duy: Biết cách tự đặt câu hỏi, tự đặt vấn đề, tự tìm kiếm thông tin trong học tập và cuộc sống.
3. Tin tức: Để ý các tin tức xã hội/văn hóa Đức là một việc phải làm để hòa nhập.
4. Quan hệ xã hội: Những người hướng nội/không có thời gian có thể không thích đi chơi hay tán dóc nhiều, nhưng không có nghĩa không còn cách khác để phát triển quan hệ xã hội. Có rất nhiều group facebook về các lĩnh vực bạn quan tâm, có rất nhiều foren bạn có thể tham gia. Hãy tận dụng tất cả.
5. Đi làm: Nếu bạn có thời gian thì hãy cố gắng làm cho người Đức. Các công việc như Werkstudent hay Tutor trong nhà trường là một cơ hội tuyệt vời để bạn vừa mở rộng quan hệ, vừa kiếm thêm thu nhập (các công việc trong trường sẽ không bị giới hạn số ngày làm, theo §16 quy chế quản lý người nước ngoài).
Trên đây là một vài kinh nghiệm mình hệ thống lại được. Các bạn hãy chia sẻ thêm để topic này trở nên có ích hơn nhé/
@Nguồn: dhd.vn
Trả lời