Vài dòng lăng nhăng nhân ngày Thầy Thuốc Việt Nam
Mình bị bệnh sùng bái, ngưỡng mộ nghề y. Ngày xưa đồng ý trao phân gửi thận, sorry, trao thân gửi phận, cho cái lão ấy cũng chỉ vì lão mổ giỏi, hát hay, hay lam hay làm (vì đi bộ đội mới được ăn no bằng cơm), thế thôi, he he… Cũng may mà vẫn còn thuận giò xuôi bướm, à quên, thuận buồm xuôi gió, cho đến giờ. Khổ quá, già rồi nên hay mắc bệnh nói nhịu, he he…..
Sở hữu được lão ấy trong nhà có cái may là cả lò, cả tổng nhà mình ốm đau đều yên tâm. Bẹn giai U90 nhà mình vừa rồi ko có lão ấy thì khéo cũng "Trạch Văn Đoành" rồi, he he….. Ở khoa bẹn U90 nằm ai cũng tưởng lão ấy là con giai bẹn U90, còn mềnh là con dâu mới đểu chứ.
Tuy nhiên, cũng thiệt thòi phết. Lão ấy bẩu "mẹ đừng để ba lăn tăn chuyện tiền bạc nhé, lăn tăn tiền bạc không làm được nghề y đâu", thế là mình cứ phải lăn lê bò toài, đấm bốc búa xua khắp nơi để cứu gia đình khỏi đứt bữa, he he…. (đội ơn Đảng, ơn Chính phủ, ơn các đời bộ trưởng Bộ y tế phát ạ). Lão ấy cũng bảo với đám sinh viên Y khoa và các bác sĩ trẻ "nếu các em/cháu nghĩ vào ngành y để làm giàu thì thầy/chú khuyên các cháu nên giải nghệ, giờ vẫn chưa muộn". Lão làm mình nhớ lại lời dặn của GS Đính, nguyên trưởng khoa hồi sức của BV Bạch Mai, đối với các đồng nghiệp trong khoa "khi cấp cứu người bằng tuổi cha mẹ mình, mình hãy nghĩ là cấp cứu cho cha mẹ mình. Khi cấp cứu cho người bằng tuổi cô dì, chú bác mình, mình hãy nghĩ như đang cấp cứu cho cô dì, chú bác mình. Khi cấp cứu cho những người bằng tuổi con, cháu mình hãy nghĩ rằng mình đang cấp cứu cho con, cháu mình, như vậy mình sẽ toàn tâm, toàn ý, ko lăn tăn gì hết". Mình đã trào nước mắt khi nghe những lời ấy từ GS Đính (trong chương trình về GS và khoa hồi sức BV BM chiếu trên tivi).
Thằng anh con bác ruột mình (bằng tuổi nên toàn gọi nó bằng thằng) ngày trước cứ mỗi lần gọi điện đến nhà mình câu đầu tiên toàn hỏi "thế nào, tình hình làm ăn dạo này thế nào?" và bị mình chửi cho lút mặt "Sư bố nhà ông, hỏi kiểu éo gì thế, sao ko hỏi mịa nó tình hình chặt chém bệnh nhân và học trò dạo này thế nào, có khá hơn không". Thèng anh họ này cứ mở mõm ra là tiền, tiền và tiền, giờ sợ mình vcc, ko dám hỏi lăng nhăng nữa.
Sáng ra, sợ tắc đường lão ấy chưa đến 7h đã có mặt ở bệnh viện, và thế là bệnh nhân lãi hẳn 1 tiếng được hỏi han, thăm khám.
Mấy chục năm trong nghề, chưa bao giờ bệnh nhân phàn nàn bất cứ câu nào về lão. Có một lần lão bị một đồng nghiệp chuyển lời phàn nàn của nhân viên của BV Bạch Mai (chuyển bệnh nhân sang khoa cấp cứu, thời lão còn phải làm cho cả 2 khoa-cấp cứu và chấn thương chỉnh hình) là lão gây khó dễ, ko tạo điều kiện, lão vặc luôn "Bạch Mai chuyển qua thì cũng phải xếp hàng, chỉ bệnh nhân nặng thì mới được ưu tiên khám trước".
Lão này đểu, nói với vợ thì như "chó cắn ma" nhưng với bệnh nhân thì ngọt ko đỡ được. Khoa có ca nào khó đỡ, rắc rối với bệnh nhân, toàn vời lão ấy đi giải quyết. Bệnh nhân nào đã qua tay lão thì cả lò, cả tổng nhà họ khi có chuyện đều tìm đến lão, hoặc nhờ chữa, hoặc nhờ tư vấn giúp.
Bao nhiêu năm chưa một lần nghỉ trực. Hàng ngày nhìn lão đi làm về đổ vật như cây chuối hột mà thấy nẫu.
Ngày con lão, cái ông Cống béo, vào tuổi khó dạy (đúng ra là mất dạy, he he) mình nghiến răng rít ò ò vào mặt lão "cống hiến vừa vừa thôi, để ý đến con ông chút đê, nó mà nghiện hút sẽ không có bệnh nhân nào đưa con ông vào trại cai nghiện đâu, cũng không bệnh nhân nào đưa cơm tù cho con ông đâu, nghe chưa!". Lão ngô nghê cứ nghĩ lão sống tử tế, con lão ắt sẽ thành người tử tế. Dở hơi thế đấy!!
Mà lão mắc bệnh nhiệt tềnh, cứ ốm đau bệnh hoạn giề gọi phát, bất kể nửa đêm hay 2,3 giờ sáng mà cần cấp cứu lão cũng phi luôn. Thường xuyên cuối tuần lão mất hút dù không phải ca trực, gọi điện hỏi lão đâu thì lão bảo đang ở viện, hôm qua vừa mổ mấy ca nặng lắm, giờ phải ra theo dõi xem thế nào. Có lần cuối tuần mưa gió bão táp ầm ầm mà lão vẫn phi tới viện và ngủ luôn tại viện. Gọi hỏi thì lão bảo có cháu bé 13 tuổi bị tai nạn nặng lắm, mổ hôm trước, gọi điện dặn y tá đủ kiểu nhưng vẫn ko yên tâm nên lão phi ra tự tay chăm sóc. Lão nói "con người ta thì cũng như con mình". Mà có phải nhà nó giàu có gì mà bảo tận tình chữa để được cảm ơn cảm huệ. Thằng bé người dân tộc, cả nhà còn không sõi tiếng Kinh, nhà nghèo rớt, tỉnh thuốc mê dậy được bố cho ăn cơm nguội rưới nước sôi trộn muối. Thương thế đấy. Có bà bị tai nạn, ko mang theo giấy tờ tùy thân, không người thân thích ở bên, đúng ca trực của lão nên lão quyết mổ luôn, lão bảo nếu không tìm được người nhà để thanh toán thì lão sẽ chi trả. Chuyện này sau đã lên báo với tiêu đề "Cứu người đâu cần phong bì", nhưng đấy là do lãnh đạo viện thích lăng xê cho viện nên làm việc đó và nói như thể đấy là do lãnh đạo quyết chứ thực ra mổ cấp cứu xong rồi lão mới báo lãnh đạo.
Chuyện bác sĩ quyên tiền để giúp bệnh nhân nghèo là chuyện thường ngày ở huyện. Với bệnh nhân nhi lão còn hát hò, trêu chọc "đồng chí đại tá chào đồng chí đại tướng nhé", thế là các cháu bé cười tít, quên cả đau.
Tháng 10 này lão ấy sẽ làm lễ "treo dao", chắc sẽ phải cho một bài về cái nghiệp của lão. Lão treo dao chắc khối bệnh nhân nghèo bị thiệt.
Mà lão không Đảng viên, không chức tước, không nhận bất danh hiệu thi đua thi đoét gì bao giờ. Bị lùa vào Đảng lão chạy tụt quần ko kịp kéo. Được đề bạt thì lão hớt hải chạy cấp trên để khỏi bị bổ nhiệm. Mặt lão lúc ấy nhìn như bị kỉ luật mới kinh (mình "chạy" cùng nên biết, he he). Danh hiệu thi đua bị ép nhận thì lão bảo bị điên à mà nhận, để dành cho đám y tá cho chúng nó còn lấy thành tích mà vào biên chế. Được cử đi Mĩ học về cấp cứu, lão chối đây đẩy với lý do "già rồi, đi làm gì, để bọn trẻ nó đi để về còn cống hiến dài dài chứ". Cuối cùng lão vẫn bị cưỡng đi với lý do "đây ko phải là đi nghỉ dưỡng, chúng tôi cần anh đi học về để tập huấn cho các bác sĩ tuyến dưới chứ ko phải đi chơi". Hâm thế đấy!!!
Mình rất vui và tự hào vì đã có lần được làm việc với 150 bác sĩ BV Nhi Trung ương. Lớp học của các bác sĩ BV Nhi TƯ có thể nói đã để lại ấn tượng mạnh nhất trong đời đi dạy của mình. Lớp học pro, học viên pro,…. (có cả làm việc với các bs BV Nội tiết nhưng ko ấn tượng gì mấy)
Túm cái váy lại là mình muốn gửi lời chúc sức khỏe, sự ngưỡng mộ, trân quí đến tất cả những nhân viên y tế nhân ngày Thầy thuốc Vịt Ngan. Chúc các thầy thuốc luôn giữ được lửa trong tim, yêu thương người bệnh như chính những người ruột thịt của mình.
Ở link này là một số hình ảnh ghi lại kỉ niệm ko bao giờ quên với lớp học của BV Nhi TƯ.
Nguyễn Đức Can says
Kính phục, kính phục bác Chính vô cùng. Tôi có cái may mắn là bác ruột tôi nằm điều trị tại Khoa của anh nên tôi đã chứng kiến, hiểu và cảm phục về sự tậm tâm của anh với bệnh nhân. Bài viết này chỉ là một vài phác thảo về một con người sinh ra để làm nghề Y như anh. Tôi thực sự xúc động khi nghe anh tâm sự: Ngành Y lương thấp quá. Giá nhà nước trả lương cho tôi 10 triệu một tháng (thời điểm tháng 5/2014) thì tôi khỏi bị phân tâm để dốc hết tâm lực cho công việc…”
Chuột says
cứ như đang đọc một câu chuyện cổ tích, cháu nghĩ người như bác soi đèn pha chắc cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Trần Thanh Tâm says
Đọc bài của chị rất rất nhiều rồi mà hôm nay mới dám comment.
Cảm ơn chị đã cho thấy người tốt đâu đó vẫn còn rất nhiều. Em cũng ước ao sau này con mình có bạn học nghề y. Phải vào viện nhiều mới thấy bác sĩ tốt còn rất rất nhiều. Chúc bác sĩ của chị sẽ truyền lại lửa cho rất nhiều thế hệ sau nữa!
Lê Thị Thủy says
Chồng cô thật hạnh phúc khi cưới được người tuyệt như cô
Hoaithanh says
Cô ơi hôm nay cháu xem chương trình vtv1 về cô, cháu rất ngưỡng mộ và phải vào a google để tìm cô, thấy trang của cô và ngấu nghiến đoc các bài viết của cô. Cháu hâm mộ cô quá