Truyện ngắn của Hồ Ngọc Vinh
Vài tháng nay mới gặp Sơn, tôi với hắn ngồi trên tấm phản gỗ để giữa nhà. Nhà Sơn ở cạnh đê cụt, cửa sổ bưng bằng ni lông, mùa đông cũng như mùa hè, gió lồng lộng thổi. Sơn mặc áo màu vàng chanh nhàu nhĩ, khuôn mặt có cái cằm nhỏ hơi lệch, cánh mũi tẹt to bè và đôi mắt tinh ranh. Thường ngày trong quan hệ xã giao, có lúc Sơn rất hào hiệp, lúc lại biểu lộ sự ích kỉ đố kị và độc ác. Sơn nói: không hiểu vì sao cứ gặp bác là em vui, quên cả bực dọc- hắn nói và mỉm cười thật hồn nhiên. Sơn tiếp: có thể bác thỏa mái, vui tính thế thôi. Tôi nhìn quanh nhà, buồn cho Sơn vì căn nhà được xây dựng bằng gạch papanh với chất liệu vôi bột cộng với xỉ lò từ gần hai chục năm nay đã xuống cấp, tường tróc lở từng mảng, hậu có vết nứt dọc to bằng bàn tay chạy từ trên mái xuống dưới, mái nhà cây que cũng đã ải mục vì dột. Kề ngay gian giữa là cái bếp được quây bằng gạch chỉ, che tạm bằng tấm lợp tôn, mỗi khi đun nấu, khói lùa vào nhà khiến mọi người nước mắt dàn dụa.
Tôi thấy thương hắn vì nay mọi nhà đua nhau xây cất nhà hai tầng, ba tầng theo kiểu biệt thự làm thay đổi cả khuôn mặt nông thôn xưa cũ, riêng hắn hơn chục năm nay quày quả với đủ thứ nghề vẫn không dứt công nợ. Ngày trước hắn làm nghề y, khám bệnh, bán thuốc, tiêm chích, truyền nước, nhưng rồi phải bỏ vì suýt gây chết người do thiếu kinh nghiệm chuyên môn. Bỏ nghề y hắn chuyển sang làm gạch, đun được vài vạn viên vẫn còn xếp đống ở vườn, cũng bỏ vì lỗ bởi không nắm được kỹ thuật pha chế đất, vào lò và đun nên mỗi mẻ có nhiều gạch sống. Sau hắn đi bán thuốc tẩy, vào tận trong Quảng Ngãi, Bình Định, hàng ngày cùng xe hàng lỉnh kỉnh với đủ thứ: nào là thuốc chuột, ví da, dây lưng,…vv với cái loa và cái ắc quy rong ruổi ở chợ, vào các ngõ ngách thành phố, thậm chí lên cả vùng cao bán hàng. Được một thời gian, hắn bỏ của chạy lấy người về quê với hai bàn tay trắng. Vợ hắn kì kèo. Hắn nói: tất cả là do mụ.
Sơn vốn là người tinh ý, đôi mắt đảo như rang lạc, đi đâu cũng để ý quan sát, thấy người ta làm cái gì được, về nhà làm theo, tự hào về sự giỏi giang của bản thân, lòng sục sôi ý chí làm giàu.
Một dạo ở quê nhiều phụ nữ lên thành phố bán hàng tạp hóa gửi tiền về cho chồng nuôi con, tu sửa nhà cửa. Hắn cho thím Đựng theo bác Quy đi chợ Hà Nội. Thím Đựng là vợ kế của Sơn. Thím người thấp, khuôn mặt tròn, cái cằm ngắn, nước da ngăm đen, trông thím không được xinh lắm, giỏi chịu đựng. Ở với Sơn, nếu không giỏi nhẫn nhịn thì chỉ có gãy đũa, vỡ bát, vì thế Sơn có chì triết, đánh đập Thím vẫn im lặng như cái bồ thóc. Nhiều buổi vợ chồng cãi nhau, thím lên nhà tôi như tránh khổ tránh nạn, mái tóc vương rối, khuôn mặt buồn, quần áo xộc xệch te tớp. Thím ngồi, người so ro rũ ra như tàu chuối héo. Thím nói: em xấu người nên rổ rá cạp lại với hắn, nghĩ trong khó khăn vợ chồng càng phải thương nhau, có với nhau vài mặt con rồi phải giữ lề để dạy con, đằng này…Thím tiếp:Trong nhà, em là cái bị để người ta đổ tất cả vào. Mọi sự bất hạnh, lỡ dở, thất bát, con cái ngu dốt theo người ta đều do em. Người ta nói em: cái mặt coi thế mà ngu, mo lang trôi sấp biết ngày nào khôn.Cái số em sao nó khổ thế. Khi Thím Đựng đi chợ HN, Sơn ở nhà trông ba đứa con, dăm con lợn và lũ vịt quàng quạc kêu luôn mồm.
Sơn rót nước mời tôi, móm mém cái miệng điệu đà nói: bác uống nước với em! Rồi tiếp: Nói thật với bác! Vợ người ta đi làm gửi tiền về cho chồng con kiến thiết nhà cửa, nên cơ nên nghiệp. Nhà em xấu người, xấu cả nết nữa, đụt quá, vài tháng mới có dăm bảy chục ngàn gửi về. Em một mình trông con lại lo lắng kinh tế, sao mà lên được. Em đang tính cho mụ ấy về kiếm việc khác. Tất cả là do mụ ấy dốt nát. Em làm gì hắn cũng gàn. Để hắn làm việc gì, hỏng việc ấy.
Tôi nói: thím ấy chịu khó, lam lũ, nhịn chú như nhịn cơm sống. Chú còn đòi hỏi gì? Tôi biết, tuy không nhiều, thím vẫn gửi tiền đều đặn về cho chú nuôi con, mấy con lợn và đong thóc nuôi lũ vịt. Thím vai gánh hàng lặn lội hết ngõ ngách này, đến ngõ ngách khác, kiếm được như thế cũng khá rồi. Chú phụ công người ta thế! Sao có thể bỗng chốc có tiền trăm, tiền tỉ được. Làm việc gì cũng cần phải có cái duyên.
Bác chẳng biết gì! Nhà em nó kể với bác phải không? Sơn dẩu môi nói- Em khổ vì cái dốt nát của nó đấy! Làm mà không biết tính thì làm làm gì? Em vất vả chung quy lại là do mẹ em, cái bà lục cổ ấy và do nó. Ngày trước đã bảo không lấy nó, mẹ em cứ một mực gán ghép, cưới xin.
Tôi bảo: chú không đồng ý sao bà có thể hỏi thím cho chú! Thím lấy chú có cưới có cheo hẳn hoi. Đừng đổ lỗi cho bà! Đến đây tôi sực nhớ thím Minh, vợ trước của Sơn. Mẹ thím Minh vốn là bạn của mẹ Sơn. Thấy thím Minh mỏng mày hay hạt, hỏi về cho Sơn làm vợ. Thực ra Thím Minh đã có người yêu vốn là anh em con dì con già với Sơn. Vậy mà khi gặp Sơn, nghe Sơn ba hoa, bùi tai bỏ người yêu lấy người tình mới. Vì chuyện này mà anh em bằng mặt mà không bằng lòng, lâu nay ít qua lại.
Dạo ấy, giữa anh em đàn ông với nhau, vợ con cả rồi chẳng phải ý tứ gì, có lần Sơn cười kể: Con vợ em thế mà hay, việc nhà vụng thối vụng nát, chỉ được cái đi buôn là giỏi, phải cái dâm dê, người ta ngày hai bát là đủ đằng này cứ phải ba bốn bát. Em leo dốc nhiều kể cũng mệt.Tôi cười nói: tốt mái hại sống. Chú cũng dê cụ. Sơn cười ngây ngất. Làm vợ Sơn được hơn năm, bỗng nhiên thím Minh bỏ nhà đi khi bụng mang dạ chửa. Người bảo thím Minh bỏ Sơn vì không chịu được cái tính dở hơi của Sơn. Người nói: Thím theo trai. Mấy tháng sau Thím Minh đem đứa con nhỏ chưa đầy tuần tuổi bỏ ngay đống rơm trước nhà Sơn với tờ giấy giao con và xin lỗi. Sơn mải làm. Hài nhi quá bé bỏng được ông nội chăm nom, vừa đói vừa bệnh, cái rốn sưng tấy phồng nên như quả cà chua ở bụng, khóc ngằn ngặt cả đêm cả ngày, vài ngày sau thì mất.
Chuyện vợ con Sơn cũng ly kì lắm. Ngay vợ sau của Sơn tức thím Đựng bây giờ cũng bỏ đứa con trai đầu. Thím Đựng bụng chửa vượt mặt, gần đến ngày ở cữ vẫn ra đồng cắt lúa. Thím chuyển dạ nhanh quá, cái bụng cứ trì xuống hông. Thím kêu lên khi đứa trẻ đã ló cái đầu ra ngoài. Sơn ấn đầu con vào trong, vác vợ chạy như bay về trạm xá. Vậy là đứa trẻ bị chết ngạt. Thím Đựng khóc lên khóc xuống, lồng lên như con lợn nái, sau nỗi đau cũng nguôi ngoai.
Những người như thế sau thường hiếm con, đằng này trời thương vẫn cho Sơn ba đứa, hai gái, một trai thế là phúc lắm.
Tôi bảo Sơn: sao chú cứ đổ tội cho người khác thế. Tiên trách kỉ, hậu trách nhân. Mọi việc mình tính, mình quyết định, không được mình chịu, lỗi ấy có phải do thím, do bà đâu. Tại sao cứ tìm nguyên nhân thất bại ở người khác.
Sơn hăng lên: bác nói thế. Bác không biết! Bà già lục cổ luôn nói thương em, bà cho em được cái gì chứ, đã thế buộc em bán đi mấy miếng đất, lấy tiền phần cho cô Thùy, phần cho thằng Tú, còn lại cho vay người ta chiếm hết rồi. Lão Dinh mang tiếng anh em trai với nhau mà xấu bụng chỉ biết vơ vén cho mình. Con vợ đần đụt nữa làm em lụn bại.
Tôi nhìn Sơn chẳng biết nói gì. Sơn tiếp: em đang tính mua lại cơ sở làm bánh mì ở P- N. Chủ lò là bác Hợi, cùng dòng họ nhà em. Bác ấy tốt lắm! Mấy tháng nay, làm cho bác Hợi em đã học được kỹ thuật làm bánh. Bác tính hàng ngày có bao nhiêu xe đi, bao nhiêu xe về, dừng lại mua bánh mang về nhà làm quà. Lãi lớn lắm. Bác Hợi bảo: thấy chú thật thà, đang trong hòan cảnh khó khăn, anh em với nhau, tôi nhượng lại lò bánh cho chú làm kế sinh nhai.
Thật ra chuyện này tôi cũng được nghe chú Dinh kể. Mọi người đã góp ý cho Sơn: Ý chí làm giàu, làm ông chủ rất đáng hoan ngênh. Nhưng phải xem bản thân có làm ông chủ được không? Muốn là ông chủ phải có gan, có khả năng quản lý, lo liệu tính toán, biết thời biết thế, tức phải có cái tầm, lại phải biết quan hệ với đối tác, trên dưới tức phải có cái tâm. Nhược bằng không thì đừng có quá tham vọng, mất nghiệp. Mẹ Sơn năm nay đã ngoài bảy mươi, cây già hết lộc có đâu cho con, nhưng vẫn dành từng đồng, từng hào cho lũ con lít nhít thò lò mũi của Sơn. Thấy Sơn nghèo, vất vả bà thương lắm. Bà nói với tôi: anh khuyên nó!không phải ai cũng làm ông chủ được! Cứ chăm chỉ ruộng đồng, một năm vài sào lúa đủ ăn, ba bốn sào nghệ để ra, ngày nông nhàn thì tính việc gia công sản phẩm cho một số doanh nghiệp quanh đây. Vừa tự chủ lại vừa tự do. Mỗi năm chi chút cũng để ra được gần trăm triệu. Tôi nói nó không nghe, thấy mọi người giàu nhanh, cứ tưởng xúc được của thiên hạ, hoảng lên, thế là dục tốc bất đạt.
Tôi nói với Sơn: chú đã tính kỹ chưa. Phải trả công cho thợ nữa đấy, hàng tháng mỗi người đôi triệu là rẻ, công chú nữa….mỗi ngày chú bán được bao nhiêu cái bánh? Bao nhiêu thời gian chú hòan vốn và có lãi? Nếu người ta làm có lãi, tại sao phải bán cơ sở? Bác Hợi vốn nổi tiếng xoay sở trong làm ăn, chẳng để ý đến cái tình đâu. Chú không nghe nói ư? Thương trường là chiến trường mà! Không khéo lại ăn quả lừa thì khốn!
Sơn nói giọng hơi bực: mọi người không muốn cho em giàu!
***
Vậy là Sơn vay mượn gom góp được dăm chục triệu mua lại lò bánh, thuê người làm. Làm thuê cho Sơn có một phụ nữ quê T-Q chừng ngoài ba mươi, nghe nói chưa chồng, ngày làm bánh tối ngủ với chủ. Sơn trông sang hẳn với chiếc xe máy wave màu đỏ, đi xa vài chục mét cũng cưỡi xe, khuôn mặt hồng hào kiêu hãnh, nói to như con gà trống cất tiếng gáy. Trước mắt Sơn mọi người đều kém cỏi và chẳng ra gì.
Được hơn tuần nghe người làng nói, thím Đựng cùng chú Dinh lên tận nơi, đánh ghen làm ầm ĩ cả khu phố. Thím Đựng bỏ nhà, bỏ ruộng lên cùng chồng làm bánh nhưng kỳ thực là để canh giữ chồng mà thôi.
Mấy tháng sau, vào một buổi sáng, thấy có cái xe tải toét còi inh ỏi rồi đỗ trước cửa nhà Sơn, chở về nào là bàn ghế xong chậu…lỉnh kỉnh. Thím Đựng cùng mấy người hàng xóm khênh vỏ lò bánh làm bằng tôn đã han gỉ từ trên thùng xe xuống. Thím Đựng mặt buồn rười rượi, bấm bụng không một lời than trách. Thấy tôi Sơn buồn rầu nói: Vỏ lò này đem ra bán sắt vụn được khoảng dăm trăm ngàn. Giờ người ta dùng lò điện sấy bánh, không dùng lò than nữa. Em không xem hợp đồng thuê đất. Họ không cho thuê đất nữa, đành phải phá lò mang dụng cụ về quê. Anh bảo thế có đau không!
Nhìn Sơn buồn xo ro, mặt dài như cái bơm, thẫn thờ vì công nợ, thương Sơn cũng đành phải kiến giả nhất phận. Tôi nói: mọi người đã khuyên chú. Của trời, Lộc trời vô cùng. Nhưng có phải ai cũng lấy được. Mưu sự tại nhân thành sự tại thiên. Trước hết vẫn phải có tâm, lấy tâm để dưỡng tính và ý chí công việc mới thành.
Sơn trằn mắt lợn luộc nhìn tôi, mặt đỏ gay, bực mình nói: bác chỉ được cái lý thuyết. Thất bại này là do mẹ em, lão Dinh và nhất là con vợ em. Ai lại lên tận nơi làm ầm ĩ, phá chồng như thế. Cuối cùng chẳng ai muốn em giàu cả.
Hưng Yên tháng 1 năm 2012
Trả lời