PHẦN LAN – NGÔI SAO PHƯƠNG BẮC (tác giả: TS. Võ Xuân Quế)
CHƯƠNG V. GIÁO DỤC VÀ THƯ VIỆN
PHẦN II: THƯ VIỆN PHẦN LAN – NGÔI NHÀ CHUNG CHO TẤT CẢ MỌI NGƯỜI
Có thể không ít người nghĩ rằng với sự phát triển rộng rãi của mạng lưới internet, sách báo điện tử xuất hiện trên mạng ngày càng nhiều thì số sách, báo in cũng như người đến thư viện sẽ ít đi, dẫn tới việc thư viện sẽ mất dần “đất sống”. Song, nhận xét này không hoàn toàn đúng với trường hợp của Phần Lan. Là một trong những quốc gia có số lượng người sử dụng internet cao nhất trên thế giới, song Phần Lan cũng là nước có nhiều sách, báo in hàng năm nhất trên thế giới hiện nay nếu tính bình quân theo đầu người. Trên thực tế, mặc dù số lượng thư viện ở Phần Lan có giảm đi so với trước[11], song số lượng người đến với thư viện cũng như số ấn phẩm của thư viện được mượn những năm gần đây không giảm đi mà trái lại còn tăng lên.
Theo con số thống kê của cơ quan thống kê quốc gia, số ấn phẩm mượn từ thư viện bình quân theo đầu người ở Phần Lan là: 20,1 ấn phẩm (năm 1995), 19,9 (năm 2000) và 21,1 (năm 2004)[12]. Năm 2005, tổng số ấn phẩm mượn từ thư viện là 105,6 triệu bản, trung bình một người dân đến thư viện công cộng 12 lần trong năm. Điều đó đủ nói lên rằng Phần Lan là một dân tộc rất ham đọc sách và yêu thích thư viện. Chính sự ham đọc của người dân và sự phát triển của kỹ thuật thông tin và mạng lưới internet đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của mạng lưới thư viện nước này và khiến cho thư viện của họ tăng thêm sức hấp dẫn đối với người dân.