Chẳng hiểu thế quái nào mà lại có phóng viên báo Sinh viên Việt Nam gọi điện thoại đến xin phỏng vấn cái loại "vô danh tiểu tốt" như mình, hic . Lúc đầu cứ tưởng phóng viên nhầm, hỏi ra mới biết mình chỉ vào dạy thay ở lớp em gái cô phóng viên (K41, khoa Pháp) "nhõn" 2 buổi mà em gái cô bé đó và đám bạn cùng học "nhớn nhác" hết cả lên và "xúi" cô chị đến làm cuộc "in-tơ-viu" cô Hoa, hic. Ờ, thích "in-tơ-viu" thì tớ cho "in-tơ-viu" ngay tắp lự.
Thế nhưng sau khi nhận được bài "in-tơ-viu" đó thì tớ hơi bị choáng vì thấy lắm chỗ đã bị biến thành "in-tơ-viếc" vì nó không phải là ngôn ngữ của tớ nữa mà đã bị "teen hóa" cho hợp với "khẩu vị" của sinh viên. Lắm chỗ tớ đã nói rõ là chỉ "tâm tình ngoài lề" thì lại "bị quẳng lên mặt tiền", và có chỗ mình tâm huyết, hỉ xả thì "mất hút con mẹ hàng lươn", dòm mãi chẳng thấy đâu. Bực quá bèn gọi điện ngay cho cô bé phóng viên yêu cầu báo tòa soạn hoãn chưa cho đăng. Cô bé gật gật, dạ dạ, vâng vâng nhiều cái lắm rùi và sau đó đã báo tòa soạn đình lại chưa đăng để chờ sửa mà không hiểu sao họ vẫn cho đăng.
Kể ra cũng hơi bực mình tí.
Mà không làm được gì nữa cả.
Cũng chẳng biết "ăn vạ" ai nữa đây, hi hi…
xem link ở đây:
http://www.baomoi.com/Khi-sinh-vien-la-ban-cua-giang-vien/59/4591434.epi
Do link "có vấn đề" nên đăng lại dưới đây:
—————-
(SVVN) PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa (Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội) trao đổi với SVVN về câu chuyện "thế thái nhân tình", trách nhiệm của người thầy và tình yêu thương với sinh viên…
KHÔNG MẶC ĐỒ QUÁ CỠ
Là con gái của một học giả nổi tiếng – GS Nguyễn Đình Chú, tại sao chị không đi theo truyền thống nghiên cứu văn học và dịch thuật của gia đình mà lại chọn bộ môn Tâm lý học?
Thực ra tôi lại là dân tự nhiên và đỗ vào khoa Vật lý của trường Sư phạm I. Tuy nhiên, bỗng dưng thời điểm đó tôi đọc sách tâm lý, và càng đọc càng thấy mê, càng đọc càng muốn tìm hiểu thêm nữa. Ngay năm thứ nhất ở ĐH, tôi nhất quyết chuyển sang khoa Tâm lý học. Cũng may là hồi đấy việc chuyển khoa không khó khăn nhiều và điểm của tôi đủ để vào học cả 2 khoa.
Còn về văn chương, tuy không trực tiếp làm nghề nhưng tôi rất yêu văn thơ và ngưỡng mộ thế hệ đi trước. Bố tôi hiện đã 82 tuổi nhưng vẫn tiếp tục viết lách, nghiên cứu và còn phóng xe máy… vèo vèo đi giảng cao học.
Nếu chị không chuyển ngành, biết đâu Việt Nam lại có một nhà vật lý giỏi…
Tôi chưa bao giờ cảm thấy nuối tiếc về chuyên ngành mình được học vì đến bây giờ tôi vẫn say với nó. Tôi học Tâm lý – Giáo dục ở bậc Đại học nhưng khi làm nghiên cứu sinh tiến sĩ thì tôi chọn chuyên ngành hẹp là Giáo dục học.
Đến bây giờ tôi vẫn thấy tôi vô cùng may mắn vì đã chọn đúng nghề và còn chọn được đúng chỗ để hành nghề. Mảnh đất màu mỡ để tôi thỏa chí sáng tạo, biến hóa chính là lớp học của các sinh viên ngoại ngữ trường tôi. Tôi đã từng giảng dạy ở nhiều nơi nhưng vẫn "bồ kết" sinh viên ngoại ngữ nhất. Biết và thành thạo một ngôn ngữ khiến các bạn dễ dàng tiếp cận và so sánh đối chiếu những kiến thức được học.
Chị đã biến hóa thế nào trên giảng đường?
Tôi đổi vai cho sinh viên. Thay vì "mắt nhìn giáo án, miệng đọc", tôi là người ngồi xem như "khách mời VTV3" để các bạn tự điều phối một buổi học và chất vấn nhau. Tôi cho sinh viên khóa trên xuống khóa dưới để kiểm tra các chuyên đề thảo luận và "tung chưởng" bằng các câu hỏi khó nhằn. Việc của tôi là ngồi nghe và hướng dẫn sinh viên làm báo cáo.
Rất nhiều lúc tôi vào vai người mẹ, rồi người bạn của sinh viên. Tôi kể những câu chuyện đời thường để dạy cho các em về đạo đức, những điều luật trong giáo dục. Chuyện về các con, các học trò cũ của tôi trở thành kho tàng những ví dụ sinh động ở trên giảng đường.
Nếu không có sự sáng tạo, áp dụng những phương pháp dạy học mới cho sinh viên thì chúng ta chỉ dạy được cho các bạn cách "múa gậy trong bị" hay "ngoáy tung vũng ao tù", mãi không thể tiến xa được.
Nhưng không phải sinh viên nào cũng đủ trình độ để học theo cách của chị làm. Có lẽ chị còn may mắn vì có được những sinh viên giỏi nữa…
Hoàn toàn không. Có câu "Không có học trò dốt chỉ có người thầy tồi". Những người thiểu năng thì đã có trường lớp riêng để dạy, còn những người đi học là có trí tuệ bình thường, với sinh viên đại học còn là vượt trội hơn các bạn khác rồi.
Giáo dục của nước ta hiện nay quá xơ cứng máy móc. Sản phẩm của giáo dục đào tạo là những lô "búp bê biết vâng lời" vì giáo viên không cho học sinh, sinh viên quyền tự chủ, quyền nói lên những suy nghĩ của mình. Tôi luôn dạy cho sinh viên: "Ta là một, là riêng, là duy nhất". Đố bạn tìm thấy hai viên sỏi giống hệt nhau? Tôi khuyến khích các sinh viên bày tỏ ý kiến để các bạn có thể tạo ra bản sắc riêng cho mình và có bản lĩnh để giữ gìn nó. Nếu sinh viên toàn là những "thần đồng" cả thì tôi đã không phải làm vậy.
Nói trong phút thật nhất, chị nghĩ thế nào về chức danh Phó Giáo sư của mình?
Với quan niệm của tôi thì Giáo sư hay Phó Giáo sư chỉ là chức danh để làm việc. Học hàm học vị không đánh giá được con người. Đọc ông tiến sĩ "17 nghìn đô" mà phát hoảng. Tôi đặc biệt ghét cách trích dẫn câu nói này của GS. A, câu kia của PGS. B. Chỉ cần ông A, ông B nói là được. Có phải ông A là GS thì nói đúng hơn PGS hay tiến sĩ đâu mà bản thân câu nói đó, công trình nghiên cứu ấy cho thấy ông A là người thế nào, tài đức đến đâu.
Mình có "đóng tem dán mác" thế nào thì mình vẫn là mình thôi. Điều quan trọng nhất là chất lượng và hiệu quả. Thực ra, tôi không làm PGS dù đã đủ tiêu chuẩn để xét duyệt. Đến năm 2007 thì quyết định và quyết tâm phải làm vì… cú. Tôi và một vị PGS được mời đi giảng cho cán bộ của một ngân hàng. Sau khi dạy xong được trả thù lao thì vị này thắc mắc: "Tại sao tiền lên lớp bằng nhau trong khi tôi là PGS, cô Hoa chỉ là Tiến sĩ".
Đấy là một ví dụ sống động về việc quá coi trọng cái hư danh, bằng cấp chứ không phải hiệu quả công việc. Sau đợt đó tôi về nộp hồ sơ để khi đi làm việc, tôi được toàn tâm, không phải lo đến những ì xèo xung quanh nữa.
Tôi là kẻ "ngồi dưới đất", không có ghế, chức vụ gì nhưng luôn luôn kiêu hãnh và ngẩng cao đầu vì con người thật của mình chứ không phải vì bất kỳ chức danh nào. Tôi bao giờ cũng chỉ mặc cái áo của mình và vừa với mình. Trình độ tôi ở đâu thì dừng ở đó, không mặc áo của người khác, cũng không mặc chiếc áo quá rộng.
"KHI SINH VIÊN LÀ BẠN CỦA TÔI”
Làm trong ngành giáo dục gần 30 năm nay, đã khi nào chị chứng kiến những chuyện "gai mắt" và là người phải hứng chịu?
Những chuyện gian lận trong thi cử, học giả bằng thật… tôi đều đã được chứng kiến. Nhưng tôi không hứng chịu mà thường "thẳng tay" theo đúng trách nhiệm của mình. Tiến sĩ mà trình độ không có, tôi phê bình, chất vấn trước tổ bộ môn. Cách đây nhiều năm, tôi từng bị người nhà thí sinh lao vào đấm đá ngay giữa phòng thi, khi chuông báo hết giờ vừa dứt, khi là giám thị của kỳ thi đại học ở một tỉnh. Lý do chỉ vì tôi không cho các bạn quay cóp, không cho người nhà đáp bài cho thí sinh. Lần đó đi coi thi mà như đi chiến trận, đi đến đâu cũng phải cậy đến công an.
Người bị hứng chịu nhiều nhất vì những bất cập của ngành giáo dục không phải là tôi mà chính là các em học sinh, sinh viên. Tôi đã rất đau lòng khi trên ti vi quay cảnh một học sinh cấp 2 ngồi ra rả học thuộc câu: Trung thực… là một phẩm… chất đạo đức. Thế rồi đúng 1 tuần sau, con gái tôi đã diễn lại đúng cái cảnh ấy, chỉ có điều nó chọn… gầm cầu thang vì sợ mẹ nhìn thấy lại buồn.
Đã có bao giờ làm chị cảm thấy chán nghề?
Có chứ. Nói thật, đã có đôi lần khi đang say sưa giảng, tôi bỗng khựng lại vì không biết gần trăm sinh viên ngồi dưới kia sẽ là những sản phẩm như thế nào, làm gì được cho xã hội. Hoang mang, tôi tự vấn mình về lòng tốt, sự trung thực, thẳng thắn.v.v…
Bố tôi là người thật hạnh phúc. Tuy đã bước sang tuổi 82 nhưng ông vẫn sống an nhiên giữa cuộc đời này với niềm tin vững chãi đó. Còn tôi, tôi đã từng rơi từ thái cực này sang thái cực khác. Từ chỗ nhìn đời, nhìn người rặt một màu hồng, nay đã dần khác đi nhiều. Những lúc ấy tôi đã muốn rời xa nghề giáo.
Và điều gì đã làm chị nghĩ lại?
Đó chính là các bạn trẻ, những sinh viên của tôi. Có một lần, đang trong lúc hoang mang cực độ về nhân tình, thế thái, tôi bỗng nhận được thư của một sinh viên cũ. Cô bé bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não, hôn mê nhiều ngày, tưởng khó qua khỏi, nhưng rồi ông Trời lại đoái thương, cho tỉnh lại. Sau khi ra viện, về nhà cô bé đã viết cho tôi một bức thư thật dài, thật cảm động. Khi đọc tôi đã không thể cầm được nước mắt.
Bạn sinh viên đã viết về tình người, về bác xe ôm và một anh nhân viên văn phòng không quen biết đã giúp đỡ và vì vậy bạn đã được cứu sống. "Chính những điều đó làm cho con có lòng tin vào con người cô ạ. Con biết ơn tất cả những điều đó, học hỏi tất cả, và con đã, đang và sẽ ghi nó vào cuộc sống này", đó là những lời của một bạn trẻ đã thực sự đánh thức lại trách nhiệm của một người thầy trong tôi.
Chat tới 1h sáng với sinh viên, nhà riêng trở thành tụ điểm họp mặt của sinh viên các lứa, sự gần gũi ấy có làm giảm "uy lực" của một giảng viên đối với sinh viên của mình?
Tôi hợp với người trẻ và chỉ thích chơi với người trẻ. Tôi gần gũi và yêu thương sinh viên như con của mình. Điều này tôi nghiệm ra từ chính bản thân mình.
Khi gửi gắm các con vào nhà trường tôi mong chúng có được sự giáo dục, yêu thương tốt nhất. Khổng Tử có câu: Điều mình không muốn, chớ làm cho người. Và vì thế, tôi tự cho mình là mẹ, là bạn của các sinh viên. Sau mỗi bài giảng trên lớp, tối về tôi lại nhận được hàng tá email chia sẻ của các bạn. Chuyện học có, chuyện đời cũng có. Và "mama Hoa" luôn đảm bảo sẽ trả lời email của tất cả các bạn sinh viên.
Nhưng nếu hỏi sinh viên có sợ cô Hoa không thì câu trả lời là có đấy. Tôi từng "hào phóng ban tặng" 5 điểm KHÔNG cho 5 học viên có bài làm copy nguyên xi file vi tính của nhau. Một trong 5 học viên đó là cán bộ của Sở GD-ĐT Hà Nội.
Xin cảm ơn chị!
Lê Ngọc Sơn- Ngọc Dung (thực hiện)
Khách says
Ôi đúng là cô thiệt rồi. Cô trả lời phỏng vấn hay quá. Ôi, người của công chúng… hi hi. Con vẫn băn khoăn ý đồ của tên bài báo. Lẽ ra nên là “Khi giảng viên là bạn của sinh viên”, vì rõ ràng là cô là đối tượng của bài báo với tư cách là giảng viên. Nhưng nếu con hiểu là tác giả của bài báo cố tình để “sinh viên” lên trước, như vậy mới chứng tỏ rằng sinh viên là trung tâm… con hiểu thế đúng ko cô?
Khách says
@ Dang Thanh Diem:
Ôi giời, công chúng cái con khỉ gió ấy, hic…
Khách says
Hic … hic… Cô giáo bọn tớ trong bài phỏng vấn này đã hay rồi nhưng cô ngoài đời thực – người trần mắt thịt ấy – còn hay hơn rất nhiều. Hơi tiếc vì một bài báo nhỏ chưa “lột tả” được hết “hồn vía” cũng như “sức hấp dẫn” của cô!
Khách says
Ờ, bài phỏng vấn của cô được phết đấy chứ, cần gì phải cắt những chỗ “tâm tình ngoài lề”! 😛
Khách says
ôi cô Hoa ơi thì ra giáo sư Nguyễn Đình Chú là cha cô ạ 😮 oh oh hồi e học văn cấp 3 toàn trích những lời nhận xét của thầy 8) hí hí. thật tuyệt ^^
Khách says
@E11 K42:
Hic.. đích thị là “ông già” cô rùi.
Tiếng Việt của cô thì “cực xịn” 😛 . Cảm ơn vì đoạn comment sau nhưng ngượng quá phải cho “bay” rùi, hí hí….Đừng trách cô nha 😉
Khách says
Em chào cô ạ,
hihi, Nghe tin cô lại có phóng viên hỏi thăm. em đọc thấy đúng phong cách của cô đấy chứ, nghe thấy đã mà! nhưng sao Toà soạn lại cắt mất phần “tâm huyết” thì thật tiếc quá, hay tại cô nói “máu” quá nên họ sợ. Bực vì tiếc ý, phải kiện thôi.
Khách says
@ Trịnh Toàn:
Hê hê…. để cô đi mua cái thang rồi về bắc lên đi kiện nhá. Hay là đi mua khoai về xui lũ kiến kiện chết củ khoai đi, ha ha….
Khẩu khí nhìn chung đúng là của cô nhưng giọng thì không phải. Có đôi chỗ thì đúng là của cô rồi, ví dụ như “tôi chỉ mặc cái áo của mình và cái áo vừa với mình…..”
Khách says
viet nhu chuyen hai vay ma bao la tra loi phong van bao chi sao ?
Khách says
@ Babyxinh:
Trả lời phỏng vấn báo thì không thể hài hước được sao? Có gì phải nghiêm trọng cơ chứ.
Nhưng đúng là nhiều ngôn từ và cách diễn đạt trong bài không phải của tôi mà của cô phóng viên.
Khách says
Qua bài phỏng vấn này em nhận ra nhiều chuyện cô đã từng chia sẻ với tụi em quá! 😀
“babyxinh” không hiểu có “tư thù” gì với cô Hoa không mà phát biểu câu hằn học + thể hiện cái “óc ngắn” thế.