Nguyễn Đình Chú
Cũng xin nói thật. Đối với tôi, được làm học trò của giáo sư Trần Đức Thảo là một may mắn lớn nhưng cũng có phần vất vả. Có điều là cái vẩt vả thì đã qua đi, còn cái may mắn thì còn mãi mãi. Năm 1952, khi vừa học xong bậc phổ thông trung học tại trường Huỳnh Thúc Kháng, Nghệ An, tôi được thầy Nguyễn Đức Nam (sau này là giáo sư văn học phương Tây) kể cho nghe nhiều điều về giáo sư Trần Đức Thảo. Nào là: Ông Thảo là người Việt Nam học nổi tiếng nhất ở Pháp. Nước Pháp có trường Normale supérieure (tức cao đẳng sư phạm) d’Ulm là trường có tiếng nhất của nền giáo dục đại học Pháp. Muốn thi vào học trường d’Ulm, sau khi đậu tú tài, thường phải học thêm vài năm mới dám thi vào. Thi một ngàn người thì chỉ đậu chừng 50 người. Tốt nghiệp trường d’Ulm ra, viết sách chỉ đề tên tác giả và ghi: ancient élève de l’Ecole normale supérieure (học trò cũ của trường cao đẳng sư phạm) thì danh giá, tín nhiệm cao hơn thạc sĩ, tiến sĩ khác rồi. Người Việt Nam du học Pháp thuở ấy không mấy người được vào trường d’Ulm. Người đầu tiên được vào học và sau đó tốt nghiệp đứng thứ 35 trên tổng số 36 là ông Phạm Duy Khiêm. Ông Khiêm đã được báo chí trong nước ca ngợi là bậc anh tài kiệt xuất. Vậy mà ông Trần Đức Thảo lại thi tốt nghiệp trường d’Ulm đứng thứ nhất (nhưng vì là dân thuộc địa nên Pháp chỉ coi là đồng nhất – Premier ex oequo). Nào là ông Trần Đức Thảo đã đứng trên lập trường Mác-xít tranh luận với nhà triết học nổi tiếng của Pháp là ông Jean-Paul Sartre và được dư luận cho là thắng cuộc. Nào là: ông Thảo là trưởng ban đại diện Việt kiều tại Pháp. Năm 1946, lúc Bác Hồ sang Pháp dự hội nghị Phôngtennơblô, ông Thảo là thư ký của Bác. Nào là ông Thảo kêu gọi ủng hộ kháng chiến của Việt Nam, bị chính phủ Pháp bắt bỏ tù. Nào là: Ông Thảo từ giã Paris hoa lệ, về chiến khu Việt Bắc, tham gia kháng chiến giữa lúc không ít trí thức không chịu nổi gian khổ đã trở về thành… Những chuyện thầy Nam kể như trên, không biết chính xác tới độ nào. Nhưng thuở ấy quả đã gieo vào tôi – một học trò cấp 3 nhưng cũng là một người hăng hái say sưa với phong trào học sinh sinh viên của Nghệ An, nồng nhiệt tìm hiểu chủ nghĩa Mác – hình ảnh một mẫu người lý tưởng về tài đức. Hai năm sau, tôi là sinh viên khoa Văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (khối xã hội) và một hôm tôi được tin: giáo sư Trần Văn Giàu đã rước được giáo sư Trần Đức Thảo từ Ban Văn Sử Địa trung ương về cho trường đại học. Giáo sư Giàu nhường cả chỗ ở của mình cho giáo sư Thảo. Bạn đọc hôm nay thử tưởng tượng bấy giờ tôi sung sướng biết nhường nào khi nghe thêm những điều đó. Nhưng năm thứ nhất tôi vẫn chưa được học với giáo sư Thảo. Giáo sư dạy triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chúng tôi ở năm thứ nhất là Trần Văn Giàu mà thuở ấy, không chỉ với học trò chúng tôi mà còn cả với dư luận xã hội, là một thần tượng không ai bằng. Ấy vậy mà một lần, trong buổi giải lao, giáo sư Trần Văn Giàu đã nói với học trò tại sân trường, các cậu muốn biết thế nào là triết học thì hãy chờ sang năm học với thầy Thảo. Thầy Thảo là người đọc gần hết sách của thư viện Paris. Câu chuyện của thầy Giàu dĩ nhiên càng làm cho tôi cũng như các bạn tôi thuở ấy thêm náo nức đợi chờ. Và cái gì có thể đến đã đến. Vào năm thứ hai, tiếp cả năm thứ ba, chúng tôi được học môn triết học của thầy Thảo. Mà sự thật, đến nay nghĩ lại vẫn thấy chưa hết điều lạ. Thầy đến lớp hầu như thường xuyên chỉ với một bộ quần áo kaki xanh thẫm Trung Quốc. Trong tay không nửa trang giáo án. Chỉ đút tay túi quần mà nói. Nói lúng búng vô cùng, ngược hoàn toàn với tài hùng biện của một số giáo sư khác, đặc biệt là giáo sư Trần Văn Giàu. Nhưng không hiểu sao vẫn tạo ra một thứ ma lực làm say mê toàn thể chúng tôi, mặc dù chúng tôi không dễ gì hiểu hết ý thầy. Mà đâu chỉ học trò văn ĐHSP, không ít sinh viên y dược (bấy gíờ ĐHSP và Y dược cùng chung sân trường tại đường Lê Thánh Tông), giáo viên cấp 3 của Hà Nội đến nghe nhờ giờ triết học của giáo sư Trần Đức Thảo. Kể cả nhà đạo học nổi tiếng, giáo sư Cao Xuân Huy cũng lắm phen tới nghe. Đúng là có một không khí sùng bái môn triết của giáo sư Trần Đức Thảo. Thầy Thảo dạy không giáo án, giáo trình. Chúng tôi phải xin thầy cho lập ban cán sự bộ môn để ghi chép lời giảng của thầy rồi xin thầy duyệt lại trước khi đưa giáo vụ in rônêô làm tài liệu cho sinh viên học. Chính vì tham gia ban cán sự mà tôi “được” dư luận cho là học trò yêu của giáo sư Trần Đức Thảo. Giáo sư Trần Đức Thảo đã dạy chúng tôi hai vấn đề lớn: 1- Biện chứng pháp thần kinh; 2- Lịch sử tư tưởng triết học phương Tây từ thời cổ đại Hy Lạp cho đến các triết gia cổ điển Đức. Công trình Biện chứng pháp thần kinh là một sự tổng kết triết học về quá trình vận động, phát triển của thần kinh từ trạng thái vật chất vô sinh đến hữu sinh và tiếp đến là quá trình vận động, phát triển của thần kinh từ trạng thái thô sơ đến trạng thái cuối cùng và cao cấp hơn tức là bộ não của con người trải qua các loài giun, đến lớp bò sát, đến lớp chim, đến động vật có vú, đến loài khỉ, đến vượn người rồi đến người. Công trình này dĩ nhiên là dựa trên những thành tựu của khoa sinh vật học của thế kỷ XX. Công trình này về sau đã được dịch ra tiếng Pháp in trên tờ La Pensée ở Pháp (1965), kế đó trở thành một nội dung trong cuốn sách của giáo sư Trần Đức Thảo cũng được in ở Pháp (1973) với nhan đề “L’ỏigine du languague et de I’esprit” (Nguồn gốc ngôn ngữ và ý thức), được dư luận phương Tây, nhất là Pháp đánh giá rất cao. Phải nói rằng chỉ thế hệ sinh viên ĐHSP Hà Nội (khối xã hội) 1954 – 1957 mới có cái may mắn được học hai giáo trình này của giáo sư Trần Đức Thảo. Đến nay thì trong các trường Đại học Tổng hợp và Đại học sư phạm ở nước ta, về ngành khoa học nhân văn, cơ bản vẫn chưa có giáo trình về lịch sử triết học. Đây là vấn đề thiết tưởng các nhà lãnh đạo ngành đại học Việt Nam cần quan tâm bổ cứu. Riêng về giáo trình của giáo sư Trần Đức Thảo thì bây giờ, chẳng ai biết đến nữa. Cách đây khoảng gần mười năm, giáo sư Phạm Hoàng Gia có bảo với tôi là Ban Lý luận Trung ương yêu cầu tìm lại. Hiện nay thì giáo sư Phạm Hoàng Gia đã qua đời, không biết con trai anh có còn giữ được hai tập giáo trình đã được sưu tập và đánh máy này không. Riêng tôi thì còn giữ được cuốn vở ghi chép thời còn đi học mà gần bốn chục năm qua tôi vẫn coi là một vật quý.
Cũng xin nói thêm, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi được giữ lại làm trợ lý cho giáo sư Trần Đức Thảo về môn lịch sử tư tưởng cùng các anh Phạm Hoàng Gia và Lê Văn Trinh. Tôi lại còn được ở cùng nhà với giáo sư tại số 16Đ ngõ 2 Hàng Chuối, Hà Nội. Do đó lại còn được biết thêm nhiều điều về điệu sống, cá tính sống, quan điểm học thuật, quan điểm xã hội.. của giáo sư. Và ấn tượng cuối cùng đối với tôi, đây là một con người siêu việt nhưng cũng có cái gì đó không bình thường. Nhớ lại, trước ngày giáo sư từ giã thế giới đại học không bao lâu, thầy Hà Huy Giáp, bấy giờ là Uỷ viên Trung ương Đảng, bí thư Đảng đoàn kiêm Thứ trưởng Bộ Giáo dục và là thầy dạy chính trị của chúng tôi vẫn nói trước lớp: “Người Việt Nam ta thông minh tuyệt vời. Có người như anh Trần Đức Thảo đã cho Tây thua liểng xiểng”. Trước ngày miền Nam giải phóng, cuốn hồi ký Bên giòng lịch sử của linh mục Cao Văn Luận cũng liệt giáo sư Trần Đức Thảo vào hàng một trong ba người Việt Nam kiệt xuất nhất trên đất Pháp. Và gần đây nhất, trong dịp giáo sư qua đời, lời tưởng niệm giáo sư tại giảng đường xưa của Đại học Việt Nam nơi giáo sư từng giảng dạy, cũng như lời đưa tin về sự qua đời của giáo sư trên vô tuyến truyền hình Việt Nam, đã nổi lên lời đánh giá: giáo sư Trần Đức Thảo sau khi từ giã triết học duy tâm, triết học hiện sinh, đã trở thành người trung thành và kiên trì bảo vệ chủ nghĩa Mác. Tôi nghĩ, đó đều là những lời dánh giá tốt đẹp với giáo sư. Chúng tôi là học trò của giáo sư, không thể không vui lòng trước những lời tốt đẹp đó. Dù vậy, tôi vẫn thấy ở con người này vẫn cần được khám phá, phát hiện thêm. Vì như trên đã nói: đây là một con người siêu việt nhưng có cái gì đó không bình thường. Tôi, bước đầu ghi lại những điều trên đây, trước hết là để tỏ lòng biết ơn một người thầy đã cùng với một số thầy khác là Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Cao Xuân Huy… với hôm nay là kẻ còn người mất, nhưng đã dạy tôi nên người trí thức. Riêng thầy Trần Đức Thảo, cái mà thầy cho tôi lớn nhất là biết được thế nào là một năng lực tư duy trừu tượng khoa học cao siêu để tôi phấn đấu trong gần bốn chục năm qua. Thầy đã trút hơi thở cuối cùng bên trời Tây rồi. Bầu trời Paris hôm 19-4 đó không biết có sụt sùi không. Nhưng lòng tôi muốn như thế. Vì đây là con người siêu việt của Việt Nam đã đành, mà còn đáng cho nền văn hoá Pháp tự hào. Con người đó cũng có phần thành của chung nhân loại. Nói thế có quá lời chăng!
Đồng Xa, 12-5-1993
Giáo dục và thời đại,
Số 23 (1129), ra ngày 7/6/93.
Xin cám ơn Lã Thị Hải Yến đã chép lại bài này
Trả lời