Ngày trước, khi các con đến tuổi dựng vợ gả chồng, bố chồng mình dặn các con thế này “các con lấy vợ lấy chồng nhớ chọn thông gia cho bố mẹ nhé”. Khổ quá, lấy vợ lấy chồng đã là cái duyên cái số do trời định rồi mà lại còn đòi hỏi có duyên tìm được thông gia ưng ý nữa thì có mà “được voi còn đòi hai bà Trưng”. Cứ ngỡ cụ nói cho vui, ai dè thông gia đúng là quan trọng thật. Thông gia vênh tuổi nhau quá cũng chết, gặp nhau không biết xưng hô kiểu gì, xưng ông xưng bà cũng ngại mà xưng anh xưng chị cũng dơ. Thông gia vênh về văn hóa, lối sống, và có khi là kinh tế còn kinh hơn, gặp nhau cũng gượng gạo dăm câu ba điều qua loa cho phải phép rồi chuồn cho lẹ. Bi kịch hơn cả là thông gia không thèm nhìn mặt nhau vì đã trót chê bai con giai hay con gái nhà bà hay lỡ mồm chê nhà bà không môn đăng hộ đối.
Bố mẹ mình người hiền hòa, nhân đức, ai ông bà cũng cũng quí cũng yêu nên yêu quí và thân thiết với thông gia cũng là lẽ đương nhiên. Thông gia nào cũng thân thiết như bà con ruột thịt. Ngày lễ, ngày tết thăm hỏi, tết lễ nhau là lẽ đương nhiên, nhưng bị tai nạn ngoài đường cũng lết vào nhà thông gia (ông bà nhạc của anh cả). Cả cơ quan nơi em dâu làm việc ai cũng ngạc nhiên “sao nhà cậu hay thế, đi đâu chơi cũng tùng dinh cả hai bên ông bà nội ngoại đi cùng, nhà bọn mình cứ phải một tua nhà nội, một tua nhà ngoại”. Hai bên ông bà thông gia cứ ríu ra ríu rít, ít cuộc vui nào là không cùng nhau có mặt, hiếm chuyến đi chơi xa nào thiếu vắng một bên, thậm chí còn mò vào tận quê nhau xa tít mù khơi nơi để thăm viếng họ hàng đôi bên.
Thông gia với “người lạ” mà còn trước lạ sau thân ruột thân rà như thế thì thông gia với thầy dạy cũ thì tình thân còn đặc biệt gấp mấy. Bố chồng mình là thầy giáo cũ (một ông giáo dạy Văn nổi tiếng tài hoa và uyên bác) của bố mẹ mình từ thuở thiếu thời, mấy chục năm sau gặp lại bỗng thành thông gia. Tình thầy trò thành tình thông gia, đã thế lại còn thông gia đến 3 đời, không thân sao được, thậm chí còn thân như ruột rà ấy chứ. Nhớ thời bao cấp đói khổ, mỗi người tiêu chuẩn 13kg gạo mốc, vậy mà bố mẹ mình vẫn bòn từng bơ gạo cuối thùng để gửi về quê cho thông gia, bởi nhà chồng mình nghèo xác xơ. Ngày trước mình vẫn bảo lão chồng “tớ lấy cậu bằng trúng số độc đắc. Việt Nam nghèo nhất thế giới, Nghệ An nghèo nhất Việt Nam, Nghi Lộc nghèo nhất Nghệ An, Nghi Trường nghèo nhất Nghi Lộc, còn nhà cậu nghèo nhất Nghi Trường” (dân Nghệ có câu “đất Nghi Phong cồn khô cát bạc, đất Nghi Trường chó chạy phỏng chân”. Nghèo xơ xác vì nhà đông con lại không phải thuần nông nên quanh năm đói). Đã thế lại còn cùng dân văn chương chữ nghĩa nên mỗi đận gặp nhau là đàm đạo văn chương thơ phú, chữ nghĩa tuôn trào. Rồi chuyện xưa, chuyện nay ríu ra rít rít, vui lắm.
Thoắt cái rồi cũng đến lượt mình có thông gia. Thông gia nhà mình thuộc hàng “thanh niên tính”, vui vẻ hết cỡ. Ấn tượng nhất là ngày đầu ghé thăm gia đình thông gia nhân chuyến đi dạy cao học tại Hải Phòng. Nói đúng ra thì lúc đó chưa hề là thông gia, nhà giai mới chỉ một lần đến chơi, đặt vấn đề cho hai cháu được tìm hiểu nhau (gớm, hai đứa nó ở xa tít tắp, chả cần bố mẹ đặt vấn đề thì chúng cũng tự tìm hiểu, he he). Mới đến lần đầu nhưng chả thấy đâu là khoảng cách. Sau màn ăn uống là đến màn…. facebooking. Mình và ông bà “thông gia tương lai” ngồi ngả ngớn trên salon, chân gác hết lên bàn vừa cười nói râm ran vừa chát cùng con Ti thằng Cún, vui hết cỡ. Chưa thông gia nhưng xem chừng đã hợp chuyện nhau lắm.
Rồi đến ngày Cún và Ti về Việt Nam làm đám hỏi và một năm sau làm đám cưới. Ở đám hỏi, Ti đề nghị nhà Cún chỉ đi năm lễ nhỏ gọn, không 7 hay 9 lễ chất ngất cao như núi như các nhà giai khác vẫn hay làm, và cũng không tặng vòng kiềng gì cho tốn kém. Vậy mà hôm đám hỏi mẹ Cún vẫn "kiên quyết" tặng Ti một chiếc vòng vàng kèm đôi lời nhắn nhủ yêu thương làm hôm ấy ai nghe thấy cũng quặn lòng, trào nước mắt “đây chỉ là một chút kỉ vật của gia đình dành cho con, thứ quí báu nhất đời mẹ là con trai mẹ, mẹ đã tặng cho con rồi”.
Rồi đến lúc đám cưới. Do máu Đức ngấm hơi bị sâu và bị lâu nên hai đứa khăng khăng quyết định tự đứng ra tổ chức và chỉ mời gia đình, họ hàng thân thiết hai bên đến dự. Bố Cún năn nỉ “Bố ngày xưa không có bố để lo cho mình, bây giờ các con có bố, các con hãy để bố được lo cho các con nhé”, nghe mà trào cả nước mắt ((bố Cún mồ côi cha từ thuở lên 5). Quan hệ của bố mẹ bao nhiêu năm thế nhưng khi hai đứa quyết chỉ tổ chức nhỏ trong phạm vi gia đình và họ hàng, bạn bè cực thân thiết cả hai bên bố mẹ cũng đều vui vẻ đồng ý. Nhà mình đã đành, nhưng thật may bố mẹ Cún là người rất thoải mái và tôn trọng các con chứ phải như nhà thông gia khác thì Ti gặp rắc rối to rồi. Đám cưới tổ chức ngay phía bên kia đường đối diện cơ quan bố mẹ Cún nhưng tuyệt đối không mời bất cứ ai.
Hiếm thấy thông gia nào nhiệt thành và nồng hậu như thông gia nhà mình. Chỉ riêng câu chuyện nhỏ này mà làm mình nhớ mãi. Cách đây 4 năm Ti về phép có một tuần để dự đám cưới Kim Cương ông bà ngoại và đám cưới chị họ Tuli.
– Tối thứ sáu đón Ti ở sân bay Nội Bài, 11h đêm mới về đến Hải Phòng. Trước khi chia tay Ti ở sân bay để về Hải Phòng bố mẹ Cún còn cho Ti tiền tiêu và không quên lời dặn con nhớ đi taxi cho an toàn.
– 10h30 sáng hôm sau, thứ 7, đã lại có mặt tại Hà Nội để dự đám cưới Kim Cương của ông bà ngoại Ti. (còn "đòi" chủ nhật lên dự đám hỏi cháu gái Tuli nhưng mình "không cho" vì thương bố mẹ Cún đi lại vất vả quá)
– Sáng thứ 4 cả nhà lại phóng lên Hà Nội dự đám cưới Tuli, chị con bác ruột của Ti. Dự cưới xong cả nhà đón Ti về Hải Phòng chơi một hôm.
– Sáng thứ 5 mẹ và em gái Cún lại tháp tùng Ti lên Hà Nôi. Mình bảo mẹ Cún cứ cho Ti đi xe bus, không phải tháp tùng làm gì cho vất vả nhưng mẹ Cún cứ khăng khăng không chịu vì sợ Ti đi một mình cả chặng dài sẽ buồn. Đã thế lên đến Hà Nội lại "phi" theo Ti đến hàng may váy cưới "tranh" được trả tiền. Sau đó mẹ và em gái Cún lại lóc cóc theo xe về Hải Phòng.
– Sáng thứ 6 cả nhà lại tùng dinh nhau lên Hà Nội để đưa Ti ra sân bay qua lại Đức (mình và lão gia huyền đi vắng không ở Hà Nội hôm con bay). Trước khi ra sân bay còn đưa Ti Cống đi ăn buffet (chỉ vì hai đứa thích ăn đồ hải sản, nhất là món hàu, nướng hay sống đều mê hết).
Một tuần Ti về phép mà cả nhà Cún cứ thoăn thoắt như con thoi giữa Hải Phòng – Hà Nội. Không yêu. không thương làm sao mà lại đối xử được với nhau đầy ăm ắp và chu đáo đến như vậy. Đấy là chưa kể lần nào xe lên Hà Nội cũng cốp đầy cốp vơi toàn đồ ăn Ti thích, cua, tôm, bề bề, cá, mực,… và đặc biệt là món ba tê thần thánh "hàng thửa".
Các cụ xưa nay vẫn nói đàn bà như hạt mưa sa, hạt rơi xuống giếng, hạt ra ngoài đồng. Các cụ cũng bảo phúc đức tại mẫu. Nhiều khi cũng tự động viên mình tí cho vui, cứ nghĩ mình tốt đường ăn ở nên con mình gặp phước được "vào nơi tử tế". Dù thời nay đã khác xưa nhiều, con mình "Tây học", định cư ở nước ngoài, thế nhưng chả gì hạnh phúc hơn khi dù xa xôi đến mấy con vẫn luôn cảm và nhận được muôn vàn tình yêu thương, ấm áp sẻ chia của gia đình chồng. Và con cũng mang yêu thương trao gửi những người yêu thương con. Tự dưng con được có thêm một gia đình, thêm những người yêu thương mình nhất mực, quả là hạnh phúc vô bờ. Còn gia đình mình lại được thêm những người thân thiết, chả khác gì ruột thịt. Thân đến mức điện thoại cứ cứ cười nói râm ran, buôn hầu như lần nào cũng lâu đến nóng cả đường dây, đủ các chuyện, chuyện nào cũng đầy ắp những nụ cười, mà không phải là cười nụ đâu nhé, cười sang sảng, cười ha hả, lắm khi cười chảy cả nước mắt. Mà không chỉ những lúc vui, kể cả những lúc ốm đau, buồn bã, lắng lo cũng lại gọi nhau ới ời, lo cho nhau thon thót khi chưa được báo tin lành.
Và mình rồi cũng sẽ làm mẹ chồng, mình cũng sẽ học cách của bố mẹ mình, của bố mẹ Cún cách đối xử với dâu con. Cứ con mình yêu ai thì mình yêu người ấy. Chả đẻ, chả nuôi mà bỗng dưng được đứa con gái, hời quá còn gì, chả tội gì mà không yêu, nhể.
Cống ơi, đừng sợ…..
Con dâu ơi, đừng sợ….
He he he….
Huyền says
đoạn cuối buồn cuoi quá cô ơi, ” Cống ơi đừng sợ, con dau ơi đừng sợ >.” hihihi
Minh Tran says
Đọc bài này của cô cảm động quá!
Hiếm gđ nào được như gia đình chồng của bạn Tuli đấy cô ạ!
Guest says
Xúc động quá cái đoạn nói Nghi Lộc nghèo nhất Nghệ An. Cháu Nghi Lộc xịn đây cô ạ!
BacGiang says
Cô khiến cho con vừa ngưỡng mộ vừa ao ước.