• Skip to primary navigation
  • Skip to main content
  • Skip to primary sidebar
  • Skip to secondary sidebar

Phương Hoa

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
  • Liên hệ

admin

Giáo sư triết học Trần Đức Thảo

11.01.2010

Nguyễn Đình Chú

             Cũng xin nói thật. Đối với tôi, được làm học trò của giáo sư Trần Đức Thảo là một may mắn lớn nhưng cũng có phần vất vả. Có điều là cái vẩt vả thì đã qua đi, còn cái may mắn thì còn mãi mãi. Năm 1952, khi vừa học xong bậc phổ thông trung học tại trường Huỳnh Thúc Kháng, Nghệ An, tôi được thầy Nguyễn Đức Nam (sau này là giáo sư văn học phương Tây) kể cho nghe nhiều điều về giáo sư Trần Đức Thảo. Nào là: Ông Thảo là người Việt Nam học nổi tiếng nhất ở Pháp. Nước Pháp có trường Normale supérieure (tức cao đẳng sư phạm) d’Ulm là trường có tiếng nhất của nền giáo dục đại học Pháp. Muốn thi vào học trường d’Ulm, sau khi đậu tú tài, thường phải học thêm vài năm mới dám thi vào. Thi một ngàn người thì chỉ đậu chừng 50 người. Tốt nghiệp trường d’Ulm ra, viết sách chỉ đề tên tác giả và ghi: ancient élève de l’Ecole normale supérieure (học trò cũ của trường cao đẳng sư phạm) thì danh giá, tín nhiệm cao hơn thạc sĩ, tiến sĩ khác rồi. Người Việt Nam du học Pháp thuở ấy không mấy người được vào trường d’Ulm. Người đầu tiên được vào học và sau đó tốt nghiệp đứng thứ 35 trên tổng số 36 là ông Phạm Duy Khiêm. Ông Khiêm đã được báo chí trong nước ca ngợi là bậc anh tài kiệt xuất. Vậy mà ông Trần Đức Thảo lại thi tốt nghiệp trường d’Ulm đứng thứ nhất (nhưng vì là dân thuộc địa nên Pháp chỉ coi là đồng nhất – Premier ex oequo). Nào là ông Trần Đức Thảo đã đứng trên lập trường Mác-xít tranh luận với nhà triết học nổi tiếng của Pháp là ông Jean-Paul Sartre và được dư luận cho là thắng cuộc. Nào là: ông Thảo là trưởng ban đại diện Việt kiều tại Pháp. Năm 1946, lúc Bác Hồ sang Pháp dự hội nghị Phôngtennơblô, ông Thảo là thư ký của Bác. Nào là ông Thảo kêu gọi ủng hộ kháng chiến của Việt Nam, bị chính phủ Pháp bắt bỏ tù. Nào là: Ông Thảo từ giã Paris hoa lệ, về chiến khu Việt Bắc, tham gia kháng chiến giữa lúc không ít trí thức không chịu nổi gian khổ đã trở về thành… Những chuyện thầy Nam kể như trên, không biết chính xác tới độ nào. Nhưng thuở ấy quả đã gieo vào tôi – một học trò cấp 3 nhưng cũng là một người hăng hái say sưa với phong trào học sinh sinh viên của Nghệ An, nồng nhiệt tìm hiểu chủ nghĩa Mác – hình ảnh một mẫu người lý tưởng về tài đức. Hai năm sau, tôi là sinh viên khoa Văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (khối xã hội) và một hôm tôi được tin: giáo sư Trần Văn Giàu đã rước được giáo sư Trần Đức Thảo từ Ban Văn Sử Địa trung ương về cho trường đại học. Giáo sư Giàu nhường cả chỗ ở của mình cho giáo sư Thảo. Bạn đọc hôm nay thử tưởng tượng bấy giờ tôi sung sướng biết nhường nào khi nghe thêm những điều đó. Nhưng năm thứ nhất tôi vẫn chưa được học với giáo sư Thảo. Giáo sư dạy triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chúng tôi ở năm thứ nhất là Trần Văn Giàu mà thuở ấy, không chỉ với học trò chúng tôi mà còn cả với dư luận xã hội, là một thần tượng không ai bằng. Ấy vậy mà một lần, trong buổi giải lao, giáo sư Trần Văn Giàu đã nói với học trò tại sân trường, các cậu muốn biết thế nào là triết học thì hãy chờ sang năm học với thầy Thảo. Thầy Thảo là người đọc gần hết sách của thư viện Paris. Câu chuyện của thầy Giàu dĩ nhiên càng làm cho tôi cũng như các bạn tôi thuở ấy thêm náo nức đợi chờ. Và cái gì có thể đến đã đến. Vào năm thứ hai, tiếp cả năm thứ ba, chúng tôi được học môn triết học của thầy Thảo. Mà sự thật, đến nay nghĩ lại vẫn thấy chưa hết điều lạ. Thầy đến lớp hầu như thường xuyên chỉ với một bộ quần áo kaki xanh thẫm Trung Quốc. Trong tay không nửa trang giáo án. Chỉ đút tay túi quần mà nói. Nói lúng búng vô cùng, ngược hoàn toàn với tài hùng biện của một số giáo sư khác, đặc biệt là giáo sư Trần Văn Giàu. Nhưng không hiểu sao vẫn tạo ra một thứ ma lực làm say mê toàn thể chúng tôi, mặc dù chúng tôi không dễ gì hiểu hết ý thầy. Mà đâu chỉ học trò văn ĐHSP, không ít sinh viên y dược (bấy gíờ ĐHSP và Y dược cùng chung sân trường tại đường Lê Thánh Tông), giáo viên cấp 3 của Hà Nội đến nghe nhờ giờ triết học của giáo sư Trần Đức Thảo. Kể cả nhà đạo học nổi tiếng, giáo sư Cao Xuân Huy cũng lắm phen tới nghe. Đúng là có một không khí sùng bái môn triết của giáo sư Trần Đức Thảo. Thầy Thảo dạy không giáo án, giáo trình. Chúng tôi phải xin thầy cho lập ban cán sự bộ môn để ghi chép lời giảng của thầy rồi xin thầy duyệt lại trước khi đưa giáo vụ in rônêô làm tài liệu cho sinh viên học. Chính vì tham gia ban cán sự mà tôi “được” dư luận cho là học trò yêu của giáo sư Trần Đức Thảo. Giáo sư Trần Đức Thảo đã dạy chúng tôi hai vấn đề lớn: 1- Biện chứng pháp thần kinh; 2- Lịch sử tư tưởng triết học phương Tây từ thời cổ đại Hy Lạp cho đến các triết gia cổ điển Đức. Công trình Biện chứng pháp thần kinh là một sự tổng kết triết học về quá trình vận động, phát triển của thần kinh từ trạng thái vật chất vô sinh đến hữu sinh và tiếp đến là quá trình vận động, phát triển của thần kinh từ trạng thái thô sơ đến trạng thái cuối cùng và cao cấp hơn tức là bộ não của con người trải qua các loài giun, đến lớp bò sát, đến lớp chim, đến động vật có vú, đến loài khỉ, đến vượn người rồi đến người. Công trình này dĩ nhiên là dựa trên những thành tựu của khoa sinh vật học của thế kỷ XX. Công trình này về sau đã được dịch ra tiếng Pháp in trên tờ La Pensée ở Pháp (1965), kế đó trở thành một nội dung trong cuốn sách của giáo sư Trần Đức Thảo cũng được in ở Pháp (1973) với nhan đề “L’ỏigine du languague et de I’esprit” (Nguồn gốc ngôn ngữ và ý thức), được dư luận phương Tây, nhất là Pháp đánh giá rất cao. Phải nói rằng chỉ thế hệ sinh viên ĐHSP Hà Nội (khối xã hội) 1954 – 1957 mới có cái may mắn được học hai giáo trình này của giáo sư Trần Đức Thảo. Đến nay thì trong các trường Đại học Tổng hợp và Đại học sư phạm ở nước ta, về ngành khoa học nhân văn, cơ bản vẫn chưa có giáo trình về lịch sử triết học. Đây là vấn đề thiết tưởng các nhà lãnh đạo ngành đại học Việt Nam cần quan tâm bổ cứu. Riêng về giáo trình của giáo sư Trần Đức Thảo thì bây giờ, chẳng ai biết đến nữa. Cách đây khoảng gần mười năm, giáo sư Phạm Hoàng Gia có bảo với tôi là Ban Lý luận Trung ương yêu cầu tìm lại. Hiện nay thì giáo sư Phạm Hoàng Gia đã qua đời, không biết con trai anh có còn giữ được hai tập giáo trình đã được sưu tập và đánh máy này không. Riêng tôi thì còn giữ được cuốn vở ghi chép thời còn đi học mà gần bốn chục năm qua tôi vẫn coi là một vật quý.

 

            Cũng xin nói thêm, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi được giữ lại làm trợ lý cho giáo sư Trần Đức Thảo về môn lịch sử tư tưởng cùng các anh Phạm Hoàng Gia và Lê Văn Trinh. Tôi lại còn được ở cùng nhà với giáo sư tại số 16Đ ngõ 2 Hàng Chuối, Hà Nội. Do đó lại còn được biết thêm nhiều điều về điệu sống, cá tính sống, quan điểm học thuật, quan điểm xã hội.. của giáo sư. Và ấn tượng cuối cùng đối với tôi, đây là một con người siêu việt nhưng cũng có cái gì đó không bình thường. Nhớ lại, trước ngày giáo sư từ giã thế giới đại học không bao lâu, thầy Hà Huy Giáp, bấy giờ là Uỷ viên Trung ương Đảng, bí thư Đảng đoàn kiêm Thứ trưởng Bộ Giáo dục và là thầy dạy chính trị của chúng tôi vẫn nói trước lớp: “Người Việt Nam ta thông minh tuyệt vời. Có người như anh Trần Đức Thảo đã cho Tây thua liểng xiểng”. Trước ngày miền Nam giải phóng, cuốn hồi ký Bên giòng lịch sử của linh mục Cao Văn Luận cũng liệt giáo sư Trần Đức Thảo vào hàng một trong ba người Việt Nam kiệt xuất nhất trên đất Pháp. Và gần đây nhất, trong dịp giáo sư qua đời, lời tưởng niệm giáo sư tại giảng đường xưa của Đại học Việt Nam nơi giáo sư từng giảng dạy, cũng như lời đưa tin về sự qua đời của giáo sư trên vô tuyến truyền hình Việt Nam, đã nổi lên lời đánh giá: giáo sư Trần Đức Thảo sau khi từ giã triết học duy tâm, triết học hiện sinh, đã trở thành người trung thành và kiên trì bảo vệ chủ nghĩa Mác. Tôi nghĩ, đó đều là những lời dánh giá tốt đẹp với giáo sư. Chúng tôi là học trò của giáo sư, không thể không vui lòng trước những lời tốt đẹp đó. Dù vậy, tôi vẫn thấy ở con người này vẫn cần được khám phá, phát hiện thêm. Vì như trên đã nói: đây là một con người siêu việt nhưng có cái gì đó không bình thường. Tôi, bước đầu ghi lại những điều trên đây, trước hết là để tỏ lòng biết ơn một người thầy đã cùng với một số thầy khác là Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Cao Xuân Huy… với hôm nay là kẻ còn người mất, nhưng đã dạy tôi nên người trí thức. Riêng thầy Trần Đức Thảo, cái mà thầy cho tôi lớn nhất là biết được thế nào là một năng lực tư duy trừu tượng khoa học cao siêu để tôi phấn đấu trong gần bốn chục năm qua. Thầy đã trút hơi thở cuối cùng bên trời Tây rồi. Bầu trời Paris hôm 19-4 đó không biết có sụt sùi không. Nhưng lòng tôi muốn như thế. Vì đây là con người siêu việt của Việt Nam đã đành, mà còn đáng cho nền văn hoá Pháp tự hào. Con người đó cũng có phần thành của chung nhân loại. Nói thế có quá lời chăng!

 

 

 

Đồng Xa, 12-5-1993

 

Giáo dục và thời đại,

Số 23 (1129), ra ngày 7/6/93.

 

Xin cám ơn Lã Thị Hải Yến đã chép lại bài này

 


Chuyên mục: Bài viết ưa thích

Nhật kí cho Cống yêu

11.01.2010

 

    

Ba ơi, ba tên là gì hả ba?
– Ba tên là Nguyễn Huy Chính, còn con là Nguyễn Huy Phan.
– Thế chị Chuột có phải tên là Nguyễn Huy Chị Chuột, còn mẹ là Nguyễn Huy Mẹ, ông bà ngoại là Nguyễn Huy Ông Ngoại, Nguyễn Huy Bà Ngoại à?
– ?????

– Cống ơi, Cống yêu mẹ nhiều bằng từng nào?
– Con yêu mẹ bằng “từng 3” (Cống nhầm chữ “từng” với chữ “tầng”)
– Chỉ yêu mẹ bằng từng 3 thôi à? Nhà cô Lan có những 5 tầng cơ mà.
– Thế thì con yêu mẹ bằng “tầng mặt trời”.

 

Tháng 9,10 hàng năm bọn trẻ con trong khu liên tiếp có sinh nhật. Ti và Cống liên tục được mời. Cống tức quá và chửi: “mẹ cha chúng nó đua nhau sinh nhật mà chờ mãi không đến sinh nhật mình. Mẹ ơi, con thích có cả sinh nhật vào mùa đông, cả sinh nhật vào mùa hè cơ” (thu 2001).

– Chị Ti ơi, chị đừng đi học lớp 9 vội.
– Tại sao lại thế?
– Chị đợi để em và chị đi học lớp 9 rồi chị em mình làm chị em sinh đôi (9.2001)

Tháng 5.2001
Khi ngồi trên máy bay qua Đức, nhìn ra cửa sổ máy bay và thấy những đám mây trắng khổng lồ lô nhô bên ngoài Cống bỗng thốt lên:
– Mẹ ơi, bầy cừu của ông Trời kìa.
ui ui…. Cống có óc tưởng tượng phong phú quá. Mẹ nhìn và thấy giống quá.

Khi mới qua lại bên Đức (6.2001), Cống hỏi:
– Mẹ ơi, sao ở Tây sướng thế mà nhà mình lại về Việt Nam hả mẹ?
– Thế ở lại bên này mà không có ba Chính thì con có ở lại không?
– Không.
Hai tháng sau, giữa Paris, Cống cũng hỏi như thế và mẹ vẫn hỏi lại Cống như thế thì Cống trả lời:
– Có ở lại, không có ba cũng ở. Sau này ba sang được thì sang, còn không sang thì cho ba ở lại Việt Nam cũng được.
Cống xem ra thế mà bạc 😉

Cống hát Trinh Công Sơn: “Ta mang cho em một đóa quỳnh, quỳnh thơm hay môi em thơm” và lẩm bẩm tự trả lời một mình: “Cả Quỳnh và môi em đều thơm” (Paris hè 2001).

Khi ngồi trong nhà ở khu Babeuf của cha Thi giữa Paris, Cống thốt lên: "Một buổi tối rất đêm".
Dạo 3 tuổi đã có lần Cống bảo với ba Chính: "Ba ơi, toàn mùi mưa ba ạ".
Mẹ nghe mà choáng, chỉ sợ sau này Cống lại "cao hứng" mà thành nhà thơ thì chết dở. Đời lại khổ vì thương thay khóc mướn thì chết toi.

– Cống ơi, mẹ cho em Huyền Mi nhà chú Phong quần áo chật của Cống nhé?
– Không được, con không cho đâu, con còn giữ làm kỉ niệm (đông 2001)

Sắp sinh nhật chị Ti (17.09.2001), Cống mặc cả với chị:
– Chị Chuột ơi, chị cho em sinh nhật chung với chị rồi khi nào chị sinh nhật em thì em lại cho chị sinh nhật chung. Như thế có phải 1 năm bọn mình mỗi đứa có những 2 lần sinh nhật, chứ không thì đợi lâu bỏ xừ.

Đến sinh nhật chị Ti, Cống lại bảo: “thôi, em không thèm sinh nhật chung với chị nữa đâu vì đằng nào bọn chúng nó (bạn hàng xóm) cũng không tặng em quà, với lại đằng nào em cũng không được thêm một tuổi, chán bỏ xừ”.

– Mẹ ơi, đã có ai lên được mặt trăng, mặt trời chưa hả mẹ?
– Người ra đã lên được mặt trăng, còn mặt trời thì chưa.
– Tại sao hả mẹ?
– Tại mặt trăng thì mát, còn mặt trời thì nóng.
– Thế sao họ không lên mặt trời vào ban đêm cho mát? (thu 2001).

Cống hỏi thăm bà nội (thu tháng 10.2001 khi bà nội ra Hà Nội chữa mắt):
– Bà nội ơi, sao ông nội chết lâu rồi mà bà mãi vẫn chưa chết?
Mẹ hỏi Cống: “sao con lại hỏi bà nội thế?”. Cống trả lời: “Con tưởng người bằng tuổi nhau lấy nhau thì cũng phải chết cùng nhau chứ”.

– Bà nội ơi bà nội, sao bà không chết cùng một ngày với ông nội để giỗ chung cho vui? (Cống hỏi bà khi về giỗ ông nội, 12.2001).
Ui ui…. Phải “bà nội khác” thì ba mẹ lại gặp rắc rối to rồi, thế nhưng may mà bà nội Cống lại hiền nhất trên đời này. Bà nghe xong cứ cười khì khì bảo: “Cu Cống nói hay hè” (bà nói giọng Nghệ An mà), hi hi………

– Ba ơi ba, con chó nó có sinh nhật không hả ba?
– Có chứ, ngày mẹ con chó sinh ra con chó là ngày sinh nhật của nó.
– Tại sao mình không biết sinh nhật của con chó hả ba?
– Tại vì mình không biết mẹ nó sinh nó vào ngày nào.
– Thế thì sau này khi mình mua chó mình nhớ mua cả mẹ con chó để mẹ nó còn nói cho mình biết ngày sinh nhật của nó ba nhá.
– Thế con muốn biết sinh nhật của chó để làm gì?
– Để mình tổ chức sinh nhật cho chó nhà mình và mời bọn chó hang xóm sang dự sinh nhật con chó nhà mình ấy mà (01.2002)
– ??????
Sở dĩ Cống bảo thế vì sinh nhật Cống và chị Chuột bao giờ cũng mời trẻ con hàng xóm sang dự, hic hic…. Cống đáng yếu quá đi mất.

Tết được mọi người mừng tuổi tiền Cống đều từ chối và bảo: “cháu không thích đâu, bác (cô, chú) cho chị Ti ấy, chị ấy sưu tầm đấy”. (Tết 2002)

– Mẹ ơi, sao ông Trời không chết mà mình lại chết hả mẹ?
– Đâu, mình có chết đâu.
– Thế sao ông Tý (ông nội) thì chết mà ông Trời lại không bị chết?
– Tại vì ông già rồi.
– Tức là khi già lụ khụ mới chết phải không mẹ?
– Ừ.
– Con sợ chết lắm, con chỉ thích làm ông Trời để không phải bị chết thôi. (Tết 2002).

– Mẹ ơi, có phải mẹ là bà nội còn ba là ông nội không?
– Ừ, khi nào Cống lấy vợ có con thì mẹ thành bà nội còn ba thành ông nội. Thế mẹ đố Cống, khi chị Ty lấy chồng có con thì mẹ thành bà gì?
– Mẹ thành bà già, thành bà cụ. (17.03.2002).
– 🙂

Trời hè nóng quá. Mẹ tắm cho Cống xong. Khi mặc quần cho Cống, Cống bảo:
– Giá mà không phải mặc quần thì tốt.
– Không mặc quần để che chim lại thì xấu hổ chết.
– Không thích có chim.
– Vậy tè bằng gì?
– Vẫn có chim nhưng không mọc ở đây mà ở chỗ khác.
– Ở đâu mà chẳng phải che lại.
– Ở trên đầu. Chỉ cần đội mũ vào là xong (04.2002)
Mấy bữa sau tự dưng Cống lại bảo: “Sao mình ngu thế nhỉ? Nếu chim mọc trên đầu thì mình lại đái vào đầu và mặt mình à”. Ăc ặc……..

– Chị Ty ơi, sao lần trước mình xem Film này (Trái tim mùa thu) cô Ing-sơ chết rồi mà bây giờ cô ấy vẫn sống? (06.2002) (Hóa ra là cùng diễn viên nhưng đóng ở phim khác).

– Chị Ty ơi, sau này nếu chị già rồi mà em vẫn chưa già thì em có phải gọi chị là bà cụ không hay vẫn được gọi chị là chị Ty? (07.07.2002)

 

Hè 2002.

Chuẩn bị vào lớp 1, Cống học đánh vần. Một hôm mẹ bảo Cống đánh vần chữ "giò", Cống đánh vần như sau:

Cống:  O gi o gio huyền…….

Mẹ: huyền gì?

Cống lưỡng lự một lát rồi nói: O gi o gio huyền…. tam.

Ba mẹ cười lăn lộn. Tưởng Cống biết đánh vần "Gi o gio huyền giò", ai ngờ Cống lại phang thành "O, gi o gio huyền …tam".

Hóa ra trong đầu Cống thì HUYỀN bao giờ cũng phải đi liền với TAM vì hàng xóm có nhà cô Huyền chú Tam, cả xóm lúc nào cũng gọi là nhà Huyền Tam.

Cống ơi là Cống!

2002 – Đi học lớp một  với em chó xám

Cống rất yêu súc vật. Nhà không có chó thật nên Cống yêu bọn thú nhồi bông. Trong lũ đó Cống yêu nhất "em chó xám". Khi đi học lớp một, hàng ngày Cống vẫn ôm em chó đến trường. Trước khi vào lớp, Cống ôm hôn và tạm biệt em chó "Chào chó nhé, anh vào lớp đây".

Được một thời gian, thấy các bạn đi qua nhìn mình như nhìn vật thể lạ, Cống ngại quá nên không ôm em chó xám nữa mà để em chó nằm còng queo trong cốp xe máy. Đến cổng trường Cống mới bảo mẹ mở cốp xe cho Cống chào tạm biệt em chó để vào lớp.

Lên lớp 2 Cống còn "bản lĩnh" đến mức mang luôn 1 chú gấu bông đến lớp, thi thoảng con đưa cho các bạn khác mượn chơi.

Tết Nguyên đán 2003
Cu Cống về quê ăn Tết với bà nội. Nhìn gà mẹ đi với 2 con gà con ngoài sân, Cống thích quá và bảo mẹ hỏi xin cho Cống một con.
Mẹ bảo: Không được, gà con bé quá, mang nó ra Hà Nội không có gì cho nó ăn, nó chết mất.”
Cống: Thế thì mẹ mượn cho con con gà mẹ mang ra Hà Nội để nó cho con gà con bú.
Mẹ: Không được, đây là gà nhà hàng xóm, mẹ không mượn được.
Cống: Thế thì mẹ cứ mang con gà con ra Hà Nội cho con, mình lấy cái bình sữa của con ngày bé mình cho sữa vào cho con gà con nó bú.
Mẹ: Không xin được đâu vì đây không phải là gà nhà bà nội mà của nhà hàng xóm.
Cống: Thế làm sao mà có được con gà con, gà mẹ đẻ ra nó hả mẹ?
Mẹ: Không! Gà mẹ đẻ trứng, sau đó ấp trứng nở thành gà con.
Cống nghe thấy thế liền lăn ra đòi ấp trứng. Nó đòi ghê quá nên bà nội đành luộc cho nó 3 quả trứng gà để cho cu cậu ấp cho khỏi vỡ. Dọc đường, trên tàu, Cống ôm khư khư 3 quả trứng gà trong lòng để ấp. Khi buồn ngủ quá, Cống nhờ ba: “ba ơi, ba ấp tiếp hộ con với”. Sáng ra, khi về đến nhà ông bà ngọai, Cống hỏi ngay xem trứng đã nở ra gà chưa. Khi thấy chưa, Cống rủ em Mi con cậu Đông ra ấp tiếp. Mi thoạt đầu không tin nhưng sau nghe anh Cống thuyết phục ghê quá cũng ra ấp trứng cùng anh Cống. Â’p mãi không thấy nở, thế là Cống lăn ra ăn vạ bà nội đã mua “quả trứng sai” cho Cống ấp để nó không nở được. (mùng 2 Tết âm lịch 2003- Quí Mùi)

Sáng ra, mẹ chở Cống đi học. Vừa dắt xe máy ra khỏi cửa, Cống than: “Chán quá, lại phải đi học. Chỉ có mỗi bọn kiến là sướng vì không phải đi học!”.
Mẹ bảo: ai chẳng phải đi học. Kiến cũng phải đi học chứ. Kiến cũng đi học trường của kiến với bạn của kiến, cô của kiến.
Cống: Thật á hả mẹ? Kiến cũng phải đi học thật á?
Mẹ: ừ, kiến cũng phải đi học. Kiến cũng phải đến trường riêng của bọn kiến để học chữ của loài kiến.
Cống: ối giời ơi, con không tin. Con thấy bọn kiến đi học trường của người hẳn hoi đấy. Mẹ không biết thì thôi nhá. Hôm qua cả lớp con đang học chăm chú thế mà bỗng dưng có cả một đoàn kiến đi vào lớp đấy. (Tháng 3.2003. Cống học lớp 1)

31.05.2003
Chị Ti qua Pháp học thêm và nghỉ hè. Chị Ti bảo ”Cống ơi, cho chị Ti mượn cái chim của Cống để mang đi Pháp cho đỡ nhớ nhé”.
Cống: không được đâu, chị đi những 2 tháng thì em đái bằng gì”.

Trưa 1.6.2003
chị Ti gọi điện thoại từ sân bay về báo tin đã sang tới nơi an toàn. Mẹ bảo mẹ thở phào nhẹ nhõm khi nghe tin chị Ti qua Pháp an toàn. Cống nghe vậy cũng kể: “hôm qua lúc ở sân bay tiễn chị Ty con cũng cầu cho chị ấy đi không bị nổ máy bay”. Hỏi Cống cầu như thế nào, Cống chỉ vào đầu và bảo: con nghĩ thầm ở trong này, con không nói cho ai biết.

08.04.2004
Cống (lớp 2) đi học về và kể: hôm nay ở lớp bạn Nhật Minh xem bói cho con và bảo con sau này có hai con, một trai một gái. Còn bạn…. thì bị bạn Minh bói là “không con”.


30.01.2005

Mẹ bảo với Cống: Cống ơi, cho mẹ sờ chim Cống một tí nào. Lâu rồi mẹ không được sờ, mẹ nhớ cái chim của Cống lắm.
Cống: Mẹ chỉ nói linh tinh, sờ cái gì, không cho mẹ sờ chim đâu.
Mẹ: ừ thì thôi, mẹ đánh chừa cái tay hư này, cái tay cứ đòi sờ chim em Cống. Cái tay hư quá đi mất.
Cống: không phải đánh vào cái tay mà mẹ phải đánh vào ý nghĩ của mẹ ấy. ý nghĩ trong đầu điều khiển hoạt động của cái tay đấy, con học ở trong môn Tự nhiên – Xã hội thấy bảo thế.
Mẹ: ừ thì mẹ đánh vào cái suy nghĩ cuả mẹ. Cái suy nghĩ của mẹ hư quá, cứ đòi cái tay sờ chim em Cống. 😉
Cống: suy nghĩ của mẹ bẩn lắm. Mẹ phải đánh què cái suy nghĩ cuả mẹ đi nhá.

2005 (lớp 3), lại chuyện "chim cò"

Một hôm đi học về Cống bảo: Mẹ biết không, hôm nay lúc đi tiểu, con nhìn thấy chim bọn lớp con dài cực, dài phải đến mấy trăm mét ấy.

Mẹ nghe xong bảo: chỉ được cái nói lăng nhăng.

 

Tự dưng, một thời gian sau Cống lại hỏi mẹ: Mẹ ơi, 100 mét là dài bằng từng nào?

Mẹ bảo: dài bằng từ nhà bác Nga Lâm đến nhà anh Bi.

Thế là Cống vội vàng nói: nếu thế thì chim của mấy thằng lớp con chỉ dài có mấy chục mét thôi.

Ối giời ơi, bố Cống ơi là bố Cống.



Ngày mùng 7 Tết Ât Dậu 2005

Cống cùng ba, me, chị Ti, chú Long đi Bia Bà. Ba va chị đợi ở ngoài xe Auto. Mẹ, Cống, chú Long vào Bia Bà. Cống tự mình khấn Bia Bà xin:
– ngoan ngoãn học giỏi
– sống hòa thuận với các bạn
– Được mua bộ cờ vua
Đến ban nào Cống cũng chạy lên đầu để đọc lời khấn theo chỉ dẫn, đến chỗ địa chỉ nhà Cống bảo chú Long: Chú Long ơi, cháu bỏ qua chỗ địa chỉ được không vì cháu không nhớ địa chỉ nhà cháu. Chú Long bảo “được”, thế là Cống yên tâm khấn tiếp rất thành khẩn và lại còn cúi rạp xuống vái nữa chứ. Cống đáng yêu thật.

Tối mùng 8 Tết, Cống chạy lên phòng làm việc của mẹ khoe: mẹ ơi, tối nay con vừa tự mình làm xong 7 bài toán không cần ai phải nhắc hết cả. Mẹ bảo: mẹ cảm ơn Cống nhiều lắm.

29.04.2005 (lớp 3)
Tối, mẹ nhận được điện thoại của cô Hà chủ nhiệm nói Cống hôm nay ở lớp đấm vào mũi bạn Hà Mi. Mẹ hoảng quá gọi điện cho mẹ Hà Mi để xin lỗi và hỏi thăm tình hình. Mẹ dặn mẹ Hà Mi nếu có chuyện gì (viêm nhiễm, sốt) thì bất kể đêm hôm cũng phải gọi sang nhà mình vì ba là bác sĩ. Mẹ bạn Hà Mi thật tử tế. Mẹ bạn ấy không những không trách gì Cống mà còn mắng bạn ấy “con có trêu chọc Cống mới bị Cống đấm thế chứ” J.
Ba mẹ đã rất giận Cống và mắng Cống một trận nên thân: loại con trai mà đi đánh người yếu đuối hơn mình, lại còn đánh con gái nữa là kẻ đốn mạt nhất, là điều nhục nhã nhất ở trên đời này. Nếu muốn thì hãy đi đánh những người lớn hơn mình, khỏe hơn mình. Ba “điên tiết” quá đã quất cho Cống mấy roi quắn đít lại. Đau khóc không thành tiếng thế mà Cống đã cho “ra lò” một bản kiểm điểm hiếm có.
Ba mẹ đọc mà phải bấm bụng mãi mới “phanh được cơn cười”. Cống ơi là Cống, sao bị đòn đau thế mà Cống vẫn “tìm cách tránh tội” được thế. Ba mẹ đã cắt ngày 29.04.2005 từ tấm lịch và đút xuống dưới tấm kính bàn ăn chỗ Cống ngồi để hàng ngày đến bữa ăn cơm Cống nhìn thấy nhớ mà rút kinh nghiệm. Bản kiểm điểm thì treo ở tủ lạnh. Sau đó mẹ đã mang bản kiểm điểm của Cống đi ép plastic cất đi để sau cho vợ con Cống xem “thành tích bất hảo” của Cống ngày xưa, hí hí…
Hôm sau mẹ đã mua mấy cuốn truyện tặng bạn Hà Mi để "bồi thường thiệt hại", hic hic… Mẹ bảo Hà Mi: Hà Mi ơi, nếu sau này con lấy ai hơn bạn Cống thì tốt, còn nếu bọn nó chê con có cái mũi tẹt (vì bị bạn Cống đấm cho xẹp) thì con về con lấy bạn Cống nhá. hi hi…. Bạn Hà Mi đáng yêu lắm, bạn ấy nhe răng sún ra cười và lắc lắc cái đầu.

 

{webgallery}

{/webgallery}

 

Hà Nội, ngày 29.04.2005

Thưa ba mẹ!

Hôm nay con có tội đánh bạn. Con bênh bạn Bá Ngọc. Các bạn gái mách cô bạn Bá Ngọc ẩy bạn Dung và Thu. Con bảo "Các cậu tưởng có cô bênh vực mà người ta sợ à?"

Bạn Nguyễn Hà Mi quát lại: "Ừ đấy, thì sao nào?". Lúc đó con tức quá ra dọa bạn ấy. Con đã nghĩ "Thôi, đây chỉ là hù dọa mà thôi". Nhưng không hiểu sao tay con lại không nghe theo ý nghĩ của mình, đấm thẳng vào mũi bạn Hà Mi. Thế là bạn ấy khóc. Ngay từ lúc đó con đã muốn xin lỗi bạn ý và đã biết mình có lỗi. Buổi chiều con đã xin lỗi bạn ấy và cho bạn ấy tát lại. Qua sự việc trên, con thấy mình đã sai. Và là sai lầm rất lớn khi lại đánh bạn gái. Con đáng chết.

Người viết

Nguyễn Huy Phan

PS. Mãi mãi con sẽ không làm chuyện tầy đình đáng chết đó. Sẽ mãi mãi!

Cống là đứa trẻ rất nóng tính, tính kiềm chế cực kém. Lớp 1,2 Cống rất ngoan nhưng sang lớp 3 bỗng trở nên cục cằn, nóng nảy và hay đánh bạn. Có lần, ở lớp 3, không hiểu giận chuyện gì ở lớp mà Cống đá tung giát giường lớp bán trú, có lần thì đánh bạn. Ba dặn Cống: khi nào con thấy giận việc gì quá thì con nghiến răng, nắm chặt hai tay lại, nuốt nước bọt rồi gồng mình lên một lát thì cơn giận sẽ qua, hoặc bí quá thì đấm vào mặt bàn chứ không được đánh bạn. Một hôm ba mẹ được cô Hà chủ nhiệm thông báo Cống hôm đó ở lớp đã đấm vỡ tấm kính cửa sổ. Ba mẹ sợ quá. Ba bảo Cống: Ba đã dặn con rồi, bí quá không kiềm chế được thì đấm vào mặt bàn, nếu có gãy xương ngón tay nào thì ba còn mổ mà nối lai được chứ con đấm vào cửa kính thế kính nó cắt đứt động mạch chủ hay dây thần kinh, cơ là con liệt mất tay, ba đẻ con lành mà lại nuôi con què.
Giời ạ, hôm nào đón con ở cổng trường cũng giật mình thon thót, tim cứ nhảy đến 5 nhịp một và phải hỏi ngay “Mẹ chào con trai. Hôm nay mọi việc ở trường có ổn không con? Con trai của mẹ hôm nay có “chung sống hòa bình” với các bạn không?” Nếu được “ông con” trả lời “ổn mẹ ạ. Con chơi hòa thuận với các bạn” thì phải nhanh miệng mà cảm ơn “ông con” ngay “Mẹ cảm ơn con trai đã tặng mẹ một ngày tuyệt vời”. Và sang hôm sau, khi chia tay con ở cổng trường cũng phải nói luôn “Con trai đi học vui nhé, hôm nay lại tặng ba mẹ một ngày tuyệt vời như hôm qua nữa nha”.
Thật đến mệt với ông con.


Tháng 12.2005.

Khi thấy Ba Chính đưa tiền cho mẹ Hoa cất, Cống nói luôn: sao Ba dại thế, lại đưa tiền cho mẹ, mẹ tiêu mất thì sao. Còn lâu mà sau này con đưa tiền của con cho vợ con tiêu nhá. 🙂

23.12.2005
Cống đi với Ba Chính về quê giỗ ông nội. Thấy mọi người dựng rạp, Cống bảo: Dựng cẩn thận vào không sập rạp là chết cả họ đấy.
Khi mọi người bảo sao mái rạp không thẳng, Cống bảo: Ôi giời, khách đến ăn người ta chỉ nhìn vào bát xem món ăn có ngon không chứ có ai nhìn lên mái rạp đâu mà sợ.

25.12.2005
Mời mọi người đến ăn Noel. Mẹ kể đi xem bói ở Phúc Yên họ bảo năm 49 tuổi mẹ bị lẫn. Chú Kính trêu: ra chợ lại bảo: chị bán cho tôi một lít thịt. à quên, tôi quên mất chai ở nhà. Hôm sau, Cống cứ cười ngặt nghẽo về câu đùa của chú Kính, rồi nói: chắc lại phải mua đến một Km thịt ấy chứ. J

Tháng 5.2005
Một anh lớp 5 khoe với Cống: nhà anh có 7 cái ô tô, trong đó có 2 cái Mercedez, bố anh là giám đốc.
Cống cũng nhanh nhảu khoe ngay: nhà em có những 10 cái ô tô cơ, mà lại toàn Mẹc hết.
Anh kia hỏi: Bố em làm gì?
Cống: Bố em làm PMU 18.
Cống còn nói thêm: bố em là Bùi Tiến Dũng đấy.
Láo quá đi mất!!!!!!!!!!

Cống và các bạn đi viếng mộ Đặng Thùy Trâm ở nghĩa trang Từ Liêm và viếng cả nghĩa trang Mai Dịch. ở nghĩa trang Mai Dịch Cống thấy toàn mộ các ông to.
Cống kể: tự nhiên mình quên mất là Bác Hồ có lăng riêng rồi, suýt nữa lại tìm người quản trang để hỏi xem mộ Bác Hồ ở đâu. Nhưng không hiểu sao lúc sau lại lỡ mồm hỏi “thằng bên cơ sở” là mộ Bác Hồ ở đâu. Mình vừa hỏi xong bị thằng ấy nó mắng cho: ơ cái thằng này, mày bị thần kinh à?
Ha ha ha….

Chú Long chở Cống và chị Ti đi ăn kem (chị Ti khao giải quốc gia từ năm ngoái). Dọc đường chú Long và chị Ti nói chuyện với nhau về cách tính cước điện thoại di động của S-phone 6+1. Cống nghe thấy và nói với chú Long: Chú Long ơi chú Long, chú cháu mình thì là 2+1 nhỉ.
Chú Long không hiểu Cống nói gì, hỏi lại. Cống bảo: thì chú cháu mình là đàn ông nên có hai chân cộng thêm 1 chân giữa nữa chẳng thành 3 chân là gì.
ối giời đất ơi, ông Cống ơi là ông Cống!!!!!!!!!!!!!


Trưa thứ 7, 13.5.2006
, Cống kể chuyện ở lớp chơi đá ngựa (vì thấy tay và người Cống bị tím), Cống phải cõng các bạn vì Cống béo và nặng hơn các bạn. Thế nhưng có một bạn nặng có 32 kg nhưng cứ đòi cõng Cống. Cống đã bảo bạn là không cõng được đâu mà bạn ấy không chịu, vẫn cõng. Thế là “nó cứ cõng mình đi xiêu xiêu vẹo vẹo. Đối thủ ở phía bên phải mà nó cứ cõng mình sang bên trái”…. ha ha ha…..


9.2006

Vừa ở Đức về, Cống xách ngay đôi dép hồng của Tuti lên đặt trước cửa phòng Tuti và nói: để thế này để cho có cảm giác là chị Ti vẫn đang ở nhà.

Cống mang tất cả các con bông của chị sang giường Cống chơi và bảo: tất cả lũ này đều nhớ chị Ti, chỉ có con này là không nhớ. Hoá ra là Cống chỉ vào con Winypoo vì cái miệng nó cười ngoác ra.

Tuần đầu mới về, Cống đêm nào cũng khóc nức nở đến 2 giờ sáng. Cống còn bắt mẹ dạy tiếng Đức để đi sang Đức với chị Ti. Cống khóc rống lên và bảo “Sao lại cứ phải đi du học, sao không học được ở Việt Nam. Sau này con không đi du học đâu, và cũng sẽ không cho con của con đi du học đâu”.

Cống lấy tất cả các con bông, các Album và các khung ảnh của Tuti hoặc trong đó có hình Tuti, mang nệm của Tuti sang phòng ba mẹ, xếp chúng xung quanh nệm rồi nằm lọt thỏm ở giữa và bảo: “Làm thế này để có cảm giác là vẫn được nằm bên cạnh chị Ti”.

 

{webgallery}


{/webgallery}

{webgallery}

 

 

 

{/webgallery}


Ảnh Cống nằm ngủ còng queo giữa những con bông và những Album ảnh của hai chị em. Cống bảo "Con làm thế này để có cảm giác vẫn được nằm bên cạnh chị Ti". Cống tuy nghịch ngộ và lắm khi láo lếu làm ba mẹ "đau não", hi hi,..nhưng là một đứa trẻ sống rất tình cảm. Cống giờ đã học lớp 8 nhưng đi học về bao giờ cũng không chỉ chào ba mẹ rất to mà còn thơm ba mẹ rất chi là tình cảm, thơm hết má phải lại sang má trái.

 

06.2007
Tuti chuẩn bị về phép. Cả nhà phấn khởi chờ đón Tuti. Cống và Miu cũng tích cực chuẩn bị cho bữa đón chị và lên một chương trình chơi với chị khi chị ở VN. Hôm trước khi Tuti về, Miu đến nhà bác. Cống và Miu nằm lăn quay ra sàn nhà đến nửa đêm tô màu, viết, vẽ "tấm biển" để mang ra sân bay đón chị. Hai đứa say sưa tô, vẽ và viết. Sáng sớm hôm sau ra sân bay ai nhìn cũng choáng vì cái tấm biển của Cống và Miu. Thật là độc đáo.
Ra sân bay Cống và Miu lại dỗi nhau, mỗi đứa ngồi vật ra một góc. Chiều về nhà, chị Ti chia quà xong cho 2 đứa, không hiểu Miu làm gì mà Cống lên giọng "đuổi" Miu về ngay: "Mày thì mong gì chị Ti về, mày chỉ mong quà của chị Ti thôi, tao biết thừa cái mặt mày rồi", hi hi…. Hai anh em đấy, láo quá đi mất, chành chọe nhau suốt ngày. Đấy là còn thiếu thằng Bờm, có đủ Bờm nữa thì "đại loạn luôn. 🙂

{webgallery}

{/webgallery}


{webgallery}

 

{/webgallery}

 

 

 

Chuyên mục: Viết cho con trai

Lời dông dài

11.01.2010

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng.

Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi…

Trịnh Công Sơn

Chuyên mục: Tin trên cùng

Lời dông dài

10.01.2010

Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo…

Nguyễn Công Trứ

Chuyên mục: Tin trên cùng

Lễ tốt nghiệp lớp đào tạo phát thanh viên và dẫn chương trình khóa 6

10.01.2010

{webgallery}

{/webgallery}

{webgallery}

{/webgallery}

{webgallery}

{/webgallery}

{webgallery}

{/webgallery}

Chuyên mục: Các khóa bồi dưỡng

  • « Go to Previous Page
  • Go to page 1
  • Interim pages omitted …
  • Go to page 166
  • Go to page 167
  • Go to page 168
  • Go to page 169
  • Go to page 170
  • Go to page 171
  • Go to Next Page »

Primary Sidebar

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa
Giám đốc Nhịp Cầu Đức CTC

Bài viết mới

  • Đại nhạc hội Giáng sinh 2020 kỉ niệm 5 năm thành lập Nhịp Cầu Đức CTC
  • Kĩ năng sống (2)
  • Kĩ năng sống (1)
  • Chuẩn bị hành trang du học
  • Để con không vô cảm

Phản hồi gần đây

  • Dương Duy Thảo trong Bài phát biểu tại lễ khai mạc triễn lãm về bảo vệ môi trường tại Viện Goethe HN
  • Guest trong Bài phát biểu tại lễ khai mạc triễn lãm về bảo vệ môi trường tại Viện Goethe HN
  • nguyễn thu hiền trong Bài phát biểu tại lễ khai mạc triễn lãm về bảo vệ môi trường tại Viện Goethe HN
  • BacGiang trong Thông gia nhà mình
  • Guest trong Thông gia nhà mình

Our Visistor

023089
Views Today : 5
Views Yesterday : 36
Views Last 7 days : 196
Views Last 30 days : 1742
Views This Month : 1305
Views This Year : 4214
Total views : 39687

Secondary Sidebar

Bài viết

  • Bài viết của tôi
  • Bài viết từ độc giả
  • Bài viết ưa thích
  • Viết cho con trai

Đào tạo

  • Tư vấn du học Đức
  • Các khóa bồi dưỡng
  • Sau đại học
  • Đại học
  • Đơn vị đã tham gia giảng dạy

Nghiên cứu

  • Bài tham gia hội thảo
  • Bài đăng trên tạp chí
  • Sách đã xuất bản
  • Đề tài nghiên cứu

Liên kết

  • Facebook Phương Hoa
  • Nhịp cầu Đức CTC
  • PTE Online

Copyright © 2025 · Phương Hoa