(Nguyễn Trần Bạt đối thoại với Nguyễn Hưng, ngày 21/4/2015)
Hỏi: Những vấn đề chú đang quan tâm nhất trong giai đoạn hiện nay là gì?
Trả lời: Đất nước, nền chính trị của nó, nền tự do của nó, đời sống kinh tế của nó. Chú quan tâm đến thân phận con người, đến những vấn đề căn bản của con người, trong đó nhân quyền là một điểm có chất lượng trung tâm. Nhưng nhân quyền không phải như là một bộ luật, mà là một triết học, ở đấy người ta phải trang bị cho con người một số công cụ cơ bản để nó tự do.
Hỏi: Theo chú nhân quyền không phải là cái mình mang ra trao đổi với nhà nước, mà trước tiên là để thức tỉnh mình?
Trả lời: Bao giờ cũng thế, cho nên chú mới phân chia tự do ra làm hai miền, tự do bên trong và tự do bên ngoài. Cháu nên đọc kỹ quyển “Cội nguồn cảm hứng”.
Hỏi: Chú có quan điểm gì về nền ngoại giao Việt Nam hiện nay, nó có nhiều ưu điểm hay nhiều nhược điểm trong quan sát của chú?
Trả lời: Không có nền ngoại giao mà cháu nói. Cách hỏi của cháu là cách hỏi của người không có kinh nghiệm đầy đủ về cuộc sống quốc tế. Không có nền ngoại giao, chỉ có những ứng xử đối ngoại mà người Việt Nam bắt buộc phải làm, tập hợp thành các kinh nghiệm đối ngoại. Ngoại giao không phải là cái gì cao sang lắm, ngoại giao là nỗi đau khổ lớn nhất mà người Việt có. Tất cả các dân tộc bé ở cạnh một nước lớn bao giờ cũng có những số phận cực kỳ bất hạnh, nó chỉ có thể khôn ngoan để sống thôi chứ không thay đổi được.
Cháu nói nền ngoại giao tức là cháu nói đến một ý định, một công việc có tính chủ động như là một sự nghiệp. Đấy là những thứ người ta viết ra để nhận thành tích. Đời sống quốc tế hay đời sống đối ngoại của người Việt là cách dùng chữ chính xác nhất cho chuyện này. Nó cũng đúng cho người Lào, người Campuchia, cho người Myanmar. Nền ngoại giao chỉ có đối với người Nga, người Trung Quốc, người Nhật Bản, người Mỹ, người Ấn Độ (nói nền ngoại giao của người Ấn Độ cũng chưa chắc chính xác lắm), tức là họ có các chính sách đối ngoại chủ động. Tất cả các dân tộc bé bé còn lại là đối phó, mà đại bộ phận là đối phó với sự tráo trở, sự đỏng đảnh hay với sự quay quắt của các nước lớn.
Không đặt ra câu hỏi như cháu được. Chưa có cái nền ấy, mà chỉ có những người chạy lon ton giữa chợ, đi tìm kiếm những lợi ích lặt vặt để tìm sự sống sót cho mình và các bộ tộc chính trị của mình mà thôi.
Hỏi: Ý chú là với những nước nhỏ như chúng ta chỉ có được nền ngoại giao lon ton thôi? Ngay cả với Lào và Campuchia cũng thế?
Trả lời: Cháu tưởng là chúng ta tự do, chúng ta lãnh đạo Lào và Campuchia? Khi chúng ta lãnh đạo được cả Lào và Campuchia thì có nghĩa là chúng ta đã tự do rồi, và chúng ta tự do với cả Trung Quốc. Không hề có chuyện đó. Cho dù họ bé đến đâu thì họ cũng không phải là đối tượng để thể hiện sự tự do của chúng ta. Trong không gian chính trị của các nước lớn, một kẻ nhỏ bé nhất cũng được kiểm soát. Và đôi lúc người ta tạo các điều kiện và các tình thế để Lào và Campuchia đi nhanh hơn người Việt, khôn hơn người Việt trước mắt thiên hạ.
Hỏi: Vậy theo chú những yếu tố nào tác động đến quan điểm ngoại giao của người Việt đối với những nước lớn hơn mình và đối với thế giới bên ngoài?
Trả lời: Chú không thấy có quy luật nào cả, chỉ có quy luật phổ biến toàn cầu, không phải quy luật cho người Việt, đó là nước bé thì luôn luôn sợ và ghét nước lớn. Cái bé sợ cái lớn hơn mình, tâm lý ấy phổ biến ở mọi nơi trên Thế giới. Người New Zealand không thích người Úc, mặc dù Úc cũng chỉ lớn New Zealand một cách tương đối chứ chưa phải là một cường quốc. Cháu hỏi cái gì là cơ sở cho sự định hướng tâm lý của người Việt, chú phải nói rằng không có cái đó. Người Việt có thói xấu giống mọi người trên thế giới và cũng có những ưu điểm giống mọi người trên thế giới. Tất nhiên những ưu khuyết điểm ấy có thể có chất lượng khác nhau, có vị ngọt bùi khác nhau, có những mùi hương khác nhau, đấy không phải là khác biệt triết học mà là khác biệt văn hóa.
Hỏi: Henry Kissinger có viết rằng bản chất của châu Âu là sự tan rã của hàng loạt quốc gia có sức mạnh tương đương nhau về mặt văn mình, về mặt quân sự cho nên nền ngoại giao hay tư tưởng dân chủ nó đã bám rễ ở châu Âu khá sớm. Còn đặc trưng của nền văn minh Trung Hoa ở một vị thế áp đảo hầu hết những nền văn minh xung quanh, cho nên tư tưởng xưng bá Trung Hoa rất là sớm, họ luôn tạo cho các nước xung quanh cảm giác họ đang tìm kiếm một sự thuần phục chứ không phải tìm kiếm đồng minh. Cháu nghĩ rằng cách mà Trung Quốc tương tác với Việt Nam cũng tạo ra tính cách riêng của người Việt?
Trả lời: Có lý. Nhưng đó là cái lý của Kissinger hay của cháu? Nếu nói về mặt thực dụng thì các suy luận ấy không có giá trị. Nó được xếp vào cái gọi là “Sự đố kị của các quốc gia”. Kissinger nói không hoàn toàn đúng. Cùng một kích thước thì không phải anh nào cũng phục anh nào. Tư tưởng dân chủ vẫn là lý tưởng của người Châu Âu chứ chưa phải là thuộc tính của họ. Không phải những người như Kissinger nói gì cũng đúng. Dân chủ và tự do luôn luôn là lý tưởng của mọi thời đại. Bởi vì kẻ bé, kẻ yếu luôn chiếm đa số. Kẻ chiếm đa số là kẻ đánh giá, sắp đặt chất lượng của lý tưởng tự do.
Người Trung Quốc không hiểu tự do như người châu Âu, họ hiểu tự do theo nghĩa khác. Người Trung Quốc chui vào bên trong mình để hưởng cái tự do. Đấy chính là cái tự do bên trong mà chú đã viết trong sách. Không ai tự do hơn Lý Bạch và Đỗ Phủ đối với trăng. Những người làm thơ chưa bao giờ đạt tới trạng thái tự do như vậy. Giống như Lý Bạch hay Đỗ Phủ, người Trung Quốc không có kinh nghiệm về tự do bên ngoài, tự do thể chế. Chính vì thế nên người Trung Quốc đi tìm tự do bên trong tâm hồn.
Hỏi: Nói như vậy thì có phải phương Tây cưỡi lên tự do mà không biết giá trị của nó.
Trả lời: Đúng thế. Phương tây hồn nhiên hưởng cái tự do như một của bắt được và bây giờ nó đang sụp đổ.
Hỏi: Theo chú thì châu Âu chưa phải là đối tượng dân chủ nhất, vậy thì con người ở đất nước nào có tự do và dân chủ nhất?
Trả lời: Con người cũng có một số tự do, nó khác nhau do văn hóa, do sự yêu thích của con người đối với các nội hàm của khái niệm ấy. Cho nên nếu cháu sa vào kết luận phương Tây tự do hơn thì cháu phạm một sai lầm là định kiến và hỏng về mặt chính trị. Người phương Tây dạy người Việt là phải đòi tự do thể chế hay thay đổi thể chế. Tại sao gia đình người ta đang yên lành, cha là cha và mẹ là mẹ, anh lại đi đòi tự do để cho tất cả bình đẳng với nhau. Liệu có bình đẳng thật được không và có thật là khi con người bình đẳng với nhau thì con người hạnh phúc không? Không phải!
Cháu là người có khả năng, cháu biết cưỡi con ngựa triết học để đi tìm và đạt đến một điều gì đó. Nhưng cần nhớ triết học chỉ là người bạn đường, lúc nào cháu cảm thấy trống rỗng thì ôm lấy nó một chút, rồi sau đó phải nói với nó rằng “mày hãy đi chỗ khác để tao làm việc”. Thái độ đúng đắn nhất đối với triết học là như thế. Khi nào mất trọng lượng, khi nào mất thăng bằng gặp nó một chút, ôm nó một chút, nhưng khi tỉnh ngộ rồi thì phải đuổi nó đi chỗ khác để mình làm việc.
Hỏi: Nghĩa là phải lên xuống liên tục ở ba tầng mà chú nói
Trả lời: Đúng vậy, Triết học là tầng cao nhất. Triết học làm cho con người trở nên gần với thần thánh hơn để nó bớt cái nhơ bẩn, để nó đỡ xấu đi. Ôm chầm lấy triết học là sai lầm nhưng vẫn phải có nó, không có nó cháu không bao giờ sạch sẽ được. Cháu phải tắm rửa bằng triết học để giữ cho mình sự thanh khiết của một con người. Cần phải có hiểu biết, cần phải học hành, cần phải có tư tưởng để trở thành một con người tân tiến, nhưng cũng phải biết xuống tầng trệt lập luận với cuộc sống, nhặt nhạnh, buôn bán, kiếm ăn để giữ lấy con người thực dụng. Con người không thực dụng thì không có gạo để trở thành con người có tư tưởng. Con người có tư tưởng mà không hướng thiện thì tư tưởng sẽ bị lợi dụng như một công cụ.
Hỏi: Đấy là người ta đi tìm kiếm tự do bên trong mình ở bên cạnh một thể chế?
Trả lời: Khoan hãy nói đến thể chế. Khi cháu đang nghĩ về trăng thì thể chế chẳng là gì cả. Có một nhà thơ rất lớn của người Trung Quốc tên là Khuất Nguyên. Có lần ông ấy đi tự tử vì chán đời quá. Một dân chài vớt được ông ấy lên và rất ngạc nhiên vì nhận ra đó là Khuất Nguyên. Người dân chài hỏi: “Tại sao ngài lại ra nông nổi này?”. Khuất nguyên nói rằng: “Đời đục mà ta trong, đời say mà ta tỉnh nên ta chán và đi tự vẫn”. Người dân chài đáp: “Đời đục mà ông trong, đời say mà ông tỉnh thì ông chết là đúng rồi. Đời đục thì ông ít đục, đời say thì ông ít say chứ ông không được tỉnh”. Đấy là một trong những câu chuyện dạy khôn của người Trung Hoa.
Ở tuổi cháu chưa thể từng trải về chuyện ấy được, bởi vì cháu đang đi ra giữa một cánh đồng mênh mông đẹp như một bài thơ của tự do. Chỉ khi nào đói bụng cháu mới thấy rằng ở chỗ đẹp như thơ ấy không có gì ăn được, phải chui vào bếp thì mới có cái để ăn. Chui vào bếp sau khi đã ở cánh đồng mênh mông đẹp đẽ của tự do rồi thì phải rất tự do mới làm được việc ấy. Trước đây nhiều trí thức cho rằng đi buôn là phe phẩy, là xấu. Tất cả các giáo sư đều thấy những kẻ phe phẩy ở Chợ Giời là rất xấu, thà đói còn hơn làm việc ấy. Lúc đó chú là một cán bộ ở Viện Khoa học Việt Nam, chú vứt tất cả những kinh nghiệm ấy vào sọt rác rồi đi buôn và chú sống được, nuôi được vợ được con, và gỡ lại sự thiệt thòi mà cuộc sống bắt mình phải chịu đựng khi bỏ triết học, bỏ sự lãng mạn để đi buôn bằng cách trở thành một nhà triết học. Chú bỗng nhiên phát hiện ra quy luật vĩ đại của tự do là nó giúp con người ra vào các chốn khác nhau trong đời sống tinh thần của mình một cách dễ dàng.
Những người như cháu chắc chắn được một điều là khó bị vấy bẩn. Chú chưa biết cháu đủ để đánh giá cháu thật tốt, thật xuất chúng hay không, nhưng không bị vấy bẩn một cách dễ dàng thì chắc chắn, vì con người biết nghĩ đến những chuyện ấy, biết thích những chuyện ấy là con người có chất lượng lý tưởng. Nếu như số phận có đẩy cháu đến chỗ phải ăn trộm thì cháu sẽ ăn trộm như một người có lý tưởng. Cháu cứ ngẫm đi rồi sẽ thấy. Cái xấu nhất của con người không phải là những việc xấu nó làm, mà là việc nó sẵn sàng ngủ chung giường với cái xấu, đấy mới là xấu nhất. Ấp ủ cái xấu mới là xấu nhất, còn việc con người buộc phải làm việc xấu thì đó là làm vì cuộc sống. Tất nhiên, nói như thế không phải là chú khuyến khích là cứ làm đại đi, nhưng cháu sẽ khó bị làm xấu.
Hỏi: Vậy ý chú là kẻ dễ bị làm xấu nhất là kẻ không có lý tưởng gì?
Trả lời: Kẻ không có tiêu chuẩn, không đủ điều kiện để hình thành hệ tiêu chuẩn của mình là kẻ dễ xấu nhất. Chú từng là một kỹ sư giỏi, chú đã vứt công việc ấy đi vì không chấp nhận phá vỡ tiêu chuẩn. Có lần chú tham gia nghiên cứu để làm một công trình rất lớn, được xem là công trình quốc gia. Mỗi lần chú đi vào trung tâm IBM ở Sài Gòn để tính toán đều có hai sĩ quan công an đi kèm, người ta bảo vệ chú thì ít mà bảo vệ cái cặp chú cầm thì nhiều. Một ông thứ trưởng kiểm tra kết quả của chú và hỏi tại sao chỗ này lại ít cọc thế. Chú trả lời là theo quy trình tính toán nó chỉ cần đến thế. Ông ấy bảo ít quá, phải tăng gấp đôi. Chú trả lời rằng hệ số phải nhân hai thì mới lên gấp đôi được, mà trong quy trình không có hệ số nào như vậy, thế thì tôi phải gọi hệ số ấy là gì. Sau khi trình bày xong mọi chuyện liên quan đến công trình ấy, chú lặng lẽ xin chuyển công tác. Tám năm sau chú lập nên công ty này khi đất nước mới mở cửa.
Có lý tưởng thì ít tầm thường nhưng chịu nhiều đau khổ. Rồi cháu sẽ có những sự day dứt mà những người vô cảm không cần phải có. Chính sự day dứt ấy tạo ra một thứ mà chú nói lúc nãy là khó hư hỏng. Còn người không day dứt thì việc gì cũng có thể làm.
Hỏi: Ý tưởng thành lập công ty của chú đến trước bao lâu?
Trả lời: Chú nghiên cứu về sự sụp đổ của liên bang Xô Viết từ năm 1968.
Hỏi: Tại sao trong đầu chú lại xuất hiện được ý tưởng là liên bang Xô Viết sẽ sụp đổ hay nó đến một cách ngẫu nhiên?
Trả lời: Nhiều người trên thế giới nghĩ như thế không phải chỉ một mình chú. Khi Liên Xô đánh nhau với Trung Quốc thì báo Le Figaro có một bức biếm họa mô tả Marx hiện lên trên bầu trời và nói “vô sản toàn thế giới hãy buông nhau ra”. Đấy là những gợi ý. Nếu không đọc tờ Le Figaro thì làm sao có được thông tin ấy để nghĩ. Chú cứ ngẫm nghĩ rồi dần dần trở thành người nghĩ chuyên nghiệp.
Hỏi: Thời điểm đấy thông tin để tiếp cận vào Việt Nam rất hiếm, có lẽ ý tưởng ấy xuất phát từ trong bản thân chú?
Trả lời: Chú làm việc trong một viện khoa học, chú là chủ nhiệm một bộ môn của viện này nên có điều kiện để có thông tin. Trong giới trí thức nhiều người biết, chú không phải là kẻ biết đầu tiên nhưng chú là kẻ nghĩ chuyên nghiệp đầu tiên. Trong khi mọi người nói chuyện ấy như một chuyện chơi thì chú nghĩ về nó một cách nghiêm túc. Chú là người nghĩ chuyên nghiệp.
Hỏi: Vậy giả sử như nước CHND Trung Hoa sụp đổ thì liệu chú có phải là người nghĩ chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam về vấn đề ấy không?
Trả lời: Chú không nghĩ là nước CHND Trung Hoa sụp đổ. Đó là một trong các quốc gia vô cùng khó sụp đổ. Chú đã nghiên cứu rằng cứ khoảng 200 năm mới có một cuộc khởi nghĩa ở Trung Hoa, tức là mật độ của các cuộc cách mạng diễn ra thưa và nhân dân của nó ưa sự ổn định hơn là thay đổi. Nhà Hán hơn 400 năm mới có cuộc khởi nghĩa khăn vàng, cuộc khởi nghĩa khăn vàng là điểm mở đầu của tiểu thuyết Tam quốc chí. Những người viết văn chuyên nghiệp ở Trung Quốc chỉ để lại một vài tác phẩm nói đến các cuộc cách mạng, Thủy Hử là một cuộc cách mạng con con. Người Trung Quốc không phải là người sinh ra để làm cách mạng, bởi vì họ may mắn có một nhà triết học dạy con người yêu sự ổn định, đấy là Khổng Tử. Còn một nhà triết học khác vĩ đại không kém dạy con người thoát ra khỏi sự đau khổ vì bị nô dịch, đó là Lão Tử. Họ có cả thuốc độc lẫn thuốc giải trong cùng một dân tộc thì làm sao sụp đổ được.
Lý thuyết tự do của chú được kết hợp giữa thể chế của Khổng Tử và tự do của Lão Tử, nhưng chú diễn đạt bằng ngôn ngữ của phương Tây, bởi vì phương Tây có kinh nghiệm hơn trong việc đưa các khái niệm triết học về với đời sống. Cho nên các thành tựu có chất lượng viết lách của chú là kết hợp các khái niệm của phương Đông và phương Tây bằng ngôn ngữ phương Tây. Bởi chú xem ngôn ngữ là một lực lượng tham gia vào sự phát triển tiến bộ xã hội.
Hỏi: Vậy là chú yêu cả Khổng Tử và Lão Tử?
Trả lời: Cái gì mà cuộc sống có thì phải yêu nó chứ. Tại sao lại chỉ yêu một thứ và ghét những thứ khác?
Hỏi: Chú có nghĩ là Trung Hoa cổ đại, thậm chí là Trung Hoa cận đại nữa, người ta yêu Khổng Tử quá đến mức suy thoái không?
Trả lời: Thích một mình Khổng Tử thì cũng giống như ăn kẹo nhiều, sẽ bị đường huyết. Tất cả mọi thứ đều nằm trong hỗn hợp mà cuộc sống sử dụng để tự cân bằng. Cuộc sống là cân bằng, nếu không cân bằng thì không còn cuộc sống. Sở dĩ cuộc sống cân bằng vì trong nội hàm của nó có yếu tố tự cân bằng. Tự cân bằng là cấu trúc, còn cân bằng là biểu hiện ra bên ngoài. Tất cả các sự cân bằng đều là kết quả của sự cân bằng về mặt cấu trúc.
Chú khác các nhà triết học, chú là một hiện tượng tự cân bằng. Chú tự cân bằng được vì chú nghĩ đến con, đến vợ, đến các đồng nghiệp và không bao giờ lãng mạn đến mức quên các thực tế. Chú vừa giải xong bài toán lý tưởng là có thể chuyển xuống giải bài toán tư tưởng. Khi đã giải xong bài toán tư tưởng để thành ra quy trình hành động rồi thì chú nhảy xuống đời sống thực dụng chỉ huy một trận đánh kiếm tiền.
Chú là một người giàu có nhưng không trở thành đại gia. Chú mong cháu giàu lên và biết yêu sự giàu có, biết yêu vẻ đẹp trong sự giàu có. Chú khuyên cháu đừng bao giờ để mất cân bằng giữa trách nhiệm và tự do, cân bằng giữa vật chất và tinh thần. Kẻ nào luôn luôn tìm được điểm cân bằng giữa các cặp phạm trù đối xứng thì kẻ đó về bản chất là nhà triết học. Nhà triết học có nghĩ gì thì cuối cùng cũng phải tìm ra điểm cân bằng. Lão Tử có câu nói rất hay: “Theo tay ta chỉ sẽ thấy trăng, nghe lời ta nói sẽ thấy đạo. Nhưng tay ta không phải là trăng, lời ta không phải là đạo”. Câu của chú là ”Ta sẽ lấy những thứ ấy đặt trước mặt ngươi và bán cho ngươi”. Con người cần phải được bán cho những thứ như vậy với một giá hợp lý để nó có quyền tự do tiếp cận với cái đẹp, cả cái đẹp vật chất và cái đẹp lý tưởng.
Đã từng có rất nhiều giáo sư của Hội đồng lý luận, của Trường Đảng đến đây trao đổi với chú. Chú nói về nhiều vấn đề, về thể chế, về tự do dân chủ với quan điểm phi cách mạng.
Hỏi: Chú có một ý nói rằng những thiên tài thực sự không phải là những người tạo ra cuộc cách mạng mà là những người điều chỉnh cuộc cải cách sau cách mạng?
Trả lời: Tất cả các thiên tài đều là người lợi dụng các cuộc cách mạng để tổ chức ra nền chính trị của mình. Chú chưa thấy có cuộc cách mạng nào tạo ra cái gì đáng kể, kể cả cách mạng Pháp. Cách mạng Mỹ là cuộc cách mạng xảy ra một cách sớm hơn, một sự cướp cò của cách mạng Pháp, bởi vì sự giao lưu giữa các trí thức châu Âu và việc hình thành nước Mỹ gắn bó với nhau chặt chẽ. Chúng ta không có điều kiện để hiểu cấu trúc thật sự của các cuộc cách mạng ấy, mọi cái đều là phỏng đoán và nghe hóng hớt từ những tác giả phương Tây.
Khi nghiên cứu cấu trúc của một cuộc cách mạng thì chú biết rằng giới trí thức chỉ là người làm vỡ đê, còn sức mạnh tàn phá nằm ở dòng nước. Khi còn là sinh viên chú đã từng lên Phú Thọ tham gia vào việc phá đê để cứu Hà Nội. Chỉ cần một quả bộc phá nho nhỏ bằng cái bát là đê vỡ. Lúc đầu con đê chỉ mở ra khoảng hai ba mét, nhưng mười giây sau dòng nước ồ ạt xé toang con đê. Tất cả những người đứng ở đấy đều phải chạy đến mức thục mạng, thậm chí các viên tướng chỉ huy phải lên ô tô chạy. Vết mở của đê sau đó rộng khoảng một cây số, cát tràn vào vùi lấp đồng ruộng đến cả thước. Từ hiện tượng ấy, chú liên tưởng đến các cuộc cách mạng. Những người trí thức tạo ra một vụ nổ nho nhỏ làm điểm khởi đầu, còn dòng nước mới chính là yếu tố tạo ra sự tàn phá thật sự, dòng nước ấy chính là giai cấp vô sản. Chú có một kết luận khổng lồ là mọi cuộc cách mạng đều là cách mạng vô sản. Kẻ nào sử dụng được kết quả của cách mạng ấy thì tên cuộc cách mạng gắn với họ, còn người thực sự tạo ra cách mạng là giai cấp vô sản, là người nghèo khổ. Ở đâu có khoảng cách giàu nghèo thì ở đấy tiềm ẩn cách mạng vô sản, vì thế chúng ta phải luôn luôn cảnh giác để chuẩn bị đối phó với các cuộc cách mạng vô sản trên toàn thế giới. Do đó chú mới có lý thuyết về phi cách mạng hóa đời sống chính trị.
Hỏi: Theo chú, trong một cuộc cách mạng thì trí thức bị cuốn theo đám đông hay chỉ huy đám đông?
Trả lời: Trí thức chẳng chỉ huy bao giờ, tất cả mọi người đều tưởng nhầm. Trí thức là những kẻ láu tôm láu cá, ra vẻ chỉ huy thì có nhưng chỉ huy thật thì không. Trí thức không là gì cả. Chúng ta phải trở thành nhà chính trị thật sự, nhà lý thuyết thật sự chứ không phải là trí thức chung chung. Chúng ta phải chuyên nghiệp hóa tất cả các kiến thức của mình và các lực lượng của mình. Trí thức chỉ là những con ruồi láu cá giải thích các hiện tượng nổ mìn để mô tả công lao của mình. Nhiều người thậm chí không có gan để mô tả công lao của mình mà mô tả công lao của người mình định hầu hạ.
Hỏi: Giả sử như trước đây chú không thành lập công ty này, gia đình chú rất nghèo, chú phải chu cấp cho vợ, cho con liệu chú có làm như các trí thức ấy không?
Trả lời: Chú không thèm làm những việc như thế. Chú là người trong sạch, khi có thể làm tiền một cách chính đáng chú mới bắt đầu làm, còn khi không được làm một cách chính đáng thì chú không làm. Không có sự kiêu ngạo của một con người thì chúng ta sống bằng gì? Không có niềm tự hào và sức chịu đựng khó khăn, gian khổ của một thời đại thì chúng ta sống bằng gì. Con người có nhiều chỗ trốn tránh lắm. Thuở thanh niên trốn ra trận, ở nhà làm anh nuôi thì tha hồ được ăn cháy, không bao giờ bị đói. Con người đã hèn thì có nhiều chỗ, nhiều cơ hội để trở thành người hèn. Chú là người hát khá hay, luôn luôn là cây đơn ca của sư đoàn. Chú có thể trốn vào trong cơn mê hát của chú để tránh cuộc chiến đấu. Nhưng chú nghĩ không lẽ ta lại cậy có một giọng hát hay để từ chối những việc mà tất cả những người khác làm. Vấn đề là chú yêu bản thân mình, chú không thể trở thành người sống né tránh, sống hèn hạ. Đương nhiên chất lượng sống ấy cũng có những tác động một cách cực kì mạnh mẽ vào chất lượng viết.
Hỏi: Đến với chú như thế này là cả một sự can đảm của cháu.
Trả lời: Can đảm là một cách gọi, hồn nhiên là một cách gọi khác, may mắn là một cách gọi khác nữa. Rất nhiều người chú từ chối, không phải vì chú coi thường họ mà vì sức khỏe của chú là sức khỏe của một người già, giống như người có ít tiền nên phải biết tiết kiệm. Cháu thích như thế, cháu thể hiện như thế và chú nghe thú vị thì chú thử xem.
Chú khuyên cháu không được lãng phí thời gian. Cháu phải biết phân chia thời gian một cách cân đối. Làm việc thì phải có ý tưởng thật sự. Công việc không phải là chỗ ẩn nấp nhằm có được đồng lương tối thiểu để có thể yên tâm nghĩ ngợi. Đại bộ phận tư tưởng của cháu mà không bắt đầu từ công việc của cháu thì không có giá trị gì cả. Cháu nói cháu đã đọc chú , cháu sẽ thấy những gì chú nói không nằm ngoài những tư tưởng mà chú có. Cháu phải tìm kiếm sự nghiệp ngay trong chính công việc của mình. Cháu phải hợp nhất ý thích của mình, tình yêu của mình với sự nghiệp và với công việc. Như vậy cháu sẽ không lãng phí quỹ thời gian của mình. Kinh nghiệm của chú là khi nào chúng ta hiểu được con người thì chắc chắn sự nghiệp và công việc sẽ gắn với nhau.
Chú là người có năng khiếu làm thơ, viết văn, đóng kịch, ca hát. Chú có khả năng làm nhiều việc. Chú xử lý khả năng của mình như xử lý cây mít ở ngoài sân. Những quả nhỏ, những quả không có triển vọng thì bỏ bớt đi, để lại một vài quả để cho nó chóng lớn. Và chú đã có một số quả mít rất to để giành cho gia đình. Chú cũng có cả quả mít rất thơm để tạo ra tên tuổi. Đó là lời khuyên của chú đối với cháu. Tiết kiệm thời gian, dẹp bớt các khả năng phụ để tập trung vào thứ chính của cuộc đời mình, và cách tốt nhất để có sự nghiệp là kết hợp giữa ý thích của mình với công việc của mình.
Trả lời