Phan Trọng Luận (*)
Tôi nhớ cách đây mấy chục năm, có một cuộc hội thảo quan trọng. Mọi người đều ăn mặc khá chỉnh tề. Nguyễn Đình Chú hôm ấy cũng đeo cà vạt. Trước khi ra hội trường khai mạc, nhà thơ Huy Cận đến gần Chú nắn lại cái cà vạt thắt lệch một bên, nói vui “Nâng khăn sửa túí cho Ông này một tí”. Chú hình như cũng mất tự nhiên và nói luôn với tôi đứng bên cạnh “Mình vốn là thằng nhà quê”. Nguyễn Đình Chú luôn là vậy. Cứ tuềnh toàng, ít khi trau chuốt. Sinh viên Khoa Văn chúng tôi rất yêu quý và thân thiết các thầy cô nên có mấy câu vè khắc hoạ tính cách từng người . Thầy Chú thì có câu “…Phòng thầy Chú”. Ý là nói phòng của thầy rất bề bộn, luộm thộm. Có sinh viên kể lại là hôm trước mới dọn dẹp cho thầy khá ngăn nắp, mấy hôm sau đến thấy lại như cũ. Về sau anh Chú có xây được cái nhà khá khang trang, không còn ở khu nhà Đồng xa nữa. Anh vui sướng khoe với bạn bè là “Sang nhà mới, mình như từ địa ngục lên thiên đường”. Nhưng tôi thì cứ nghĩ có sang nhà mới thì buồng của Anh vẫn là buồng của ông đồ Nghệ thôi. Phong cách sống thường ngày của anh là vậy. Mỗi người có một nếp sống, một cách sống không ai giống ai, khó mà thay đổi. Mà có lẽ cũng chả cần thay đổi.
Nhưng tôi có nghĩ thêm nếu mang cái luộm thuộm đó vào nghiên cứu khoa học e lại không hay. Anh Chú hình như (tôi cảm nhận vậy thôi) ít chú trọng sự sắp xếp, cái ngăn nắp chặt chẽ trong việc quản lý thành quả khoa học của mình. Có hỏi anh bài gì, viết năm nào, trên báo nào, trong hội thảo nào, về những vấn đề gì thì anh cũng không ghi chép rành rõi. Hình như anh cũng không thống kê ghi chép lại. Có lần tôi đưa cho anh mấy tài liệu quý của Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Lê Thước… viết về ông nội tôi, hy vọng anh, một chuyên gia văn học sẽ có ý kiến thêm. Nhưng về sau hỏi anh thì tài liệu đó Anh đã để lạc đi đâu. Học trò quý anh sưu tập một số bàì viết của anh gửi cho Anh, anh cũng để thất lạc mất. Có người nói GS. Chú không có sách, không có chuyên luận. Ai nghĩ sao thì cứ nghĩ như vậy. Còn anh, Anh cứ viết, cứ nghiên cứu, cứ tham gia đều đặn và có hiệu quả. Tên tuổi quen thuộc trong và ngoài nước suốt 50 năm qua nhưng không nghĩ chuyện in sách. Kể cũng lạ. Tôi dám chắc các bài viết của Anh in ra cũng phải trên mấy ngàn trang sách, sẽ là những công trình có giá trị góp phần đáng quý vào công việc nghiên cứu và giảng dạy văn chương. Viết, nhưng không nghĩ sẽ in sách, viết không phải để có tên tuổi, để được giải thưởng này nọ hay vì nhuận bút. Say mê văn chương và cuộc đời, thì viết vậy thôi. Tôi nghĩ Nguyễn Đình Chú là một lãng tử trong giới văn chương.
Anh Nguyễn Đình Chú cũng như nhiều anh chị em thế hệ chúng tôi chỉ học trong nước và tự học là chính. Riêng anh Chú là người ít được xuất ngoại hơn cả. Không rõ trong số tử vi của Anh có sao Lưu hà không? Lần đầu tiên xuất ngoại sang Lào thì chỉ hôm sau đã phải cấp cứu về nước ngay. May mà qua đuợc. Anh Chú là con một cụ Tú cùng khoá với Cụ Nguyễn Sinh Sắc tại trường thi Nghệ An năm 1894, lại là con rể nhà thâm nho Nguyễn Đức Vân. Vốn Hán học của Anh khá dày dặn. Bọn chúng tôi lao vào tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Anh. Nguyễn Đình Chú miệt mài đi sâu vào vốn cổ, vào văn hoá, văn học trung cận đại. Nhưng địa bàn của Anh không chỉ có vậy. Anh luôn cập nhật những vấn đề của văn học hiện đại và cả một số vấn đề ngoài văn học như Nho giáo, tôn giáo có liên quan đến sự phát triển của văn học dân tộc. Và gần đây, những vấn đề bức xúc của giáo dục cũng được Anh quan tâm và có những đề xuất có tính chiến lược. Điểm mạnh của Nguyễn Đình Chú là vốn văn hoá rộng. Anh đã và luôn có mặt khi thảo luận những vấn đề ở tầm vĩ mô cũng như những hiện tượng cụ thể trong đời sống văn học và văn hoá của đất nuớc. Về những vấn đề lớn như Phân kì văn học Việt Nam, Cái “ngã” và “vô ngã”/ “phi ngã” trong văn học trung đại, Ảnh hưởng của Nho giáo đến văn học Việt Nam… cho đến những vấn đề gay cấn như đánh giá lại Nam Phong, Văn học lãng mạn, Nhìn lại tranh luận nghệ thuật vị nghệ thuật… Nhận diện những nhân vật cô Kiều, Nguyễn Trường Tộ hay cái Tôi trong Nguyễn Công Trứ cho đến cách cắt nghĩa một tác phẩm như Ngưòi con gái Nam xương, một bài thơ Thương vợ hay xuất xứ của bài thơ Độc Tiểu thanh kí v.v.. Ý kiến của Anh thường thoả đáng, có sức thuyết phục đặc biệt là hàm chứa một cách nhìn mới mẻ về tư duy và tình nhân ái trong cảm hứng của người cầm bút.
Theo Anh Chú kể thì Anh biết tôi từ những năm 1950, hồi tôi mới 19 – 20. Tôi mãi sau này khi về khoa Văn, mớí biết anh nhưng cũng chưa quen lắm. Có điều là kể ra thì cũng đã có những liên hệ gián tiếp từ lâu. Anh Nguyễn Đức Đàn, anh vợ của anh Chú học cùng lớp Dự bị đại học với tôi (Cùng học nhưng Anh Đàn là lớp đàn anh). Thầy Nguyễn Huy Tý, người thầy tôi vô cùng kính trọng lại là thông gia với anh Chú về sau này. Cháu Hoa con gái anh Chú bao giờ cũng thân thiết như nguời trong nhà… Nghe tin tôi nhập viện, Chị Thâm liền nhắc anh đi thăm. Tình cảm thân thiết đến dần dần vậy, tuy gặp gỡ nhau cũng không nhiều. Anh ở Tổ Văn học Việt Nam. Tôi ở tổ Phương pháp. Nhớ có lần anh Hoàng Dung – Tổ trưởng Tổ Văn học Việt Nam, anh Chú là tổ phó đã mời tôi giảng bài Tuyên ngôn độc lập, một bài khó cho năm thứ tư để cả Tổ Văn học Việt Nam đến dự. Quan hệ công việc hình như cũng bắt đầu từ đấy rồi dần dần hiểu nhau thêm. Và lòng quý trọng Anh cũng sâu đậm thêm trong tôi. Một con người sống nhân hậu, hiền lành biết quý trọng nghĩa tình hơn mọi thứ.
Anh Chú là nguời dễ xúc động, chóng cảm thông với ngườì khác. Có lần tôi đọc cho Anh hai câu thơ khá chua xót về sự đời của cha tôi cho Anh nghe. Cha tôi nói thời nô lệ, đất nước vẫn còn mà với người dân thì hoá ra mất. Còn ngày nay khi cha mẹ ly hôn tuy cha mẹ vẫn còn mà với con cái lại cũng hoá ra mất: “Non nước vẫn còn mà hoá mất, Mẹ cha còn đó hoá ra không”. Tôi đọc hai câu thơ và Anh khóc. Sau đó Anh luôn hỏi thăm về gia cảnh đôi vợ chồng người bạn không may mắn đó.
Anh Nguyễn Đức Nam mất. Tôi có viết bài về anh Nam. Anh Chú nói “Mình hiểu anh Nam hơn và cũng hiểu ông hơn”. Năm 1998, trước nạn vô cảm của xã hội, tôi viết bài “Nỗi lo giá lạnh tâm hồn”. Anh Chú đọc trên Văn Nghệ và gọi điện ngay cho tôi tỏ lời tán thưởng. Năm 2005, nhiều ý kiến chê bai dạy văn, học văn không thật khách quan, tôi viết bài “Văn học với văn học nhà trường không phải là một”. Anh Chú nói, chắc là để động viên tôi: “Chỉ cậu mới viết được như thế. Bọn mình không thể viết được”. Trong văn chương mà biết cảm thông trân trọng nhau thật không dễ, nhất là trong thời buổi này có người chỉ biết dè bỉu người khác, tự cho mình là nhất. Tôi ra Tuyển tập, Anh viết bài về tôi. Bạn bè và học trò tôi đọc bài viết của Anh đều cảm phục. Họ trao đổi với tôi: “Bạn bè hiểu nhau sâu sắc đến như vậy, yêu quý nhau như vậy, thật quá hiếm hoi. Sống không cao đẹp, không sâu sắc, yêu bạn yêu người không trong sáng, không thể viết ra được những dòng kỷ niệm như thế…”. Với ai, anh cũng sống chân tình nhân hậu. Sống vì tình vì nghĩa. Năm 1977, anh Chú và tôi được sở Khánh Hoà (hồi ấy là Phú Khánh) mời vào giảng cho giáo chức cũ. Ý nghĩ đầu tiên của anh là tìm gặp cho được người bạn cũ hơn mấy chục năm nghe nói đang ở tỉnh này. Anh ấy hình như một thời có chút dính líu gì đó vào vụ Đất mới và về sau nghe nói lại có chút oan sai nữa. Cuộc đời chính trị cũng như riêng tư không được may mắn. Thời bấy giờ, lãnh đạo địa phương ý chừng không muốn có cuộc thăm hỏi của chúng tôi. Nhưng rồi cuộc gặp anh bạn cũ ở nhà riêng cách thành phố Nha Trang cũng khá xa, không những làm cho anh bạn đỡ mặc cảm mà nghe nói về sau địa phương nhìn anh ấy cũng bớt nặng nề hơn. Cũng phải kể, ít có lớp đại học nào ra trường rồi mà vẫn duy trì được sinh hoạt lớp đều đặn như lớp Văn của Anh Chú, Anh Đức (tức GS. NGND Hà Minh Đức)… mà anh Chú là trưởng lớp. Tất cả đã vào tuổi “cổ lai hy” nhưng tình nghĩa bạn bè vẫn nồng thắm. Anh Chú là trung tâm đoàn kết. Các cuộc kỷ niệm hay hội thảo về các thầy Trần Đức Thảo, Trương Tửu, Nguyễn Mạnh Tường… khi nào Anh cũng là nguời sốt sắng nhất, vồn vã nhất. Làm gia phả, tộc phả, Anh để hàng tháng đi về quê xứ Nghệ, tuổi cao mà không ngại vất vả…
Tôi thầm nghĩ có được những người bạn như Nguyễn Đình Chú quả là một hạnh phúc. Trong cuộc sống phần nào xô bồ như ngày nay, có được những con người như Nguyễn Đình Chú thì cuộc đời yên bình, đáng yêu hơn biết bao nhiêu…
Hà Nội, hè Canh Dần – 2010
(*) GS. Khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP Hà Nội.
Trả lời