Alan Phan
…Đưa người ta không đưa qua sông
Sao nghe tiếng sóng ở trong lòng…(Thơ Thâm Tâm)
Tôi ra Hà Nội trưa 25/9/2014, một chuyến đi không nhiều mục đích, ngoài việc gặp lại các bạn trẻ Việt để “say goodbye”. Không biết bao giờ gặp lại, nhưng hai điều tôi sẽ không quên: cái “tâm hồn Hà Nội” đang vào thu và cái quyến rũ của sự lạc quan bất tận dù phải bao quanh bởi một môi trường xấu xí.
Dù đã thông báo, vị tỷ phú giàu thư hai ở Việt Nam hay cô siêu mẫu tăm tiếng của thị trường “ngách” đều không xuất hiện. Có lẽ họ đã tự “hook up” ở một điểm bí ẩn nào rồi. Nhưng đó là cái may; vì tôi có cơ hội ăn tối với 40 doanh nhân trẻ, tràn đầy nhiệt huyết cùng những ý tưởng kinh doanh sáng tạo. Thay vì đem ngọn lửa đến cho họ, tôi mới là người nhận được “lửa” cho những ngày tháng đang mỏi mệt vì nhàm chán.
Những ngày kế tiếp, tôi lại hân hạnh gặp thêm cả trăm bạn trẻ khác trong 2 cuộc hội thảo; cũng như mạn đàm với những doanh nhân, những quản lý công ty đang xông pha chiến địa. Họ giúp tôi một góc nhìn về thực trạng của những vấn đề đang đối diện. Chúng tôi quên hẳn đi những phân tích lý thuyết về “tái cơ cấu” “cải cách thể chế”(tôi sẽ điên nếu nghe thêm những chữ này một lần nữa), về “quyết tâm chính trị”, về “thoát Trung”, về “DNNN”, về “lịch sử của gương đạo đức” hay về “hồi phục kinh tế”. Giàn khoan duy nhất mà các bạn trẻ này thảo luận là giàn khoan của cá nhân, không đem đặt cọc sớm thì sẽ bị rỉ sét rất lẹ.
Nói chung, sức sống và tinh thần kinh doanh vẫn bộc phát manh mẽ qua lời nói và hành động. Tuổi trẻ Việt Nam không bao giờ sờn chí, tiếp tục bước đi để xây dựng cho mình và thế hệ sau một “thịnh vượng tử tế”, mặc cho sự cám dỗ của nghề làm quan, của văn hóa phong bì, của lối làm ăn cửa hậu…Họ vẫn lên kế hoạch cho những doanh nghiệp lấy chất lượng sản phẩm và dịch vụ làm mục tiêu và đào tạo thêm kỹ năng cũng như trải nghiệm cho hành trình khó khăn hàng ngày.
Có nhiều lý do để tôi rời bỏ Việt Nam đi tìm một môi trường kinh doanh khác…nhưng lý do thường níu kéo tôi lại nơi đây là “ngọn lửa” của tuổi trẻ Việt. Họ làm tôi gợi nhớ đến hính ảnh của tôi, 30, 40 năm về trước…Tôi gặp một chị quản lý cao cấp của một tập đoàn tư nhân Việt lớn, đã từng làm cho Wall Street hơn chục năm tại Mỹ, Nhật, Thái Lan, và thông thạo 4 ngoại ngữ. Vừa nghỉ việc, nhưng không muốn quay về Mỹ, mà bám trụ ở Việt Nam tìm cơ hội mới. Một tinh thần yêu nước âm thầm mà không phải ốn ào cờ pháo về “tự hào là người Việt Nam”.
Cũng như tôi ngày xưa, mọi người trẻ đều mang trong mình cái đói khát…đói tự do và khát thành công.
Tôi không có quà chia tay nào, ngoài những lời nói mà có lẽ mọi BCA đều biết rõ:
1. Biết
Biết mình, biết người, biết tìm thầy, biết định vị, biết lực chuyển, biết sản phẩm, biết thị trường, biết công nghệ, biết hiền tài, biết tài chánh, biết văn hóa giao tiếp. Không biết thì tìm và học; và liên tục hỏi. Nghi ngờ mọi kiến thức bất cứ từ đâu và tìm cho ra một sự thật “tương đối’ qua cả trăm nghiên khảo và góc nhìn. Trong đời, tôi chưa gặp một doanh nhân nào có chút thành công mà ngu xuẩn. Kiến thức là nền tảng của mọi ngành nghề kinh doanh, dù là kinh doanh cơ bắp.
Có biết, chúng ta mới có thể lập ra một kế hoạch bài bản, mới tìm được người đỡ đầu hay tài trợ, mới xây dựng được mạng lưới thân hữu (networking) và mới quản lý được mọi rủi ro.
2. Tăng giá trị
Nguyên lý đơn giản trong việc kiếm tiền lương thiện: tạo nên giá trị gia tăng. Ngay cả cá nhân, muốn mức lương cao hơn, phải tăng giá trị kỹ năng và trải nghiệm của mình. Khi tăng giá trị doanh nghiệp qua bất cứ yếu tố nào, chúng ta tăng thị giá của doanh nghiệp và của chính mình. Tăng chất lượng sản phẩm, tăng lợi thế cạnh tranh trong tiếp thị, tăng tính khả dụng của công nghệ, tăng hiệu năng của đội ngũ, tăng sức mạnh của công cụ tài chánh…là những phương thức tăng giá trị phổ thông cho việc kinh doanh hàng ngày. Đây là cách kiếm tiền chắc chắn và bền vững trong bất cứ tình huống nào.
Hành trình tăng giá trị cũng gay go cam khổ. Kiên nhẫn và liên tục hành động thay vì chém gió là lựa chọn duy nhất. Chấp nhận thay đôi, điều chỉnh quản lý, cởi mở sáng tạo…là những hành xử phải tạo thành thói quen.
3. Tin vào mình
Giữa cái nhiễu nhương của buổi giao thời mạt hạ, đừng tin vào những lời PR rỗng tuếch, những số liệu tự sướng, những khẩu hiệu bích chương rẻ tiền. Bao quanh bởi văn hóa giả dối, trơ trẻn và lừa gạt, chúng ta phải bám chặt vào các trụ đỡ của nhân cách, đạo đức và tâm linh. Niềm tin và chính nghĩa duy nhất là tin vào chính mình, đừng bị lừa gạt bởi những giáo chủ bịp bợm, những lý thuyết rác rưởi, những che đậy phi khoa học.
Tin vào nhận xét, phán đoán của chính mình sau khi nghiên khảo cẩn thận và lục lọi đầy đủ. Học nghệ thuật đúc kết của những thám tử hay nhất để tìm ra những động lực ngầm ở phía hậu cần. Đừng để lòng tham hay xúc cảm làm mờ mắt và tạm quên sự thật. Ngoài kiến thức, chúng ta còn một trực giác bén nhậy. Hãy để mọi sự lắng im để phân biệt bạn thù, để hiểu quyền lợi của mọi phía, kể cả mình. Đừng ngây thơ và hoang tưởng về những cái bánh vẽ đang ngập tràn xã hội.
&&&&&&&
Khi các bạn nằm lòng 3 nguyên lý trên, các bạn đã sẵn sàng để bơi ra biển lớn, trực diện với nhóm cá mập đang dấu diếm và thụ hưởng kho báu của nhân loại. Bạn có đầy đủ quyền năng và căn bản luân lý để chiếm hữu và giao lại cho đám đông yếu kém ngoài kia “gia tài của mẹ”. Dù nhiều khi, bạn chỉ cần tuyên dương cho chính mình, “yes, I can”.
Như một triết gia nào đã hào hứng,” bạn không có gì để mất…ngoài cái thắt lưng quần của bạn”.
Trả lời