Một bài viết cảm động của một bạn du học sinh gửi về cho website của mình.
————————-
Bài tập cuối kỳ đã được hoàn thành, một học kỳ nữa lại kết thúc, sách cặp trở về phòng, mở máy tính và nghe lại ca khúc Happy new year của Abba. Một ca khúc quen thuộc mà anh em chúng tôi đều rất thích nghe mỗi dịp xuân về. Thời gian trôi đi thật nhanh và một mùa xuân mới lại đến. Hoà cùng tiết xuân, đào mai thi nhau khoe sắc. Không khí tết tràn ngập mọi nơi, từ trong phố, mọi người tấp nập kẻ mua người bán. Những vườn đào, vườn quất hồng rực xếp hàng nối đuôi nhau trên những con đường quốc lộ để chờ những người hành hương xa quê về chọn mua những cành đào đẹp nhất. Không khí xuân tràn ngập từng đường làng, ngõ xóm. Những bác nông dân rục rịch ra đồng reo mạ, làm luống, nhanh tay hoàn thành những công việc cuối cùng để dành thời gian đón tết. Nhà nhà đều xắn tay dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ tổ tiên, trang trí mâm ngũ quả.
Hôm nay, khi nghe lại ca khúc này một không khí tết tràn ngập trong phòng, giai điệu của ca khúc ngân lên như thúc giục tôi một điều gì đó. Một năm cũ đã qua, một mùa xuân mới lại đến, không gì hạnh phúc hơn khi năm mới được sum họp bên gia đình, anh em, những người yêu thương. Ngồi cạnh nhau bên nồi bánh chưng đỏ rực, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm, những vui buồn, những thành công hay hay cả những thất bại của năm cũ, cùng nhau hướng đến một năm mới đầy khát khao và dự định . Những hạnh phúc nhỏ nhoi ấy với một sinh viên đi học ở xứ người như tôi là một giấc mơ không phải lúc nào cũng thực hiện được. Bằng giờ này năm trước là tôi đã đặt vé máy bay, chuẩn bị khăn gói về quê ăn tết, nhưng năm nay tôi lại ngồi đây, trong căn phòng vắng, nhâm nhi ly cà phê sữa, sống lại những ký ức về tuổi thơ yêu dấu, về nơi chôn rau cắt rốn, nơi mà tôi được sinh ra và lớn lên, nơi mà có mái ấm gia đình, có bố có mẹ những người mà tôi yêu thương nhất!
Tuổi thơ trong tôi thật ấm áp,như bạn bè đồng trang lứa, tôi được vui chơi đến trường, được sống trong tình yêu thương của cha mẹ, anh em, những người luôn yêu thương tôi hết lòng.
Mẹ tôi, một người phụ nữ đảm đang, tháo vát, mẹ với nước da trắng, với nụ cười đôn hậu. Mẹ là người chịu thương, chịu khó, ngoài công việc đồng áng ra mẹ chẳng ngại khó, ngại khổ, hễ ai có việc gì cần thuê là mẹ nhận làm ngay, từ việc nặng như khuân vác, phụ vôi phụ vữa, đến việc cày cấy. Tôi sinh ra và lớn lên tại miền quê nên tôi cũng thấu hiểu phần nào nỗi vất vả, cơ cực của những người nông dân chân lấm tay bùn. Những nụ cười mãn nguyện khi mùa màng bội thu hay cả những lo toan, muộn phiền khi mùa bão tới. Với người nông dân bao giờ cũng chỉ nhờ cậy vào ”ông trời ’’, cầu mong sao được mưa thuận gió hòa.
Mẹ tôi, một người phụ nữ thuần nông, hay làm hay làm. Mẹ rất tỉ mỉ, khéo tay, ngoài việc khâu vá, mẹ còn là thợ khâu nón cừ khôi. Nghề nón ở quê tôi được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Nó cũng là nghề phụ không thể thiếu cho những người nông dân quê tôi khi quanh năm chỉ trông vào cây lúa. Nghề nón là một công việc cần có tính kiên trì nhất, những lớp mo, lớp lá, những đường kim mũi chỉ. Chỉ những người chăm chỉ, cần cù nhất mới có thể hoàn thành được nó. Tuổi thơ trong tôi thích nhất được mẹ đưa đi chợ huyện bán nón, những chiếc nón bán được giá từ 4 đến 5 ngàn đồng. Với số tiền ít ỏi này,mẹ lại dành dụm mua rau, mua dưa, nhưng thấy tôi với đôi mắt hau háu nhìn những chiếc bánh mì ba tê thơm phức, những chiếc bánh rán nóng giòn. Như hiểu được ý tôi, mẹ lại quay ra mua một thứ gì đấy. Khi thì 2 chiếc bánh rán, có khi thì chỉ một chiếc bánh mì ba tê.Tôi cẩn thận gói gọn chiếc bánh trong túi ni lông mang về nhà và chia cho chị gái mình.
Bố tôi, một người đàn ông thật thà, chất phác. Bố không phải là bác sĩ, cũng chẳng phải là kỹ sư. Bố là người nông dân thực thụ, với công việc chính là cấy cày, làm ruộng. Tuổi thơ trong tôi là mỗi khi vào mùa mưa bố lại đi cất vó. Khi còn nhỏ tôi rất thích được cầm rọ theo sau bố, có khi chỉ là cái ao gần nhà, có khi lại được đi khắp cánh đồng. Niềm vui khi thấy chiếc lưới rung lên, những con cá rô, cá chép mắc lưới giãy đành đạch, tôi lại có nhiệm vụ bắt nó thả vào trong rọ. Chiều về mẹ ra đầu làng với nụ cười tươi đón hai bố con. Thế là cả nhà hôm nay lại được chất tanh, đó là câu nói vui, thân thuộc của quê tôi.
Tuổi thơ trong tôi là hình ảnh của bố, vẫn chiếc áo lao động cũ sờn, chiếc mũ cối quen thuộc, chiếc xe thồ ,cùng hai chiếc sọt . Mỗi buổi chiều bố chất đầy hai sọt củi chở lên chợ huyện bán. Với mỗi sọt củi đầy như thế, bố bán được với giá từ 15 đến 20 ngàn đồng. Có những hôm hàng bán chạy, bố chở mấy chuyến củi đầy ắp, đạp băng băng suốt 3,4 cây số trong thời tiết nóng như rang. Mồ hôi bố ướt thấm lưng, chiếc khăn mặt ướt bố đội trên đầu dường như cũng không ngăn được những giọt mồ hôi lăn trên trán. Trước khi bố đi lúc nào tôi cũng dặn: “hôm nay bố nhớ mua cho con cái bánh rán nhé!’’ .Hôm thì bánh rậm, hôm thì cây mía. Rồi khi năm học mới sắp đến, bố lại chắt chiu từng đồng, cố gắng bán thêm thật nhiều củi. Cầm số tiền kiếm được trong tay, bố rẽ ngay vào hiệu sách, mua những quyển vở, chiếc bút, đồ dùng học tập cho chị em tôi.
Ngày nào cũng vậy, cứ chiều về là tôi ra đầu ngõ đón bố. Con đường làng quê tôi chạy thẳng tắp tới quốc lộ 5, với một bên là cánh đồng lúa xanh bát ngát, với bên kia là cái ao làng mà mỗi chiều về lại râm ran tiếng trẻ hò reo, tiếng người làm đồng về tíu tít gọi nhau. Và đã từ khi nào, con đường làng thân thương đã gắn liền với hình ảnh của bố. Những buổi chiều tà, những tia nắng lé loi cuối cùng còn rớt lại, thấp thoáng đâu đây chiếc mũ cối quen thuộc với chiếc áo lao động xanh, đôi tông màu vàng đã cũ sờn… Những khoảnh khắc ấy có lẽ là những gam màu đẹp nhất, cho bức tranh về bố trong ký ức của tôi.
Cuộc sống cứ như thế trôi đi, giờ đây tôi đã khôn lớn. Hiện đang là sinh viên học tập ở nước ngoài. Tôi cũng như bao du học sinh khác, ngoài giờ học, tôi phải làm thêm trang trải cho cuộc sống. Trong khi các bạn cùng trang lứa thi nhau post ảnh, khoe những chiếc váy áo đẹp nhất, những cuộc ăn chơi thâu đêm suốt sáng, hay có những bạn đã yên ấm bên hạnh phúc gia đình, thì tôi vẫn ngồi đây, lặng lẽ học tập, nghiên cứu, theo đuổi ước mơ của mình. Hết giờ làm việc,tôi đạp xe trên những con phố vắng, trong cái giá lạnh căm căm của mùa đông, tôi mới thấm thía được hết những nỗi vất vả, cực nhọc mà bố mẹ đã trải qua. Cứ những khi gặp khó khăn trong cuộc sống, trong công việc, tôi lại nghĩ về bố mẹ và tự nhủ với lòng mình, những thứ vất vả, cực nhọc ngày hôm nay đâu có thấm tháp gì so với những hy sinh ,vất vả của bố mẹ.Tuy cuộc sống khó khăn cơ cực là thế, nhưng cứ mỗi dịp xuân về tết đến, bố mẹ tôi lại cố gắng, vất vả ngày đêm lo cho chị em tôi có tấm áo mới, được tung tăng bằng bạn bằng bè.
Tết năm nay con không được về để sum họp cùng gia đình, để được nâng ly Sâm panh chúc sức khỏe bố mẹ. Cho dù con ở nơi đâu, trái tim con luôn hướng về quê hương ,về gia đình. Con yêu giọt mồ hôi của mẹ, những sọt củi của cha đã nuôi lớn đời con!
Tác giả: Thu Ngân
28/12/2013
Trả lời