Đỗ Quốc Anh (*)
So với những biến số khác như tổng sản phẩm quốc dân (GDP), tăng trưởng đầu tư và tiêu dùng thì thuộc tính nhân khẩu học nằm trong số những đặc điểm kinh tế xã hội ổn định nhất và có thể dự báo chính xác nhất của mỗi quốc gia. Đặt vai trò trung tâm của dân số vào hầu hết các hiện tượng xã hội, nó sẽ là chỉ số chính cho tất cả các kế hoạch chiến lược tương lai, dù với mục tiêu công hay tư. Không thừa nhận đầy đủ tầm quan trọng của luận điểm này có thể gây ra phí tổn lớn giống như trường hợp của hệ thống giáo dục Việt Nam trong những năm gần đây.
Việt Nam có một lịch sử nhân khẩu học thế kỷ 20 rất độc đáo do ảnh hưởng to lớn từ những cuộc chiến tranh kéo dài nửa thế kỷ, nền kinh tế kém phát triển, sự bùng nổ dân số hậu chiến vào cuối những năm 70 đầu những năm 80, và sau đó là một chính sách kiểm soát dân số không cứng rắn. Tất cả những nét lịch sử này đã để lại những dấu vết không thể nhầm lẫn trên cả thành phần lẫn tăng trưởng nhân khẩu. Trong lúc một số ảnh hưởng của nhân khẩu đã được các nhà hoạch định chính sách lưu ý từ lâu, những ảnh hưởng khác dường như đã bị bỏ sót, để lại những hậu quả nặng nề.
Sau năm 1975, nước Việt Nam thống nhất đã trải qua đợt tăng dân số đột ngột tương tự như đợt “baby boom” ở phương Tây, bất chấp kinh tế khó khăn những năm đầu thập niên 80. Mặc dù gia tăng dân số sau đó đã được kiểm soát bằng một loạt các công cụ chế tài và quản lý hộ khẩu nhắm vào các gia đình đông con, tháp tuổi vẫn mở rộng nhanh chóng ở phần chân tháp với nhiều thế hệ trẻ em. Hiện tượng đặc biệt đó hứa hẹn một nhu cầu lớn về giáo dục khi các thế hệ trẻ em này đến độ tuổi đi học vào những năm 1990 – 2000.
Tăng dân số gắn liền với sự thúc đẩy mạnh mẽ đô thị hóa trong một nền kinh tế mới phát triển điển hình. Tỷ phần đân số thành thị tăng khoảng 2 điểm phần trăm một năm, với hầu hết là các gia đình nhập cư mong muốn đem lại một cơ hội tốt hơn cho con cái. Điều đó tạo ra một áp lực lớn về cầu (demand) lên hạ tầng giáo dục ở những thành phố lớn.
Mặc dù đã được dự đoán trước, xu thế cầu tăng mạnh này đã không được giải quyết thỏa đáng. Bên cung (supply) vẫn còn cứng nhắc mãi cho đến gần đây, một phần vì kế hoạch giáo dục quốc gia không đầy đủ, một phần vì chính sách quan liêu cứng nhắc đã cản trở khu vực tư nhân tham gia và lấp đầy khoảng trống. Ở các thành phố, số lượng trường công không tăng, trong khi năng lực đào tạo chỉ được cải thiện ở vài phần nhỏ, chủ yếu là do tình thế không thể tránh được. Dưới áp lực mạnh mẽ, các doanh nghiệp làm giáo dục đã dần được phép tham gia vào bức tranh giáo dục, ban đầu là liên kết với các tổ chức công, sau vài năm thì trở thành những doanh nghiệp độc lập. Tuy nhiên, chi phí giấy phép cao, cả về thời gian và những nghĩa khác, đã giữ thị phần tư nhân tính trên cả thị trường giáo dục ở mức tương đối thấp.
Quan trọng hơn, cung ứng nguồn nhân lực có kỹ năng ở ngành giáo dục không thấy nhiều cải thiện. Trong khi các trường sư phạm có thể có tiến triển trong chất lượng giảng dạy; kể từ năm 1990, chất lượng sinh viên thi vào các trường sư phạm giảm mạnh, vì những sinh viên giỏi hơn có thể lựa chọn nghề khác hấp dẫn hơn, trái ngược với việc được chính quyền trung ương chỉ định phải học tại đại học nào. Hậu quả là các chất lượng những khóa giáo viên tốt nghiệp kể từ cuối những năm 1990 không thể so được với những thế hệ trước mà nhiều người trong số họ sắp đến tuổi nghỉ hưu. Cùng với năng lực đáp ứng chậm chạm của phía cung dịch vụ giáo dục, chất lượng thực sự của giáo dục bị bần cùng hóa do sự tự lựa chọn bỏ việc do nghề lương thấp của các giáo viên.
Chất lượng giáo dục, bởi vậy, bắt đầu sút giảm từ cuối những năm 1990, khi cầu tăng cao còn năng lực và chất lượng của cung lại thấp. Sỹ số lớp học thường xuyên vượt trên 50 học sinh, và quá trình phân phối giáo dục đã tạo ra nhiều tác dụng phụ xấu: nhiều lớp học ngoài giờ với cùng một giáo viên, cùng nội dung như nhau để giáo viên tăng thu nhập, hoặc việc sàng lọc học sinh bắt buộc, thậm chí được bắt đầu trước cả tuổi đến trường. Việc kiểm soát chất lượng giáo dục của nhà nước đang thiếu một hệ thống giám sát nghiêm túc, kỹ lưỡng, và những nỗ lực cải cách đã bị cản trở bởi những người bảo thủ cứng đầu. Mặt khác, các động lực thị trường đang rối loạn vì có quá ít các trường tư cố gắng trỗi dậy để thu hẹp khoảng cách cung – cầu. “Đến trường” không còn ý nghĩa giống như ở các thế hệ trước, các bậc phụ huynh khá giả tìm kiếm mọi phương tiện để hỗ trợ con cái mình có được giáo dục đầy đủ, bao gồm cả việc đưa trẻ đi du học từ độ tuổi ngày càng ít hơn.
Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng các biện pháp khắc phục nằm trong việc tự do hóa thị trường giáo dục cho các đơn vị tư nhân trong và ngoài nước. Cạnh tranh lành mạnh và rõ ràng với số lượng vừa đủ các đơn vị cạnh tranh tư nhân, những người thực sự thấy được giá trị những khách hàng của mình – phụ huynh và học sinh – sẽ cải thiện hệ thống giáo dục và có thể giữ cho hệ thống đó khỏi những tác động bất lợi. Thực tế, không những nên cho phép các trường tư tự do tham gia thị trường giáo dục, mà họ cũng cần hỗ trợ bằng quyền sử dụng đất, vì những giá trị mà họ tạo ra cho xã hội có thể còn nhiều hơn những gì mà họ gặt hái được. Tuy nhiên, tương tự như nhiều chính sách cải cách khác, tự do hóa luôn gặp phải những nhóm phản đối mạnh mẽ về ý thức hệ, về hiểu biết thực tiễn và kinh doanh.
Trong lúc tự do hóa hết cỡ giáo dục có thể vẫn chỉ là viễn cảnh, ngành giáo dục vẫn là một khu vực có lợi suất đầu tư cao, mặc dù chi phí cố định để khởi nghiệp hiện rất lớn. Những phụ huynh tầng lớp trung lưu, sinh ra từ làn sóng bùng nổ dân số đầu tiên những năm 1970, đã nhanh chóng nhận ra câu hỏi hóc búa của ngành giáo dục mà con em họ đang phải đối mặt, và họ sẽ không chờ đợi sự can thiệp của chính phủ trong việc cải thiện tình trạng giáo dục cho con cái mình. Họ đã đóng góp nhiều, cả thời gian lẫn tiền bạc, vào các trường công lập của con mình, nhưng họ cũng sẽ sẵn lòng chi tiêu nhiều hơn vào các trường tư để việc học tập của con cái họ được tốt hơn mà họ không phải lo lắng nhiều. Tỉ lệ sinh tăng cao không những tạo thêm cầu giáo dục mà còn đòi hỏi chất lượng cao hơn vốn là điều có thể được đáp ứng bởi những nhà đầu tư giáo dục năng động và luôn sẵn sàng hơn nhà nước. Trong vài năm tới, dự đoán sẽ thấy thêm một sự bùng lên các tổ chức giáo dục tư nhân, mang đế cho xã hội nhiều sự lựa chọn hơn, và có chất lượng tốt hơn.
Đỗ Quốc Anh
Đỗ Quốc Anh có bằng PhD (Kinh tế) của Havard và hiện là Phó Giáo sư Kinh tế tại Science Po (Pháp). Anh là sinh viên của khóa Cử nhân tài năng đầu tiên của Đại học quốc gia Hà Nội.
Bia Bơ dịch từ bản tiếng Anh “The flattened age pyramid and the education challenge”.
Trả lời