Cái giá của tự do hay Tây Đức không phải là miền đất hứa
13.8.2011, tròn 50 năm bức tường ô nhục được dựng lên để cắt chia hai miền Đông Tây Berlin (dài 167,8 km), và sau đó là hai miền Đông và Tây nước Đức (dài 1.378 km). Thật khó có thể tưởng tượng, sau một đêm ngủ dậy, gia đình ly tán, cha mẹ và con cái, anh em, bạn bè thân thiết bỗng trở thành công dân của hai nước khác nhau, muốn thăm nhau phải đặt đơn xin visa hoặc phải vòng qua một nước thứ 3 như Tiệp, Nam Tư, Hung hay Ba Lan. Người dân Tây Đức được phép xin visa qua Đông Đức (còn dân Đông Đức thì không), người dân Tây Berlin chỉ được phép qua Đông Berlin trong vòng 24 giờ đồng hồ và cấm ở lại qua đêm.
Sau hiệp ước Potsdam kí tại lâu đài Cicilienhof, nước Đức bị chia cắt thành hai miền Đông, do phía Liên Xô quản và Tây do quân đồng minh Anh, Mĩ, Pháp kiểm soát. Thời gian đầu, việc đi lại giữa Đông và Tây Berlin khá thoải mái.
Vì nhiều lý do khác nhau như chính trị (là chủ yếu), kinh tế, hoặc lý do gia đình,… làn sóng dân Đông Đức bỏ qua Tây Đức ngày càng nhiều, mỗi tháng có đến hàng ngàn người (nhất là khi nghe tin bức tường chia cắt Đông- Tây sắp được dựng lên, đỉnh điểm có tháng lên đến vài chục ngàn người bỏ trốn sang Tây Đức), ngày 13.08.1961, bức tường Berlin được dựng lên. Đối với chính phủ Đông Đức, 13.08 là một "ngày chiến thắng của các lực lượng hòa bình và chủ nghĩa xã hội" khi "những người Berlin yêu hòa bình đã thắng trong một trận chiến vì hòa bình".
Ngày 19.08.1961, báo “Berliner Zeitung” của Đông Berlin đã giật tít "Chính phủ của chúng tôi giải cứu hòa bình" và mô tả biên giới như là một "biên giới hòa bình giữa thủ đô và Tây Berlin".
Bức tường Berlin được chính phủ Đông Đức gọi là “Bức tường thành bảo vệ chống phát xít”, nhưng bị người dân CHLB Đức gọi là “Bức tường ô nhục”.
Từ thời điểm nước Đức chia cắt (1945) cho đến tháng 11 năm 1989 (sụp đổ bức tường), có đến 4,9 triệu dân Đông Đức bỏ trốn qua Tây Đức (chiếm khoảng ¼ dân số CHDC Đức), trong đó số bỏ trốn từ năm 1945 đến 1961 là 2.686.942 người và từ 1961, khi bức tường được dựng lên, đến khi bức tường sụp đổ, 1989, có hơn 1,25 triệu người dân CHDC Đức bỏ trốn qua Tây Đức (riêng năm 1961 có 236.390 người và năm 1989 có 388.396 người bỏ trốn). Có đến hơn 5.500 người dân CHDC Đức bơi qua biển Ostsee đế đến với bến bờ tự do, trong đó 174 người chết đuối, 4.522 người bị bắt. Bác sĩ Peter Doeble đã bơi đến 24 tiếng đồng hồ trên biển để đến được xứ sở tự do. Trong khoảng thời gian từ 1962 đến 1973 có 110 người tìm cách trốn qua Tây Đức qua đường “hàng không” (ví dụ như qua khinh khí cầu tự chế). Mật vụ Đông Đức đã ghi lại trong khoảng thời gian này có hơn 58 vụ “không tặc” máy bay để tìm cách qua CHLB Đức.
Nhiều người tìm cách qua CHLB Đức theo con đường hợp pháp như đặt đơn xin tị nạn chính trị. Chỉ riêng năm 1980 có khoảng 21.500 người đặt đơn, năm 1989, cho đến khi bức tường sụp đổ, có 125.000 người đặt đơn. Trong khoảng thời gian từ 1963 đến khi bức tường sụp đổ, chính phủ CHLB Đức đã phải chi khoảng 3,44 tỷ DM để mua tự do cho khoảng 31.755 tù nhân chính trị Đông Đức và cho khoảng 2000 trẻ em con của những công dân Đông Đức bỏ trốn sang CHLB Đức (danh chính ngôn thuận ở CHDC Đức không có tù nhân chính trị vì chính quyền Đông Đức tránh dùng khái niệm này). Giá của tự do cho mỗi tù nhân chính trị CHDC Đức lúc đầu là 40.000 DM (đơn vị tiền tệ của CHLC Đức), sau đó được nâng lên xấp xỉ 100.000 DM, về sau, giá “bán đại trà” trung bình khoảng 90.000 DM. Tất nhiên, số tiền “bán sinh mạng chính trị của công dân” được chính quyền Đông Đức công khai xem như là tiền bồi thường thiệt hại do các tù nhân đã gây ra cho nhà nước CHDC Đức và tiền bồi hoàn cho chi phí đào tạo. Để biết được số tiền đó có giá trị như thế nào, chỉ cần làm một phép so sánh đơn giản như sau là rõ: năm 1990, sau khi nước Đức thống nhất, chính phủ Đức đã bồi thường cho mỗi công nhân lao động xuất khẩu Việt Nam (sang theo hiệp định giữa nhà nước CHXHCN Việt Nam và nhà nước CHDC Đức) số tiền là 3.000 DM. Với số tiền này, chỉ vỏn vẹn có 3.000 DM, nhưng ở thời điểm đó hoàn toàn có thể mua được mảnh đất năm bảy chục mét vuông giữa thủ đô Hà Nội, hic….
Đấy là những người còn có số phận may mắn thoát sang được Tây Đức.
Không ít người đã phải trả giá bằng tính mạng của mình khi tìm đến với xứ sở tự do.
Không có số liệu thống kê chính xác số người thiệt mạng do vượt tường sang Tây Đức do chính quyền Đông Đức cố tình ém nhẹm. Nhiều nguồn cho rằng có 136 người bị bắn chết khi vượt qua bức tường Berlin và tổng số có 1135 người chết trong khi trốn qua Tây Đức.
Một người bạn Đức vong niên thân thiết của tôi kể rằng, tối ngày 8.11.1989, khi đang ngồi uống bia ở quán, bỗng nghe thấy mọi người nhốn nháo bảo nhau ”hình như tường đổ rồi”. Mới đầu còn bán tín bán nghi, sau ai nấy đều phóng vội đi. Bạn tôi cũng hớt hải chạy đến phố Bornholme, là nơi ngày bé ông thường tụ tập chơi với bạn bè, và cũng là nơi 28 năm về trước ông đã đau đớn chứng kiến bức tường được dựng lên như thế nào. Ông vừa chạy vừa khóc nức nở. Ngay ngày hôm sau ông đã vội vã đi tìm lại cô bạn gái thân thiết từ thời con nít, sau bặt tin nhau vì bức tường oan nghiệt. Trong tiếng Đức, chữ Ostsi được dùng để chỉ dân Đông Đức, Westsi được dùng để chỉ dân Tây Đức, còn bạn tôi, ông tự gọi mình là Wostsi, bởi cũng chỉ tình cờ vì sống cách bức tường oan nghiệt có mấy mét về phía Tây mà ông thành công dân Tây Berlin.
Một trong những trạm kiểm soát xuất nhập cảnh vào Đông Đức nằm ngay giữa Berlin (cạnh nhà ga trung tâm Friedrichstrasse) được người dân Đức gọi là "Tränenpalast" (Cung điện nước mắt)
Vào ngày 13.8.1961, bức tường ô nhục được xây lên, làm thay đổi biết bao số phận
Lũ trẻ bấy giờ hồn nhiên đứng xem bức tường chia cắt số phận đang được dựng lên
Hai đứa trẻ này đâu có biết ngay sau lưng chúng đã là một thế giới hoàn toàn khác
Phố Bernau, nơi bức tường được dựng lên. Người dân khu phố này đang tìm cách bỏ trốn sang Tây Berlin
Người dân phố Bernau tìm mọi cách trốn qua Tây Berlin, kể cả phải nhảy qua cửa sổ
Lính CHDC Đức cũng tìm cách bỏ trốn Một người lính CHDC Đức đang giúp 1 em bé trốn
qua Tây Berlin cùng cha mẹ
Một gia đình ở Tây Berlin đang vẫy chào người thân bên Đông Berlin
Một cặp vợ chồng trốn trong cốp xe để qua Tây Đức nhưng bị phát hiện
Và sau 28 năm, bức tường ô nhục đã được phá bỏ
Tưởng niệm những người đã chết vì vượt tường qua Tây Berlin
Bên chứng tích lịch sử …..
2. Thay da đổi thịt – Đông Đức ngày ấy và bây giờ
Đã hơn 20 năm thống nhất nước Đức, mặc dù Đông Đức chưa thể phát triển được như Tây Đức như người dân Đông Đức hằng mong ước (tỉ lệ thất nghiệp ở Đông Đức cao gấp đôi bên Tây Đức, tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người trên thực tế chỉ bằng 71% cuả Tây Đức,…), tuy nhiên, phía Tây Đức đã rót một số tiền khổng lồ hơn 1,3 nghìn tỷ Euro vào tái thiết Đông Đức. Ở nhiều thành phố thuộc Đông Đức cũ chính quyền đã có những chính sách khuyến khích sự tham gia của người dân vào quá trình tái thiết đất nước, ví dụ như những khu nhà cổ với hàng ngàn mét vuông vườn tược được bán với giá chỉ 1 DM, nhưng với một điều kiện ngặt nghèo là người mua bắt buộc phải đầu tư một khoản tiền cực lớn để phục chế lại kiến trúc cổ của ngôi nhà. Chính nhờ đó, bộ mặt Đông Đức đã nhanh chóng thay đổi. Những khu phố xá, nhà cửa sập xệ thời CHDC Đức nay có dịp ghé thăm thấy đẹp như trong truyện cổ tích.
Một phần vì kiệt quệ về tài chính, không có tiền để trùng tu, nhưng phần lớn do quan niệm cho rằng xã hội hiện đại phải hướng đến một thành phố hiện đại, với những khu nhà cao tầng, nên thay vì cho trùng tu những kiến trúc cổ, chính quyền thành phố Halle đã cho xây dựng thành phố Halle mới với những ngôi nhà cao tầng, ktến trúc giống nhau đồng loạt, thường được nhiều người dân Đức mỉa mai gọi là "kiến trúc Moskau".
Tại Potsdam và Berlin, thời CHDC Đức có rất nhiều lâu đài cổ bị xuống cấp trầm trọng. Do tài chính kiệt quệ, không có tiền trùng tu, chính quyền thành phố đã cho giật mìn phá bỏ. Sau khi thống nhất, chính quyền nơi đây đã quyết định cho xây dựng lại trên chính nền đất cũ những lâu đài đã bị phá thời Đông Đức. Điều này đã dẫn đến cuộc tranh luận nảy lửa trên các phương tiện thông tin đại chúng. Những người thuộc phe cực tả (đảng SED- Đảng XHCN thống nhất Đức) cho rằng tiền nên để đầu tư cho xã hội hoặc giáo dục (xây dựng trường học, nhà trẻ,…), dùng để xây lâu đài, cung điện là lãng phí. Tuy nhiên, những đảng phái còn lại cho rằng nước Đức chưa bao giờ để cho trẻ thất học, người dân đói khổ, điều quan trọng còn cần phải quan tâm đến yếu tố lịch sử , không gian văn hóa và kiến trúc của thành phố. Và hiện nay, tại Potsdam và Berlin nhiều lâu đài đang được dần xây dựng lại.
Một điều thật khó tin, thời CHDC Đức, do kiệt quệ trầm trọng về tài chính, ở nhiều nơi, người ta thậm chí còn bóc những viên đá lát đường cổ đến hơn trăm năm tuổi để bán sang Tây Đức.
Những viên đá cổ lát đường như thế này cũng đã bị đào lên để bán sang Tây Đức
Ảnh chụp những khu phố cổ một vài trăm năm tuổi thuộc thành phố Halle thời Đông Đức
Ngôi nhà cổ ở phố Graseweg.18 (nay là số 16) trước và sau khi được trùng tu
Và thành phố cổ Halle sau khi được trùng tu
{jcomments on}
quangmt69 says
Không có bức tường nào có thể ngăn cản được lòng dân cô nhỉ, em đọc được nhiều mẫu chuyện cảm động về bức tường và một thời kỳ chia cắt: Một người lính không bắn vào đồng bào khi họ tìm cách vượt bức tường, bị tòa án binh truy tố, về sau được tôn vinh,…Sự phán xét của lịch sử bao giời cũng công bằng!
Nguyen Duc Can says
Lịch sử của một đất nước đều có những khúc, những khoảng “tối”, nhưng quan trọng là phải biết nhanh chóng trung thực nhận ra và vượt lên. Đọc bài viết của chị em càng hiểu nước Đức-đất nước của Triết học, con người Đức thông thái vì thế họ đã có cách nghĩ và hành xử tuyệt vời. Đó là bài học, là chuẩn giá trị cho muôn đời!
dothuyvinh says
Cô ơi! lâu quá rồi em không được gặp cô. Bài viết của cô hay quá, em có thêm tư liệu cho bài giảng của mình rồi. Em kính chúc cô mạnh khoẻ, hạnh phúc!
Tonyblack says
Có lẽ tác giả nên đến nước Đức, đến hẳn các quận Đông Berlin để hiểu những người dân ở nơi đó đã trải qua thời kỳ nước Đức chia 2 vùng thế nào….tôi nghĩ một số chi tiết không khách quan lắm.
nthiphuonghoa says
@Tonyblack:
Tác giả sống, học và làm việc ở Đức cũng kha khá nhiều năm bạn ạ (trước kia và hiện nay) và cũng ko lạ gì các quận ở Đông Berlin hay các bang Đông Đức. Sẽ rất vui nếu được bạn chỉ ra “một số chi tiết không khách quan lắm”. Cảm ơn nhiều. Tuy nhiên tôi thấy khi nhìn nhận , đánh giá một vấn đề thì cũng có nhiều quan điểm khác nhau, ví dụ như những ai được hưởng “lộc” từ chính quyền Đông Đức chắc chắn sẽ nuối tiếc chế độ CHDC Đức trong khi đa phần thấy ngược lại. Bạn chắc là biết rõ điều đó.
Huy says
@nthiphuonghoa: Việc cô nói những người hưởng lộc của chính quyền đông Đức nuối tiếc chế độ là đúng, thời thế thế thời, phù thịnh chứ không ai phù suy, những người từng hưởng lộc thời VNCH cũng nuối tiếc chế độ Saigon dù đã tuyệt diệt 40 năm, tâm lý con người mà. Cần nói cho rõ, ngày đó những người “vượt tuyến” (tôi gọi nôm na như vậy dù nước Đức không chia cắt theo vĩ tuyến) là lý do kinh tế là chính, chứ không phải lý do chánh trị do cảm thấy “ngột ngạt” này kia theo nghĩa mơ hồ nào mà một số người ưa gán ghép (hình như người ta thích lạm dụng từ “chính trị” quá đà). Tôi lấy một ví dụ khác nhé: ngay cả ngày hôm nay dân Bắc Hàn vẫn đau đáu muốn vượt tuyến xuống miền Nam hàn hay vượt biên sang Trung Quốc, Việt Nam,… đều là do kinh tế kiệt quệ, đời sống khó khăn, do cách làm kinh tế ấu trĩ, mùa màng thất bát (dẫn đến nạn đói trầm kha) và do bị cấm vận. Đời sống kinh tế kiệt quệ là cốt lõi sanh ra mọi thứ, người ta không thể sống trong xã hội mà đời sống vật chất không đáp ứng đủ cho người ta ở một mức độ nào đó (như cách làm kinh tế ấu trĩ của khối Đông Âu lúc trước, không phủ nhận).
Lấy ví dụ là Trung Quốc, thời trước và sau “cải cách”, làm một thống kê xem tỉ lệ ủng hộ trong nhân dân thời “CM văn hòa” và thời sau cải cách khác nhau bao nhiêu. Hoặc như Bắc Hàn, nếu chịu bỏ cách làm kinh tế ấu trĩ và chịu mở cửa chấn hưng kinh tế, thì tỉ lệ người dân “mong muốn vượt tuyến” so với bây giờ sẽ như thế nào. Rất không khó để hình dung. Ngoài ra, rất ít người quan tâm đến chính trị một cách thật sự và ít người siêng so sánh dân chủ với độc tài hay đa nguyên hay bất cứ một khái niệm triết học nào, ngoài chất lượng bữa ăn hàng ngày, thu nhập và chi tiêu, ra chợ (vào siêu thị) thấy gì mua gì, tháng sau nên mua xe loại nào thì đẹp,…
Thời phong kiến 5000 năm, nhiều triều đại thuận dân, đời sống thái bình công thương phát triển thì tồn tại lâu dài (ví dụ nhà Trần của Vietnam ba bốn trăm năm), vài triều đại thì đoản mệnh hơn. Tuy nhiên tất cả triều đại đó đều là “chuyên quyền” theo cách nhìn hiện nay. Vậy thì cơ cấu chánh trị mơ hồ nào đó không phải là “cốt lõi” vấn đề.
Vài dòng ý kiến. Thân mến.
nthiphuonghoa says
@Huy:
Ý bạn nói có phần đúng (tuy trường hợp Đức và VN rất khác nhau), chủ yếu với những người ít học và ở thời/nước còn bế quang tỏa cảng, mù mịt thông tin với bên ngoài thôi. Thực ra các vấn đề kinh tế đều gắn trực hoặc gián tiếp đến chính trị.