Biết mà không nói là bất nhân. Nói mà không nói hết là bất nghĩa (Nguyễn Trường Tộ)
Ở cái xứ này người như mình chắc chắn được lắm kẻ xếp vào hạng thần kinh, dở hơi, chập mạch,…
Cũng chỉ tại hệ giá trị và phổ giá trị của mình ở nhiều điểm không chỉ không trùng mà còn khác xa với hệ giá trị và phổ giá trị phổ biến của lắm kẻ ở xứ này.
Có thế người ta mới bảo mình hâm đơ, dở hơi, chập mạch, hi hi….
Ngay đến cả các đồng nghiệp, bạn bè chiễn hữu mũi lõ mắt xanh cũng bảo mình “sao chẳng giống người Việt Nam” (ở nhiều suy nghĩ và quan điểm), ha ha…
Hay là mình đầu thai nhầm nơi, nhầm thời?
Hay là mình hâm thật?
Ngẫm đi, nghĩ lại xem ra cả hai phỏng đoán trên đều đúng, hic hic…
Có lẽ mình vừa đầu thai nhầm chỗ, nhầm thời.
Và có lẽ mình cũng hâm thật (ít ra cũng theo cách nhìn của không ít cái đám “tạm gọi là người” ở cái xứ này), hơ hơ…..
Có lẽ phải giơ hay tay lên Giời hô thật to thế này cho thỏa:
Ối Giời ơi là Giời, mình hâm thật rồi, hâm thật rồi! ha ha……
Có hâm thì mới le te chạy đến chỗ người bán kẹo bông (làm bằng đường) cho học sinh trước cổng trường (khi đợi con tan học) và nhắc: anh bán hàng ơi, cảm ơn anh đã dùng túi nilon giữ vệ sinh đồ ăn cho các cháu. Nhưng khi đưa kẹo cho các cháu, anh nên rút lại cái túi nilon để đậy những que kẹo khác, như thế anh vừa tiết kiệm được túi nilon, các cháu học sinh lại không vứt túi bừa bãi. (anh này tuy ít học nhưng xem ra cũng là người có hiểu biết nên gật đầu cảm ơn mình rối rít).
Có hâm mới phóng vụt theo những cháu bé (ngồi sau xe cha mẹ) ném toẹt rác (vỏ bánh hay hộp sữa) ra đường và nhắc khéo các cháu: con gái/trai ơi, mình chưa ngoan rồi, mình vừa vứt rác ra đường. Từ sau con đừng vứt như thế nữa nhé. Tiếp đến là “màn nhắc khéo” cha mẹ chúng: bố/mẹ ơi, con trai/con gái vừa vứt rác xuống đường đấy, bố mẹ chịu khó nhắc con từ sau đừng vứt rác như thế nữa nhé. Mà không chỉ nhắc các cháu bé, lại còn đuổi theo và gõ vào cửa kính xe ô tô (may mà gần chỗ dừng đèn đỏ) và nhắc khéo người đẹp ngồi sau vô lăng: “Em gái xinh đẹp ơi, em làm ơn quay lại nhặt giúp cái túi rác em vừa vứt ra cái nhé”. Người đẹp kể ra cũng ngoan, cười ngượng nghịu tí chút, lụng bụng câu xin lỗi rồi xuống xe quay lại nhặt rác, hic hic…
Có hâm mới tắt máy khi dừng xe chỗ đèn đỏ và còn cố tình nói “khá nhớn” với con trai “đèn đỏ những mấy chục giây, mình tắt xe cho những người đằng sau khỏi phải hít khói độc con ạ, lại vừa đỡ tốn xăng”. Thằng con lúc đầu không hiểu ý mẹ cố tình nói hơi to tí cho cái đám dừng xe quanh đó nghe nên hơi sẵng giọng “khổ quá, con biết rồi mà mẹ cứ nói mãi thế”. Thế mà cũng có tác dụng ra phết, lần nào sau đó cũng thấy một số người tắt máy xe theo mình, hic hic…. Từ ngày tậu được “con” PCX mình thấy thích quá vì con xe này rất ngoan, cứ đến chỗ dừng xe đèn đỏ là tắt máy. Rõ văn minh!
Có hâm mới xót từng ngọn điện, từng giọt nước của cơ quan, chạy le te lái tái như lao công vào các phòng học tắt từng bóng điện, yêu cầu sinh viên, học viên nhặt từng cái rác, trong khi tồng chí, tồng bào hồn nhiên xài đồ cơ quan: dùng điện thoại gọi tĩ tã cho việc riêng, điều hòa chạy xả láng, vừa bật điều hòa vừa mở cửa ra vào "cho nó thoáng, cho có khí trời chứ ngồi điều hòa không hại sức khỏe lắm". Đến trời thu mát mẻ cũng thoải mái mà dùng điều hòa. Hâm quá nên cứ ngưỡng mộ ý thức tiết kiệm của công của người dân và thủ tướng Nhật.
Quá hâm mới “cả gan” cho một loạt học viên (cao học) điểm “Không” bài thi điều kiện, trong đó có một học viên là đồng nghiệp thân thiết (may là chú em cũng rất hiểu và thông cảm cho bà chị) và một học viên là cán bộ Sở Giáo dục Hà Nội với “tội danh” các học viên này đã copy nguyên si bài làm của nhau, chỉ thay mỗi tên. Sau đó là một loạt các cuộc điện thoại, các lời nhờ vả, xin xỏ cho vị cán bộ của Sở nọ, nhưng mình vẫn kiên quyết bảo lưu kết quả. Lý do chỉ đơn giản thế này: giá như vị đó là cán bộ “lìu tìu” của một cơ sở giáo dục “lìu tìu” thì mức nguy hại sẽ rất thấp, nhưng ở những vị trí như thế, nếu nương tay, tạo điều kiện cho đi “đóng tem dán mác rởm” thì mức độ nguy hại sẽ là không lường hết được. Không chỉ thế, lại còn hâm đến mức đình chỉ học 3 học viên với tội danh nhờ người đi học hộ (trong đó có một học viên cũng là cháu của một vị chức sắc trong ĐHQGHN). Đành vậy thôi, chịu vậy thôi, “việc công ta cứ phép công ta làm”, “nhà thì dột từ nóc dột xuống, cá thì thối từ đầu thối đi”, thượng mà bất chính hạ tắc loạn. Đến giáo viên đi học mà còn gian dối thế thì làm sao học sinh có thể trung thực cho được. Chẳng hiểu từ đâu và khi nào trong dân gian có câu tổng kết kể ra cũng khá đúng “Láo nha láo nháo như nhà giáo đi học”.
Lại còn hâm đến mức lên tiếng phản đối kịch liệt việc phong học hàm của một đồng nghiệp. Chắc cũng không ít kẻ sống trong cái hệ giá trị và phổ giá trị phổ biến ở xã hội Việt thời này quả quyết rằng mình hoặc là bị thần kinh, hoặc là nhân cách có vấn đề, thuộc hàng đểu cáng, chơi xấu đồng nghiệp. Hic hic… họ nghĩ hay cảm thế nào là quyền của họ thôi. Trong đời, chưa bao giờ mình mảy may có ý định hay mong muốn thay đổi ý nghĩ của người khác về mình. Họ nghĩ thế nào là quyền của họ, mình không thể thay đổi, không muốn thay đổi và cũng không định thay đổi. Theo sự mách bảo của lương tâm, mình thấy việc gì đáng làm và nên làm thì làm thôi. Giời đất ạ, gần ba chục năm làm việc cùng nhau, năng lực ai thế nào đều rõ tỏng như ban ngày thế mà không ai dám mở miệng ho he một tiếng, thậm chí có vị còn lên giọng hỏi "bằng chứng nào mà chị bảo người ta dốt?". Thú thực, câu hỏi này mình thấy cũng "thông minh" và "chân thật" tựa như câu hỏi "Bằng chứng đâu mà dám bảo ở Việt Nam có tham nhũng và mua bán chức quyền?" [ha ha… và đây là câu trả lời khi bị chất vấn trước quốc hội: "Việc chạy chức chạy quyền bản thân tôi chưa phát hiện thấy" (cựu Bộ trưởng Đỗ Quang Trung) hay "có ai báo với ai đâu mà biết" (Bộ trưởng Trần Văn Tuấn)]. Vâng, xin thưa quí ngài, bằng chứng cho câu hỏi rất "thông minh" và "chân thật, vô tư" của quí ngài chính là đây ạ:
– Tiến sĩ gì mà gần ba chục năm giảng dạy là từng ấy năm “một tấc không đi, một li không rời ….giáo án” (cũ rích), đến nỗi không it sinh viên đã phải rên lên “chúng em nhiều lúc chỉ muốn xông lên giật cái giáo án rồi quăng đi để xem giảng viên dạy tiếp bằng cái gì”. “Danh bất hư truyền” về những giờ giảng này đã đi từ thế hệ sinh viên này sang thế hệ sinh viên khác và cũng đã trở thành “huyền thoại làng giáo”.
– Tiến sĩ gì mà bộ môn có cải tiến cải lùi cái gì thì cứ đến “khâu” đó là tắc tị. Gần ba chục năm mà tổ bộ môn chưa bao giờ dám tin tưởng giao cho bất kì việc gì liên quan đến chuyên môn. Sợ quá, sợ quá…..
– Tiến sĩ gì mà được giao viết một chương trong cái đề tài nghiên cứu khoa học cấp “phường xã” (chắc quí ngài chưa quên đó chính là đề tài do chính quí ngài chủ trì) mà rốt cuộc cũng không dùng nổi một chữ, báo hại một vị khác phải “kéo cày thay trâu”. Lần nào bảo vệ cái gọi là đề tài nghiên cứu khoa học cũng lén lén, lút lút (nhưng lần nào nghiệm thu cũng đạt loại Tốt, he he…), cấm có dám báo cho ai, mời ai đi dự. Đây chính là cảm hứng để mình viết bài "Nghệ thuật đánh du kích trong nghiên cứu khoa học". Cảm ơn, cảm ơn,…
– Tiến sĩ gì mà cũng tham gia lớp nọ lớp kia mà bao năm giời vẫn chỉ “nhìn cái máy tính biết chắc đó không phải là cái tivi”, không thể biết bật tắt nó thế nào chứ đừng nói đến chuyện dùng máy tính hay internet phục vụ cho giảng dạy và nghiên cứu. Rồi ngoại ngữ bao năm giời bẻ bảy không rành một chữ.
Ở đời, phàm những người không có năng lực, không tự đi được bằng đôi chân của mình, ắt sẽ phải sống bằng cách uốn mình luồn lọt, quan hệ móc ngoặc, đổi chác.
Thực ra cũng không tiện kể thêm hàng loạt những cái gọi là bằng chứng nữa kẻo tồng chí, tồng bào lại ngã lăn quay ra mà ngất vì khó mà tin được làm sao ĐHQGHN lại có tiến sĩ “xịn” đến nhường ấy.
Thực ra lúc đầu mình chỉ muốn chuyện này giải quyết êm đẹp và thân tình trong phạm vi tổ chuyên môn. Thế nhưng, có mấy con người với nhau mà không ai dám mở miệng nói thật lấy một câu, dù rằng ai cũng thừa nhận mười mươi rằng vị kia năng lực chuyên môn quá kém. Giá như ai cũng có trách nhiệm, dám nói thẳng nói thật lấy một lời, đằng này kẻ thì ngại va chạm, sợ mất lòng, kẻ thì tư duy theo kiểu “mình có mất gì đâu, tội quái gì mà can thiệp hoặc không ủng hộ”, kẻ thì “ôi giời, cả cái xã hội này bây giờ nó thế, kệ thiên hạ muốn làm gì thì làm”, kẻ thì “bộ môn này ai làm học hàm tôi cũng ủng hộ hết”. Ha ha…. Quá sợ và quá thất vọng về cái đám “trí thức” đó. Chỉ có thể nói tóm gọn trong hai từ là HÈN và VÔ TRÁCH NHIỆM. Phải nghĩ đến học trò chứ. Khắp nơi, khắp chốn ai cũng kêu ca, phàn nàn giáo dục xuống cấp nghiêm trọng, nhiều TS, GS, PGS không đạt chuẩn, thế nhưng ai cũng nhắm mắt làm ngơ, mũ ni che tai thì thử hỏi rồi xã hội này, nền giáo dục này sẽ đi về đâu. Nạn nhân cuối cùng cũng lại là các thế hệ học trò mà thôi. Cái “quyền lực mềm và cơ chế yêu ghét” trong việc phong học hàm ở cái xứ này người ta đã chẳng nói, viết nhan nhản khắp nơi. Ai dám khẳng định là “nghiêm minh” cơ chứ. Nghiêm minh mà đi thuổng công trình của tập thể thành công trình cá nhân bị báo chí phanh phui ầm ầm, tang chứng vật chứng rành rành mà vẫn lừng lững hiên ngang lọt qua cửa ải xét xuyệt GS, sau đó lại còn ngồi chễm chệ trong hội đồng liên ngành chức danh GS nhà nước để xét duyệt học hàm cho những người khác. Thật là bỉ ổi hết chỗ nói!
Những gì thấy cần làm và nên làm mình đều đã làm cả: nói chuyện thẳng thắn và chân tình với đương sự (qua điện thoại) và với các đồng nghiệp khác (trực tiếp). Với đương sự nói qua qua điện thoại vì đương sự không ở Hà Nội. Sau đó, đương sự vu khống là mình đã gọi điện “trấn áp, khủng bố tinh thần”. Hic, thật may là mình đã tỉnh táo mà ghi âm lại cuộc gọi điện này. Không chỉ thế, đương sự sau đó còn bịa đặt rất nhiều điều trong một bức thư dài 10 trang được gửi đi khắp nơi, trong đó lắm điều vu khống và suy diễn nghe cực thảm cảnh và thê lương. He he… mình chẳng hơi đâu quan tâm hay thanh minh thanh nga làm quái gì cho nhọc xác, hic….. Ai muốn nói gì, nghĩ gì là quyền của họ. Thực ra nếu năng lực vị này ở mức trung bình, hoặc "trung bình non" hay "trung bình vớt" thì mình cũng chẳng hơi đâu mà lên tiếng làm gì cho mất thời giờ.
Nhưng thật đáng tiếc thay, ở đời, để thấu hiểu được triết lý “tri túc, tri chỉ” (biết cái gì là đủ với mình, biết chỗ mình phải dừng lại là ở đâu) của Lão Tử xem ra là quá khó đối với nhiều người. Bởi thế, không ít kẻ cứ bằng mọi giá cố khoác cho bằng được cái áo không phải của mình hoặc cái áo quá rộng so với mình. Mình thì khác, mình chỉ mặc cái áo của mình và cái áo vừa với mình. Để tự biết mình và đánh giá đúng bản thân mình có lẽ là quá sức với không ít người. Lại nhớ chuyện thằng Cống nhà mình hồi lớp 8. Cuối học kì I, cô chủ nhiệm hỏi Cống tự nhận hạnh kiểm gì thì Cống trả lời “Thưa cô, con tự nhận hạnh kiểm Trung bình”. Cô giáo chủ nhiệm bực lắm vì Cống nói thẳng tưng như thế, không khóc lóc van xin gì cả. Cô kể với mẹ, mẹ hỏi Cống tại sao lại thế thì Cống bảo: “Vào ra phòng giám thị đến mấy lần thì phải tự nhận hạnh kiểm trung bình chứ mẹ. Nhận khá hay tốt để cả lớp chúng nó cười cho thối mũi ra à.”
Mẹ nghe xong thấy hài lòng vì Cống xem ra là cậu bé rất có tự trọng và liêm sỉ.
Một thằng bé con nhưng sự tự trọng và liêm sỉ còn hơn hẳn vị tiến sĩ nọ.
Ha ha… màn bi hài kịch hay nhất là sau khi sự việc xảy ra không chỉ bộ môn mà cả trường nhớn nhác, hic hic…. Lắm kẻ bảo "đất tầng 5 động mồ động mả hay sao mà hết tổ… , nay lại đến tổ…… đấu đá nhau tưng bừng", có kẻ còn "bi kịch hóa" lên nữa "gay quá, gay quá phải cúng bái khẩn trương", có những kẻ thì hốt hoảng hô hoán "phải nhanh chóng giải quyết ngay tình trạng này, nếu cứ thế này thì về sau còn ai dám làm học hàm nữa",….. Ha ha, Giời ơi là Giời, các vị cứ làm việc đường hoàng, chuyên môn tử tế, tư cách tử tế xem có ai dám ho he câu nào. Làm ăn kiểu bạc nhạc, bầy nhầy, kiểu "đi đêm" thì chắc cũng khó tránh có lúc "gặp ma".
Trong cuộc trò chuyện với một người bạn vong niên, một bậc trí thức vừa có tâm vừa có tầm, và là người tri âm, tri kỉ, mình đã hỏi liệu việc mình lên tiếng phản đối như thế có gì là không đúng, không nên, liệu có phải mình làm như thế là đã không đúng với triết lý của đạo Khổng “Kỉ sở bất dục vật thi ư nhân” (cái mình không muốn thì đừng làm cho người khác). Người bạn mình cười và hóm hỉnh bảo:
– Một đứa trẻ có làm điều gì đó không ngoan không bao giờ muốn bị cha mẹ hay thầy cô phạt, một kẻ phạm tội không bao giờ muốn bị xử tù. Nhưng tội cần phạt vẫn phải phạt, cần xử tù vẫn phải xử tù. Trong trường hợp này thì cái chỗ cần đặt mình vào để thấu hiểu là sinh viên chứ không phải ai khác. Việc này nên làm và làm là vì sinh viên chứ không vì bất kì ai khác cả.
Quá đúng, quá đúng! Quá hay, quá hay!
Có lần một đồng nghiệp bảo với mình thế này:
– Em làm việc ấy làm gì. Cả cái xã hội này giờ thế, mặc kệ họ đi. Chết là hết ấy mà, hơi đâu mà quan tâm làm gì cho mệt xác.
Mình nghe thấy thế bảo luôn:
– Ai rồi cũng chết cả, nhưng xã hội thì không chết, bọn trẻ còn phải sống. Người lớn, các bậc trí thức trong xã hội ai mà cũng nghĩ vô trách nhiệm như thế thì bọn trẻ nó biết trông vào đâu mà sống cho tử tế nữa đây.
Nghe mình nói thế, vị này im thin thít.
Và có lần mình hỏi một học trò đặc biệt của mình (một vị sư trụ trì ở chùa Trấn Quốc) một câu như thế này:
– Theo đạo Phật thì sẽ xử trí thế nào khi thấy một hiện tượng tiêu cực trong xã hội? có nên phanh phui và chống tiêu cực hay không?
Vị sư trả lời:
– Theo luật nhân quả thì gieo nhân nào sẽ gặp quả ấy. Người làm việc ác sẽ gặp điều ác, người làm việc thiện sẽ gặt hái điều thiện, nên nếu người nào làm điều tiêu cực ắt sẽ bị trừng phạt. Một năm chưa bị thì vài ba năm sau, vài ba chục năm sau, thậm chí một trăm năm sau, kiếp sau.
Mình nghe thế thì nói luôn
– Nếu quả đúng như vậy thì xã hội loài người chắc không còn cần đến tòa án và pháp luật. Những hiện tượng tiêu cực không cần chống cũng sẽ tự khắc bị tiêu diệt. Vấn đề là phải biết học cách chờ đợi. Chờ đợi vài chục năm, thậm chí là vài trăm năm…. Tốt, vấn đề chỉ còn ở chỗ là biết và nên học cách chờ đợi….
Vị sư im lặng nhìn mình….
Thực ra mình đã rất vui, tự tin và lạc quan hơn với cuộc đời này khi hơn 500 giảng viên các trường đại học đều tuyệt đối tán thành và ủng hộ việc làm này của mình. Họ là những trí thức trẻ nhưng biết cổ súy cho những cái đúng, những cái tích cực. Không chỉ thế, nhiều bậc thuộc hàng trưởng lão trong ngành giáo dục nước nhà cũng đã hoàn toàn ủng hộ quan điểm của mình. Chỉ cần thế thôi mà mình hi vọng cái xã hội này còn có "cơ" khá lên được.
Nếu mình mà sống ở nông thôn ngày xưa thì chỉ còn 2 ngày nữa thôi là mình bước sang cái tuổi được làng cho vào hàng các cụ, được “lên lão”. Hì hì… cụ gì mà cụ ăn chơi tưng bừng, lão gì mà lão cười toe cười toét suốt thế nhỉ.
Mình quyết không thành cụ, không lên “lão” đâu nhé, he he….
Và mình cũng quyết chỉ "hâm đủ dùng" thôi đấy, hơ hơ….
{jcomments on}
Khách says
Em đặc biệt thích 2 câu đối đáp của cô với đồng nghiệp và vị sư trụ trì ý 😀
À, mà cô cứ tiếp tục làm người “hâm đơ, dở hơi, chập mạch” cô nhá. Thực tế là xã hội này đang cần rất rất nhiều người như thế đấy ạ 🙂
Khách says
Cô ơi, bài này cô viết hay lắm ạ!
Em ủng hộ cô, và chân thành cảm ơn cô vì những gì cô đã làm…tất cả đều có ý nghĩa và giá trị to lớn đối với tương lai của thế hệ trẻ chúng em!
Năm mới Tân Mão, em kính chúc cô luôn mạnh khỏe, vui vẻ, luôn tràn đầy nhiệt huyết và sức sống như thế này!
Khách says
Em có một ước ao, em có một khát khao … là … là … trên đời này có thật nhiều người hâm đơ, dở hơi, chập mạch như thế này để cho “bọn trẻ con lang thang cơ nhỡ” như chúng em được nhờ ạ.
Kẻ hâm đơ, dở hơi, chập mạch này đã làm thay đổi bao nhiêu cách nhìn, cách nghĩ, cách sống, làm đổi thay bao nhiêu cuộc đời, bao nhiêu số phận. Hâm gì mà tài thế nhỉ!
Mong cô cứ hâm đơ mãi thế nhé!
Khách says
Em thấy chị rất VIỆT NAM đấy chứ-dũng cảm và nhân hậu. Nhờ những người có cốt cách như chị, em tin xã hội mình sẽ dần đẹp hơn và tiến gần hơn tới sự văn minh. Sinh viên rất cần những người như chị, em – người có con sắp là sinh viên cũng rất cần những người như chị và chắc chắn, bất cứ vị lãnh đạo, đồng nghiệp nào có TÂM, ĐỨC, TÀI ở trường ĐH của chị cũng phải cần những người giáo viên như chị.Thật tiếc cho những ai chưa được có phút hàn huyên với chị và em thấy mình thật may mắn.
Khách says
@ Mai Xuan:hâm lắm, dở hơi lắm, ko thay đổi được đâu em ạ, hi hi….
@ Hientuan: Ôi em ơi là em ơi, chỉ có những người “đầu óc sạch sẽ” mới “dám” yêu quí chị thôi, chứ cái đám “nhớp nháp” còn lại thì hãi chị đến “vãi tè” ra ấy, he he…
Khách says
“Người hâm” ơi, con ngưỡng mộ “người hâm” lắm lắm. Giá mà xã hội này có thiệt nhiều những người hâm được như vậy, dở hơi được như vậy. Tiếc là kẻ “hâm” ít quá. Tự bạch cuối năm của cô nhưng là điều đáng suy nghĩ cho nhiều người. Đoạn đầu con vừa đọc vừa cười, vừa hình dung ra cảnh BBM chặn xe ô tô rồi lao theo xe máy 🙂 Đoạn sau về người đồng nghiệp của cô mà rồi cũng là đồng nghiệp của con, con đọc lại thấy chán nản quá (lại kèm với món cháo QLNN đang bày trước mặt nữa –> thêm ngao ngán) Điều làm con sướng nhất là Cống béo biết hâm từ bé rồi đây! 🙂
Khách says
Kiểu người thế này mà sống trong bối cảnh cuộc sống hiện nay thì đúng là “hâm” thật. Tôi đặc biệt quý trọng biết bao cái “hâm” trong việc phản đối kịch liệt một vị nào đó thích súng sính phẩm hàm, thích “mặc áo của người khác” . Chao ôi! nếu quả đúng khả năng của vị ấy”tuyệt vời” như vậy thì hành động phản đối rất “hâm” này phải được coi là một việc làm đầy bản lĩnh của của một người có lòng tự trọng và có nhân cách. Sự trung thực, biết ghét, biết khinh cái giả dối là biểu hiện đẹp nhất của nhân cách Con Người!
Khách says
Giá mà có đề tài NCKH nào thống kê giúp xem đất nước mình có bao nhiêu trí thức “hâm” thế này và bao nhiêu “Tiến sĩ” “xịn” (như trong bài viết) thì hay quá nhỉ.
Khách says
@ LeD:
Tuyệt! Ý tưởng hay tuyệt đấy.
Có lẽ phải đề đạt lên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT làm cái đề tài HOÀNH TRÁNG cái nhể. Không biết nên là đề tài cấp quốc gia hay quốc tế đây?
Khách says
“Em có một ước ao, em có một khát khao”, đó là : Giá như có thật nhiều người đọc được những dòng tâm sự này để rồi ngẫm nghĩ và điều chỉnh những hành vi chưa được “hâm” của mình.
Khách says
Lâu lắm mới ghé qua nhà cô! và cũng lâu lắm rồi em mới được nghe lại giọng điệu trào phúng của cô! Hihi. Hay lắm cô ạ! Ước gì xã hội này có thật nhiều người “hâm”, “đơ” như thế cô nhỉ? 😆
Khách says
Cô Hoa thân mến,
Chuyện phản đối việc vị “Tiến (dần)lên Sĩ” kia của cô là quá chuẩn rồi, chẳng cần lăn tăn gì cô ạ. I’m totally on your side. 😉
Đôi dòng tự bạch “ăn theo”: Nhờ có những bài học của cô trong năm vừa qua em thấy mình cũng “hâm” ra nhiều lắm. Giờ gặp đèn đỏ cũng biết tắt máy, vứt rác ra đường đã biết ngượng tay, .. Thật là cũng thấy mình “hâm” dần đều, thật cũng thấy mừng lắm lắm! 😆
Bệ hạ vạn TẾU van TUẾ, vạn vạn THẾ 8)
Kính yêu,
Thịn sẹo 😛
Khách says
😆
Khách says
hix, hay quá cô ơi, cô làm tốt lắm. Thật đáng ngưỡng mộ, giá mà cái xã hội này có thật nhiều người ‘hâm’ như cô nhỉ? :P. Bài tự bạch của cô đáng để cho nhiều người phải suy nghĩ lại mình bởi lẽ người ‘hâm’ như cô thì ít lém, hihi :-*
Khách says
Đầu Xuân xông đất nhà Cô Phương Hoa!
Chúc Cô một năm mới “khỏe, đẹp, vô tư và nụ cười toe toét luôn nở trên môi!”
Em là cậu học viên may mắn được học Cô một học phần trong đợt tập huấn “Nghiệp vụ sư phạm”.
Thực sự ngay từ buổi đầu tiếp xúc, Em đã nhận thấy cái “thần” trong con người Cô! Một phong cách giảng dạy vô cùng dễ tiếp thu với phong thái, body language rất tự nhiên. Và ấn tượng bởi điệu cười “Minh Vượng” 😛
Em đã đọc khá nhiều bài viết trên site này của Cô, nhưng bài viết này làm Em thấy quá ấn tượng. Đúng là cái xã hội Việt Nam hiện nay có quá nhiều điều “chướng tai, gai mắt”. Ngay cả trong cái môi trường nhỏ nhoi là nơi Em đang công tác cũng có quá lắm chuyện phải bàn, phải suy nghĩ.
Nhưng Cô ạ, có lẽ Cô, Em, hay những người có ý thức chống lại cái bất công, cái sai trái tại nơi mình công tác, hay rộng ra là các xã hội này cũng chỉ như “Đôn ki hô tê” đánh nhau với Cối xay gió! Đất nước ngày một phát triển. Em cũng tin lời nhà sư trụ trì, tin vào luật Nhân Quả trong đạo Phật mà tự an ủi lòng mình. “Ở hiền gặp lành!”
Một lần nữa chúc Cô mạnh khỏe, và luôn có những quyết định, cách làm sáng suốt. Xứng đáng là “Người thầy đáng kính”!
Khách says
Cảm ơn, cảm ơn mọi người. Quyết hâm đủ dùng thôi mà, ha ha….
@ Delfy_Coltech: theo em, việc làm của cô có phải là “ở hiền” ko? Cũng có vài kẻ cho là ác độc, khốn nạn đấy, he he…
Khách says
Em thấy tâm đắc với câu nói của GS Vũ Đình Hòe “Nếu giật bằng cao chỉ cốt để leo cao cho dễ dàng mưu lợi riêng thì dẫu có danh viện sĩ cũng chỉ là kẻ cơ hội có mảnh văn bằng, chứ quyết không phải là trí thức. Người trí thức trước hết phải có nhân cách”.
Vậy, trường ĐHNN của chị nên cần những người tri thức có nhân cách chứ không nên tạo điều kiện để cho “ra lò” những kẻ cơ hội có văn bằng. Em hy vọng đồng nghiệp ở bài viết trên của chị sẽ phải xây và giữ cho mình một nhân cách.
Khách says
Mỗi quan điểm đều có thể nhìn nhận theo nhiều chiều hướng khác nhau đúng không cô!
Việc làm của Cô là đúng với những người biết đấu tranh vì sự bất công. Tuy nhiên, nó lại làm nhức mắt những kẻ vụ lợi, ham quyền tước.
Nhưng làm được như cô không phải là ai cũng có thể. Do vậy, cô cứ vững tin vào điều mình đã làm và chiến đấu đến cũng cho sự công bằng Cô nhé. Dù biết là bị lắm kẻ ghét. ^^
Khách says
😀
có lẽ chúng ta cần nhiều người “hâm” hơn nữa ạ!
Khách says
Xã hội còn những người như Cô thì em cũng phần nào thấy nhẹ nhàng, và không quá chán nản với cái cơ chế của nhà nước này. Cảm ơn Cô vì đã cho em có thêm niềm tin, bớt đi phần nào những tiêu cực. Nhiều khi em muốn làm một điều gì đó để thay đổi tương lai của chính mình, nhưng nhìn lại cái cơ chế hiện tại mà em thấy nản lòng. giường như thời cuộc bây giờ lại quay trở lại với thời ” con vua thì lại làm vua…”,mình là con sãi thì bao giờ mới nên cơm cháo gì…, chán nản vô cùng Cô à. Làm việc dù tốt hay không tốt, có cố gắng đến thế nào cũng chẳng bao giờ được lời động viêc, góp ý của BGH. Ai làm gì thì làm, dạy thế nào thì dạy. Họp hành, đại hội tham luận đưa lên nhiều ý tưởng các ông các bà cứ gật đâu, tấm tắc khen hay, tâm đắc rồi cuối cùng sau khi bế mạc chờ đợi vẫn cứ là chờ đợi chẳng biết cái hay ho ấy bao giờ mới được đưa vào thực thi…Cuối năm đánh giá. xếp loại trừ các ông các bà ấy ra là tốt đẹp hết, còn lại ai cũng như ai. thằng làm tốt cũng như không, thằng tâm huyết cũng như thằng ui làm cho hết giờ, đến tháng lĩnh lương thế là xong…Còn nhiều thực tế nữa cơ. đây mới chỉ là những điều nhỏ nhặt….Ui chán. Sao họ nói thì hay thế mà chẳng làm nổi việc gì mang tính đột phá của những người lãnh đạo, chỉ tội học sinh và phụ huynh nghèo.
” Nghề giáo là nghề cao quí nhất trong những nghề cao quý”, hix em thấy xấu hổ vì điều này với thực tế hiện nay… 🙁
Khách says
trí thức nước mình có đến một nữa là trí ngủ rồi cô ơi
Khách says
@ Quốc Trịnh: cô sợ là con số đó còn khiêm tốn quá, ha ha…
Khách says
Đến Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước còn được biết trước khi bầu cử cả mấy tháng mà không nghe ai nói gì nữa là …
Khách says
Em chào cô.
Đây là lần đầu tiên em đọc bài viết của cô và em cảm nhận thấy cái tâm huyết đích thực của 1 nhà giáo chân chính chảy trong con người và tác phẩm của cô.
Em nghĩ còn có 1 lí do nữa khiến cho rất nhiều người ko dám đứng lên phanh phui sự thật trong câu chuyện của cô. Đó là 1 phần trong số họ chưa có đủ niềm tin và can đảm để chống lại cái ác. Họ nghĩ rằng mình chỉ là 1 cá nhân nhỏ bé trong xã hội. Tiếng nói của họ ko đủ trọng lượng để thay đổi đc cái hiện thực xấu xa này và cứ thế cứ thế họ chìm trong màn đêm của sự im lặng.
Bởi vậy, họ chỉ dám đứng sau ủng hộ những người như cô – người đã đạt đc 1 địa vị nhất định, có tầm ảnh hưởng đến người khác, có thể đứng vững mà ko sợ ông này bà kia vùi dập. Cô nói rằng có hơn 500 giảng viên các trường đại học ủng hộ quan điểm của cô. Nhưng nếu cô bảo họ tự đứng lên, bày tỏ sự phản đối với cái nạn bằng cấp giả, luồn cúi, quan liêu trong giáo dục …. thì bao nhiêu phần trăm trong số đó dám làm? Em nghĩ rằng sẽ có những người dám làm một mình nhưng số đó không nhiều.
Tuy nhiên, nếu xã hội Việt Nam rối ren, bon chen này ko có những con người dám nói thẳng, nói thật như cô thì niềm tin và hi vọng 1 sự thay đổi trong đôi mắt, suy nghĩ của con trẻ chúng em sẽ bị thui chột rồi dần dần tan thành tro bụi mất cô ạ. Chính vì thế tự đáy lòng mình em vô cùng biết ơn cô.
Cảm ơn cô – người thầy thứ 3 đã dạy em và thắp sáng trong em những niềm tin hi vọng về cái nghề giáo này – nghê mà người đời thường nói rằng nó “bạc” lắm.
Thực sự, em đã ấp ủ giấc mơ đc trở thành giáo viên từ khi còn nhỏ. Mặc dù vậy, sau mỗi cấp học em lại thấy dường như cái ước mơ cao đẹp đó của mình đang bị nhạt dần đi, bị chà đạp và ko còn đáng tin nữa. Cấp 1, cấp 2 rồi cả cấp 3 cũng vậy, ở mỗi cấp học em đều có 1 vụ xích mích với giáo viên. Thậm chí năm cấp 2 còn xảy ra 2 lần cô ạ. Em vô cùng ức chế vs cách cư xử của họ – những người lẽ ra phải gieo mầm ước mơ hoài bão, lý tưởng tươi đẹp cho học sinh chứ. Em không muốn là con rối cho người khác giật dây, ko muốn phải từ bỏ cái ước mơ của mình nhưng khó quá để giữ đc mình ko bị vẩn đục trong cái xã hội này cô ơi.
Em thích quan điểm sống của cô: “Họ thích nghĩ về mình thế nào thì nghĩ, đó là quyền của họ. Mình chỉ làm những gì mình cho là đúng”. Tóm lại chỉ cần thấy mình hài lòng, thấy việc làm của mình ko đi ngược lại những quy tắc sống của mình là ta làm thôi. Bởi lẽ đơn giản: đó là cuộc sống của riêng ta, ta phải chịu trách nhiệm với nó. Không ai có thể sống thay ta, bởi thế ko tội gì phải mệt xác để ý quá nhiều đến cái nhìn của người đời dành cho mình.
Quan niệm của nhà sư (học trò đặc biệt của cô) không sai, nhưng cứ sống cứ chờ và đợi như vậy đến bao giờ? (em cũng đã lấy đó làm phương châm sống của mình)
Em cảm ơn cô và những người thầy như cô đã dạy cho chúng em những kinh nghiệm sống thực sự quý báu. Cô hãy cứ tiếp tục quá trình làm thức dậy những giác quan, xúc cảm, thái độ sống tích cực trong mỗi con người như vậy cô nhé!
Khách says
Em chào cô.
Đây là lần đầu tiên em đọc bài viết của cô và em cảm nhận thấy cái tâm huyết đích thực của 1 nhà giáo chân chính chảy trong con người và tác phẩm của cô.
Em nghĩ còn có 1 lí do nữa khiến cho rất nhiều người ko dám đứng lên phanh phui sự thật trong câu chuyện của cô. Đó là họ chưa có đủ niềm tin và can đảm để chống lại cái ác. Họ nghĩ rằng mình chỉ là 1 cá nhân nhỏ bé trong xã hội. Tiếng nói của họ ko đủ trọng lượng để thay đổi đc cái hiện thực xấu xa này và cứ thế cứ thế họ chìm trong màn đêm của sự im lặng.
Bởi vậy, họ chỉ dám đứng sau ủng hộ những người như cô – người đã đạt đc 1 địa vị nhất định, có tầm ảnh hưởng đến người khác, có thể đứng vững mà ko sợ ông này bà kia vùi dập. Cô nói rằng có hơn 500 giảng viên các trường đại học ủng hộ quan điểm của cô. Nhưng nếu cô bảo họ tự đứng lên, bày tỏ sự phản đối với cái nạn bằng cấp giả, luồn cúi, quan liêu trong giáo dục …. thì bao nhiêu phần trăm trong số đó dám làm? Em nghĩ rằng sẽ có những người dám làm một mình nhưng số đó không nhiều.
Tuy nhiên, nếu xã hội Việt Nam rối ren, bon chen này ko có những con người dám nói thẳng, nói thật như cô thì niềm tin và hi vọng 1 sự thay đổi trong đôi mắt, suy nghĩ của con trẻ chúng em sẽ bị thui chột rồi dần dần tan thành tro bụi mất cô ạ. Chính vì thế tự đáy lòng mình em vô cùng biết ơn cô.
Cảm ơn cô – người thầy thứ 3 đã dạy em và thắp sáng trong em những niềm tin hi vọng về cái nghề giáo này – nghê mà người đời thường nói rằng nó “bạc” lắm.
Thực sự, em đã ấp ủ giấc mơ đc trở thành giáo viên từ khi còn nhỏ. Mặc dù vậy, sau mỗi cấp học em lại thấy dường như cái ước mơ cao đẹo đó của mình đang bị nhạt dần đi, bị chà đạp và ko còn đáng tin nữa. Cấp 1, cấp 2 rồi cả cấp 3 cũng vậy, ở mỗi cấp học em đều có 1 vụ xích mích với giáo viên. Thậm chí năm cấp 2 còn xảy ra 2 lần cô ạ. Em vô cùng ức chế vs cách cư xử của họ – những người lẽ ra phải gieo mầm ước mơ hoài bão, lý tưởng tươi đẹp cho học sinh chứ. Em không muốn là con rối cho người khác giật dây, ko muốn phải từ bỏ cái ước mơ của mình nhưng qua khó để giữ đc mình ko bị vẩn đục trong cái xã hội này.
Em thích quan điểm sống của cô: “Họ thích nghĩ về mình thế nào thì nghĩ, đó là quyền của họ. Mình chỉ làm những gì mình cho là đúng”. Tóm lại chỉ cần thấy mình hài lòng, thấy việc làm của mình ko đi ngược lại những quy tắc sống của mình là ta làm thôi. Bởi lẽ đơn giản: đó là cuộc sống của riêng ta, ta phải chịu trách nhiệm với nó. Không ai có thể sống thay ta, bởi thế ko tội gì phải mệt xác để ý quá nhiều đến cái nhìn của người đời dành cho mình (em cũng đã lấy đó làm phương châm sống cho mình và cách đó thực sự làm cho tâm hồn mình đc thoải mái hơn)
Quan niệm của nhà sư (học trò đặc biệt của cô) không sai, nhưng cứ sống cứ chờ và đợi như vậy đến bao giờ?
Em cảm ơn cô và những người thầy như cô đã dạy cho chúng em những kinh nghiệm sống thực sự quý báu. Cô hãy cứ tiếp tục quá trình làm thức dậy những giác quan, xúc cảm, thái độ sống tích cực trong mỗi con người như vậy cô nhé! 😆
Khách says
@ Huong:
comment của em hay quá. Cảm ơn nhìu nhìu nha.
Các học viên họ ủng hộ cho việc làm của mình là tốt lắm rồi. Có khởi đầu đó thì mới có thể hi vọng sau này họ sẽ có bản lĩnh để thực hiện chứ, phải không?
Chúc vui nhiều nha.
Khách says
trong quang doi di hoc e chua bao gio duoc gap, duoc hoc, duoc chung kien mot co giao nhu co. Co le co se la nguoi duy nhat trong 21 nam ve truoc va vai chuc nam sau nay e duoc biet . hi hi. Co oi em yeu co du co se mai chang bao gio biet mot nguoi ham mo co nhu the nay hi
Khách says
@ Nguyen Thi Thu Trang:
Hic hic… vui thía. Cảm ơn nhìu nhìu nha.
Chúc vui
Khách says
Co kinh men!
Em doc bai tu bach cua co ma trong long co gi do cu nghen lai. Duong nhu co rat nhieu dieu muon noi nhung chang biet bat dau tu dau. Em cung da tung xach tui nilong chua day chat long do say xe ma e da thai ra suot tu Ha Tay ve toi ben xe Nam Dinh de tim mot thung rac vat vao chu khong muon vut ra ngoai duong nhung roi khi toi ben xe lai phai o le duong vi tim mai chang co thung rac nao o do. Em cung da tung bi mot dua ban gian vi da tu choi loi de nghi cua no la giup do em no trong ki thi dai hoc ( hoi sinh vien e duoc di coi thi tuyen sinh DH tai truong va coi dung vao phong em dua ban thi ). Em cung da tung bi giao vien chu nhiem lop em day noi la cham bai khat khe va khong dua cho ho duyet diem so cua hoc sinh truoc de tao dieu kien cho lop co nhieu hoc sinh TT, hoc sinh gioi,…Em cung da tung lam nhung dieu nhu the nhung khong duoc ai ung ho. Em thay rat chan nan voi con nguoi cuoc song va xa hoi ngay nay co a. Dac biet la nen giao duc cua Viet Nam, toan la chay theo thanh tich, hinh thuc, roi tieu cuc,…Em moi ra truong duoc 5 nam nhung cang ngay em cang cam thay chan nan voi nghe day hoc. Giao vien tre chung e moi ra truong du co nang luc nhung hau nhu khong duoc thua nhan, tieng noi trong nha truong hau nhu khong co. Luc nao cung mang mot tam ly do la moi ra truong khong hieu biet khong co kinh nghiem bang cac the he di truoc, Neu cu co gang phat huy thi lai bi noi la ra ve khong biet coi ai ra gi. Em cung la mot dua kha vung vang khi ra truong, luon co y chi vuon len nhung nhieu luc em thay buon lam co a.
Tuan truoc em moi duoc hoc mon Li luan day hoc hien dai cua co em thuc su bi cuon hut. Khong chi la kien thuc va phuong phap giang day ma la chinh con nguoi co. Co oi nhung em co mot dieu thac mac muon hoi co. Co cho em duoc noi that long nha. Em thay co rat say me va nhiet huyet voi the he tre. Nhung tai sao co khong tham gia vao lam quan ly giao duc. Neu nhu doi ngu quan ly giao duc ma co duoc nhung nguoi nhu co thi chac chan nen giao duc se co co hoi thay doi. ” Mot nguoi lam quan, ca ho duoc nho ” nhung nhung nguoi nhu co se la nhung ong quan liem khiet va se khong chi co mot ho duoc nho ma se la tram ho duoc nho co a. Em nghi nhu the cung se tot dep hon dung khong co.
Khách says
@ Anh Dao:
Cô mà là em thì cô sẽ “mặc xác” thiên hạ, cứ lẳng lặng làm thật tốt công việc của mình. Làm tốt để được học sinh thừa nhận mình là điều đáng quan tâm nhất. Cứ “từ từ rồi khoai sẽ nhừ” hi hi…
Hãy tự tạo cho mình niềm vui trong cuộc sống và trong công việc, cố gắng đừng để cuộc đời mình bị phụ thuộc vào “cái đám xung quanh”.
Chúc vui.
Khách says
em cảm ơn cô về bài viết
Khách says
Em chào cô ạ!
Thưa cô, hôm nay được đọc bài viết này của cô đối với em là một điều may mắn.Từ thẳm sâu trong tâm hồn mình em rất khâm phục cô.Em thực sự khâm phục cô không chỉ ở kiến thức mà còn ở nhân cách của cô.Em cám ơn ông trời đã cho sinh viên chúng em được học cô.Em sẽ luôn nhìn vào cô như một tấm gương để học tập.Em cầu mong những điều tôt đẹp luôn đến với cô và gia đình thân yêu của cô!
SV của cô
Thu Hường
Khách says
Người” Hâm như Cô Hoa” xưa nay rất hiếm, em nói thật đấy.Rất hiếm!Em mà Hâm như cấp độ cô “Chúng nó đập chết”, vì yếu và hiền như con thỏ…
Tự thấy mình cũng có 1 chút hâm như cô, thấy cái gì sai trái hay nói, nói như “ Đại bác bắn vào tương lai của chính mình” . Đơn cử như chuyện: GV thương mại hóa các chuyến đi tham quan của SV,Làm tiền SV bằng nhiều hình thức (và nhiều vấn đề khác)… Vì bất bình và bảo vệ quyền lợi SV nên nói. SV khổ thế còn gì, nhiều tầng áp bức bóc lột thế còn gì. Mình là GV mà không dám nói tại sao SV chúng nó dám nói? Nói bằng hình thức này hay hình thức khác đều là phản biện xã hội góp phần làm cho môi trường sống” Không bị ô nhiễm”.Có những vấn đề em nói thẳng trong cuộc họp nhưng lại bị lãng tránh. Một là em nói đúng hoặc đặt điều vu khống (Nói sai em chịu tránh nhiệm- ngang ngay sổ thẳng thế còn gì), hai là họ sai và chuyện đó hiển nhiên như thế thì cách xử lý ntn…Đến nay em hiểu vấn đề không phải như thế…Dại thật! Cứ sống thật làm gì…sống Giả và chân giả lại tốt hơn…có khi còn được làm quan đấy nhỉ. Một vài người khôn ngoan luôn nghĩ nói thật sẽ tạo nên sự mất đoàn kết, nói thật và sống thật sẽ tạo nên sự bất ổn …nên không dám nói. Vợ em và mọi người xung quanh luôn nói giống như tay GV đồng nghiệp của cô “Cả cái xã hội này giờ thế, mặc kệ họ đi, hơi đâu mà quan tâm làm gì cho mệt xác. Lương cuối tháng nhận đủ là được…”Trường em cũng có nhiều vấn đề liên quan đến đạo đức nhà giáo, nhưng Sếp em không biết vì cao quá và xa quá. Một số kẻ cơ hội luôn tâu báo với Sếp “Em như một kẻ gây bất ổn” và Sếp thường thích nịnh và khen cô ạ, nh Em nói thật tất tần tật những thông tin và cả chứng cứ em biết, em bảo đảm Sếp mất ngủ luôn…nhưng rồi đâu sẽ vào đấy.Tệ thế đấy cô ạ, họ sẽ ghét mình nhiều hơn, không chừng sẽ bị trù dập…vì gây ảnh hưởng đến uy tín cá nhân, Đảng viên, thương hiệu nhà trường.
Một thương hiệu tốt cần được xây dựng trên dựa trên một chiến lược lâu dài, trên cơ sở đạo đức,lòng tin và các giá trị chuẩn mực được kiểm định bởi thời gian một cách định lượng phải không cô? Những gì em nói không chừng sẽ bị cho là ảnh hưởng đến thương hiệu của trường nên thôi cô ạ.Cái xấu thường có thế lực mạnh và chi phối, lấn át cái Tốt đến tội nghiệp. Tại sao những người Hâm luôn phải tự động viên mình: Tôi ơi! Đừng tuyệt vọng.
Chắc đến đây, em phải đi Châu Quỳ để “Chữa bệnh Hâm” đấy cô ạ!
Khách says
@ Quangmt69:
He he… các Sếp ở xứ này đâu đâu cũng giống nhau cả thôi, đừng hi vọng họ thay đổi gì.
Sống ở cái XH này thời này nhiều khi mệt mỏi thế đấy, muốn vứt bỏ hết cho nhẹ người nhưng cứ nghĩ đến học trò là lại phải cố gắng thôi em ạ. Mình ko có bản lĩnh sống làm sao giúp học trò tạo bản lĩnh sống được hả em?
Còn vấn đế “thương hiệu” nhà trường hả? Toàn vỗ ngực tự nhận chứ có kết quả kiểm định đánh giá gì đâu mà bảo thương hiệu. Riêng trường em thì cô chưa thấy thương hiệu ở đâu cả nhé, hi hi…
Cứ vui vẻ mà sống em ạ. Hơi đâu mà đặt cuộc đời mình vào những nỗi buồn vui của thiên hạ cơ chứ. Nói nôm na là “mặc mẹ thiên hạ” hả? hê hê…
Khách says
Rất ấn tượng về “Tính cách Hâm và chập…” của cô sau đợt dạy NVSP ĐH tại QN,và những bài viết trào phúng mang tính giáo dục cao.Thực sự em rất thích tính cách “Tây” và “Không giống người Việt” ấy của cô. Bài viết rất hay,hóm hỉnh và thâm thúy,xin phép cô ” Khuân nó” về nhà cho… cả nhà cùng đọc(Có dẫn nguồn)http://vn.360plus.yahoo.com/quangmt69/)
Khách says
@ Quangmt69:
Xin mời cứ dùng thoải mái, cứ “khuân” đi đâu cũng được. Càng chia sẻ nhiều càng tốt mà, hi hi…
Minh Phượng says
Hnay cô dặn chúng em nhớ về đọc bài này của cô.Tối nay e vào đọc luôn.Em hâm mộ cô,cảm phục tính cách thẳng thắn của cô.Em thấy mình cũng…hơi hâm hâm giống cô 🙂 Khi em đọc đến chuyện cô bảo cô tắt đèn các phòng học em giật mình,em cũng như thế,khi đi qua các phòng học thấy đèn chưa tắt,quạt trần thì cứ chạy vù vù mà trong lớp ko có ai cả,em vào tắt.
Rồi chuyện vứt rác,em đòi chồng phải dừng xe máy đúng chỗ có thùng rác để em vứt,chồng em chắc thấy em “hâm lắm”.Em chỉ nghĩ đơn giản: ai muốn nghĩ về mình thế nào thì nghĩ,mình cứ làm những gì mình cho là đúng và nên làm.
Hôm nay e thấy cô muốn ăn bánh mà không dám ăn em thương cô lắm.Không bù cho em cô ạ,em gầy,ăn mãi ko béo lên được.Thích ăn gì thì cứ ” thoải con gà mái”.
Em chúc cô một bầu trời sức khoẻ để cô còn “tẩy não” cho nhiều thế hệ học trò chúng em ạ.
cao khanh says
Cô ơi!cô có biết cô là một giáo viên rất đặc biệt ko? đặc biết từ hình dáng 😆 ,đến lời ăn tiếng nói,phong cách, đến cả cách “mắng” sinh viên cũng rất đặc biệt… và đặc biệt nhất là ngay cả khi cô không đứng trước mặt em cô cũng dạy cho em những bài học rất quí giá…
Em sẽ cố gắng để làm theo,ít nhất là tinh thần của bài hoc này, dù thực hiện được như cố quả thực không hề dễ. phải là “người hâm” rất dũng cảm và có bản lĩnh. Nhưng em sẽ cố gắng để … “hâm”.
Cảm ơn cô, cảm ơn đời vì đã cho em cơ hội được học cô.
Trang Trinh says
em yeu co. va em biet can hoc phai hoc tap co nhieu hon nua, nhu co noi khong phai chi la van de hoc chu, ma la hoc lam nguoi.