Nhân chuyến ghé thăm Phần Lan vừa rồi mình cũng muốn viết đôi điều gì đó về xứ sở đặc biệt này (chỉ với 5,2 triệu dân nhưng có nền giáo dục vào hàng tốt nhất thế giới, nhiều tài năng âm nhạc và kiến trúc, tỷ lệ tham nhũng ít nhất thế giới,…) nhưng nghĩ đi nghĩ lại thấy chẳng thể nào "qua mặt" được vợ chồng cô bạn từ thuở ấu thơ, TS Bùi Việt Hoa và TS Võ Xuân Quế nên „mượn tạm“ chương 5 cuốn sách Ngôi sao phương Bắc (*) của chồng cô bạn viết về Giáo dục và Thư viện ở Phần Lan về khoe trên web mình vậy. Vợ chồng bạn từ hơn hai mươi năm qua đã và đang miệt mài bắc chiếc cầu nối văn hóa Phần Lan và Việt Nam và hôm 11.4 vừa rồi cả hai vừa được Đại sứ quán Phần Lan vinh danh là những "Creative Persons of the Year".
PHẦN LAN – NGÔI SAO PHƯƠNG BẮC (tác giả: TS. Võ Xuân Quế)
CHƯƠNG V. GIÁO DỤC VÀ THƯ VIỆN
PHẦN I: GIÁO DỤC
1. Hệ thống giáo dục đa dạng, hiệu quả và liên hoàn
Giáo dục là một trong những lĩnh vực điển hình nhất thể hiện tính ưu việt của chế độ phúc lợi (hyvinvointti) của Phần Lan. Tất cả mọi người định cư trên đất Phần Lan, không phân biệt giới tính, địa vị xã hội hay nguồn gốc dân tộc đều được hưởng giáo dục không phải trả tiền ở tất cả các cấp học từ giáo dục cơ sở đến giáo dục đại học. Giáo dục cơ sở bắt buộc đối với mọi trẻ em từ 7 đến 16 tuổi sống ở Phần Lan.
Nhưng, không chỉ nổi tiếng trên thế giới với chế độ bình đẳng, miễn phí cho mọi công dân, giáo dục Phần Lan còn được biết đến ở chất lượng hàng đầu của nó. Theo kết quả hai cuộc khảo sát đánh giá chất lượng học sinh lứa tuổi 15 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế có trụ sở tại Paris (OECD) thực hiện năm 2000 và 2003 ở 30 quốc gia thành viên và một số quốc gia không phải thành viên của tổ chức này, học sinh Phần Lan đều đạt thành tích cao nhất[1]. Kết quả hai cuộc khảo sát này còn khẳng định thêm sự bình đẳng trong giáo dục của Phần Lan: so với các quốc gia khác thuộc OECD, chất lượng giáo dục của Phần Lan có sự khác nhau rất ít giữa các vùng cũng như giữa các tầng lớp xã hội của học sinh. Mới đây (tháng 3.2006), dựa trên đánh giá của một nhóm khảo sát quốc tế, OECD đã công bố một báo cáo trong đó ca ngợi sự bình đẳng trong hệ thống giáo dục của Phần Lan cũng như chất lương cao của việc đào tạo giáo viên ở Phần Lan. Không ít người nghĩ rằng chất lượng giáo dục phụ thuộc nhiều vào chi phí dành cho nó. Tuy nhiên, theo báo cáo ”Lướt qua Giáo dục” năm 2002 và năm 2005 (Education at Glance 2002, Education at Glance 2005) của tổ chức OECD, Phần Lan là một ví dụ điển hình cho việc sử dụng một nguồn ngân sách giáo dục vừa phải trong so sánh với các quốc gia khác nhưng kết quả và chất lượng đạt được lại rất cao. Trong thời gian từ 1995-1999, ngân sách dành cho giáo dục hàng năm của Phần Lan giảm từ 6, 3 – 5,8% tổng thu nhập quốc dân (GDP) (so với tỉ lệ trung bình cuả các nước thuộc tổ chức hợp tác và phát triển giáo dục (OECD) là 5, 3%). Tuy nhiên, tỉ lệ đó vẫn còn thấp hơn so với 6,5% của các nước được coi là cao nhất trong tổ chức OECD[2]. Hơn thế nữa số giờ học của học sinh Phần Lan cũng ít hơn so với ở nhiều nước khác thuộc tổ chức này. Tính trung bình học sinh các lớp ở bậc tiểu học và trung học cơ sở (từ 7-14 tuổi) của Phần Lan chỉ học khoảng 5 500 giờ một năm (so với Italia: 8 000 giờ/năm). Số giờ học thêm ngoài giờ chính khóa ở lớp, kể cả giờ làm bài tập ở nhà của học sinh Phần Lan cũng thấp nhất trong các nước OECD, với trung bình 25 giờ học trên lớp và 5 giờ học ngoài lớp (cao nhất là học sinh Hàn Quốc, với 30 giờ học trên lớp và 10 giờ học thêm ngoài lớp hoặc làm bài tập ở nhà).
Phần Lan cũng là quốc gia dẫn đầu thế giới về tỉ lệ người biết đọc và biết viết (100%). Tỉ lệ người dân có trình độ học vấn của Phần Lan cũng thuộc vào loại cao nhất trong các nước EU, với hơn 67% dân số có trình độ từ trung học phổ thông trở lên và 33 % có trình độ đại học.
Là quốc gia sử dụng hai ngôn ngữ chính thức là tiếng Phần Lan và tiếng Thụy Điển nên nhà nước Phần Lan phải bảo đảm việc giáo dục cho công dân thuộc hai cộng đồng này một cách bình đẳng. Cả nước có hai trường đại học chỉ dạy bằng tiếng Thụy Điển và 6 trường dạy cả tiếng Phần Lan và tiếng Thụy Điển. Tiếng Sami (Lapp) có thể được dùng làm ngôn ngữ giảng dạy ở các bậc từ tiểu học đến trung học phổ thông và trung học dạy nghề, đồng thời cũng có thể dạy như tiếng mẹ đẻ hay một ngoại ngữ. Riêng ở các địa bàn cư trú tập trung của người Sami, trẻ em người Sami phải được học bằng tiếng mẹ đẻ ở trường tiểu học nếu cha mẹ hoặc người nuôi dưỡng mong muốn. Người nhập cư ở Phần Lan, kể cả trẻ em và người lớn đều được hưởng chế độ giáo dục bình đẳng như công dân Phần Lan, kể cả việc học tiếng mẹ đẻ ở các lớp từ tiêủ học đến trung học phổ thông với thời lượng nhất định và điều kiện cho phép. Học sinh chính thức ở các trường học của Phần Lan còn được ưu tiên trong một số dịch vụ công cộng, như được giảm một nửa giá vé với các phương tiện giao thông công cộng, vé tham quan các bảo tàng, nhà hát…
Mặc dù dân cư sống phân tán nhưng nhà nước Phần Lan vẫn xây dựng và duy trì một mạng lưới trường học rộng khắp trong cả nước. Các trường tiểu học và trung học cơ sở đáp ứng điều kiện gần chỗ ở và dễ đến với học sinh bằng phương tiện giao thông. Còn các trường trung học phổ thông và cao học đảm bảo tính toàn quốc, cho phép người học có thể học bất cứ đâu trên địa bàn cả nước. Chính sách này, một mặt cung cấp cơ hội bình đẳng về giáo dục cho mọi công dân, mặt khác còn bảo đảm sự cân bằng trong việc phát triển giữa các địa phương.
Cơ cấu giáo dục của Phần Lan cũng rất cân đối và hợp lý, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của nền kinh tế. Giữa hệ hai loại hình giáo dục trung học phổ thông và trung học dạy nghề, giữa đại học đại cương và đại học thực hành không có sự chênh lệch đáng kể. Số lượng trường và học sinh của từng bậc học của loại hình giáo dục chính quy năm 2003 như sau:
Cấp học | Số trường | Số HS, SV |
Giáo dục cơ sở |
3080 | 606 500 |
TH phổ thông | 440 | 127 900 |
TH dạy nghề | 305 | 205 100 |
ĐH thực hành | 31 | 140 800 |
ĐH đại cương | 20 | 168 800 |
2. Cơ quan phụ trách và tính độc lập, tự chủ trong giáo dục cuả Phần Lan.
Ở Phần Lan, Bộ Giáo dục là cơ quan nhà nước cao nhất chịu trách nhiệm trước Nghị viện về các lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu, văn hóa, thanh niên, thể thao, tôn giáo và những vấn đề về bản quyền. Một số lĩnh vực giáo dục không thuộc về phạm vi của Bộ giáo duc là nhà trẻ, giáo dục quân đội, công an, biên phòng, cứu hỏa và giáo dục người lao động. Trực thuộc Bộ giáo dục, có một cơ quan chuyên môn mang tên Opetushalitus (Ban quốc gia về giáo dục), phụ trách việc giáo dục ở các cấp giáo dục cơ sở, trung học phổ thông, trung học dạy nghề và giáo dục dành cho người lớn. Ban này có nhiệm vụ xây dựng và ban hành những nguyên tắc chỉ đạo mang tính quốc gia về chương trình và tiêu chuẩn giáo dục, đồng thời có trách nhiệm đánh giá chất lượng giáo dục của các cấp do Ban phụ trách. Ngoài ra, mỗi tỉnh và mỗi vùng còn có một cơ quan phụ trách chung về giáo dục và văn hoá ở mỗi tỉnh để điều hành việc giáo dục ở phạm vi cuả tỉnh và vùng.
Tuy nhiên, cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện chính sách giáo dục của quốc gia là các địa phương – kunta. Cũng như các nước Bắc Âu khác, ở Phần Lan, bên cạnh các dịch vụ thư viện, văn hóa và giải trí cho người dân địa phương Kunta có nhiệm vụ bảo đảm việc giáo dục cơ sở cho tất cả trẻ em sống trong địa bàn. Tùy theo mức độ lớn nhỏ của các kunta mà loại hình giáo dục trung học phổ thông, trung học dạy nghề, cao đẳng và giáo dục người lớn có thể được thực hiện ở cấp kunta hoặc liên kunta. Tuy nhiên, các loại hình giáo dục đó cũng có thể do các tổ chức hoặc cá nhân thực hiện.
Giáo dục đại học ở Phần Lan do Bộ giáo dục phụ trách. Từ năm 1996 một ủy ban tư vấn cho Bộ giáo dục về giáo dục đại học được thành lập. Ủy ban này gồm 12 thành viên được tuyển chọn từ đội ngũ cán bộ giảng dạy ở các trường đại học và đại diện của sinh viên với nhiệm kỳ bốn năm. Nhiệm vụ của ủy ban này là đưa ra những kiến nghị về việc phát triển hệ thống đại học, thúc đẩy việc nghiên cứu và đánh giá sự hợp tác quốc tế ở các trường đại học. Viện Hàn lâm Phần Lan, cơ quan nghiên cứu của Quốc gia cũng trực thuộc Bộ Giáo dục, là đầu mối cung cấp kinh phí chính cho các nghiên cứu ở các trường đại học và liên kết hoạt động nghiên cứu giữa các cơ quan này. Ngoài ra, các cơ sở nghiên cứu ở các trường đại học còn được nhận kinh phí từ Trung tâm phát triển công nghệ của quốc gia và Ủy ban chính sách khoa học và công nghệ của quốc gia. Trực thuộc bộ giáo dục còn có cơ quan phụ trách việc hợp tác quốc tế về văn hóa và giáo dục đào tạo của Phần Lan là Trung tâm Hợp tác Quốc tế (CIMO).
Trong hệ thống giáo dục của Phần Lan, bên cạnh hệ thống trường học công lập, cũng có các trường học tư thục. Tuy nhiên, khác với trường tư thục ở các nước khác, phần lớn các trường tư thục ở Phần Lan cũng được nhận kinh phí từ chính phủ trung ương và chính quyền điạ phương như các cơ sở giáo dục công lập. Rất nhiều trường tư thục, học sinh không phải đóng học phí, không phải trả tiền mua sách giáo khoa, tài liệu học tập. Hơn thế nữa, học sinh còn được ăn bữa trưa miễn phí và có chế độ bảo hiểm sức khỏe miễn phí như các trường công lập.Việc giáo dục ở các trường tư thục cũng chịu sự giám sát cuả công chúng và phải dựa trên cơ sở khung chương trình cơ bản cũng như những tiêu chuẩn chất lượng do Ban giáo dục quốc gia quy định. Chính quyền địa phương quy định mức độ tự quản cho các trường học. Còn các trường có quyền thực hiện việc giáo dục theo kế hoạch, phương châm mà chính quyền điạ phương đưa ra dưạ trên cơ sở cuả pháp luật. Chính vì thế rất khó phân biệt sự khác nhau giữa các trường công lập và trường tư thục ở Phần Lan. Việc thành lập và hoạt động của các trường tư thục cần được Bộ Giáo dục cấp phép. Với những trường hợp được thành lập mà không xin phép thì sẽ không nhận đuợc trợ cấp kinh phí từ nhà nước và cũng không chịu sự giám sát của Bộ giáo dục và công luận.Tuy nhiên, loại trường như thế này rất ít ở Phần Lan.
So với các nước phương Tây, số lượng trường tư thục ở Phần Lan không nhiều. Điều này xuất phát từ bản chất bình đẳng trong hệ thống giáo dục của Phần Lan: không phân biệt cơ sở vật chất cũng như chất lượng đào tạo giữa các trường học công lập hay tư thục. Năm 2003, trong tổng số trường cơ sở của cả nước, chỉ có khoảng 1% trường tư thục với khoảng 2% tổng số học sinh; 8 % trường trung học phổ thông và 27% trường trung học chuyên nghiệp và dạy nghề là trường tư thục. Trong hệ thống trường đại học, 75% các trường đại học thực hành (ammattikorkeakoulu) chủ yếu do các kunta, liên minh kunta hoặc các cơ sở tư nhân quản lý. Còn các trường đại học đại cương (yliopisto), tất cả đều do nhà nước quản lý.
Các trường học ở Phần Lan không áp dụng việc thanh tra và việc thanh tra đối với các trường công lập bị ngăn cấm. Hoạt động cuả các trường được thực hiện dưạ theo pháp luật và những quy định chung mang tính quốc gia. Việc giảng dạy dưạ trên năng lực và trình độ cuả giáo viên. Từ tháng 4 năm 2003 một Ủy ban đánh giá việc giáo dục và đào tạo được thành lập để cùng với Bộ giáo dục phụ trách việc lập kế hoạch, điều hành, triển khai và phát triển việc đánh giá giáo dục từ bậc tiểu học đến trung học và dạy nghề. Việc đánh giá ở các trường cao đẳng và đại học do các trường tự quản lý và thực hiện dưới sự giúp đỡ cuả một Ủy ban đánh giá giáo dục cao học.
PISA và kết xếp hạng nhất của giáo dục Phần Lan.
PISA là Chương trình đánh học sinh quốc tế (Program for International Student Assesment) của tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (Organisation for Economic Cooperation and Development), viết tắt là OECD (http://www.pisa.oecd.org) nhằm đánh giá chất lượng giáo dục của học sinh các trường cơ sở của các quốc gia thành viên của tổ chức này (30 quốc gia) và một số nước khác trên thế giới. Chương trình được thực hiện theo chu kỳ 3 năm một lần với học sinh ở độ tuổi 15. Mục đích của PISA là đánh giá việc tiếp nhận những kiến thức cần thiết cho việc hòa nhập vào xã hội của học sinh năm cuối cùng của bậc học cơ sở.
Nội dung khảo sát tập trung vào các lĩnh vực như đọc hiểu, toán và khoa học là những lĩnh vực được coi là cần thiết cho cuộc sống sau khi rời trường học cơ sở. Số lượng học sinh tham gia khảo sát PISA khoảng từ 4 500 đến 10 000 ở mỗi nước. Lần khảo sát đầu tiên, năm 2000, được tiến hành ở 43 quốc gia. Cuộc khảo sát thứ hai được thực hiện năm 2003 ở 41 quốc gia. Cuộc khảo sát thứ ba, năm 2006 được mở rộng hơn với sự tham gia của học sinh 58 quốc gia cả trong và ngoài OECD. Kết quả của hai cuộc điều tra trên đây đã khiến thế giới bị sốc.
Sau khi kết quả PISA 2003 được công bố, hàng trăm chuyên gia giáo dục, nhà báo từ khắp nơi trên thế giới, nhất là từ Đức đã tìm đến Phần Lan để tìm hiểu những “bí mật” thành công của nước này. Trước sự quan tâm của dư luận cũng như các nhà chyên môn trên thế giới, trong năm 2005, Ban quốc gia giáo dục Phần Lan đã tổ chức 3 hội thảo quốc tế về chủ đề “Phần Lan và PISA: Những nhân tố dẫn đến thành công”. Các cuộc hội thảo này đã thu hút 500 đại diện từ 57 nước trên khắp thế giới đến tham dự.
KẾT QUẢ PISA 2000 VỀ ĐỌC HIỂU
(10 nước đứng đầu trong bảng xếp hạng 43 nước tham gia)
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 |
Phần Lan Canada New Zealand Australia Ireland Hàn Quốc Anh Nhật Bản Thụy Điển Áo |
546 530 529 528 527 526 523 522 516 507 |
KẾT QUẢ PISA 2003 VỀ ĐỌC HIỂU
(10 nước đứng đầu trong bảng xếp hạng 41 nước tham gia)
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 |
Phần Lan Hàn Quốc Canada Australia New Zealand Ireland Thụy Điển Hà Lan Bỉ Na Uy |
543 534 528 525 522 515 514 513 507 500
|
KẾT QUẢ PISA 2003 VỀ TÓAN
(10 nước đứng đầu trong bảng xếp hạng 41 nước tham gia)
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 |
Phần Lan Hàn Quốc Hà Lan Nhật Canada Bỉ Thụy Sĩ Australia New Zealand Czech |
544 542 538 534 532 529 527 524 523 516 |
Theo các nhà giáo dục Phần Lan, nguyên nhân mang lại thành công cho giáo dục Phần Lan là:
– Giáo dục bình đẳng đối với tất cả mọi người, không kể giới tính, điều kiện kinh tế, thành phần dân tộc
– Giáo dục miễn phí
– Giáo dục cơ sở toàn diện, không phân biệt tiểu học và trung học cơ sở
– Nhà nước thống nhất chỉ đạo, địa phương thực hiện và điều hành
– Đội ngũ giáo viên có chất lượng và độc lập trong giảng dạy.
3. Hệ thống giáo dục cuả Phần Lan
Hệ thống giáo dục của Phần Lan gồm giáo dục tiểu học hay cơ sở, giáo dục trung học, giáo dục cao học và giáo dục cho người lớn. Giáo dục tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 9), trung học (gồm trung học phổ thông và trung học dạy nghề) và cao học (gồm đại học đại cương và đại học thực hành) có thể tạm gọi là loại hình giáo dục chính quy. Còn giáo dục cho người lớn là loại hình giáo dục không chính quy. Việc phân biệt hai loại hình như vậy chủ yếu dựa trên tiêu chí một bên là giáo dục miễn phí, nhưng đòi hỏi người học phải đáp ứng một số yêu cầu của các cơ sở giáo dục còn bên kia chỉ cần người học nộp tiền mà không cần những điều kiện khác.
Nhà trẻ và mẫu giáo
Giáo dục nhà trẻ (päiväkoti) và mẫu giáo (esikoulu) là loại hình giáo dục tự nguyện dành cho trẻ em chưa đến tuổi bắt buộc phải đi học ở trường cơ sở. Trẻ em dưới 6 tuổi có thể đến nhà trẻ công lập hoặc nhà trẻ tư nhân tổ chức ở nhà tư. Việc học cuả các cháu ở nhà trẻ công hay nhà trẻ tư đều phải trả tiền. Tuy nhiên, mức tiền trả tùy thuộc vào thu nhập cuả bố mẹ hoặc người nuôi dưỡng các cháu. Trong trường hợp bố mẹ hoặc người nuôi dưỡng có thu nhập thấp, trẻ vẫn được đến trường mà không phải trả tiền.
Từ 6 tuổi các cháu có thể vào lớp học không phải trả tiền gọi là esikoulu để chuẩn bị vào lớp 1 ở trường cơ sở. Đây là lớp học tương tự như lớp Vỡ lòng của hệ thống giáo dục ở Việt Nam trước đây, được tổ chức ở các nhà trẻ và mẫu giáo hay ở trường tiểu học tuỳ theo sự tổ chức cuả từng điạ phương. Mục đích cuả bậc học này là nâng cao khả năng tiếp nhận và thực hành cuả các cháu chủ yếu thông qua các trò chơi. Đồng thời tạo điều kiện cho trẻ em cũng như bố mẹ các cháu quan tâm đến việc đi học bắt buộc của trẻ khi các cháu vào tuổi đến trường ngay năm sau đó. Từ năm 2000, một chương trình giảng dạy đã được soạn thảo cho loại hình giáo dục này, bao gồm các lĩnh vực: ngôn ngữ và phản xạ, toán, đạo đức, tư tưởng, thiên nhiên và môi trường, sức khỏe và thể chất. Kể từ năm 2002, hầu hết các cháu 6 tuổi trong cả nước đều tham gia lớp học này. Một số địa phương có nhiều trẻ em người nhập cư, ngay từ lớp học này các cháu cũng được học tiếng mẹ đẻ thông qua các trò chơi và học chữ.
Giáo dục cơ sở
Luật giáo dục Phần Lan quy định “ Giáo dục cơ sở (Peruskoulu)[3] là bậc học bắt buộc đối với tất cả trẻ em ở độ tuổi từ 7 đến 16 ở Phần Lan”. Tuy nhiên, trẻ em không nhất thiết phải đến trường để hoàn thành chương trình giáo dục cơ sở mà có thể bằng những hình thức khác, như học ở nhà nếu bố mẹ hoặc người nuôi dưỡng bảo đảm được điều đó với chính quyền địa phương. Trong trường hợp vì một số lý do nhất định trẻ không đến trường học được thì địa phương nơi trẻ cư trú phải có trách nhiệm sắp xếp cho trẻ hình thức thích hợp để được học tập. Chương trình giáo dục cơ sở kéo dài 9 năm và kết thúc khi học sinh hoàn thành các môn học ở bậc học này hoặc10 năm với những trường hợp thiểu năng về trí tuệ. Trẻ em nước ngoài thuộc diện cư trú dài hạn (từ 2 năm trở lên) ở Phần Lan cũng được hưởng chế độ giáo dục bắt buộc như đối với trẻ em người Phần Lan. Chế độ giáo dục cơ sở bắt buộc được thực hiện từ năm 1921, nghiã là chỉ 4 năm sau khi Phần Lan trở thành quốc gia độc lập.
Chính quyền điạ phương (kunta) có trách nhiệm xây dựng trường học, trang bị cơ sở vật chất, tổ chức các lớp học, tuyển chọn giáo viên cũng như tài liệu giảng dạy ở các trường, lớp. Bên cạnh không phải đóng tiền học, được nhận sách giáo khoa và tài liệu học tập không phải trả tiền, học sinh ở bậc học cơ sở còn được ăn một bữa trưa không mất tiền ở trường. Thực đơn các bữa ăn được thông báo trước trên báo của địa phương để phụ huynh của học sinh được biết. Ngoài ra, các em còn được quyền học ở trường học gần nơi cư trú nhất, nhưng đồng thời cũng được tự do lưạ chọn trường khác mà các em ưa thích, nếu trường này còn chỗ và các em đáp ứng điều kiện của trường.
Trong trường hợp vì mật độ dân cư nhiều nơi quá thưa thớt, học sinh phải đi học ở trường học xa nhà quá 5 km thì địa phương phải có phương tiện công cộng miễn phí để đưa đón học sinh. Từ mùa thu năm 2004, các học sinh năm thứ nhất và năm thứ hai ở trường cơ sở được đến các điểm trông giữ công cộng vào buổi sáng sớm trước giờ học và buổi chiều sau giờ tan học do phòng giáo dục kết hợp với phòng xã hội và thanh niên tổ chức tạo điều kiện cho bố mẹ các em yên tâm làm việc.
Trước đây loại hình giáo dục cơ sở cuả Phần Lan được phân ra làm hai cấp: cấp thấp tương đương với tiểu học ở Viêt Nam gọi là alaaste (từ lớp 1 đến lớp 6) và cấp cao hơn tương đương với trung học cơ sở gọi là yläaste (từ lớp 7 đến lớp 9). Song theo Luật giáo dục tiểu học áp dụng từ năm 1999, hai cấp học này chỉ còn khác nhau ở một điểm: Các lớp thuộc sáu năm đầu phần lớn các môn học đều do một giáo viên phụ trách. Chỉ đến các lớp thuộc ba năm cuối học sinh mới được học với các giáo viên dạy riêng về các môn.
Mỗi năm học ở trường cơ sở cuả Phần Lan kéo dài 190 ngày. Thời gian bắt đầu và kết thúc năm học không bắt buộc thống nhất trong cả nước mà phụ thuộc vào từng điạ phương. Nhìn chung, năm học thường bắt đầu từ giữa tháng Tám năm trước và kết thúc vào cuối tháng Năm hoặc đầu tháng Sáu năm sau. Mỗi năm học thường có các kỳ nghỉ như: nghỉ thu, nghỉ Nôel, một tuần nghỉ trượt tuyết vào cuối tháng Hai và kỳ nghỉ lễ Phục sinh. Để tránh tình trạng tập trung đông người ở những điểm nghỉ ngơi, giải trí và thể thao, thời gian nghỉ thu và nghỉ trượt tuyết không diễn ra đồng thời giữa các vùng. Tổng số giờ học trong một tuần ở các trường tiểu học là từ 19 đến 30 giờ tuỳ theo các lớp thấp hay cao. Lớp học ở trường phổ thông cơ sở cuả Phần Lan không bắt buộc tất cả các học sinh phải có cùng độ tuổi, nhất là ở những trường nhỏ, nơi mật độ dân cư thưa thớt.
Việc giảng dạy ở các trường cơ sở do chính quyền và cơ quan phụ trách giáo dục cuả các điạ phương quyết định dưạ trên những quy định cơ bản có tính quốc gia như: các môn học, tiêu chí đánh giá do Ban giáo dục quốc gia soạn thảo và ban hành. Giáo viên có quyền chọn phương pháp cũng như tài liệu giảng dạy mà họ cho là tốt nhất để sử dụng chứ không bị ràng buộc theo sự áp đặt thống nhất cuả các cơ quan quản lý ở từng địa phương.
Giáo dục cơ sở ở Phần Lan chú trọng dạy cho học sinh những vấn đề thực tiễn và kỹ năng thực hành cần thiết cho các em trong cuộc sống sau này. Các môn học bắt buộc được qui định trong bộ luật giáo dục của quốc gia bao gồm: ngôn ngữ mẹ đẻ hay ngôn ngữ chính thức thứ nhất của quốc gia (tiếng Phần Lan hoặc tiếng Thuỵ Điển), ngôn ngữ chính thức thứ hai (tiếng Thụy Điển đối với các em nói tiếng mẹ đẻ là tiếng Phần Lan, tiếng Phần Lan đối với các em mà tiếng mẹ đẻ là tiếng Thuỵ Điển), tiếng nước ngoài, toán, vật lý, hoá học, lịch sử, xã hội, giáo dục thể chất, âm nhạc, nghệ thuật nghe nhìn (phim, ảnh, hội hoạ), thủ công, kinh tế gia đình, tôn giáo hay đạo đức, sinh học, điạ lý và môi trường[4]. Ngoài ra, học sinh ở các bậc khác nhau có thể chọn một số môn học khác mà các em yêu thích.
Theo luật giáo dục cuả Phần Lan, việc đánh giá học lực cuả học sinh ở các lớp học thuộc cấp học cơ sở do giáo viên phụ trách lớp và giáo viên các môn học riêng thực hiện. Việc thi chuyển từ bậc thấp – alaaste lên bậc cao – yläaste chỉ thực hiện với những trường chuyên, trường chọn; còn ở các trường bình thường chỉ dựa vào kết quả học tập cuả các năm trước đó. Thông thường học sinh từ lớp 1 đến lớp 8 chỉ nhận được một bản báo cáo cuả giáo viên đánh giá năng lực về từng môn học cuả học sinh mỗi năm một lần vào cuối năm học. Chỉ khi nào hoàn thành chương trình học cuả lớp 9, học sinh mới được cấp giấy chứng nhận hay chứng chỉ công nhận đã học qua cấp học cơ sở bắt buộc.
Là một nước đất rộng nhưng dân số ít, lại sống phân tán nên dễ hiểu là các trường học, nhất là các trường cơ sở và trung học của Phần Lan có số lượng học sinh rất ít. Trường ít nhất có dưới 10 học sinh và trường đông nhất khoảng 900. Theo số liệu mới nhất, năm 2005 cả nước có 3350 trường cơ sở thì 1/3 số trường có số lượng học sinh dưới 50, trong đó có một số trường số học sinh chỉ đếm trên đầu ngón tay, dưới 10 học sinh. Thống kê của tổ chức OECD cho biết trung bình mỗi lớp ở trường cơ sở Phần Lan chỉ có 19,9 học sinh, trong khi số học sinh trung bình ở mỗi lớp của các nước thuộc OECD là 23,6. Những năm gần đây, do số lượng học sinh các trường cơ sở giảm đi nên nhiều địa phương đã đóng cửa một số trường học[5]. Riêng năm 2005 trong cả nước có tới 144 trường cơ sở phải đóng cửa vì số học sinh quá ít.
Giáo dục Trung học
Giáo dục trung học dành cho học sinh ở độ tuổi từ 16-19, sau khi đã hoàn thành chương trình giáo dục cơ sở bắt buộc – peruskoulu. Giáo dục trung học cuả Phần Lan bao gồm hai loại hình đào tạo song song với nhau: loại hình trung học phổ thông gọi là lukkio và loại hình trung học dạy nghề gọi là ammatti. Lukio là loại hình giáo dục trang bị kiến thức đại cương cho học sinh để dự thi lấy bằng “Tú tài”, còn ammatti là loại hình giáo dục dạy nghề, trang bị cho học sinh kiến thức về một số nghề nhất định. Theo con số thống kê của ngành giáo dục, khoảng 50% học sinh học tiếp lukkio ngay sau khi học xong peruskoulu và khoảng một nửa khác vào học ở các trường ammattikoulu.
Trung học phổ thông – lukkio
Các trường trung học phổ thông nhận học sinh vào trường dưạ trên điểm tổng kết cuả các em ở các lớp cuối cấp phổ thông cơ sở, chứ không phải qua một kỳ thi sát hạch (trừ một số trường chuyên về một số lĩnh vực) căng thẳng và gắt gao như “thi tuyển vào lớp 10” của Việt Nam áp dụng từ trước đến nay. Từ năm học 1982-1983 các trường trung học phổ thông Phần Lan bắt đầu thực hiện việc phân chia các môn học theo các học phần (course), mỗi học phần gồm 38 tiết. Đến năm 1994, việc phân chia lớp theo bậc (như lớp 10, 11 và 12) bắt đầu bị bãi bỏ và áp dụng chương trình đào tạo thống nhất theo các tín chỉ (credits) như ở các trường đại học. Do việc phân chia lớp không còn dùng nữa nên thời gian học ở các trường trung học phổ thông không bắt buộc kéo dài ít nhất trong 3 năm mà có thể rút ngắn xuống 2 năm hoặc kéo dài tới 4 năm tùy theo năng lực hay điều kiện cụ thể cuả từng học sinh, miễn là phải học và thi đạt tất cả các học phần bắt buộc.
Gần đây bên cạnh việc học ở trường mình, học sinh các trường trung học phổ thông còn có thể học những học môn học mà họ yêu thích ở trường khác (kể cả trung học phổ thông và trung học dạy nghề). Theo báo cáo của ngành giáo dục, hình thức giáo dục không phân theo lớp ở trường trung học phổ thông được giáo viên (73%) và nhất là học sinh (93%) rất tán thành. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy thời gian học của học sinh ở lukkio kể từ khi áp dụng hình thức này cũng kéo dài hơn. Năm học 2003-2004, 83% học sinh kết thúc chương trình trung học phổ thông sau 3 năm hoặc ngắn hơn còn 16,6% kéo dài hơn 3 năm.
Trong chương trình học ở trường trung học phổ thông của Phần Lan bao gồm ba loại môn hoc. Bên cạnh các môn bắt buộc như ngôn ngữ, khoa học, thể thao, nghệ thuật theo quy định thống nhất trong toàn quốc, các trường còn phải cung cấp một số môn chuyên ngành hay chuyên sâu và một số môn thực hành cho học sinh được chọn. Các môn chuyên ngành hay thực hành này có thể do các trường tự xây dựng hoặc có thể hợp tác với các trường hoặc cơ sở giáo dục khác, như các trường dạy nghề hay trường âm nhạc.
Ngôn ngữ giảng dạy trong trường trung học phổ thông Phần Lan phần lớn được thực hiện bằng tiếng Phần Lan và tiếng Thụy Điển. Ở một ít trường, tiếng Sami, tiếng Romani (của người Di Gan) và ngôn ngữ dấu hiệu cũng được sử dụng. Ngoài ra, ngày càng có nhiều trường sử dụng ngôn ngữ nước ngoài làm ngôn ngữ giảng dạy như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức. Gần đây một số trường có chương trình IB hai năm đào tạo lấy bằng International Baccalaureate với một năm dự bị. Hình thức này hiện nay được thực hiện ở 14 trường trong cả nước, nhiều nhất là ở Helsinki. Bằng International Baccalaureate của các trường này không chỉ có giá trị như bằng tốt nghiệp trung học của các trường trung học phổ thông khác của Phần Lan mà còn nhiều trường quốc tế công nhận.
Để kết thúc việc học ở trường trung học phổ thông, học sinh phải qua được một cuộc thi được tổ chức và đánh giá kết quả ở cấp quốc gia gọi là ylioppilas kirjoitukset. Kỳ thi này bao gồm bốn môn thi bắt buộc là: tiếng mẹ đẻ, ngôn ngữ chính thức thứ hai, một ngoại ngữ (tự chọn) và toán hay kiến thức đại cương được tổ chức mỗi năm hai lần vào muà xuân và muà thu. Việc tổ chức làm 2 lần như vậy giúp cho ngành giáo dục và cả học sinh không bị căng thẳng và dồn nén. Đây là kỳ thi quan trọng nhất trong hệ thống giáo dục của Phần Lan. Mỗi học sinh có thể hoàn thành toàn bộ các bài thi của kỳ thi này trong một lần hoặc nhiều nhất trong ba lần khác nhau (nghĩa là trong vòng 18 tháng). Bên cạnh chứng chỉ, thí sinh đạt kết quả cuả kỳ thi này được nhận một chiếc mũ vải màu trắng với vành đen (oppilas hattu).
Mặc dù chiếc mũ trắng này chỉ đánh dấu chủ nhân cuả nó đã tốt nghiệp kỳ thi trung học phổ thông, song trong truyền thống giáo dục cũng như trong đời sống xã hội cuả Phần Lan ngày nay nó vẫn còn đem lại niềm tự hào cho những người sở hữu nó. Hàng năm cứ đến ngày Vappu (mồng 1 tháng 5), chiếc mũ trắng ấy được những người chủ nhân của chúng đem ra đội để đi diễu hành trên đường phố, mít tinh trên các quảng trường hay ở những nơi công cộng. Vì thế nếu có mặt ở Helsinki hoặc các thành phố lớn của Phần lan vào ngày này chắc chắn bạn sẽ được chứng kiến trên đường phố chỉ thấy tràn ngập một màu của mũ trắng và giữ được ấn tượng khó quên nhất về đất nước này.
Chương trình trung học phổ thông ở Phần Lan còn được thực hiện ở các trường trung học phổ thông dành cho người lớn (aikuilukkio) ở một số địa phương. Hình thức giáo dục này thường được tổ chức sau giờ làm việc chính thức trong ngày nhằm giúp cho học sinh chủ yếu là những người ngoài độ tuổi 16-19 chưa hoàn thành chương trình trung học phổ thông và đang đi làm hoặc học ở trường dạy nghề khác có thời gian tham dự. Sau khi học xong chương trinh ở các cơ sở dành cho người lớn này, họ có thể học lên các trường ở bậc cao học.
Trung học dạy nghề – ammattikoulu
Nếu không muốn tiếp tục việc học lên ở lukkio, sau khi hoàn thành chương trình phổ cập bắt buộc ở peruskoulu, học sinh có thể vào học nghề ở các trường ammattiloulu. Mục đích cuả việc giáo dục gắn với học nghề là nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp họ sẽ cần đến trong cuộc sống cũng như những kiến thức cần thiết để có thể tự mình kiếm sống bằng công việc cuả mình. Trong các trường dạy nghề cuả Phần Lan, có khoảng 105 ngành học khác nhau. Từ năm 2001, thời gian đào tạo trong các trường dạy nghề được thống nhất kéo dài 3 năm, bao gồm 120 tín chỉ (mỗi năm học toàn bộ thời gian tương đương với 40 tín chỉ), trong đó 90 tín chỉ dành cho học nghề, 20 tín chỉ học các môn đại cương và 10 tín chỉ cho các môn tự chọn. Sinh viên hoàn thành chương trình học ở các trường trung học chuyên nghiệp được nhận bằng tốt nghiệp nghề (tutkintotodistus). Bằng này cho phép họ có thể được tiếp tục học lên ở bậc cao hơn – ammattikorkeakoulu hay yliopisto.
Các cơ sở giáo dục gắn với dạy nghề nói chung thường chọn sinh viên dưạ trên kết quả học tập cuả họ ở các năm cuối của trường phổ thông cơ sở. Tuy nhiên, một số trường cũng có thể nhận học sinh qua kết quả một số môn thi do trường tổ chức. Các môn học bắt buộc ở các trường học nghề là: tiếng mẹ đẻ, ngôn ngữ quốc gia thứ hai, một ngoại ngữ, toán, vật lý, hoá học, giáo dục sức khoẻ và thể chất, nghiên cứu xã hội, nghiên cứu doanh nghiệp, nghiên cứu nghệ thuật và văn hoá. Ngoài ra còn bao gồm một đề tài chuyên ngành.
Một điểm tiêu biểu trong chính sách giáo dục gắn với học nghề cuả Phần Lan là bên cạnh học lý thuyết ở lớp, học sinh còn được thực hành ở các xưởng thực hành cuả trường hoặc các cơ sở chuyên môn cuả các nghề đó. Các trường học gắn với học nghề do các điạ phương và các tổ chức tư nhân điều hành và quản lý. Sinh viên học ở các trường này không phải trả tiền học phí, và được ăn một bữa miễn phí ở trường, song phải trả tiền tài liệu học tập.
Giáo dục dạy nghề cũng dành cho người lớn tuổi nếu họ có đủ khả năng và điều kiện để tham dự. Hàng năm số học sinh vào học ở các trường trung học phổ thông và trung học dạy nghề ở Phần Lan tương đương nhau. Trong những năm gần đây, vì muốn được đi làm và có thu nhập sớm nên số học sinh sau khi kết thúc peruskoulu vào học các trường dạy nghề có xu hướng tăng lên. Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục, năm học 2004-2005 trên toàn Phần Lan có 116 000 học sinh trung học phổ thông và 122 000 học sinh trung học dạy nghề.
Thi tốt nghiệp trung học phổ thông
Thi tốt nghiệp trung học phổ thông (ylioppilastutkinto) là cuộc thi quan trọng nhất trong hệ thống giáo dục của Phần Lan hiện nay. Loại hình thi này vốn là hình thức thi nhằm tuyển chọn sinh viên vào học ở trường đại học Helsinki, được tổ chức lần đầu tiên năm 1852. Khi đó yêu cầu của cuộc thi này là đánh giá trình độ kiến thức văn hóa đã học và trình độ tiếng La tinh của các thí sinh. Ngày nay, hình thức này đã được thay đổi thành cuộc thi nhằm đánh giá thí sinh đã lĩnh hội đủ kiến thức và trình độ theo chương trình giáo dục trung học phổ thông để được công nhận tốt nghiệp bậc giáo dục này hay chưa và cho phép thí sinh được quyền dự tuyển vào các trường đại học và cao đẳng.
Kỳ thi này được tổ chức tại các trường trung học phổ thông nhưng do một ban chuyên trách chịu trách nhiệm ra đề thi và chấm thi trong phạm vi toàn quốc. Ban chuyên trách này gồm 30 thành viên do Bộ giáo dục tuyển chon dựa vào đề cử của các trường đại học, cao đẳng trong cả nước và của Ban Giáo dục quốc gia. Giúp việc cho ban chuyên trách này, hiện nay có 300 thành viên đại diện cho các bộ môn khác nhau có liên quan trong kỳ thi. Bên cạnh ban chuyên trách, có một ban thư ký gồm 20 người chịu trách nhiệm về những vấn đề kỹ thuật của kỳ thi.
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông được tổ chức mỗi năm hai lần vào mùa xuân và mùa thu trong cùng một thời gian trên cả nước. Thời gian tối đa cho phép thí sinh hoàn thành tất cả các môn của cuộc thi này để được công nhận là 3 kỳ thi liên tiếp nhưng họ cũng có thể giành được chứng chỉ này chỉ qua một kỳ thi.
Nội dung của kỳ thi bao gồm ít nhất bốn môn thi dưới hai hình thức bắt buộc và tự chọn. Trong số này, tiếng mẹ đẻ là môn thi bắt buộc đối với mọi thí sinh. Ba môn thi bắt buộc khác thí sinh được chọn từ các môn: ngôn ngữ quốc gia thứ hai, một ngoại ngữ, một bài thi toán và bài thi đại cương. Ngoài ra, thí sinh có thể thi thêm một hoặc một số bài thi tự chọn khác. Bài thi các môn toán và ngoại ngữ được đưa ra theo hai trình độ: cơ sở (basis) và nâng cao (advanced). Còn bài thi môn ngôn ngữ quốc gia thứ hai được ra theo hai mức nâng cao và trung bình (intermediate). Thí sinh được quyền lựa chọn các bài thi theo một trong hai trình độ này không tính đến việc họ đã học ở trường trung học phổ thông hay chưa. Tuy nhiên, thí sinh bắt buộc phải qua được ít nhất một bài thi ở trình độ nâng cao và có thể chỉ làm bài thi ở một trình độ của một môn thi trong một lần thi. Hiệu trưởng của các trường trung học phổ thông có nhiệm vụ xác định các thí sinh đăng ký cuộc thi có hội đủ tiêu chuẩn để được dự thi hay không.
Môn thi tiếng mẹ đẻ bao gồm: tiếng Phần Lan, tiếng Thụy Điển và tiếng Sami. Thí sinh sẽ thi một trong các thứ tiếng đó tùy theo tiếng nào là tiếng mẹ đẻ của mình. Môn thi này gồm hai bài thi: chọn và viết một bài luận về một đề tài đã được học và bài thi trắc nghiệm về ngôn ngữ mẹ đẻ[6]. Điểm thi của thí sinh sẽ lấy theo bài có điểm cao hơn từ một trong hai hình thức thi này. Ở môn Ngôn ngữ quốc gia thứ hai và Ngoại ngữ, bên cạnh hình thức viết còn có thêm hình thức nghe và đọc hiểu. Đối với các thí sinh mà tiếng mẹ đẻ không phải là tiếng Phần Lan, tiếng Thụy Điển hay tiếng Sami thì có thể thi tiếng mẹ đẻ của mình thay cho môn Ngôn ngữ quốc gia thứ hai. Trong bài thi toán, thí sinh cần phải trả lời 10 câu hỏi. Còn bài thi Đại cương bao gồm những câu hỏi liên quan đến tôn giáo, dân tộc, tâm lý, thần học, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học và địa lý. Bài thi cũng có thể bao gồm những câu hỏi liên quan đến những lĩnh vực khác do Ban giáo dục quy định.
Thi lại: Thí sinh trượt một bài thi bắt buộc có thể thi lại hai lần trong vòng ba kỳ thi liền nhau ngay sau lần thi mình bị trượt, đồng thời có thể thay đổi trình độ của bài thi. Thí sinh trượt bài thi tự chọn có thể thi lại hai lần không bị giới hạn bởi thời gian như các bài thi bắt buộc. Nếu trong thời gian cho phép nói trên thí sinh không hoàn thành được cuộc thi thì phải thi lại toàn bộ các môn.
Bằng chứng nhận: Thí sinh sẽ được cấp bằng chứng nhận tốt nghiệp trung học phổ thông sau kỳ thi nếu tất cả các bài thi bắt buộc và tự chọn đạt điểm quy định. Bằng chứng nhận sẽ ghi các điểm và trình độ của các bài thi đạt được của tất cả các bài thi. Riêng đối với môn toán, điểm tối đa của bài thi và điểm thí sinh đạt được đều được ghi rõ (ví dụ: 38/60). Còn đối với bài thi Đại cương, cùng với điểm đạt được, tên môn thi và số câu trả lời được cũng được ghi trong bằng chứng nhận. Với những thí sinh hoàn thành kỳ thi vào những lần khác nhau, thời gian của những lần đó cũng được ghi vào trong bằng chứng nhận.
Tất cả những thông tin về kỳ thi ngày nay được công bố tại webside: http://www.ylioppilastutkinto.fi/ bằng 3 thứ tiếng: Phần Lan, Thụy Điển và tiếng Anh. Điều này cho thấy rằng kỳ thi hết sức minh bạch và ổn định
Học sinh với oppilas hattu trong buổi lễ ra trường
Giáo dục đại học: yliopisto và ammattikorkeakoulu
Sau khi đã vượt qua kỳ thi kết thúc bậc trung học cấp quốc gia – kỳ thi quan trọng nhất theo truyền thống của Phần Lan (ylioppilaskirjoitukset), hoặc đã học xong chương trình trung học chuyên nghiệp học sinh có quyền đăng ký học lên ở bậc đại học mà không phải qua một kỳ thi vào ở cấp quốc gia, căng thẳng, khó khăn và tốn kém như kỳ thi vào các trường đại học và cao đẳng vào mỗi mùa hè hàng năm ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên vì số lượng người muốn học nhiều hơn số chỗ cho phép nên phải thông qua sự tuyển chọn. Mỗi trường đại học (thậm chí khoa và bộ môn) ở Phần Lan có thể quy định tiêu chuẩn lựa chọn và số lượng sinh viên vào học hàng năm ở trường, khoa, hay bộ môn mình. Tiêu chuẩn lựa chọn chủ yếu dựa trên kết quả học tập từ các năm trước và số điểm đạt được trong kỳ thi kết thúc trung học phổ thông hoặc trung học chuyên nghiệp. Trong một số trường hợp, phải qua kiểm tra vào do các trường tự quy định và tổ chức. Để đảm bảo nguyên tắc một sinh viên-một suất học, theo quy định từ năm học 1999-2000, hiện nay mỗi năm học sinh viên chỉ được học và lấy bằng ở một truờng đại học.
Hệ thống giáo dục đại học ở Phần Lan bắt đầu phát triển mạnh từ những năm 1960. Vào đầu những năm 1970, mạng lưới các trường đại học đã được phủ khắp các vùng trong cả nước. Hiện nay, hơn 60% địa phương (kunta) của Phần Lan đã có trường đại học hoặc cơ sở hay chi nhánh của các trường đại hoc. Trong hai thập kỷ qua, số lượng sinh viên đại học ở Phần Lan tăng khoảng 40%. Trong những năm gần đây, các trường đại học đại cương và đại học thực hành tiếp nhận khoảng 65% số sinh viên ở độ tuổi học đại học. Theo chương trình “Giáo dục và nghiên cứu 2003-2008” của Bộ Giáo dục Phần Lan, mục tiêu của giáo dục đại học đại cương đến năm 2008 là đảm bảo 55% số thí sinh muốn vào đại học được nhận vào trường và 75% số sinh viên các trường lấy bằng Master’s. Tỉ lệ này có lẽ ít quốc gia trên thế giới có được[7]. Điều đáng chú ý là số lượng sinh viên nữ trong các trường đại học Phần Lan thường cao hơn sinh viên nam. Những năm gần đây, 58% số sinh viên lấy bằng Master’s ở các trường đại học là nữ. Giáo dục đại học có một vai trò rất quan trọng trong lịch sử Phần Lan. Trong thế kỷ 19 và đầu 20, chính tầng lớp trí thức đã góp phần xây dựng nên bản sắc của dân tộc. Hiện nay giáo dục đaị học đang được coi như là sự bảo đảm của chế độ phúc lợi và tính cạnh tranh trên trường quốc tế của Phần Lan.
Giáo dục đại học ở Phần Lan bao gồm hai loại hình đào đạo song song: loại hình giáo dục tổng hợp, hay đại cương trong đó việc học gắn với nghiên cứu và giảng dạy gọi là yliopisto (được dịch sang tiếng Anh university), và loại hình giáo dục thực hành hay ứng dụng chỉ tập trung vào một số lĩnh vực và việc học gắn với đời sống thực tiễn, gọi là ammattikorkeakoulu (viết tắt là AMK và được dịch sang tiếng Anh: polytechnic)[8].
Yliopisto – Đại học đại cương
Hiện nay ở Phần Lan có 20 trường yliopisto, trong đó có 10 trường đa khoa, 3 trường kỹ thuật công nghệ, 3 trường kinh tế và quản trị kinh doanh và 4 trường nghệ thuật. Các trường này do Bộ giáo dục quản lý. Ngoài ra, còn có trường Đại học Quốc phòng do Bộ Quốc phòng quản lý cũng đào tạo sinh viên có trình độ như các trường đại học thuộc loại hình thứ nhất này. Các trường đại học này được xây dựng ở khắp các vùng trong cả nước và đều là đại học công lập. Cho đến nay, ở Phần Lan không có trường đại học tư nhân nào. Đại học Helsinki là đại học có lịch sử lâu đời và lớn nhất Phần Lan hiện nay. Năm 2005 trường này được xếp vào danh sách 100 trường đại học danh tiếng nhất trên thế giới.
Nhiệm vụ cơ bản của các yliopisto là thực hiện các nghiên cứu và cung cấp giáo dục trên cơ sở các nghiên cứu đó. Để thực hiện quyền tự do về khoa học, nghệ thuật và giáo dục đại học được Hiến pháp Phần Lan công nhận, Đạo luật về Đại học đại cương ban hành năm 1998 đã trao cho các trường đại học quyền tự chủ trong công tác giáo dục và nghiên cứu của mình. Các trường được quyền lựa chọn sinh viên vào học theo những tiêu chí riêng của mình và qua điểm thi vào hàng năm do trường tổ chức.
(Còn tiếp)
Trả lời