Mình có một đồng nghiệp, một người anh, người bạn thân thiết, giảng viên dạy một lĩnh vực không mảy may liên quan gì đến văn chương ở một trường đại học. Không chỉ rất tâm huyết với nghề, anh còn rất say đắm với văn chương và mê nghề viết lách.
Website sẽ lần lượt đăng tải lại những truyện ngắn của anh (đã được xuất bản).
———————-
CHÚ TUỆ
Truyện ngắn của Hồ Ngọc Vinh
Mỗi khi nhắc đến chú Tuệ là mẹ tôi nói: trong nhà vất vả nhất là chú Tuệ. Chú ấy gánh đỡ vận hạn cho mọi người trong gia đình. Chú chịu đựng đau đớn do dị tật, khó khăn vất vả để sinh nhai. Mẹ tôi tiếp lời- Trong nhà còn bé là anh, chị, em, lớn lên, lấy vợ, lấy chồng, sinh con đẻ cái, thành ra họ hàng. Mẹ cứ mong mỏi giúp chú được ít nhiều, thế rồi kiến giả nhất phận, đâu có làm được gì. Chú Tuệ ở xa nên muốn thăm nom cũng khó.
Tôi ngồi lặng im quan sát vẻ mặt đăm chiêu của mẹ. Mẹ tôi vốn là người dễ mủi lòng, hễ cứ xúc cảm chút là nước mắt rân rấn trên mi mắt của bà. Tôi hỏi: chú Tuệ bị tật từ bé? Mẹ tôi kể: Ông bà nội con sinh hạ được bốn người con trai, ba người con gái. Mọi người còn lại lành lặn cả, lớn lên khôi ngô tuấn tú. Riêng chú Tuệ bị liệt chân trái từ lúc lọt lòng. Thật khổ thân chú! Chuyện này tôi viết theo lời kể của mẹ tôi.
Lúc chú Tuệ mới sinh, khuôn mặt bụ bẫm, đôi môi đỏ như môi con gái trông xinh xắn và đáng yêu lắm, đến nỗi bà dì họ lúc sang thăm cháu, đón tay phải thốt lên: thằng này lớn lên rồi đẹp giai lắm, đôi môi “ông” ấy trông như thế này, khuôn mặt cũng đẹp nữa. Bà dì họ lấy tay chí chí vào cái trán của chú nói: rồi “ông” định lấy mấy vợ đây? Bà nói rồi cười vui. Nhưng sự mừng vui ấy chăng được lâu khi bà nội tôi phát hiện chân trái của chú không bình thường, khi bóp chân, bóp tay cho chú. Chả là trẻ mới sinh ra, rất cần cha mẹ thực hiện các thao tác đó để chân tay chúng khi lớn lên được rộng dài. Bà nội tôi thảng thốt: Này ông ơi! Chân trái của thằng bé cứ thõng thẽo.Ông nội tôi mặc chiếc áo gụ, quần gụ đang ở gian bên bận rộn với các vị thuốc, nghe gọi, liền đến ngồi cạnh bà. Ông tôi nhìn chú Tuệ, nói: đâu nào, thằng bé có chuyện gì nào? Ông ngồi cạnh chú Tuệ, tay nắn nắn chân chú, vốn là thầy lang nổi tiếng trong vùng với các vị thuốc nam, thuốc bắc và châm cứu nên nhận ra ngay sự khác biệt ở chân trái của con. Biết có sự, , khuôn mặt ông chợt biến sắc, buồn rầu. Ông tôi nói với bà giọng hơi lạc đi: con nó bị tật rồi bà ạ!Cả nhà từ lúc đó lặng im. Ông nội ngồi cạnh giường lặng lẽ nhìn đứa trẻ mới sinh, lúc nhìn đâu đó, lòng đau như dao cắt, nỗi thất vọng ngập tràn trong lòng, khiến da mặt ông trở lên tái nhợt.
Bà nội tôi khóc vùi, mếu máo hỏi: thế sau này tật có đỡ không ông?
Ông tôi bảo: tật này không thể chữa được bằng thuốc! Chỉ mong khi thằng bé lớn lên, tật nguyền không cản trở nhiều đến sự phát triển bình thường của nó.
Bà nội tôi đương nhiên buồn lắm, niềm hạnh phúc và kiêu hãnh có thêm đứa con trai cho dài dòng họ, có phúc rồi có lộc chợt vụt tắt, còn lại đó là nỗi lo lắng không yên mỗi khi nghĩ đến con. Mỗi khi nhìn chú Tuệ, hoặc nghĩ về chú là nước mắt bà nội lại ứa ra trên mi.
Chú Tuệ nằm vô tư nghịch cái chân phải còn lành, đôi tay huơ huơ trước ngực, đôi lúc vặn người, dường như thích lẫy, thích bò nhưng không thể. Những lúc như thế trong lòng bà tôi trào lên nỗi xót thương sâu xa. Bà tôi nói với ông tôi: chẳng thà ông trời bắt mình đui què mẻ sứt, chứ ai lại bắt thằng bé sinh ra đã dị tật như thế!
Tuy nhiên ông bà tôi kiên nhẫn , tập cho chú Tuệ biết lẫy, biết nhoai người lết trên cái chõng hẹp. Ngày nào cũng vậy ông, bà bóp chân, bóp tay cho chú, tập cho chú ngồi thẳng lưng. Bà nội một tay đỡ lưng, tay kia nắn cái chân trái của chú. Những lúc mệt, bà cho chú ngồi trong lòng tựa vào người. Trong lòng bà, chú Tuệ múa may đôi tay, nhích nhích cái chân dường như vui thích lắm. Bà nội nói: thường trẻ con ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi. Tội nghiệp thằng bé, sẽ chẳng bao giờ lững chững biết đi. Ông nội tôi nói: để cho con cứng cáp lên, tôi làm cho nó cái nạng. Con sẽ tập đi bằng nạng.
Ông tôi làm cho chú Tuệ cái nạng gỗ. Phải tới lúc ba bốn tuổi, chú Tuệ mới có thể tập đi bằng chiếc nạng gỗ đó. Ông bà nội rồi mọi người trong nhà thay nhau giữ cho chú tập. Người chú Tuệ mềm oặt, đứng lên rồi đổ xuống hệt như dây bún. Vài tháng sau, chú vẫn chưa thể đứng lên với chiếc nạng gỗ. Bà tôi ý chừng đã nản lòng, đôi lúc gắt lên: đứng thẳng lên nào! Bộ con không có xương hả! Liền ngay sau đó, lòng bà lại trào lên nỗi xót thương vô bờ bến. Bà ngảnh mặt ra sau, giấu mọi người lau vội những dòng nước mặt nóng hổi trào ra trên gò má gày guộc. Bà nội nói với ông tôi: Liệu con có thể đứng lên đi lại bằng chiếc nạng kia? Tôi rất lo cho nó ông à! Ông tôi nhìn bà nội như muốn sẻ chia nỗi lo lắng của bà. Ông tôi nói giọng đầy cảm xúc: thì tôi chỉ mong có thế.
Đáp lại mong mỏi của mọi người, chú Tuệ có vẻ ngoan ngoãn nghe lời, kiên nhẫn với cây nạng, vụng về với những thao tác đứng lên, chân trái lõng thõng, chân phải cố bước lê đi từng bước. Trong lòng chú bấy giờ, khi bắt đầu ý thức được thế giới xung quanh là niềm khao khát đi được như mọi người thức dạy ngày càng mãnh liệt. Nhìn lũ trẻ con chạy nhảy, nhìn mọi người đi lại, chú nhìn vào đôi chân họ cháy bỏng ao ước sẽ có một ngày, chú đi được, bay được trên đôi chân thần tiên kia. Nỗi niềm khao khát ấy khiến chú nỗ lực tập đi hàng ngày với chiếc nạng gỗ. Những bước đi xiêu vẹo luôn có bà hay ông tôi ở bên. Đôi lúc chú bỏ nạng vịn vào thành giường đi được vài bước rồi chợt ngã, khiến bà tôi chạy vội tới, đỡ dạy, miệng xuýt xoa: Trời ơi! Khổ! Khổ thân con tôi!
Thế rồi chú Tuệ đi được thành thạo bằng chiếc nạng gỗ, thậm chí đôi lúc nhảy lò cò một chân quanh nhà, quanh sân.
Do chân trái bị liệt, nên lúc lớn, lưng chú hơi bị vặn, hông to, hông nhỏ, bù lại là một khuôn mặt tròn, nước da trắng trông dễ mến và cặp mắt tinh anh. Khuôn mặt và đôi mắt nhìn như cháy sáng khát khao điều kỳ kiệu về một đôi chân lành lặn, những bước đi mạnh mẽ, điều bình thường ở mỗi con người.
Chú Tuệ học rất thông minh, năm nào cũng đứng thứ nhất lớp từ trên xuống chứ không phải từ dưới lên đâu- Mẹ tôi nói thế. Chú vẽ thì thôi rồi, khỏi phải nói. Chỉ cần ngắm người khác trong giây lát, với cái bút chì trong tay, đưa vài đường nét là khuôn mặt ấy với thần thái lộ rõ trên trang giấy . Xem chú vẽ mọi người phải trầm trồ. Có ông, bà trong xóm nhờ chú vẽ chân dung đem về treo tường, kỷ niệm cho con cháu.
Ông nội tôi nói với bà: thật đúng là ông trời chẳng lấy hết cái gì của ai bao giờ. Thằng bé tuy bị tật nhưng thông minh và tài hoa. Bà nội bảo: liệu nó có thể tự kiếm cơm lấy mà ăn không? Tôi chỉ lo cho nó. Còn cha, còn mẹ còn có người chăm sóc. Nói dại một mai tôi với ông khuất đi, ai chăm sóc cho nó, lo cơm, lo áo cho nó. Cứ nghĩ đến đó là ruột gan tôi như có ai cào cấu, đứng ngồi không yên. Làm cha làm mẹ, lo cho con cái là bổn phận. Chỉ khi nào chúng nó, thằng Tuệ nữa kiếm được miếng cơm mà ăn tôi mới yên tâm.
Những ngày chú Tuệ học cấp hai, thường thấy một cô tên Duyên sang nhà chơi. Cô Duyên có khuôn mặt tròn, nước da trắng, cái miệng có nụ cười rất duyên, ăn nói nhã nhặn. Mọi người thường nói cô có khuôn mặt trăng rằm, đó là những gương mặt tròn, mở ra, tỏa sáng . Cô Duyên hỏi bài vở, nhờ chú Tuệ giảng bài. Cô Duyên giúp chú đến trường và đôi khi từ trường về nhà. Cô Duyên vốn con một gia đình có truyền thống nho giáo nên nhã nhặn và nề nếp. Bố cô Duyên trước dạy bình dân học vụ, sau là giáo viên cấp một . Mẹ cô Duyên cũng là giáo viên. Ông bà chẳng nghi ngờ điều gì vì luôn cho rằng tụi chúng còn rất trẻ con và vì vốn sẵn lòng vị tha nên nghĩ: con nhỏ giúp người tàn tật điều ấy cũng nên. Cô Duyên có thể ngồi hàng giờ bên chú tôi dõi theo những nét vẽ như có thần trên khổ giấy học trò hoặc giấy lụa. Cô mua giấy cho chú. Có hôm cô ngồi bên xem chú làm thơ, đọc thơ. Thơ chú Tuệ viết chủ yếu loại thơ thất ngôn tứ tuyệt hoặc thơ bốn chữ. Chú làm thơ không với mục đích đăng báo, chủ yếu đó là tiếng tơ lòng, nảy lên từ tâm hồn đa cảm, dễ rung động, dễ bị tổn thương, gửi gắm trong đó nỗi khao khát, thất vọng và cả sự cảm hoài.
Quan sát gương mặt tươi tỉnh, tinh anh và tràn đầy lạc quan đó , không ai có thể nghĩ, trong lòng con người bị dị tật ấy còn âm thầm nỗi khổ đau. Nỗi đau ấy cũng lớn lên năm tháng cùng với ý thức về xã hội, về bản ngã và đặc biệt khi mà con tim chú chợt tỉnh giấc bởi thần tinh yêu và nỗi tuyệt vọng đến gõ cửa.
Mẹ tôi kể những ngày về làm dâu trong nhà, ngày ra đồng, tối về xay thóc giã gạo. Chiếc cối xay lúa đặt ngay bên hè, mẹ mặc chiếc quần lanh đen, cái áo bà ba bằng vải gụ vá ở hai bả vai, đứng chân trước chân sau cho có đà, cầm chiếc tràng xay quay quay. Cái cối xay quay đều… quay đều.. ù …ù…ù..nhả những hạt gạo cùng trấu xuống nong. Sau đó mẹ sàng sảy, đem gạo vào giã đến hồi khuya mới xong. Mỗi tối xay giã vài thúng thóc như vậy để mai bà tôi đem gạo ra ngoài chợ Chương bán.Ông nội vốn làm nghề bốc thuốc, nhưng nghề thuốc ngày ấy chủ yếu chữa bệnh cứu người chứ đâu có nghĩ đến chuyện làm giàu, nên bà nội vẫn phải đi chợ lo cái ăn cho cả nhà. Gia đình đôi khi bữa cháo, bữa rau, chuối luộc thay cơm. Chú Tuệ rất thương chị dâu. Có lúc chú đứng bên hè, bên chiếc nạng gỗ, nhìn mẹ tôi xay thóc. Chú thốt lên với mẹ tôi: chị ơi! Chị vất vả quá. Em rất thương chị. Mẹ tôi nhận thấy khuôn mặt chú lộ vẻ cảm thông. Mẹ tôi nói với chú: có gì đâu chú! Chị quen rồi.
Chú Tuệ học hết cấp hai rồi ở nhà, vẽ tranh. Ngày ấy số người học hết cấp hai rất ít thành ra mọi người nể lắm, chứ đâu như bây giờ, ra ngõ gặp người có trình độ đại học,thạc sỹ, tiến sỹ. Mọi người biết tiếng chú vẽ truyền thần nên đến nhà để được vẽ chân dung .
Vào một buổi sáng cuối đông, trời mưa nhỏ, những hạt mưa bé li ti kèm theo gió mùa đông bắc khiến lạnh càng thêm rét giá. Vài cây xoan trước nhà lá rụng còn trơ lại những cành khẳng khiu, vương những chùm quả xoan chín chuyển màu nâu sậm. Bà nội tôi hốt hoảng khi không thấy chú Tuệ lạch cạch với cây nạng gỗ trên sân. Bà tôi tìm chú trong buồng vẫn không thấy. Bà kêu lên thảng thốt: Ông ơi! Thằng Tuệ nó đâu? Ông tôi nói: thì bà vào trong buồng tìm nó! Hay nó ở sau nhà ? Không có nó trong đó- Bà tôi quả quyết. Tôi tìm mọi nơi rồi. Ông tôi nói giọng có vẻ bực bội: cái bà này hơi chút là rầm rĩ cả lên! Thằng Tuệ có thể đi đâu mới được chứ.
Cả ngày hôm ấy và mấy ngày sau ông bà nội cùng cả nhà đi tìm chú Tuệ. Ông nội cầm cái ba toong, cất những bước đi thất thểu vội vã hết ngõ làng này, đến ngõ làng khác, hỏi từng gia đình cũng chẳng được tin tức gì. Bà nội tôi tìm con không được về nhà ngồi trên chõng tre, khóc mểu, khóc dải trách cứ: thế ông không tìm nó ư? Thế chúng bay làm gì mà không tìm thằng Tuệ về đây cho tao! Ông nội nói giọng trầm buồn: thì tôi với các con đã tìm nó đấy thôi. Chúng nó đi khắp ngả rồi. Không biết thằng Tuệ ở đâu? Bà nội mếu máo: đồ đạc của nó vẫn nguyên vẹn trong nhà. Không hiểu nó đi đâu? Có chuyện gì xảy ra với nó? Ông và các con đi dọc sông đào xem! Ông nội tôi nói: đi rồi! Tôi đi rồi- rồi ngồi lặng thinh, khuôn mặt đăm chiêu.
Trong mấy đứa con, bà nội tôi thương chú Tuệ nhất, do chú bị bệnh tật, thiệt thòi, vả lại chú là con út của bà, cơm cấn canh cặn của bà nên không tìm thấy chú, bà đau như thể cắt đi từng khúc ruột. Bà bỏ ăn nhiều ngày liền, dỗ mãi mới cất nhắc đi lại.
Mấy ngày sau gia đình cô Duyên cũng cho người sang tìm cô Duyên. Ông bà thân sinh cô Duyên lo lắng đến mặt xanh xám mặt mũi khi từ mấy ngày nay cô Duyên không về nhà.Ông bà Phán không giữ được bình tĩnh, hơ hãi, quần áo xộc xệch, bỏ cả ăn cả ngủ. Ông Phán nói với ông nội tôi. Thấy cháu Tuệ bè bạn với con Duyên nên sang đây hỏi thăm. Ông bà nội tôi chột dạ bán tín bán nghi nghĩ: làm gì có cái chuyện ngẫu nhiên như vậy, hay chúng do không biết bơi nên, rồi lại gạt đi nghĩ: hay chúng làm điều gì dại dột. Ông bà Phán có vẻ không hài lòng với ông nội tôi, nhưng vẫn phải nhẫn nhịn.
Trong nhiều năm sau ông bà nội tôi và cả bên gia đình ông bà Phán vẫn đi tìm con. Ôg nội tôi vẫn băn khoăn nói với bà: kỳ thật! Chết rồi thì phải có xác chứ. Bà nội: Thôi đi ông, đừng nhắc đến chuyện ấy nữa đau lòng lắm!
Cho đến một ngày, độ ấy vào đầu xuân, những hạt mưa xuân lây rây làm tan đi tiết trời khô hanh giá rét của mùa đông. Vào mỗi sáng, mưa xuân lẫn với sương mù bao phủ cả bầu trời. Mấy cây xoan trước nhà đã nảy lộc non. Những chồi non tơ đỏ đắn, khỏe khoắn bật ra từ những mắt cành màu nâu. Khóm trúc trước nhà bắt đầu thay áo mới. Những phiến lá tươi non màu lá mạ thay cho những phiến lá vàng vọt già xơ xác khô héo. Khi qua tấm mành trúc trước cửa, nhìn thấy chú Tuệ bước tập tễnh bằng chiếc nạng gỗ từ cổng vào nhà, đi cùng chú không ai khác là thím Duyên và đứa nhỏ chừng chục tuổi. Bà tôi sững người không tin ở mắt mình. Bà dụi mắt cứ nghĩ do mắt bị kém, hay hoa mắt, kịp nhận ra đó là sự thật, bà thốt lên: ông ơi! Thằng Tuệ nó về, rồi vén tấm mành chạy vội ra ôm đỡ từng bước đi của chú Tuệ. Bà kêu lên: ôi! Trời ơi! Con tôi! Có ngày nó trở về với mẹ nó thế này! Trong nhà, ông tôi cũng không tin vào những gì vừa nghe, càu nhàu: cái bà này lú lẫn mất rồi, và rồi chợt mủi lòng thương nghĩ: bao năm nay, bà ấy không nguôi nghĩ đến nó nên cứ thần hồn nát thần tính. Nhưng nghe thấy xôn xao trước ngõ, ông cũng vội chạy ra. Nhìn thấy chú Tuệ lòng ông vui khôn tả. Trái với bà, ông vào nhà, ngồi vào ghế rót nước uống, khuôn mặt nghiêm nghị.
Thím Tuệ mặc chiếc áo cánh xanh, cái quần sa tanh đen, khuôn mặt thím có vẻ âu lo. Chú Tuệ mặc cái quần ka ki màu rêu, cái áo sơ mi màu lá mạ, khuôn mặt xanh xao, có vẻ phong trần. Chú Thím Tuệ quỳ lạy trước ông bà nội tôi nói: bọn con bất hiếu, để thày u phải lo nghĩ.
Ông tôi to tiếng: đạo làm con anh có thể làm như vậy ư! U anh lo lắng đau xót cho anh ngần ấy năm. Sao lại có thể ngần ấy năm anh không tin tức gì cho Thày U.Ít nhiều anh là người có học mà xử sự thế ư! Bà tôi xuê xoa: Thôi! Ông ơi! Con nó đã về rồi. Ông đừng to tiếng trách cứ, có lẽ làm như vậy, hẳn con nó cũng khổ tâm lắm. Gì cũng có cái lý của nó.Ông nội tôi nói: cái nhà bà này chỉ hay bênh con cái. Bà có để tôi dạy bảo chúng không.
Khi thấy ông nội tôi nguôi ngoai giận dữ, chú Tuệ tôi nói: chúng con đã thành thân với nhau từ chục năm nay, có dấu có má hẳn hoi, ý nói đã đăng ký kết hôn. Đây là Linh cháu của ông bà. Bà nội tôi ôm cháu Linh sung sướng đến nghẹn lời. Bà chửi: cha con bé này, giỏ nhà ai quai nhà ấy, khuôn mặt nó giống cha như đúc.
Ông tôi dặn dò: anh chị và cháu về được đến đây là tốt rồi. Liệu mà sang ông bà Phán. Liệu mà ăn nói với ông bà ấy. Đấy! Sinh con, nuôi con bao cơm gạo, bao nhọc nhằn lo lắng, vậy mà con cái báo hiếu được gì chưa? Chúng làm cho người ta chết đi sống lại ấy chứ! Ngày một, ngày hai tôi với bà cũng phải sang thưa chuyện với ông bà Phán.
Mẹ tôi kể rằng, chính mẹ tôi đã đưa chú thím ấy ra bến xe ô tô lên Hà Nội, vào một đêm mưa gió, lạnh căm căm, trời tối đen như mực. Chú thím Tuệ đi bộ ra bến xe của tỉnh. Sau đó, chú thím đi đâu mẹ tôi cũng không biết. Lúc chú thím trốn nhà đi, cũng chẳng định sẽ đi đến đâu cụ thể, cứ đi thôi, sau này hãy tính. Trước đó, chú Tuệ nói với mẹ tôi: chị! Chúng em phải lòng nhau. Nếu chúng em ở nhà, chẳng bao giờ các cụ tác thành cho chúng em nên vợ nên chồng. Đặc biệt là gia đình ông bà Phán khi nào để tụi em yêu nhau. Mẹ tôi hỏi: thế chú thím nghĩ kỹ chưa? Chú Tuệ: em nghĩ kỹ rồi, cứ đi thôi, chúng em còn có đôi bàn tay làm gì mà không thể kiếm sống. Khi nào tạo lập được cuộc sống ổn định, chúng em mới về. Thế còn cô Duyên, cô ấy thế nào? Chị sợ một mai sau này cả thèm chóng chán, khổ chú, khổ cho cô ấy. Chú Tuệ nói: không có chuyện đó đâu chị! Em tin ở tình yêu của cô ấy. Duyên yêu em! Chị ạ! Duyên rất đoan trang, chị không thấy điều đó ư! Chị thấy điều đó! Chị mong chú thím hạnh phúc, nhưng vẫn còn lo- Mẹ tôi nói. Cô Duyên nói: chị hãy tin vào tình yêu của chúng em. Chúng em đã đăng ký kết hôn ở xã. Mong chị đừng nói với bố mẹ vội. Chúng em có lỗi với đấng sinh thành. Chúng em biết bố mẹ sẽ rất giận. Nhưng thôi ! Chỉ mong bố mẹ và mọi người đừng đi tìm. Mẹ tôi khóc mùi mẫn, rồi đang đêm tay nải đưa chú, thím Tuệ ra bến xe. Từ đấy chưa bao giờ mẹ tôi hé miệng nói cho mọi người hay. Mẹ tôi chôn chặt trong lòng chuyện của chú thím, những mong chú thím được hạnh phúc.
Sau này khi có chúng tôi, những lúc chú cháu gặp nhau, chú Tuệ khi chén rượu vào vẫn kể chuyện về tình yêu của chú thím. Chú nói: lúc đầu khó khăn lắm, chú vẽ tranh bán ở chợ, nhận truyền thần cho mọi người. Thím đi chợ bán rau. Hai người thuê một căn phòng chật chội ở một khu nhà tạm bên sông Nhuệ. Lần hồi tới vài năm. Thế rồi dịp may đến, người ta mời chú làm việc cho một xưởng tranh thuộc trường cao đẳng mỹ thuật Hà Nội. Ở đó chú vẽ tranh rồi học làm tranh sơn dầu. Lúc ấy con Linh được dăm tuổi rồi. Thím cũng được nhận vào làm ở một công ty xây dựng. Sau đó Chú mở phòng tranh riêng, chuyên vẽ tranh sơn dầu.
Tranh chú vẽ bán rất chạy phần vì thị hiếu của mọi người bấy giờ, phần tranh của chú có những nét riêng tài hoa. Khi ổn định được cuộc sống, chú thím mới đưa con Linh về quê ra mắt ông bà nội ngoại. Chú Tuệ cười, nụ cười thật hồn nhiên, khuôn mặt và ánh mắt chú thật linh động. Chú rót chén rượu nữa, giục chúng tôi uống rồi, vịn thành giường đi tới bàn lấy ra một tập thơ. Chú bảo: các cháu nghe chú đọc thơ nhé. Tập thơ này, chú viết tặng thím. Thím Tuệ mỉm cười: cái nhà ông này lại cao hứng rồi.
Tôi ngồi nghe chú đọc thơ và nhìn các em- con chú thím Tuệ, khuôn mặt đứa nào đứa ấy giống khuôn mặt cha như đúc, cao ráo và khỏe mạnh, giỏi giang nữa, nghĩ mãi đến tình yêu, món quà của tạo hóa dành cho con người. Tình yêu của chú thím tôi đã đưa họ đến bến bờ của hạnh phúc.
Hưng Yên ngày 3 tháng 9 năm 2012
Trả lời