Mình mắc tội cả nể nên đã nhận lời mời rất chi là nhiệt tình của Sở giáo dục Lạng Sơn lên tập huấn cho các giáo viên chủ chốt của toàn tỉnh (trừ GV tiểu học). Vừa bị ép, vừa hơi bị sướng khi nghe nịnh nên “nghiến răng” nhận lời, nhận lời xong mới biết mình “dại” thì đã muộn, hi hi… Thế nhưng, bắt tay vào chuẩn bị thì lại thấy say sưa và tâm huyết quá với cái chủ đề khóa tập huấn. Hóa ra chủ đề rất hay, mình lại cảm thấy may mắn vì đã nhận lời. Vì trót nhận lời mà mình lại có dịp “đâm đầu” vào một vấn đề thú vị và hay ho đến thế. “Đổi mới phương pháp dạy học” là chủ đề “xưa như Diễm”, năm nào giáo viên cũng bị nhồi đi nhồi lại, tập huấn lên tập huấn xuống (mà không mấy hiệu quả), nên để họ học được cái gì mới mẻ, có ích cũng không phải là việc dễ. “Xây dựng nhà trường thân thiện, học sinh tích cực” thì rõ là vấn đề mới mẻ lại đang gặp nhiều rắc rối trong nhà trường Việt Nam. Nào thì thầy/cô tẩn trò, nào thì trò tẩn thầy/cô, rồi trò tẩn trò đến tá hỏa tam tinh (trò nữ tẩn nhau khắp nơi, tin đưa giật gân đầy rẫy trên mạng, từ kênh chữ, đến kênh hình mới phong phú làm sao). Giáo dục nước nhà đến là hay, toàn lo những chuyện viển vông ở những đẩu những đâu (ví dụ như mải mốt đi tìm những triết lý giáo dục cao siêu), còn những gì thiết thân gần gũi thì bỏ qua, khi xảy ra chuyện rồi mới lo đi chữa cháy. Dập chỗ nọ lại bùng chỗ kia, dập đám nọ, lại bùng đám kia.
Sẵn lòng nhiệt huyết, lại thương miền núi chịu nhiều thiệt thòi nên bao nhiêu tâm sức đã trút cả vào đó. Mỗi lớp tập huấn có 4 ngày mà ròng rã cả tháng trời tối nào cũng hí hoáy, ngọ ngoạy thiết kế nội dung chi tiết và viết kịch bản. Tính mình cầu kì, lại còn trình bày thử ý tưởng cho người nọ người kia góp ý, nhận xét. Mệt hết biết.
Thú vị nhất là trong cả 3 lớp tập huấn, hơn 200 con người, chỉ có mình thuộc thành phần “không tóc”, ha ha…. Ối giời ơi, ở đâu lại có chuyện ngược đời, thằng “trọc đầu” lại đi tập huấn cho thằng “lắm tóc”.
Điều cảm động nhất là đại đa số học viên tuy chỉ “sướng bằng lông” (sống bằng lương) nhưng đều thả hết hồn vía, tâm huyết vào khóa tập huấn. Tập huấn cho 3 lớp, 12 ngày giời sà sã cái họng, dày vò cái thân, chiều tối nào trở về khách sạn cũng với đôi chân sưng vù, cổ họng rát buốt mà mình thấy lòng vẫn thấy vui phơi phới, đầy mãn nguyện. Đúng là không phí cái công sức và nhiệt huyết của mình. Có thế chứ!
Buồn cười nhất là khi mình giải thích nhà trường thân thiện phải thân thiện từ môi trường cảnh quan cho đến môi trường giao tiếp, môi trường học tập. Môi trường cảnh quan thân thiện phải thân thiện từ cảnh quan trong lớp, ngoài lớp, cho đến cái toa-lét. Mình kể cho học viên nghe về câu chuyện xảy khi cách đây mấy năm mình mời một vị giáo sư nước ngoài đến trường nói chuyện cho sinh viên về “Phương pháp học ở các trường đại học phương Tây”. Trời nóng như thiêu, không khí hầm hập, giảng đường như một chiếc lò nung khổng lồ, cả trăm sinh viên mồ hôi mồ kê nhễ nhại nhưng vẫn hăm hở, hào hứng lắng nghe. Tưởng có thể chết vì nóng, thế mà không khí còn quện sánh mùi khai nồng của thứ chất lỏng được thải ra qua đường bài tiết. Giảng đường khắm đến không chịu nổi. Vì thể diện quốc gia, vì thể diện nhà trường, có khắm mấy cô trò cũng cố mà chịu, cách tốt nhất là tạm đổi chức năng của mấy giác quan, huy động cái miệng vào việc trao đổi “dưỡng khí”, tạm để bộ khứu giác ngồi chơi xơi nước cho nó lành. Bởi thế, cô trò nhà này ai nấy cũng gồng mình lên mà tạo bộ mặt, khi thì mang vẻ đăm chiêu cho xứng tầm học thuật quốc tế, khi thì phởn phơ, hớn hở, ra vẻ vô sự. Hóa ra, vị giáo sư nước ngoài đáng kính lại chính là kẻ phá bĩnh đầu tiên. Chỉ có sau mấy phút khởi đầu, vị ta đã chịu hết nổi bèn ghé vào tai tôi nói nhỏ một câu: “Bà Hoa ơi, sao sinh viên của bà dốt thế. Chúng nó có thể đái khắp mọi nơi, thậm chí có thể lên khu ban giám hiệu mà đái, ít ra chúng nó phải biết chừa chỗ chúng nó ngồi ra đừng đái chứ. Khai quá, tôi không chịu nổi...”. Ha ha… chưa nghe hết câu, không nhịn được nữa, tôi đã phá lên cười sằng sặc và kể ngay lại cho sinh viên nghe. Của đáng tôi, sinh viên của tôi bị oan, nào chúng có to gan đến mấy cũng không đủ can đảm rút vũ khí chiến đấu cá nhân ra xả ở những chỗ như thế (rìa giảng đường 1, 2 nhà B2) (tuy nhiên toa-lét ngay cạnh đó cũng cực khai). Chắc đó là “thành quả” của những khách vãng lai mà thôi. Vị giáo sư già khả kính còn “hiên ngang” tuyên bố tiếp trước toàn thể sinh viên: “Đến một cơ quan nào đó, trường học cũng không là ngoại lệ, nếu muốn biết chất lượng hoạt động của bộ máy thế nào, chất lượng của công tác quản lý, lãnh đạo ra sao thì chỉ cần nhìn vào cái toa-lét là rõ”. Ở điểm này thì vị giáo sư kia thật có lý. Trong vở kịch vui “Táo quân sư phạm ngoại ngữ” (diễn trong buổi liên hoan văn nghệ kỉ niệm ngày phụ nữ 8.3.2011), rất dỉ dỏm, Nam Tào, Bắc Đẩu đã bẩm báo lên Ngọc Hoàng rằng “chuột chạy qua toa-lét trường sư phạm ngoại ngữ chỉ bằng 2 chân sau vì 2 chân trước còn bận…. bịt mũi”.
Nghe mình kể lại câu chuyện trên, các học viên cười ngặt nghẽo. Chưa dứt cơn cười đã có mấy tiếng nói vọng lên:
– Thưa cô, trường em còn chưa có toa-lét.
– Ặc ặc, chưa có thì đi vệ sinh ở đâu?
– Dạ thưa cô, cứ “thiên nhiên” thôi ạ.
– Xứ nào mà oai thế, toàn quận công hết à? (ha ha…)
– Dạ vâng, cả trường ra đồi tuốt cô ạ, thầy trò, kể cả ban giám hiệu cứ vô tư ra cả đấy ạ.
– Hê hê…. điểm hẹn vui và lãng mạn quá nhỉ…..
Cười muốn chết luôn, đề án 135 của Bộ Giáo dục chỉ chi tiền cho kiên cố hóa lớp học chứ không có hạng mục cho toa-lét. Bộ Giáo dục ơi là Bộ Giáo dục, đề án gì mà hay thế? Trả lương cho người ta có thứ mà đút vào cái Input thì cũng phải lo chỗ cho người ta có cái Output chứ. Mình chợt nghĩ, có thầy cô nào đang yêu và tìm hiểu nhau mà bỗng dưng bắt gặp nhau ở tư thế không mấy ngoạn mục và “rồ-man-tì-que” (romatic – lãng mạn) như thế ắt hẳn sẽ lấy làm “đớn đau” lắm. Nhớ ngày trước đọc đâu đó một truyện ngắn nước ngoài kể chuyện một đôi tình nhân yêu nhau, đang giai đoạn lãng mạn cao trào, đắm đuối hò hẹn. Trong một lần hẹn hò để chuẩn bị đến hồi “chung kết” bỗng có một sự cố hi hữu xảy ra. Cả chàng và nàng đều vì hồi hộp nên đã đến chỗ hẹn sớm hơn dự định. Chàng đói. Nhìn đồng hồ vẫn còn kịp tạt vào quán và vội và vàng tô mì. Vì vội, chàng đã nhai nhồm nhoàm, mì và nước sốt dính be bét khắp cái miệng bóng nhẫy vì phó mát, vương cả ra râu. Khốn nạn thay cho chàng, nàng lóng ngóng, hồi hộp đợi chờ ở một góc khuất, mắt vô tình rơi vào hướng ấy. Nàng đã nhìn thấy hết cả bộ dạng thô lậu của chàng khi ấy. Và thế là…. bao nhiêu yêu dấu đã … tan theo. Đâu còn là chàng Romeo lịch lãm, hào hoa trong tâm tưởng. Thất vọng tràn trề, nàng vội vã lao ra cho kịp chiếc xe bus để trở về. Rồi vì vội vàng, chân nàng đã vô tình dẫm vào vạt chiếc váy dài màu xanh trứng sáo vẫn hút hồn chàng bấy lâu. Và thế là, chiếc váy đã xệch vẹo, tụt xuống một đoạn để lộ chiếc xi-líp rách cạp. Cũng khốn nạn cho nàng, đúng lúc đó, mắt chàng đang dõi theo chiếc xe bus ngóng đợi bóng dáng nàng và chàng đã nhìn thấy tất cả, cả cái dáng tất tưởi của nàng trèo lên xe bus lẫn chiếc xi-líp rách. Trời ơi, hóa ra là nàng đấy ư, nàng Juliet yêu kiều bấy nay của ta. Chẳng nhẽ trong chiếc váy màu xanh trứng sáo bấy lâu nay ta yêu thích lại chỉ là chiếc quần xi-líp rách…. Thế là tan một cuộc tình.
Mình chúc mừng các học trò ở những trường có diễm phúc được hưởng đề án 135 của Bộ Giáo dục (vì làm quận công cũng sướng lắm chứ), mình chỉ thương cho các thầy cô đang "trót lỡ" yêu nhau . Thế thôi!!!!!!!!!!!
Dù mệt ơi là mệt nhưng mình đã rất vui. 12 ngày “chiến đấu ròng rã” đến khản đặc cả tiếng nhưng lòng vui sướng vô cùng vì rất rất nhiều các học viên đã “tuyên bố” xanh rờn: Bọn em hè nào cũng phải đi tập huấn đến vài khóa nhưng chưa bao giờ có khóa nào bổ ích và thú vị như khóa này, cô ạ.
Thế là thành công rồi!
Hi vọng mình đã nhen lên, đốt cháy thêm ngọn lửa yêu nghề, yêu trẻ ở các học viên.
Cảm ơn tất cả các anh chị học viên yêu quí của tôi.
{webgallery} {/webgallery} |
{webgallery} {/webgallery} |
{webgallery} {/webgallery} |
{webgallery} {/webgallery} |
Ơ… động tác gì mà kì vậy??? | Tiền thắng cuộc cô trò khao kem nhau |
{jcomments on}
Khách says
😆 😆 😆 😆 Cứ tưởng cô quên lớp bọn em rùi chứ
Khách says
@ Hoang Khoa:
Quên là quên thế nào? ha ha… Làm sao mà quên cho được cơ chứ, hi hi…
Khách says
Chúc mừng các bác Lạng Sơn vì đã được tham gia khóa học này. Được một lần học cô Hoa quả là không uổng phí cả một đời đi học đấy ạ.
Ghen tị, ghen tị quá. Mình ở ngay thủ đô mà có được sướng thế đâu.
Khách says
😆 😆 😆 😆 Ôi thế các girls nhớ nhá, đi xe bus chớ mặc váy dài :))
Khách says
😆 😆 , hihi, chia vui cùng chị nhé, thế năm sau người ta lại mời chị có đi nữa không
Khách says
@Trang:
Em Trang nào đấy?
Hết “mịa ló” chữ rùi móc đâu ra nữa mà đi, ha ha…
e11classk42 says
Em yêu cô Hoa của em quá :X Đọc bài viết của cô, xem ảnh thấy thú vị vô cùng 😉
Các thầy cô ôm nhau cười vì cô Hoa diễn thuyết hay quá mà :X Cô đứng, cử chỉ vừa thân thiện, vừa tự nhiên lại cực kỳ có phong thái nữa 😛
e11classk42 says
Mà cái vấn đề toelet đây là lần đầu tiên em thấy đề cập trong 1 buổi tập huấn đấy 😛
qqq says
cô toàn vạch áo cho người xem lưng thui. mất thể diện trg nn quá cô ơi. 😆
The Sun says
Cái toilet luôn là vấn đề đau đầu ^^
Nguyen Duc Can says
Không bất bất ngờ về sự”thắp lửa”, trao truyền năng lượng, giúp học viên toả sáng trong khoá tập huấn của bác. Chỉ tiếc là không được “cắp tráp” hầu bác để được vui lây một chút. Tiếc quá! tiếc quá…..
Bình - lớp TH 3 says
Cô ơi, thật xúc động khi được đọc những dòng tâm sự rất thật của cô về lớp tập huấn của chúng em, đặc biệt là được xem hình ảnh cô trò vui vẻ ăn kem “sát phạt”…
Em sẽ lưu lại ảnh này để lúc nào đấy cảm thấy lửa sắp tắt thì xem lại để nhớ rằng mình đã từng có lúc bùng cháy như thế!
quangmt69 says
Cô luôn thế!Rất thích và ấn tượng với cách dạy của cô Hoa. Ngày cô vào dạy lớp NVSP ĐH ở Quảng Ngãi, em chẳng nghỉ buổi học nào của cô…Mắt chữ O, mồm chữ V…khi nghe cô giảng, học được một tí nghệ thuật dạy học của cô là đã xem như thành công 😆
Trang Mập:d says
hihi, con đang bị thất vọng vì cái bài “thầy chưa giỏi, trò sao hay” cô quote thì đọc đến bài này, lại hừng hực khí thế rồi cô ơi:d
nthiphuonghoa says
@ Trang Mập và Quang mt69:
Thì cô Hoa ăn rồi có mỗi việc đi “đốt” thiên hạ thôi mà, ha ha….
Thảo says
😆 :lol:em cũng rất may mắn được cô lên LS tập huấn đợt sau( từ 2-5/12). Đúng là từ khi đi làm đến nay( 13năm) em phải đi tập huấn rất nhiều. Nói là “bị” đi thì đúng hơn vì như bị tra tấn. Đợt này tập huấn khá lâu nhưng em không hề cảm thấy chán.Cảm ơn cô đã “thắp lửa” cho chúng em!