Tin vui là thi tốt nghiệp THPT năm nay còn nhõn 4 môn, toàn môn sở trường của ông con, trừ Văn (Văn, Toán bắt buộc, Ngoại ngữ và Lý tự chọn). Thằng này nếu có hứng thì viết rất tốt nhưng mắc bệnh dị ứng nặng với môn Văn, đúng hơn là với cách dạy và học môn Văn trong nhà trường. Nó kêu văn chương ở Việt Nam toàn chém với tán phét ba lăng như bị điên, có mỗi cái điệp khúc "li la li la li la" trong bài "Cây đàn ghi ta của Lorca" mà các bố ấy (ý nó ám chỉ các nhà phê bình, "tán" văn, giảng văn gì gì đó) tán dài đến 4 trang giấy của con nhà người ta. Nó còn bảo, "con vào mạng tra xem thực hư ra sao về cái dòng "lí la lí la li la" thì thấy hóa ra các bố ấy toàn bốc phét, tán vung giời chứ nhà thơ Thanh Thảo tác giả bài thơ bảo rằng ông thấy cái giai điệu đó hay hay, nghe vui tai thì cho vào bài thơ chứ chẳng có ý nghĩa quái gì cả. Và nó kết một câu xanh rờn "Học Văn chán không chịu được. Văn với chả viếc toàn tán phét ba lăng nhăng đến tác giả đọc những thứ thiên hạ tán văn mình cũng còn choáng nữa là học trò”. Chẳng hiểu đọc đâu ra mà nó còn bảo, mẹ biết không đến chính ông nhà văn Nguyễn Khải làm hộ con trai ông ấy bài văn phân tích tác phẩm "Mùa lạc" của ông mà còn bị cô giáo cho điểm 2 với lời phê "Không hiểu ý tác giả". Và thế là nó quẳng quách sách văn đi không học nữa, dù mai nhà trường tổ chức thi thử hai môn Văn và Toán.
Viết cho con trai
Cống mắng mẹ vì mua sách lậu
Cống có thói quen cứ mua sách là phải lao ra Fahasa. Đã mua sách là phải mua sách xịn, tuyệt đối không tiếp tay cho bọn in lậu sách, thêm nữa, Cống bảo sách xịn đọc không hại mắt.
Mẹ đi tìm mua cuốn sách “Tuần làm việc 4 giờ” để tặng mọi người. Mẹ cũng “học tập” Cống, rất có ý thức mua sách xịn nhưng các hiệu sách ở phố Trần Quốc Hoàn gần nhà chỉ còn toàn sách in lậu, giảm giá đến hai, ba chục phần trăm, thậm chí có những sách giảm giá đến 40 phần trăm. Chất lượng in ấn so với sách xịn lắm khi cũng chỉ chênh nhau một mười một tám.
Về nhà mẹ vui mồm kể cho Cống nghe liền bị Cống “mắng” cho một trận. Cống bảo người như mẹ mà cũng mua sách lậu à? Đã mua sách để tặng rồi mà còn mua sách lậu. Rõ chán! Mẹ thanh minh thanh nga rằng họ bảo muốn mua sách xịn phải chờ đặt về nên mẹ đành mua sách có sẵn đó. Mẹ vớt vát nói thêm, sách bây giờ đắt quá, người nghèo sẽ ít có cơ hội tiếp cận với sách nên riêng với sách thì mẹ cũng vẫn có quan điểm thỏa hiệp tạm chấp nhận chuyện dùng “hàng lậu” để tăng cơ hội tiếp cận tri thức cho những người nghèo, đặc biệt là học trò nghèo.
Mẹ đã nói đến thế mà Cống vẫn còn cố “bồi” thêm “nhưng nhà mình không đến nỗi quá nghèo mà phải đi mua sách lậu nhé. Mẹ mà mua sách lậu là con không đọc sách nữa đâu đấy”.
Ôi, mẹ xin lỗi em Cống nhé.
Thằng Cống béo bỏ nhà ra đi
Vừa rồi, khi đang ở nước ngoài, trong một lần chát chít với Cống mẹ được nghe Cống bảo:
– Mẹ ạ, thằng Sơn dạo này tự dưng láo toét, mất dạy giống hệt con ngày xưa.
– Nó mất dạy thế nào?
– Nó dám cãi cô Khanh, lại còn bày đặt bỏ nhà ra đi mới kinh chứ.
– Ấy chết, sao nó lại bỏ nhà ra đi?
– Thì cãi láo với mẹ nó nên mẹ nó đuổi nó đi.
– Ối giời ơi, thế nó bỏ nhà đi đâu?
– Thì nó đang ở nhà mình, đang nằm cạnh con đây này.
– Sao con lại chứa cái đứa láo toét cãi láo với mẹ?
– Mẹ hay nhề, nó không đến nhà mình thì còn chỗ nào nữa mà đi.
– Đêm hôm thế nó đến nhà mình bằng cách nào?
– Thì con cho nó tiền đi xe ôm. Con bảo nó đi xe ôm đến nhà mình rồi con trả tiền cho (nhà Sơn ở mãi tận Phương Mai).
Nghe Cống hồn nhiên bảo “thằng Sơn bây giờ mất dạy giống hệt con ngày xưa mẹ ạ, lại còn bày đặt bỏ nha ra đi” mà mẹ cười thắt ruột và nhớ lại lần Cống bỏ nhà ra đi năm lớp 6. Lần ấy, Cống đã nói năng cái gì đó rất chi là láo toét, mẹ điên ruột lên và bảo Cống cút ngay ra khỏi nhà mẹ, mất dạy thế mẹ không nuôi nữa cho phí cơm. Cống anh hùng hảo hớn lắm, thấy mẹ đuổi ra khỏi nhà thì mặt mũi phừng phừng, vừa đi vừa dậm chân bành bạch và hùng dũng lên phòng của mình dọn dẹp đồ đạc. Một lát sau mẹ chạy lên để “thị sát tình hình” thì thấy Cống đang phồng mang trợn mắt nhét tất cả sách vở vào cặp sách, còn một túi nhét đầy đồ chơi và một túi nhét đầy truyện. Mẹ hỏi “đã bỏ nhà đi còn mang theo sách vở, truyện làm gì?” thì Cống bảo “mang đi mà đọc chứ, không đọc để mà ngu đi à?”. Mẹ nghe thấy thế buồn cười lắm mà không dám cười.
Hôm đó, mới nửa buổi sáng mà trời đã nắng như đổ lửa, Cống đầu trần lầm lũi khoắc cặp đầy ắp sách, hai tay khệ nệ xách 2 túi cũng căng phồng. Mẹ cứ mặc kệ cho Cống đi, mẹ bảo láo toét thế mẹ ko nuôi nữa cho tốn cơm, đi được đâu thì cứ đi, xem ai chứa được nhá. Thực ra mẹ cũng đã lén theo dõi xem Cống đi về hướng nào. Nhìn cảnh Cống béo lùn, đầu trần, lạch bạch tha lôi đống đồ đi giữa trưa nắng mà mẹ vừa tức vừa buồn cười. Để xem có giỏi bỏ nhà đi được bao lâu. Cống đi được một lát thì ba về, ba biết mẹ đuổi Cống đi thì cáu nhặng xị bảo nhỡ nó bỏ đi thật thì sao và bổ nhào đi tìm. Mẹ bảo “Ối giời, không phải tìm, khắc về bây giờ, con tôi đẻ ra làm sao tôi không biết tính nó (thằng này anh hùng hảo hán nhưng cực nhát, he he). Ba mày cứ yên tâm đi, mò về bây giờ đấy”. Mẹ mặc cho ba đi tìm vì mẹ biết Cống không đi được đâu ngoài nhà một hai thằng bạn thân hồi cấp 1 ở quanh đây. Mẹ nói trúng phóc. Cống lếch thếch tha lôi đống đồ đạc đến nhà thằng Nam Đạt bên khu tập thể Nghĩa Tân đúng lúc thằng này đang bị nhốt trong nhà. Nó thò đầu qua cửa sổ và hồn nhiên hỏi Cống “Phan ơi, mày đi đâu mà mang lắm đồ thế”. Cống ngượng quá chẳng biết trả lời sao bèn đánh trống lảng nói tao đi chơi, he he…. Hai thằng, thằng trong thằng ngoài tán phét đến trưa thì chị thằng Đạt đi học về mở cửa cho Cống vào và “phát chẩn” cho 2 thằng hai bát mì tôm. Cống chơi tiếp một lát đến chiều thì tự mò về nhà. Cống ngượng không dám mang đống đồ đạc về nên để lại nhà Nam Đạt và nhờ anh Khôi qua lấy. Anh Khôi bảo sao tha đi được mà không tự tha về được mà lại bắt anh đi lấy thì Cống lấy lý do “em đau bụng”. Đau bụng quái đâu, thực ra là cậu chàng xấu hổ với thằng Nam Đạt nên không dám quay lại lấy đồ, hí hí… Mọi chuyện sau đó Cống kể lại tỉ mỉ cho mẹ nghe.
Sau lần bỏ nhà ra đi “không thành” đó Cống đã rút được bài học xương máu “thà để cho ba mẹ mắng, phạt còn hơn là bỏ nhà ra đi” (lời của Cống), hi hi… Về sau, cứ khi nào Cống láo toét mất dạy làm ba mẹ điên tiết đuổi Cống đi không thèm nuôi nữa là Cống chạy tót lên trên phòng khóa trái cửa lại và hô “nhà con, con cứ ở đấy, còn lâu con mới đi nhá”, ha ha…. Có lôi, có kéo để “dẫn độ” ra khỏi nhà cũng không xong với Cống, Cống bám chặt cầu thang hoặc cánh cửa kiên quyết “một tấc không đi, một li không rời”.
Chỉ một lần đấy thôi mà Cống tởn đến giờ, sợ nhất là bị đuổi bị ra khỏi nhà, ha ha…
Lòng yêu nước của thằng Cống béo
Chuyện xảy dạo cuối năm lớp 9 vừa rồi.
Các mụ quần ống thấp ống cao ở khu tập thể ngồi buôn dưa lê về tình hình Trung Quốc xâm chiếm biển Đông và nơm nớp lo sợ nguy cơ xảy ra chiến tranh. Mỗi mụ một mồm nhưng cái sự buôn dưa lê xem ra rôm rả lắm. Chuyện lọ dọ sang chuyện chai, hết khôn dồn ra dại, kết luận mấy mụ rút ra là phải đốc cho cái lũ con trai học mau mau lên để còn tống đi du học chứ họa có chiến tranh lại phải đi bộ đội có mà mất xác. Nhìn chung các mụ cũng tỏ ra bi quan lắm. Các mụ bảo đến đi biểu tình vì yêu nước còn bị công an tóm vào đồn, xã hội thì nhốn nháo, nhộn nhạo, tiêu cực khắp nơi, mạnh thằng nào thằng ấy phá, đời sống thì khốn khó thêm từng ngày, chắc chẳng mấy nhà còn hào hứng cho con đi bộ đội như trước kia mà tìm cách tống cho đi du học tuốt thuột luột cho nó lành. [Read more…] about Lòng yêu nước của thằng Cống béo
Ông Tào Tháo dạy nhạc lớp Cống
Hôm nay đi đón Cống, mẹ thấy Cống mặt mũi hầm hầm biết ngay là có chuyện.
Vừa trèo lên xe Cống vừa bảo “tức điên lên với ông thầy dạy nhạc”.
Mẹ hỏi làm sao, Cống kể:
Hôm nay, thằng Long quên mang vở nhạc nên khi hát phải xem chung vở với thằng Nam. Hai thằng này ngoan nhất lớp, chưa từng bị ghi sổ đầu bài bao giờ. Hai thằng đang cúi xuống vở để nhìn lời và hát thì bị thầy bảo:
– Hai anh kia không hát à?
– Dạ bọn em đang hát đấy chứ.
– Hát sao không ngẩng mặt lên?
– Dạ, em không mang vở nên phải nhìn chung vở của bạn Nam.
– Sao các anh cúi mặt xuống thế? Chắc các anh lại đang chửi tôi chứ gì?
– Đâu, bọn em đang hát chứ ạ.
– Cúi mặt xuống chắc lại chửi tôi chứ còn gì.
Cống nghe thầy nói đến đó thì đứng lên “bật” luôn thầy:
– Thưa thầy, em không hiểu được tại sao thầy lại cứ cho là cúi mặt xuống tức là chửi thầy ạ? Thật vô lý quá!
– A cái anh này, anh nhớ mặt tôi đấy nhá.
– Vâng ạ.
Ha ha… “khá khen” cho tính đa nghi như Tào Tháo của ông thầy dạy nhạc lớp Cống.
Chán hết chỗ nói!