Phạm Xuân Nguyên
Tại cuộc giao lưu trực tiếp của báo Công An Nhân Dân (CAND) ngày 16/6/2011 với ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban tuyên giáo Trung ương (từ đây viết tắt PTT), có đoạn hỏi đáp như sau:
Đại tá Phạm Văn Miên (Phó TBT báo CAND): Cũng về vấn đề biển Đông, thưa anh Nguyễn Thế Kỷ. Có bạn đọc hỏi rằng, vào ngày 5/6/2011, nhiều người dân Việt Nam xuống đường tuần hành, biểu tình phản đối hành vi vi phạm của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, bản tin của TTXVN lại gọi là “cuộc tụ tập”. Liệu Ban Tuyên giáo TW có kỷ luật TTXVN không?
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TW Nguyễn Thế Kỷ: Ban Tuyên giáo TW chẳng kỷ luật gì TTXVN cả. Sự việc mà độc giả nêu kỳ thực là do một số người dân Thủ đô Hà Nội và TP HCM bất bình trước sự việc tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Binh Minh 02. Sự việc này gây ra bức xúc, theo tôi sự phản đối và tình cảm này rất dễ hiểu. Vì người dân của mình, nhất là người trẻ đã họp nhóm lại tập trung trước cổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Sài Gòn và Hà Nội nhưng có tổ chức, rất trật tự và ôn hòa. Thậm chí nhiều người có khẩu hiệu phản đối hành động của TQ bằng giấy A4 nhưng với thái độ bình tĩnh.
Tôi cho rằng cách đưa tin như thế là được. Còn việc ai đó quan niệm sự việc đó là biểu tình là quyền của người ta, chúng ta không tranh cãi. Theo tôi thì đó là hành động người Việt Nam biểu thị lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc và phản đối nước ngoài đối với quyền chủ quyền của mình.
Bản chất sự việc là như thế.
Còn TTXVN và một số báo đưa tin tụ tập đông người… đây là việc không nên tranh cãi, bởi vì các cơ quan chức năng cho biết không có một hành động quá khích nào. Khi được cơ quan chức năng, đoàn thể giải thích “cứ bình tĩnh, Đảng, Nhà nước và chính quyền sẽ bằng con đường ngoại giao, bằng trao đổi, bằng hòa bình để giải quyết sự việc…” thì những người dân nghe ra và ra về.
Nếu nói TTXVN bị kỷ luật là nặng nề quá. Mà nếu làm thế là chúng ta vi phạm tự do báo chí.
Câu trả lời của ông Kỷ là thẳng thắn khi không né tránh câu hỏi, nhưng vẫn còn là né tránh thực chất vấn đề. Nhưng ở đây tôi không bàn luận và bình luận điều đó. Tôi chỉ nhận xét về sự né tránh chữ “biểu tình” của ông PTT, khi ông nói: “Còn việc ai đó quan niệm sự việc đó là biểu tình là quyền của người ta, chúng ta không tranh cãi… Còn TTXVN và một số báo đưa tin tụ tập đông người… đây là việc không nên tranh cãi, bởi vì các cơ quan chức năng cho biết không có một hành động quá khích nào.”
Theo tôi, ông Kỷ nói thế là không ổn, nhất là ông lại tốt nghiệp ngành ngôn ngữ ở đại học. Mỗi từ trong ngôn ngữ có nghĩa của nó, nghĩa này được các nhà ngôn ngữ học đúc kết lại từ thực tế sử dụng từ và đưa vào định nghĩa trong từ điển. Từ là biểu thị khái niệm. Từ điển tiếng Việt do Viện Ngôn ngữ học (Viện Khoa học xã hội Việt Nam) xuất bản năm 1990 định nghĩa từ “biểu tình” như sau: “Đấu tranh bằng cách tụ họp đông đảo để bày tỏ ý chí, nguyện vọng và biểu dương lực lượng chung. Biểu tình tuần hành. Xuống đường biểu tình. Biểu tình ngồi.” (trang 82). Trong định nghĩa về “biểu tình” này không có yếu tố “quá khích”, nghĩa là không phải cứ đám đông “quá khích” mới được gọi là “biểu tình”. Vậy là đã rõ: những cuộc tập hợp nhân dân tuần hành vừa qua phản đối Trung Quốc là những cuộc biểu tình theo đúng nghĩa tiếng Việt và theo đúng tính chất, nội dung sự việc diễn ra. Gọi đúng tên sự vật – đó là những cuộc biểu tình. Bản tin của TTXVN về các cuộc biểu tình đúng nghĩa đó đã bị đánh tráo ngôn từ. Đến lượt ông PTT khi bình luận các ý kiến về bản tin đó cũng lại đánh tráo ngôn từ một lần nữa. Mà, xin nhắc lại, ông vốn là dân ngôn ngữ theo chuyên môn được đào tạo. Ông không thể nói “Còn việc ai đó quan niệm sự việc đó là biểu tình là quyền của người ta” vì người quan niệm ở đây là dân Việt và tên gọi “biểu tình” là từ tiếng Việt, có trong từ điển tiếng Việt.
Thử nhìn sang tiếng nước ngoài, như tiếng Anh chẳng hạn, xem họ hiểu “biểu tình” thế nào. “DEMONSTRATE: to take part in a public meeting or march, usually as a protest or to show support for sth [SYN] PROTEST: students demonstrating against the war.” Đây là định nghĩa được đưa ra trong cuốn Oxford Advanced Learner’s Dictionary dành cho sinh viên, in lần thứ sáu (2000), nghĩa là loại sách phổ thông nhất, cập nhật nhất, thế lại nghĩa là ai cũng hiểu “demonstrate” là “biểu tình”. Cho nên nhất loạt các bản tin tiếng Anh trên thế giới đưa về sự kiện biểu tình của người dân Việt Nam trong các ngày 5, 12 và 19/6 trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội và Lãnh sự quán Trung Quốc ở Sài Gòn đều dùng từ DEMONSTRATE. Chẳng lẽ từ nay gặp phải từ này ta phải dịch là “tụ tập” (to meet, to gather together) cho đúng theo cách “định nghĩa” của ông PTT? Thực ra, cái trò tăng giảm sắc thái ý nghĩa các từ ngữ ngoại quốc khi dịch những bài viết của nước ngoài về Việt Nam theo hướng dịch khen thì dùng những từ Việt thật mạnh thật kêu, dịch chê thì dùng những từ Việt thật nhẹ, thật nhạt, làm sai lạc và thậm chí xuyên tạc cả nội dung và ý đồ người viết, là chuyện thường gặp trên báo chí ta.
Biểu tình thì gọi biểu tình, tuần hành thì gọi tuần hành, cớ gì xuyên tạc tiếng mẹ đẻ mà gọi là “tụ tập”, lại còn cho là chỉ có một số ít người “tụ tập”. Chuyện đánh tráo ngôn từ để thay đổi khái niệm nhằm che giấu hoặc phủ nhận sự thật như thế đã và đang xảy ra trong đời sống xã hội nước ta. Có dạo, nông dân đói nhưng báo chí không được dùng từ “đói” để chỉ thẳng thực tế, lại nói là “có những gia đình nông dân đứt bữa”. Một thời, cái việc “quảng cáo” bị coi là xấu, nên cái từ chỉ thực chất việc đó lại phải dài dòng ra là “thông tin kinh tế xã hội”. Mà ngay vừa đây thôi, các tên gọi “tàu lạ”, “nước lạ” còn được viện ra để thay cho sự chỉ mặt vạch tên Trung Quốc là kẻ lạ đó. Chẳng lẽ phải chờ đến khi bị kẻ thù dồn đến chân tường thì người Việt mới được nói đúng tiếng Việt? Hay từ điển tiếng Việt phải sửa lại định nghĩa từ “biểu tình” theo như ông PTT phân tích với báo giới? Nhưng một khi cuộc sống đòi hỏi thì nhiều từ ngữ tưởng đã bị vùi lấp và bức tử trong tay những người sử dụng ngôn từ lại sẽ được hồi sinh và sử dụng.
“Trước khi ngồi vào bàn, hãy thống nhất khái niệm”. Nhà cầm quyền Trung Quốc đang mưu toan chơi trò đánh tráo khái niệm trên biển Đông, gây xung đột với nước ta và các quốc gia ASEAN ven biển Đông để biến vùng không tranh chấp thành tranh chấp, nhằm hợp thức hóa “đường lưỡi bò” vẽ ra trên giấy thành thực tế trên biển. Lẽ nào trong khi đó, chúng ta lại chơi trò tráo lộn ngôn từ với dân ta?
Tôi muốn tặng ông PTT Nguyễn Thế Kỷ một cuốn từ điển tiếng Việt.
Hà Nội
Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.2011)
{jcomments on}
Trả lời