{jcomments on}
Văn hóa tranh luận, nỗi xấu hổ của văn hóa Việt
Nguyễn Quang Lập
Trong một cuộc gặp mặt báo chí, ông Nguyễn Sĩ Dũng, phó chủ nhiệm văn phòng Quốc Hội đã nói: “Báo chí đã thực sự đóng góp rất lớn vào thành công của kỳ họp, đồng thời đóng góp rất lớn và phát triển của đất nước khi mà tranh luận xã hội đã đi cùng với phát triển trước những vấn đề lớn của đất nước, bước đầu đã hình thành văn hóa tranh luận trên báo chí…” Một lời khen đắng ngắt, trải qua gần hai thế kỉ báo chí nước nhà mới hình thành văn hóa tranh luận, quá buồn nhưng có vẻ như lời khen hơi quá.
Liệu chúng ta đã hình thành văn hóa tranh luận hay chưa? Câu hỏi thật khó trả lời. Không phải không có những cuộc tranh luận có văn hóa, nhiều là đằng khác nhưng nó quá ít, như muối bỏ bể, nếu xét trên cái nền chung văn hóa tranh luận nước nhà hiện thời. Những đạo lý lỗi thời tồn đọng từ xưa tới nay trong tâm thức người Việt, nguyên nhân của sự bất bình đẳng trong tranh luận, nói khác đi, khó có thể có văn hóa tranh luận khi mà sự vâng lời, tính tuân thủ, thói quen chấp hành vô điều kiện giữa lớn và bé, cao và thấp, to và nhỏ đang là triết lý sống của người Việt.
Chưa bàn đến việc đó, ngay cả khi hoàn toàn được quyền tranh luận bình đẳng, không có sự cản trở nào của đạo lý cổ truyền hay các luật lệ đương thời, thì người ta cũng không đủ được bình tĩnh để bảo toàn cuộc tranh luận, không chóng thì chầy nó trở thành cuộc cãi lộn, chửi rủa, thóa mạ nhau. Mục đích tối thượng của tranh luận là tìm kiếm chân lý đã không được coi trọng, người ta đánh đồng liêm sĩ với chân lý, bảo vệ ý kiến của mình không còn là bảo vệ một chân lý khoa học mà bảo vệ liêm sĩ của cá nhân mình, khốn thay.
Đấy là lý do để người ta không chịu tranh luận mà ngụy biện, tháu cáy lí lẽ, bẻ quẹo các khái niệm và đổ vấy đối phương bằng sự chụp mũ trắng trợn và thô bạo. Một nhà văn hóa đã nói: “Việc cá thể hóa một tranh luận là điểm khởi đầu hoàn hảo để biến nó thành chiến tranh.” Hoàn toàn chính xác. Một khi đánh đồng sự đúng sai với phẩm hạnh hay trình độ của người tranh luận thì kết cục tất yếu của mọi cuộc tranh luận sẽ là khinh rẻ và thù hằn nhau, không thể khác.
Kể từ khi văn hóa mạng phát triển, các cuộc tranh luận ngày càng lâm vào tình trạng hỗn loạn, lắm khi không còn ra thể thống gì nữa. Một người lấy tên thật phải đối phó với hàng trăm, hàng ngàn kẻ lấy nick name ảo. Có nhiều lý do để người ta lấy nick ảo, nhưng với những kẻ giấu tên thật chỉ để chửi nhau, thóa mạ nhau cho dễ thì người có tên thật khác nào đương cự với đám đông những kẻ ném đá giấu tay. Xuất hiện ngày càng nhiều các cuộc chửi rủa, thóa mạ bất tử. Không cần phải lý lẽ, nếu mày nói ngược lại điều tao muốn thì mày bị ăn chửi. Thật không gì tệ hại hơn.
Về một bài viết nổi tiếng của giáo sư toán học Ngô Bảo Châu đã làm cho anh quá mệt mỏi không phải vì những chỉ trích nghiêm túc, chỉ vì anh không thể nói chuyện được với những kẻ “mở miệng là chửi bậy, viết đi viết lại cũng chỉ dăm câu đại loại “Đèo mạ cái thứ nực cười ….muốn ỉa quá!” và “thóa mạ anh bằng thứ ngôn từ hàng chợ, gọi anh là “giáo sư cừu gặm cỏ”. (Theo nhà báo Trương Duy Nhất).
Có lẽ đó là lý do Ngô Bảo Châu buộc phải đóng cửa blog Thích học toán của mình, cũng là lý do vì sao văn hóa tranh luận nước nhà bị coi là nỗi xấu hổ của văn hóa Việt.
Theo Blog Quê Choa
Bài đọc thêm:
I’m Sorry Eleven – Văn hóa Xin lỗi
Hiệu Minh
Ở nước mình, xin lỗi là ghê gớm lắm. Mỗi lần phải xin lỗi cảm thấy như bị mất gì lớn lao, sợ mất chức, mất tiền, mang tiếng, nên ít người thích mở mồm dù phạm lỗi hai năm rõ mười. Văn hóa như thế nên thất thoát cả tỷ đô la, chả thấy ai “lấy làm tiếc”.
Trong khi Tây thấy chuyện xin lỗi rất tự nhiên vì họ đã quen như thế. Nhưng sống một thời gian trong môi trường ta thì đám mũi lõ mắt xanh cũng bắt chước.
Nhớ thời làm ở Hà nội, Tổng Cua quen anh bạn người Đức, giỏi tiếng Việt hơn cả người bản xứ. Hắn mà nói, nếu không nhìn mặt, thì không thể biết đây là Tây ăn rau muống. Rất lạ, hắn chửi tục cực kỳ, mở mồm là văng đ. nam., đ. bắc, mẹ… nghe ghê cả người. Góp ý thì lão nhăn răng “Đ. mẹ, mình không chửi trước thì đứa khác cũng đ. má mình thôi”.
Lần đầu sang VN, anh đi xe đạp, không may va vào một chân dài. Anh sorry rối rít thì người đẹp bản xứ nổi cơn tam bành “Tây đéo gì mà đi ngu thế”. Anh vội vàng “Xin em tha lỗi”. “Lỗi cái mẹ gì, đền cái quần giá mấy triệu bị bôi bẩn của bà đây”. Bị một bọn đầu gấu vây quanh, sợ bị đòn hội đồng, anh nghiến răng móc túi.
Rút kinh nghiệm lần sau đi chợ Hôm, anh không may chạm vai một tay lang thang. Biết mình có lỗi nhưng tay “Tây lai ta” này quắc mắt “Đi đứng kiểu mẹ gì thế”. Biết là động vào Tây cũng mệt, tay anh chị kia chuồn thẳng.
Từ đó anh suy ra, ở VN không cần xin lỗi. Cứ văng tục, chửi thề, dọa phủ đầu đối phương là dễ thoát nạn. Lịch sự có khi bị ăn đòn hay mất tiền. Có lỗi nhưng thấy đứa nào vạch lỗi của mình ra thì cho nó vào tù, đếm kiến vài năm, tha hồ học kiểu xin lỗi của đầu gấu.
Nói tóm lại, nhiều người không biết xin lỗi, không học được văn hóa xin lỗi và dạy luôn cả Tây thói xấu này.
Nhưng khi sang Tây thì dân ta quá lịch sự, chuyện không có gì mà xin lỗi tới cả chục lần, do môi trường văn hóa chăng.
Có chuyện vui thế này. Dành cho các bạn biết tiếng Anh vì trò chơi chữ : too – two, for – four, sick – six, then – ten. Phần dịch tạm dành cho các bạn IT English – i tờ tiếng Anh.
Ông Việt Nam mới học tiếng Anh vô tình đụng phải ông Tây trong metro nên nói: “I’m sorry – Xin lỗi”, ông Tây cũng lịch sự: “I’m sorry too – Tôi cũng xin lỗi”.
Ông Việt Nam nghe xong vội vàng: “I’m sorry three – Tôi xin lỗi ba lần”, ông Tây nghe thấy lạ quá hỏi: “What are you sorry for? – Anh xin lỗi về cái gì chứ”.
Ông VN làm luôn: “I’m sorry five – Tôi xin lỗi năm lần”. Ông Tây lo lắng hỏi ông Việt Nam “Sorry, are you sick – Xin lỗi, ông có ấm đầu không”.
Ông VN vẫn thản nhiên “I’m sorry seven – Tôi xin lỗi bẩy lần”.
Ông Tây tức lắm trợn mắt hỏi “Sorry, do you intend to count to eight? – Xin lỗi, ông định đếm đến tám chắc”. Ông Việt Nam kiên nhẫn “I’m sorry nine – Tôi xin lỗi 9 lần”.
Ông Tây ngọng luôn “Sorry, then..then…- Thế thì, thế thì”. Ông Việt Nam vớt vát “I’m sorry eleven…- Tôi xin lỗi 11 lần”.
Lão Tây phải ngừng. Nếu tiếp tục hỏi thì có lẽ tay VN này sẽ sorry hundred…
Chúc cả nhà vui cuối tuần
HM. 14-03-2011
Theo blog Hiệu Minh
Ông Tào Tháo dạy nhạc lớp Cống
Hôm nay đi đón Cống, mẹ thấy Cống mặt mũi hầm hầm biết ngay là có chuyện.
Vừa trèo lên xe Cống vừa bảo “tức điên lên với ông thầy dạy nhạc”.
Mẹ hỏi làm sao, Cống kể:
Hôm nay, thằng Long quên mang vở nhạc nên khi hát phải xem chung vở với thằng Nam. Hai thằng này ngoan nhất lớp, chưa từng bị ghi sổ đầu bài bao giờ. Hai thằng đang cúi xuống vở để nhìn lời và hát thì bị thầy bảo:
– Hai anh kia không hát à?
– Dạ bọn em đang hát đấy chứ.
– Hát sao không ngẩng mặt lên?
– Dạ, em không mang vở nên phải nhìn chung vở của bạn Nam.
– Sao các anh cúi mặt xuống thế? Chắc các anh lại đang chửi tôi chứ gì?
– Đâu, bọn em đang hát chứ ạ.
– Cúi mặt xuống chắc lại chửi tôi chứ còn gì.
Cống nghe thầy nói đến đó thì đứng lên “bật” luôn thầy:
– Thưa thầy, em không hiểu được tại sao thầy lại cứ cho là cúi mặt xuống tức là chửi thầy ạ? Thật vô lý quá!
– A cái anh này, anh nhớ mặt tôi đấy nhá.
– Vâng ạ.
Ha ha… “khá khen” cho tính đa nghi như Tào Tháo của ông thầy dạy nhạc lớp Cống.
Chán hết chỗ nói!
Báo cáo gửi cụ Rùa
Nguyễn Quang Lập
Nửa đêm rồi mà Ngu Ngơ không ngủ, đèn bạt sáng ngồi hí hoáy viết. Mũm Mĩm mở mắt càu nhàu, nói khuya rồi còn không đi ngủ, viết gì viết lắm thế. Ngu Ngơ nói anh đang viết báo cáo gửi cụ Rùa. Mũm Mĩm tròn mắt ngạc nhiên, nói anh lại nghĩ ra trò gì vậy ta. Ngu Ngơ cười khì khì, nói trò gì, anh viết để động viên cụ Rùa thôi. Mũm Mĩm chồm dậy cười hi hi hi, nói đâu đâu, cho em xem với.
Ngu Ngơ nói để anh đọc cho mà nghe. Rồi Ngu Ngơ hắng giọng đọc to, nói thưa cụ, cháu là Nguyễn Ngu Ngơ công dân Bờ Hồ, đồng hương của cụ. Được biết cụ ốm đau, già yếu, bị thương, bị lỡ loét toàn thân, tình hình rất nguy cấp, khiến thiên hạ bàn tán xôn xao. Các đồng chí lãnh đạo to nhỏ ai ai cũng quan tâm đến cụ. Hiện đã tổ chức hội thảo quốc tế, đã thành lập Ban khẩn cấp cứu cụ gồm các giáo sư, các chuyên gia đầu ngành. Báo cáo cụ như vậy để cụ yên tâm phấn khởi và tin tưởng.
Các đồng chí cấp trên đang ra sức đau khổ, ra sức bàn bạc và ra sức trả lời phỏng vấn. Còn các giáo sư tiến sĩ, các chuyên gia đầu ngành đang hội thảo cụ ốm hay cụ già, cụ bị bệnh hay bị thương, cụ bị viêm loét hay bị rùa đỏ tấn công, các tham luận khoa học đều đặt giả thiết, chứ không có một ai quả quyết. Sở dĩ tất cả đều ngồi trên bờ ăn ốc nói mò bởi vì đó là vấn đề khoa học, vấn đề trách nhiệm của xứ ta.
Các giáo sư, các chuyên gia đầu ngành cũng đưa ra các biện pháp rất chi là khoa học, nào là đề xuất lấy mẫu DNA, nào là đề xuất gắn chíp điện tử, đề xuất tắm thuốc, đề xuất giải phẫu, v.v… để chữa trị cho cụ. Có giáo sư còn đăng đàn một tham luận rất chi là khoa học, phân tích cực kì sâu sắc rằng cụ quí hiếm như thế nào, chủng loại gì, giá trị sinh học ra sao…Nghe đến đây chắc cụ sẽ thắc mắc, nói sao lại phải họp, sao lại phải hội nghị quốc tế. Nếu trong nước không có ai cứu chữa được thì thuê một chuyên gia nước ngoài về chữa trị, thế là xong, việc gì bày ra hội nghị hội ngáo, báo cáo báo chồn mất thời gian tốn kém? Thưa cụ, cụ chớ có thắc mắc. Cấp trên của cháu rất ghét thắc mắc, đồng thuận là điều cấp trên chúng cháu muốn nghe. Cụ chớ có dại mồm thắc mắc, cấp trên của cháu mà nổi giận thì chẳng những cụ không được chữa trị mà còn phải làm kiểm điểm.
Cụ phải hiểu rằng cụ là rùa, chứ không phải là người xứ ta, cụ càng không phải các giáo sư tiến sĩ, giáo sư đầu ngành xứ ta nên cụ không thể hiểu họp hành quan trọng như thế nào. Họp để chứng tỏ trách nhiệm với cấp trên, để lấy tiền Nhà nước tiêu xài thoải mái mà không ai thắc mắc. Họp để nếu cụ chết thì không ai chịu trách nhiệm. Tính tập thể, tinh thần trách nhiệm của họp là như vậy đó cụ.
Mấy chục lần cụ ngoi lên mặt hồ để cầu cứu, hình như cụ muốn được đưa lên bờ để chữa trị. Cấp trên của cháu, các giáo sư tiến sĩ, giáo sư đầu ngành rất thấu hiểu lòng cụ. Nhưng đây lại là một vấn đề lớn, đòi hỏi phải có nhiều hội thảo, hội nghị quốc tế. Đưa lên để làm gì, đưa lên như thế nào, đưa lên bao nhiêu lâu, đưa lên thời điểm nào.. là những đề tài nghiên cứu rất chi là khoa học, cần có nhiều thời gian, rất nhiều thời gian.
Vì vậy cháu viết báo cáo này để cụ biết rõ tình hình là… rất tình hình, mong cụ hết sức phấn khởi tin tưởng, yên tâm chờ… chết!
Theo Blog Quê Choa
Con trai
Nguyễn Quang Lập
Mình có cả trai lẫn gái nên chẳng mấy quan tâm đến nỗi buồn của mấy ông rặt sinh con gái. Chẳng biết con trai sau này chúng nó có hầu được bố mẹ gì không nhưng ai cũng thèm con trai.
Nuôi được đứa con trai từ khi nhỏ đến khi cho ra ràng thật mệt bở hơi tai. Nói dại mồm, con gái nếu có lỡ dại thì nó chỉ mang cái trống về nhà, còn con trai thì lo đủ chuyện, hết lo đánh nhau đến lo cờ bạc, lo đua xe, lo hút xách, trốn học, gái gú.. một trăm thứ lo.
Thằng Ngọc đã có đứa con gái vừa ngoan vừa giỏi, thi đại học trúng hai trường, về nhà lo cho bà nội già cả ốm yếu ngơ ngẩn rất mực dịu dàng, vợ nó còn phải học tập. Thế nhưng nó vẫn mơ con trai. Đến nhà ai có con trai nó nhìn hau háu đầy thèm muốn.
Mình nói mày viết báo viết kịch viết phim hô hào mọi người trai gái cũng là con, thời buổi này mơ được anh quí tử là lạc hậu rồi, sao vẫn siếc con trai. Nó bảo tao giáo dục dân chúng thì được, chứ giáo dục tao không có nổi, con trai vẫn là nhất.
Mình nói với nó mày nhậu ghê thế, đẻ con gái là phải, kinh nghiệm cho thầy đa phần con gái là rượu đẻ chứ không phải mình đẻ, con May ơ là rượu đẻ chứ không phải tao đẻ đâu.
Nó bảo đéo phải, vợ tao có bài rồi, bắt đầu từ tháng sáu này tao bắt đầu chiến dịch đẻ con trai.
Tháng sáu nó bắt đầu thực hiện thật, rượu uống mấy ly, uống giờ nào, uống rượu gì? Đồ mồi ăn thứ gì, buổi này ăn con này, buổi kia ăn thứ kia nó nhất mực răm rắp nghe theo lời vợ nó.
Vợ nó là bác sĩ, chủ nhiệm khoa, nó thì mù tịt y học không nghe không được. Bạn bè nói con Vi nó muốn kiểm soát việc ăn nhậu của mày đó thôi, đừng nghe nó tàn đời em ơi. Nó nói chúng mày đừng cản tao, một là vâng theo lời Bác, hai là vâng theo lời vợ, kiên quyết không vâng theo lời mấy thằng nhà văn ba lăng nhăng chúng mày.
Nó nhịn nhục nghe theo vợ nó ba tháng trời, đang nhậu, sướng, muốn uống thêm ly nữa, vợ nó nhắc anh ơi con trai, nó tẽn tò bỏ ly xuống.
Có tuần ăn đúng một món, chán phát điên, vợ nó cứ gắp cho liên tục, nó nuốt không nổi, chực trào ra. Vợ nó bảo anh ơi con trai, nó vội vàng gật gật phùng mang trợn mắt nuốt đánh ực.
Đến cái đoạn make love mới đau thương. Nửa đêm sướng, nhảy lên bụng vợ, vợ nó đẩy ra ây ây chưa đến 4 giờ 30… chưa được. Nó nói con gì thì con em ơi, làm phát cho xong mẹ nó đi. Vợ nó nghiêm mặt nói không được, xuống! Nó nằm vật ra thơ dốc, mở tủ lạnh lấy đá ướm lạnh chim để ngủ.
Đến 4h30 vợ nó soạn sửa xong xuôi đánh thức nó dậy, nó vừa ngáp vừa dúi, ngán ngẩm như nửa đêm bò vào trinh sát đồn địch vậy. Vợ nó quát anh ơi con trai mau lên, nó giật mình dúi liên tục rồi năm vật ra thở phào, may quá ra rồi..và ngủ vùi.
Suốt ba tháng đau thương đêm nào cũng thế. Tưởng xong rồi, thoát rồi thì vợ nó đọc được tài liệu gì đó nói trước khi hành sự phải ngâm bộ hạ vào nước ấm 42 độ, bắt nó thực hành.
Đang sướng nhảy lên, vợ nó đẩy xuống, nói ngâm dái mau lên. Vợ nó hoà nước sôi, lấy nhiệt kế đo đủ 42 độ rồi bảo nó ngồi vào chậu.
Nó ngồi vào chậu cằn nhằn chưa thấy ai khủng bố chim chồng như vợ tôi đây.
Vợ nó trừng mắt nói anh đừng có nói tào lao, ngâm đủ 10 phút rồi nằm ngửa nhìn đồng hồ. Nó ngồi ngâm, nhìn giàn thiên lý tuyệt hảo của vợ đang phơi ra mà không làm gì được, tức muốn chết, nó than người ta nói một ngày tù nghìn thu ở ngoài, mình thì một phút ngâm chim nghìn thu ở ngoài, khổ ơi là khổ.
Vừa đủ 10 phút nhỏm đít đứng dậy thì chim cò cũng tong teo, đi đời nhà ma.
Ba tháng vất vả rồi cũng qua, vợ nó có chửa, nó hí hửng nói chúng mày chờ xem trình độ khoa học của bố mày nha. Đến khi siêu âm biết con gái nó cười mếu máo nói trai gái gì cũng được, nhưng tao tức vô cùng ba tháng vợ tao khủng bố chim tao.
Theo Blog Quê choa