Nguyễn Thị Ngọc Minh
Dành tặng các sinh viên năm nhất của tôi
Kinh nghiệm này tôi học được từ một thầy giáo dạy tiếng Anh chuyên ngành Lý thuyết văn học, từng học Đại học ở Thụy Điển, Cao học ở Anh và kém tôi 7 tuổi, người không ngừng khiến tôi sửng sốt vì sự hiểu biết phong phú, tư duy mạch lạc và cách nhìn nhận vấn đề vô cùng sâu sắc.
Nhiều sinh viên của tôi than thở: “Sách ở Đại học quá nhiều và chúng em không đủ thời gian để đọc. Làm sao có thể xoay xở được khi mà trong một học kì, riêng môn Văn học phương Tây hay Văn học Nga chẳng hạn, cần phải đọc đến hơn chục cuốn tiểu thuyết, mỗi cuốn vài trăm trang, chưa kể biết bao nhiêu giáo trình chính và tài liệu tham khảo”. Ông thầy trẻ tuổi của tôi đã trả lời: cần phải có một thời khóa biểu cho việc đọc.
Ngay từ đầu học kì, bạn phải tính lượng sách mà bạn cần đọc là bao nhiêu trang, đo xem tốc độ đọc của bạn bao nhiêu, lấy lượng sách chia cho tốc độ đọc, chúng ta sẽ tính được ta cần có bao nhiêu thời gian dành cho việc đọc trong một tuần. Từ đó, hãy lập ra một thời gian biểu cho việc đọc và tuân thủ nó. Giả sử, trong 1 học kì 5 tháng, bạn cần đọc 10 cuốn tiểu thuyết, mỗi cuốn 500 trang, tổng cộng số tiểu thuyết mà bạn cần đọc là 5000 trang. Giả sử tốc độ đọc của bạn là 1 phút/ trang, 1h/60 trang, thì để đọc hết 5000 trang sách, bạn cần có khoảng hơn 100 giờ. 100 giờ tưởng là nhiều, nhưng nếu chia ra 5 tháng, mỗi tháng bạn chỉ cần đọc có 20 giờ, mỗi tuần bạn chỉ cần dành ra 5 tiếng là có thể hoàn thành nhiệm vụ. Hãy thử nghĩ mà xem, 5 giờ đồng hồ mỗi tuần, chỉ bằng thời gian của 2 bộ phim, 1 cuộc tán chuyện tào lao, 1 cuộc shopping vừa tốn thời gian vừa tốn tiền, tính ra cũng chẳng đáng kể gì so với biết bao khoảng thời gian lãng phí mà bạn đã ném đi mỗi ngày. Chưa kể, nếu muốn tiết kiệm thời gian, bạn hoàn toàn có thể đẩy nhanh tốc độ đọc của mình lên.
Hãy cho rằng đọc- viết là một việc bắt buộc trong thời gian biểu của bạn, giống như việc bạn bắt buộc phải đi dạy thêm, bắt buộc phải đi làm hay đi học. Nếu có ai hỏi: “Thứ 7 này bạn có bận gì không?” thì bạn có thể trả lời: “Tôi bận đọc. Đọc là việc bắt buộc phải ưu tiên trong cuộc sống của tôi, vì tuy nó không giúp tôi kiếm ra tiền, không giúp tôi có điểm cao một cách ngay lập tức, nhưng nó sẽ làm nên giá trị cuộc sống của tôi, góp phần hoàn thiện con người tôi, và đó là cả một chặng đường dài mà tôi phải đi trong suốt cuộc đời”.
Nghe thì có vẻ là kì lạ, nhưng điều này thật là thực tế. Thử tính xem, bạn lượn lờ ngoài đường nửa ngày chỉ để mua được một cái áo, trong khi chưa chắc bạn đã mặc nó luôn luôn. Bạn chầu chực nửa ngày để xem một trận bóng đá (tính từ lúc bạn hồi hộp đợi chờ cho đến khi bạn hăng hái bình luận về nó khi đã kết thúc), trong khi tôi dám chắc bạn chẳng cần ghi nhớ thông tin về nó sau quá một tuần. So với những thứ mà chúng ta chỉ dùng một vài lần trong đời, những thứ đem lại cho chúng ta sự thỏa mãn trong chốc lát, thì chắc chắn, đầu tư cho đọc sách là một sự đầu tư khôn ngoan và lâu dài. Nếu coi thời gian của bạn cũng là một loại tiền bạc, thì khi bạn dùng thời gian để mua một khoái cảm tức thời, có nghĩa là bạn đang tạo ra một tiêu sản- một tài sản tiêu hao, giống như mua một món đồ xa xỉ mà không có ích lợi lâu dài. Còn khi bạn dùng thời gian để đọc sách, có nghĩa là bạn đang đem tài sản của mình gửi vào trong ngân hàng, mua vàng, mua đất đai nhà cửa, cho vay để lãi mẹ đẻ lãi con. Tài sản của bạn là một thứ tài sản gia tăng, không ngừng được tích lũy và sinh ra các giá trị, các nguồn thu nhập thụ động.
Tại sao thời gian đọc sách lại tạo ra các nguồn thu nhập thụ động? Theo qui luật, khi bạn tích lũy được nhiều kiến thức (tức là nhiều thông tin hữu ích trong đầu), thì não bộ của chúng ta trở nên vô cùng nhạy bén và dễ tiếp thu, nhanh chóng ghi nhớ. Tôi thể nghiệm rất sâu sắc điều này. Khi tôi học phổ thông, kiến thức triết học, thông tin về các sự kiện lịch sử là một cái gì đó rất khó ghi nhớ, bởi trong đầu tôi chẳng có sẵn một thông tin nào, mọi khái niệm với tôi đều lạ lẫm, giống như tôi chẳng có sẵn một cái móc áo nào để treo cái áo của tôi lên, và vì thế, lúc đó tôi vừa phải tự làm móc áo, vừa phải tự treo quần áo. Nhưng khi ngoài ba mươi tuổi, theo qui luật tự nhiên, não bộ tôi lẽ ra phải già đi và ghi nhớ khó khăn hơn, nhưng tôi lại cảm thấy đây là thời điểm mà mình tiếp nhận và ghi nhớ thông tin một cách cực kì dễ dàng. Thậm chí, chỉ cần lướt qua các bản tin, các cuốn sách 1 lần, là tôi đã có thể ghi nhớ đến 70%, cái mà trước đó chục năm, tôi đã phải cặm cụi đọc ít nhất 3 lần. Chẳng lẽ, não bộ của tôi thông minh hơn và nó có thể cưỡng lại qui luật lão hóa của tự nhiên?
Thực ra không phải, bản chất của sự ghi nhớ chính là kết nối. Khi chúng ta tiếp thu một thông tin mới, nếu biết cách tổ chức, những thông tin đó sẽ ngay lập tức kết nối với những thông tin đã có, tạo thành một hệ thống nào đó. Và não bộ của chúng ta không ghi nhớ các thông tin một cách rời rạc, mà liên kết, tâp hợp nó thành các nhóm, các hệ thống thông tin. Vì thế, nếu ta có sẵn một lượng thông tin, lượng từ vựng nhất định làm kiến thức nền, thì những thông tin mới trong vùng đó sẽ dễ dàng được “treo” vào não bộ chúng ta một cách nhanh chóng, giống như bạn đã có sẵn nhiều loại mắc áo, và chỉ việc treo chiếc áo của bạn lên mà thôi. Bạn càng có tri thức nền rộng rãi bao nhiêu, bạn càng dễ dàng tiếp thu tri thức mới bấy nhiêu và càng có khả năng thích ứng với muôn ngàn tình huống phong phú của đời sống. Đó là lí do tại sao người ta trở nên thông minh hơn, tư duy tốt hơn khi hiểu biết nhiều thứ, và những bộ óc vĩ đại sở dĩ vĩ đại là bởi nó không ngừng được nạp thêm các thông tin, trở nên vô cùng bén nhạy và sáng tạo.
Sự sáng tạo không đến từ chân không. Tư duy phê phán cũng không phải từ trên trời rơi xuống. Bản chất của sáng tạo là kết nối các thông tin sẵn có theo một cách khác, đặc biệt. Bạn càng có nhiều thông tin trong não bộ, bạn càng có nhiều cơ hội để tổ hợp các thông tin ấy theo nhiều kiểu liên hệ khác nhau, vì vậy bạn càng giàu khả năng sáng tạo. Bạn muốn phê phán, nhưng nếu bạn thiếu thông tin, tức là thiếu hiểu biết, thì tư duy phê phán của bạn sẽ biến bạn trở thành một kẻ bảo thủ, thiển cận, chỉ thấy cây mà không thấy rừng, và điều này thật là tệ hại.
Thi cử học đường thường khiến bạn hình dung các môn học là tách biệt, và cứ hễ học khối A thì chẳng cần biết gì đến Văn Sử Địa, cũng như hễ học khối C thì chỉ cần biết cộng trừ nhân chia là đủ. Thực ra không phải vậy. Về bản chất, tri thức nhân loại là tổng hợp, và cái này hoàn toàn có thể soi sáng, chiếu rọi cho cái kia. Sự chia tách các môn học chẳng qua chỉ là một giai đoạn trong tư duy nhân loại. Trước thế kỉ XIX, các ngành khoa học đã từng tồn tại trong một thể hỗn dung. Pitago hay Acsimet, Heraclit, Talet vừa là nhà triết học, vừa là nhà khoa học. Leona De Vinci vừa là một họa sĩ Phục Hưng nổi tiếng, nhưng đồng thời cũng là một nhà khoa học, ông là người đầu tiên vẽ mô hình máy bay và đưa ra bản thiết kế chiếc xe đạp. Sau thế kỉ XIX, các ngành khoa học mới bị phân tách thành các chuyên môn, biệt loại: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Văn học, Nghệ thuật… trở nên chẳng dính dáng gì đến nhau. Nhưng đến thế kỉ XX, các lý thuyết tương đối, lượng tử, hạt cơ bản, lý thuyết Bigbang đã đưa khoa học và tôn giáo, văn chương xích lại gần nhau. Nếu đọc Thế giới như tôi thấy của Einstein, Vũ trụ và hoa sen của Trịnh Xuân Thuận, ta sẽ thấy khoa học chẳng hề tách rời văn chương, triết học và tôn giáo.
Để có một tri thức tổng hợp và phong phú, không nên chỉ trông chờ vào sách giáo khoa hay chương trình học chính qui trong học đường. Sách giáo khoa hay chương trình chính qui, dù bị kêu ca là nặng, nhưng thực chất vẫn hết sức mỏng manh so với khả năng tiếp thu của một đứa trẻ (điều quan trọng chính là dạy chúng học sách giáo khoa theo cách nào mà thôi, vì một đứa trẻ lên 6 tuổi đã có thể tự mày mò để down các trò game trên mạng về tự chơi, chơi một cách thành thạo những trò khó nhất, chúng có thể xem những bộ phim rất dài, ngôn ngữ rất phức tạp, hà cớ gì chúng lại không thể hiểu nổi những bài thơ ngắn ngủn trong sách giáo khoa). Tích lũy tri thức hàng ngày thông qua đọc sách chính là con đường để mở rộng giới hạn của bản thân.
Huống chi, đọc chẳng phải là một việc nhọc nhằn, nếu bạn xem nó là một cách để thưởng thức cuộc sống. Thử nghĩ mà xem, làm gì có thú vui nào thanh cao và thượng lưu hơn là có một ngày dài, bên cửa số tràn ánh nắng, hay trong một góc công viên yên tĩnh, bạn ngồi đó và đọc. Bạn đắm mình trong một thế giới nào đó khác, sung sướng khi bắt gặp một ý tưởng vĩ đại, khám phá bộ óc kì diệu của nhân loại và phát hiện ra một chiều kích khác của cuộc sống. Bạn vượt ra khỏi sự hữu hạn của cuộc đời thực tại, giống như bước vào một nhà hát hay xem một bộ phim- mọi lo âu toan tính được gạt sang một bên. Và bạn đọc.
Vì thế, đừng nói với tôi: “Em không thể đọc, Em không có thời gian để đọc”. Thay vì đó, bạn hãy nói: “Tôi bận đọc”. Hãy để cho đọc sách ban đầu là một công việc, tiếp đó, là một thói quen và một thú vui trong cuộc sống của bạn.
Nguyễn Thị Ngọc Minh
Giảng viên khoa Ngữ văn, ĐHSPHN
Trả lời