PHẦN LAN – NGÔI SAO PHƯƠNG BẮC (tác giả: TS. Võ Xuân Quế)
CHƯƠNG V. GIÁO DỤC VÀ THƯ VIỆN
PHẦN II: THƯ VIỆN PHẦN LAN – NGÔI NHÀ CHUNG CHO TẤT CẢ MỌI NGƯỜI
Có thể không ít người nghĩ rằng với sự phát triển rộng rãi của mạng lưới internet, sách báo điện tử xuất hiện trên mạng ngày càng nhiều thì số sách, báo in cũng như người đến thư viện sẽ ít đi, dẫn tới việc thư viện sẽ mất dần “đất sống”. Song, nhận xét này không hoàn toàn đúng với trường hợp của Phần Lan. Là một trong những quốc gia có số lượng người sử dụng internet cao nhất trên thế giới, song Phần Lan cũng là nước có nhiều sách, báo in hàng năm nhất trên thế giới hiện nay nếu tính bình quân theo đầu người. Trên thực tế, mặc dù số lượng thư viện ở Phần Lan có giảm đi so với trước[11], song số lượng người đến với thư viện cũng như số ấn phẩm của thư viện được mượn những năm gần đây không giảm đi mà trái lại còn tăng lên.
Theo con số thống kê của cơ quan thống kê quốc gia, số ấn phẩm mượn từ thư viện bình quân theo đầu người ở Phần Lan là: 20,1 ấn phẩm (năm 1995), 19,9 (năm 2000) và 21,1 (năm 2004)[12]. Năm 2005, tổng số ấn phẩm mượn từ thư viện là 105,6 triệu bản, trung bình một người dân đến thư viện công cộng 12 lần trong năm. Điều đó đủ nói lên rằng Phần Lan là một dân tộc rất ham đọc sách và yêu thích thư viện. Chính sự ham đọc của người dân và sự phát triển của kỹ thuật thông tin và mạng lưới internet đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của mạng lưới thư viện nước này và khiến cho thư viện của họ tăng thêm sức hấp dẫn đối với người dân.
Hệ thống thư viện của Phần Lan là một mạng lưới dịch vụ thông tin, văn hóa được xây dựng rộng khắp trong cả nước, với nhiều loại hình khác nhau: thư viện công cộng, thư viện nghiên cứu (ở các sơ sở giáo dục, các cơ quan nghiên cứu), thư viện ở các bệnh viện, thư viện dành cho người khiếm thị và thư viện ảo, dựa trên một mạng lưới kỹ thuật thông tin phát triển cao (http://www.kirjastot.fi/kirjastot/). Các thư viện công cộng do các địa phương quản lý, hoạt động theo luật và chính sách về thư viện của quốc gia. Còn các loại hình thư viện khác hoạt động do các cơ quan và tổ chức chủ quản quản lý và hoạt động theo quy định cụ thể của từng đơn vị. Khác với nhiều nước, một thời gian dài Phần Lan không có thư viện quốc gia riêng mà chức năng này do thư viện Đại học Helsinki “kiêm nhiệm”[13]. Song ở nước này lại có một có một thư viện hoạt động như một kho sách quốc gia (http://www.varastokirjasto.fi/) với nhiệm vụ lưu giữ và cung cấp ấn phẩm cho các thư viện khác khi các thư viện này có yêu cầu. Do đặc điểm dân cư thưa thớt, các trường phổ thông ở Phần Lan thường có ít học sinh nên thư viện công cộng đồng thời gánh vác vai trò của thư viện của trường học.
Có thể nói không quá rằng Phần Lan có một hệ thống thư viện công cộng phát triển và hoạt động hiệu quả nhất trên thế giới hiện nay. Đây là loại hình dịch vụ văn hóa được yêu thích và sử dụng nhiều nhất ở Phần Lan. Theo số liệu thống kê năm 2005, trong số1,842 thư viện của cả nước, có 958 thư viện công cộng cố định trải khắp 432 địa phương (với ít nhất mỗi địa phương một thư viện),187 xe thư viện lưu động, 1 thuyền thư viện phục vụ cho người dân ở vùng đảo ven biển phía tây nam , số còn lại là thư viện của các cơ sở giáo dục, cơ quan nghiên cứu, bệnh viện… Nếu tính bình quân đầu người trong cả nước thì khoảng 27 500 người dân có một thư viện công cộng. Còn nếu tính riêng theo từng địa phương, chẳng hạn Espoo (như thành phố lớn thứ hai của Phần Lan, với dân số 227 472 người) thì chỉ khoảng 14 500 người trên môt thư viện[14].
Điểm ưu việt nhất của thư viện ở Phần Lan, kể cả thư viện công cộng của các địa phương cũng như các thư viện nghiên cứu ở trường học, là mở cửa cho tất cả mọi người, không phân biệt ngành nghề, công dân Phần Lan hay người nước ngoài sống ở Phần Lan. Tất cả mọi người đều được tự do vào đọc sách, báo và các ấn phẩm khác tại thư viện. Thẻ thư viện chỉ cần dùng khi người đọc có nhu cầu mượn các ấn phẩm của thư viện về nhà. Việc làm thẻ thư viện ở đây hết sức đơn giản, thuận tiện và hoàn toàn miễn phí. ´´Để có một tấm thẻ thư viện công cộng, cũng như thư viên các trường đại học, bạn chỉ cần có địa chỉ cư trú và mã số cá nhân đăng ký ở Phần Lan. Nếu là người định cư ở Phần Lan từ một năm trở lên bạn sẽ được cấp thẻ thư viện dài hạn. Còn với những người cư trú ở Phần Lan dưới 1 năm, không có mã số cá nhân (henkilötulus) thì chỉ cần hộ chiếu và địa chỉ chỗ ở hiện tại cũng được cấp thẻ có thời hạn 6 tháng, sau đó sẽ gia hạn tiếp nếu có nhu cầu. Riêng với trẻ em dưới 15 tuổi cần có sự bảo trợ của cha mẹ hoặc người nuôi dưỡng mới được cấp thẻ. Người nước ngoài đã làm thẻ ở các thư viện Phần Lan, sau một thời gian rời Phần Lan, khi trở lại vẫn được dùng thẻ đã có mà không cần làm lại thẻ mới[15].
Thư viện Phần Lan còn nổi tiếng trên thế giới bởi kiến trúc độc đáo, nội thất hài hòa và trang thiết bị hiện đại của chúng. Vào trong thư viện mọi người đều cảm thấy rất thoải mái và dễ chịu, chẳng khác gì ở phòng khách của nhà mình hay đến một nhà văn hóa, một bảo tàng hiện đại. Đặc biệt, tất cả các thư viện của Phần Lan đều là những nhà sách mở, hay bảo tàng sách “tự chọn” thường bắt gặp trên các biển hiệu của các nhà sách ở Viêt Nam hiện nay. Tất cả các ấn phẩm có trong thư viện đều được “bày công khai”, người đọc được tự do đến tận từng kệ sách để chọn và xem tận mắt sau đó lấy từng ấn phẩm mình muốn mượn hay không chứ không phải chỉ được xem qua các hộp phích rồi phải viết phiếu mượn và mất thời gian chờ thủ thư lục tìm trong kho kín ra như các thư viện ở Việt Nam và nhiều nơi khác trên thế giới vẫn còn áp dụng hiện nay.
Sản phẩm của thư viện ở đây không chỉ có sách, báo, tạp chí mà còn có cả băng catsette, băng video, đĩa CD, DVD và máy vi tính kết nối internet tốc độ cao. Hầu hết các thư viện đều có khu vực dành riêng cho trẻ em, phục vụ các cháu không chỉ sách, báo mà còn có cả trò chơi và phim ảnh. Điều kiện cơ sở vật chất như vậy đã kích thích trẻ em Phần Lan thích đọc sách và chăm đến thư viện. Theo kết quả điều tra của tổ chức OECD thực hiện ở lứa tuổi 15, 44% học sinh Phần Lan cho biết rằng đọc sách là sở thích của các em. Tỉ lệ thích đọc sách ở nữ sinh con cao hơn, với 60% thích đọc sách. Kết quả điều tra này còn cho biết 44% học sinh Phần Lan mượn sách từ thư viện công cộng ít nhất một lần một tháng, trong khi tỉ lệ này trung bình ở các nước thuộc OECD là 26%.
A family in the children’s department of Pitäjänmäki Library in suburban Helsinki
Việc phục vụ và hoạt động của hệ thống thư viện ở Phần Lan rất nhanh chóng và thuận tiện nên số lượng bạn đọc đến với thư viện hàng ngày ở đây rất lớn. Có lẽ sẽ không quá lời khi nói rằng người Phần Lan là những người đọc nhiều nhất trên thế giới. Năm 1999, tính trung bình mỗi người dân Phần Lan mượn khoảng 19,3 ấn phẩm từ thư viện công cộng. Đó là một con số cao hơn so với các nước ở Bắc Âu (9,1 ở Thụy Điển, 5,2 ở Na Uy).
Số liệu thống kê cho thấy, trong những năm gần đây, mỗi năm khoảng 67 triệu lượt người đến thư viện ở Phần Lan. Trung bình mỗi người dân Phần Lan đến thư viện khoảng 12,84 lần trong một năm. Năm 2004, gần 2,4 triệu người trong tổng số 5, 2 triệu dân mượn khoảng 110 triệu sách, CD, DVD và các ấn phẩm khác từ thư viện công cộng của Phần Lan. Hiện nay, trên giá sách các thư viện công cộng ở Phần Lan có hơn 41 triệu cuốn sách bằng 60 thứ tiếng khác nhau, trong đó có 5% là sách tiếng nước ngoài (không phải tiếng Phần Lan và tiếng Thụy Điển). Tính bình quân mỗi người dân Phần Lan có 7,9 ấn phẩm ở thư viện công cộng. Riêng tiếng Việt, cho đến tháng 2 năm 2006, số ấn phẩm có ở các thư viện công cộng thuộc thủ đô Helsinki và 2 thành phố lân cận là Vantaa, Kauniainen và Espoo là 2048.
Vai trò của thư viện, nhất là thư viện công cộng từ lâu đã được coi trọng ở Phần Lan. Ngay từ năm 1928, tức chỉ sau khi tuyên bố trở thành quốc gia độc lập được 10 năm, chính phủ Phần Lan đã ban hành luật về thư viện và từ đó đến nay đã bổ sung sửa đổi nhiều lần. Đáng chú ý nhất là năm 1998, để thực hiện ‘Công ước Thư viện Công cộng’ năm 1994 của UNESCO, Nghị viện Phần Lan đã thông qua bộ luật thư viện mới, trong đó xác định: mục đích hoạt động của thư viện công cộng là nhằm tăng thêm cơ hội bình đẳng giữa công dân trên các phương diện văn hóa, học vấn và bồi dưỡng cá nhân, đảm bảo cho mọi công dân tiếp tục được học tập để nâng cao kiến thức và thích ứng với xu hướng quốc tế hóa. Tiếp đó, năm 1999, trong Chính sách Văn hóa của chính phủ Phần Lan đã nhấn mạnh: “Hệ thống thư viện công cộng là hạt nhân cơ bản trong lĩnh vực văn hóa và giáo dục quốc gia, nhằm giúp cho mọi công dân đạt đến một sự phát triển cao về tri thức”. Đặc biệt, năm 2003, thực hiện “Chương trình Xã hội Thông tin” của chính phủ, Bộ Giáo dục Phần Lan đã đưa ra “Chiến lược Thư viện 2010 – Chính sách tiếp nhận Tri thức và Văn hóa”, trong đó tiếp tục khẳng đinh “giáo dục cơ sở và hệ thống thư viện công cộng là dịch vụ quan trọng nhất đưa người dân đến với xã hội thông tin”.
Với “Chiến lược Thư viện 2010”, hệ thống thư viện công cộng Phần Lan chuyển sang một giai đoạn mới, nâng cao hơn về chất lượng và mở rộng thêm loại hình dịch vụ mới. Cùng với việc hiện đại hóa loại hình “thư viện truyền thống” (với các sản phẩm sách, báo, băng, đĩa) và mở một số thư viện chuyên đề (như thư viện âm nhạc, thư viện nghệ thuật), loại hình “thư viện tổng hợp” (Hybrid Library) với các loại dịch vụ mới (sản phẩm cung cấp đạng hơn, thiết bị kết nối internet, thư viện ảo, tiếp nhận và trao đổi thông tin qua internet) đang được chú trọng phát triển.
Từ chỗ chỉ một thư viện ở Helsinki kết nối internet lần đầu tiên năm 1995 (đây cũng là thư viện công cộng đầu tiên trên thế giới cung cấp dịch vụ này), đến nay tất cả các thư viện ở Phần Lan đều kết nối internet chung cổng và phục vụ internet miễn phí cho bạn đọc-người dùng. Sản phẩm của tất cả các thư viện đều đã được số hóa và lưu giữ trong bộ sưu tập trên internet. Bạn đọc có thể tìm kiếm, đăng ký mượn và gia hạn các ấn phẩm này rất nhanh chóng và thuận tiện qua các địa chỉ internet của các thư viện: http://www.libraries.fi/.
Đầu năm 2006, thư viện Phần Lan có thêm hai dịch vụ mới trên internet: Dịch vụ tra cứu đa diện (monihaku: http://monihaku.kirjastot.fi/) cho phép khách hàng tìm kiếm dữ liệu không chỉ từ các thư viện công cộng mà từ tất cả các thư viện khác trong cả nước và THP- Cổng kiến thức (Tiedonhaun portti: http://www.kirjastot.fi/THP/) phục vụ việc tìm kiếm thông tin dữ liệu về Phần Lan có trên internet. Với phương châm mở rộng các loại hình dịch vụ mới, từ năm 2001, thư viện thành phố Helsinki mở một dịch vụ mới gọi là Trạm Gas Thông tin (Information Gas Station) với mục đích giải đáp câu hỏi của khách hàng qua internet ở địa chỉ: http://igs.kirjastot.fi. Khách không chỉ ở Phần Lan mà từ bất cứ nơi nào trên thế giới cũng có thể gửi câu hỏi của mình tới đây và trong vòng khoảng 2 tuần sẽ nhận được câu trả lời. Loại dịch vụ này phát triển rất nhanh, vì vậy đến nay hai hình thức mới: trả lời qua điện thoại di động (hoạt động vào mùa xuân và mùa hè) và radio (mỗi tuần một lần) đã đi vào hoạt động. Khách du lịch đến Phần Lan muốn hỏi đường hay bất cứ thông tin gì khác có thể gọi điện đến hai địa chỉ này để được chỉ dẫn. Mới đây, một số thư viện còn cung cấp dịch vụ giao, nhận ấn phẩm của thư viện tận từng nhà cho những người già và những người tàn tật không đủ khả năng hoặc điều kiện đến thư viện. Theo Chiến lược Thư viện 2010, thư viện công cộng ở Phần Lan được coi như là người tổ chức và điều hành tri thức trong chương trình xây dưng xã hội thông tin hiện nay của chính phủ.
Trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm việc trong hệ thống thư viện của Phần Lan cũng rất được chú trọng. Luật thư viện sửa đổi năm 1998 của Phần Lan quy định ít nhất 2/3 đội ngũ cán bộ thư viện phải có trình độ đại học hoặc trung cấp về chuyên ngành thông tin và thư viện, riêng giám đốc phải có trình độ Đại học hoặc Cao đẳng về chuyên ngành này. Hiện nay 6 trường đại học và cao đẳng trong cả nước đào tạo chuyên ngành thông tin và thư viện. Từ năm 2000, kiến thức về thông tin và thư viện được dạy trong tất cả các bậc học ở Phần Lan. Việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thư viện cũng là một trong 3 mục tiêu chính của Chiến lược Thư viện 2010.
Hệ thống thư viện ở Phần Lan hoạt động theo những quy đinh nghiêm ngặt. Mỗi người có thể mượn được một số lượng khá lớn sản phẩm của thư viện mỗi lần (thường là 40 ấn phẩm gồm sách, đĩa và băng). Thời gian mượn cho mỗi loại sản phẩm được quy định cụ thể tùy theo từng thư viện. Nếu mượn quá thời hạn quy định thì người mượn sẽ bị phạt tiền[16]. Nếu vi phạm nhiều lần sẽ bị đình chỉ mượn trong một số thời gian nhất định tùy theo từng trường hợp. Ở các thư viện công cộng mỗi sản phẩm có thể gia hạn được 4 lần nếu không có người nào khác yêu cầu. Việc sử dụng kỹ thuật số và các phương tiện thông tin hiện đại khác một cách đồng bộ đã giúp cho hoạt động của thư viện Phần Lan ngày càng có hiệu quả và điều đó càng tăng thêm sức hấp dẫn đối người dân.
Thư viện công cộng ra đời khá sớm ở Phần Lan và xuất hiện lần đầu tiên ở Vaasa vào năm 1794. Nhưng phải đến những năm đầu thế kỷ 20, nhất là từ năm 1910, khi Hội thư viện Phần Lan ra đời hệ thống thư viện công cộng ở Phần Lan mới bắt đầu được xây dựng nhiều. Trong những năm đầu số lượng thư viện trong cả nước có khi còn nhiều hơn cả ngày nay (thời điểm cao nhất cả nước có khoảng 2500 thư viện). Vào thời gian đó, các thư viện do các địa phương và các tổ chức, hội đoàn quản lý.
Do đặc điểm dân cư ít, lại sinh sống phân tán rải rác trên diện rộng nên dần dần thư viện công cộng ở Phần Lan đã mở rộng loại hình hoạt động ra khỏi một không gian cố định[17]. Một chiếc xe sách do ngựa kéo hoạt động như một “thư viện lưu động” ở Phần Lan lần đầu tiên năm 1913 ở Vantaa. Chiếc xe ngựa sách ấy dần dần được thay bằng những chiếc xe tải dài 7m đến 8m và đến những năm 1970 được thay thế bằng những chiếc xe ô tô dài 12m. Đầu những năm 1990, trên khắp Phần Lan có 234 xe thư viện lưu động hoạt động. Ngày nay, loại hình thư viện lưu động này có xu hướng giảm đi, chỉ còn lại 187 xe ô tô và một thuyền.
Việc xây dựng thư viện ở Phần Lan do chính quyền địa phương và chính phủ trung ương cùng góp kinh phí. Hiện nay, nhà nước cung cấp khoảng 25-50% cho việc xây dựng thư viện mới và khoảng 100,000 euro cho các ô tô thư viện mới. Kinh phí chi cho thư viện hiện nay trung bình khoảng 45 euro một đầu người.
Netti-Nysse hay Xe buýt Internet ở Phần Lan
Tháng 1 năm 2000, trong một cuộc gặp tại Wales (Anh), một nhóm giáo viên các nước Hà Lan, Đan Mạch và Phần Lan đã đưa ra sáng kiến đem dịch vụ internet đến với những người dân bình thường một cách dễ dàng và thuận tiện bằng những chiếc xe buýt Internet ở ba thành phố Amsterdam, Roskikilde và Tampere. Chỉ một năm sau (2001), loại hình dịch vụ này ra đời ở Tampere (Phần Lan) với tên gọi Netti-Nysse, cùng lúc với chương trình eTampere, với tham vọng “đưa Tampere trở thành thành phố đi đầu trong việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng những dịch vụ gắn liền với xã hội thông tin” (http://www.etampere.fi)
Netti-Nysse là chiếc xe ô tô internet đôi dài 18,5m, được cải tạo từ một chiếc xe buýt cũ của thành phố. “Tổ hợp” này gồm hai phần: một phòng máy gồm 11 máy vi tính được cài đặt các phần mềm cơ bản và một “giảng đường” với 11 chỗ ngồi, được trang bị một màn hình lớn và một máy chiếu dữ liệu cùng với thiết bị âm thanh hiện đại. Ngoài ra trên xe còn có máy bán cà phê và tủ lạnh. Việc kết nối internet được thực hiện qua 9 ăngten cố định trong phạm vi thành phố hoặc sử dụng kết nối GSM hay dạng dữ liệu gói (GPRS) tốc độ cao. Netti-Nysse chỉ có thể chở được 13 người, nhưng được xem như là chiếc xe buýt mini lớn nhất trên thế giới hiện nay.
Netti-Nysse của Tampere đang đi phục vụ
Khác với các ô tô thư viện lưu động, Netti-Nysse không phục vụ khách hàng những ấn phẩm truyền thống như sách, báo, băng, đĩa mà là những chiếc máy vi tính và không gian thích hợp để sử dụng chúng. Mục đích của Netti-Nysse là giúp mọi người làm quen với máy vi tính và internet, nhất là những người ít có điều kiện tiếp cận với kỹ thuật này vì nhiều lý do. Một nhóm gồm khoảng 7 đến 10 người tập trung với nhau và liên lạc với nhân viên Netti-Nysse để được bố trí thời gian học sử dụng dịch vụ của nó. Thông thường mỗi “suất” phục vụ của Netti-Nysse gồm 4 phần, mỗi phần 2 giờ.
Việc hướng dẫn và sử dụng các thiết bị của Netti-Nysse đều miễn phí. Chiếc mini buýt này gồm 4 hướng dẫn viên có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm về máy vi tính và internet. Họ có một vai trò rất quan trọng trong việc hướng dẫn và giải đáp những vấn đề thắc mắc của người dùng từ việc sử dụng chuột đến việc thiết lập địa chỉ e-mail, tìm kiếm thông tin trên internet. Đồng thời họ hướng dẫn người dùng cách truy cập internet từ nhà và giữ liên lạc thường xuyên với họ để tiếp tục được học thêm về lĩnh vực này.
Hoạt động của Netti-Nysse rất hiệu quả xét cả về mặt số lượng và chất lượng đến mức để có được một “suất” sử dụng dịch vụ này, người dùng thường thường phải đăng ký trước ba tháng. Đối tượng đến với Netti-Nysse gồm nhiều lứa tuổi, thành phần xã hội, nghề nghiệp và giới tính khác nhau, như người cao tuổi, các bà mẹ, lái xe, những thanh niên không có việc làm, người nhập cư, chủ doanh nghiệp, thậm chí có nhóm là thành viên của một số đại gia đình…
Netti-Nysse đã được Bộ giáo dục Phần Lan tặng danh hiệu quốc gia về “thành tích đổi mới giáo dục người lớn”. Tháng 10 năm 2004 Ủy ban châu Âu đã công nhận Netti-Nysse và thành phố Tampere là “Chính quyền điện tử tốt nhất”.
Trả lời