Phan Hồ Điệp
Mình có biết một em học ở trường có sử dụng sổ liên lạc điện tử. Nhưng sổ này chỉ dùng cho việc báo những tin tức đại loại như: đóng tiền học, lịch tham quan và đặc biệt là báo về việc học sinh thiếu bài.
Vậy nên, cuối buổi chiều, ám ảnh nhất đối với em là khi thấy tin nhắn gửi đến từ nhà trường. Vì như thế có nghĩa là: Con đã thiếu bài. Và sau đó là những cơn giận dữ của bố mẹ.
Em kể với mình: Bạn ở lớp kiểm tra bài cô ạ, khi thấy thiếu bạn báo cho cô giáo và cô nhập vào sổ liên lạc để gửi cho bố mẹ. Có hôm em bị ghi, em sợ đến nỗi tan học không muốn về nhà.
Mình nghe xong, tự nhiên thấy lo lắng.
Có bao nhiêu em sợ việc học, sợ việc đến trường vì những kiểu liên lạc thế này.
Bởi sự giao tiếp giữa nhà trường và phụ huynh sao chỉ đơn giản và lạnh lùng thế. Có ai nói với cha mẹ về việc con ở lớp đã vui thế nào, đã chơi với bạn bè ra sao, đã có gì cố gắng so với chính bản thân con. Có ai giúp cha mẹ hiểu những nguyên nhân khiến con thiếu bài, khiến con không ghi chép đủ. Có ai ghi nhận những thành công khác của con ngoài việc học như nhặt hộ bạn cây thước, cố gắng chạy nhanh trong giờ thể dục, dám xung phong hát trước lớp…
Có ai… Nếu như con cái đã tự khép mình trong vỏ bọc của sợ hãi và lo lắng vì không tìm được tiếng nói chung với cha mẹ.
Vậy nên, trước khi nhờ đến những cách “liên lạc” điện tử, mỗi cha mẹ hãy cố gắng để hiểu và khích lệ con.
Việc làm này nên được thực hiện từ khi con còn rất nhỏ, để không chỉ con mà chính bố mẹ cũng “học” cách nói với con cho hiệu quả.
Mình không dám chắc những gì mình làm với con là đúng, mình viết ra để mọi người cùng tham khảo:
1. Khi khuyến khích con thực hiện những công việc mà con chưa thực sự thích, mình hay dùng mẫu câu: Nếu… thì
Nếu em làm giúp mẹ việc nhà thì mẹ sẽ rất vui.
2. Tích cực hỏi ý kiến con và cho con lựa chọn: Dùng mẫu câu: “giữa”… “chọn”.
Giữa cái áo màu xanh và cái áo màu vàng, em chọn cái nào.
3. Khi đề nghị con làm việc gì đó thuộc về quy ước giữa hai mẹ con từ trước, mình hay dùng “muốn” thay cho “phải”, “cần”. Cố gắng nói đơn giản, ngắn gọn.
Mẹ muốn em thu dọn đồ chơi.
Ngược lại mình cũng thường hỏi con: Con có muốn mẹ….
4. Tích cực dùng các cụm từ biểu đạt cảm xúc: Mẹ rất vui; Mẹ tự hào; Mẹ thật hạnh phúc; Mẹ thấy hài lòng…
5. Khi ở cạnh con, đi chơi cùng con, thường xuyên dùng các cụm từ khuyến khích con nói: Hãy kể; hãy miêu tả; hãy tường thuật lại; hãy cho mẹ biết; hãy giúp mẹ hiểu; hãy tìm thông tin giúp mẹ; hãy đặt những câu hỏi cho mẹ nếu con muốn biết…
6. Khi muốn con dừng lại một công việc gì đó mà con đang thích để chuyển sang công việc khác, mình thường cùng con xem xét, đánh giá một chút về công việc con đang làm rồi mới nêu đề nghị của mình: “Còn bây giờ thì…”.
Ví dụ con xem thích xem ti vi, mình muốn con tắt. Mình sẽ ngồi xem khoảng ba phút, hỏi: Con đang xem gì? Con thích vì sao? Sau đó mẹ sẽ nói: Ừ, mẹ thấy cũng hay nhưng mẹ nghĩ đã đến lúc tắt. Còn bây giờ thì con đi học bài đi nhé!
7. Khi con mắc lỗi, nhìn thẳng vào mắt con, nghiêm nghị nói: “ Mẹ không vui; Mẹ không hài lòng /nhưng mẹ tin…”
8. Luôn dành một khoảng thời gian cho con kể chuyện trường lớp và bắt đầu: “Hôm nay có gì vui?…. Mẹ sẵn sàng lắng nghe…. Mẹ rất muốn biết… Mẹ rất thích được tìm hiểu… Mẹ muốn được “đi học” cùng em…”
9. Trẻ con cũng có những nỗi buồn của chúng. Hãy bên cạnh và an ủi: Mẹ thực sự lấy làm tiếc… Mẹ rất hiểu… Mẹ rất chia sẻ… Rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi… Mẹ “cá” là em sẽ biết cách giải quyết…
10. Hãy trao thêm “quyền lực” cho con bằng việc hỏi ý kiến: Con thấy thế nào?/ Con có ý tưởng gì không?/ Con có cách giải quyết nào không…?
Đây chỉ là một vài gợi ý dựa trên kinh nghiệm cá nhân. Trong thực tế, việc giao tiếp với con sẽ diễn ra theo “muôn hình vạn trạng”, khi nào bố mẹ tin rằng, mình thực sự vì hạnh phúc của con, vì sự tự tin của con, vì tôn trọng con thì chắc chắn sẽ tìm được cách thích hợp nhất.
Mình tin tưởng!
Trả lời