Mấy hôm trước, cầm trên tay tờ báo Frankfurter Allgemeine của Đức mà sững hết cả người khi nhìn thấy mấy bức ảnh chụp được đăng trên báo.
Ảnh 1. Thủ tướng Đức Merkel ăn tối cùng các nguyên thủ quốc gia vùng Baltic trong một nhà hàng ở Stralsund – Đức
Bức thứ nhất, chụp ảnh Thủ tướng Đức Angela Merkel, được mệnh danh là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới, mời các nguyên thủ quốc gia các nước vùng biển Baltic đến ăn tối tại một nhà hàng xem ra khá bình dân ở Stralsund – Đức (trong thời gian diễn ra cuộc họp với các nguyên thủ quốc gia vùng biển Baltic bàn về việc mở rộng đường ống dẫn khí từ Nga qua Đức vào cuối tháng 5 vừa qua). Cảnh này ở Đức hay các nước phương Tây được xem là bình thường nhưng chắc không/khó có được ở Việt Nam. Bức ảnh cho người xem thấy được một góc nhìn hoàn toàn khác, rất dung dị, rất dân dã, rất đời thường của các nguyên thủ quốc gia. Thậm chí, nếu không có lời chú thích bên dưới thì có lẽ không ai ở xứ ta mảy may dám nghĩ đấy là một cuộc gặp gỡ thân mật ngoài lề cuộc họp của các nguyên thủ quốc gia, nhìn không kĩ khéo lại tưởng cuộc trà dư tửu hậu của một nhóm các bạn học cũ cũng nên. Có lẽ đây cũng là một sách lược ngoại giao, thậm chí một phong cách ngoại giao của các chính khách phương Tây? Nhưng có một điều chắc chắn rằng, chỉ khi ta không có mặc cảm tự ti của một nước nhược tiểu, thua kém thiên hạ (ví dụ như chuyên ngửa tay đi xin vốn viện trợ ODA, thậm chí của những nước nhỏ xíu chỉ vỏn vẹn có 5,5 triệu dân như Đan Mạch, hic) thì ta mới có đủ tự tin, “dũng khí” để tạo ra được một không khí thân mật, bình đẳng một cách tự nhiên như thế (chứ không phải “cố gắng tỏ ra” như thế).
Ảnh 2.Tổng thống Đức Gauck (và bạn gái) trong buổi đến thăm một trường nữ sinh tại Burin
Bức thứ hai là ảnh chụp buổi nói chuyện của Tổng thống Đức Gauck tại một trường nữ sinh tại tỉnh Burin (vùng thuộc Palestin) trong khuôn khổ chuyến viếng thăm chính thức Israel vào cuối tháng 5 vừa rồi. Ảnh chụp vị tổng thống (và bạn gái) ngồi bệt xuống bậc thềm khán phòng với tư thế rất dung dị, tự nhiên, khoáng đạt và ngoái cổ lên phía trên nói chuyện cùng các em nữ sinh.
Bức thứ ba là ảnh chụp Thủ tướng Đức Merkel, Thủ tướng Anh David Cameron và thủ tướng Na-uy Jens Stoltenberg trong cuộc thảo luận với sinh viên (đến từ nhiều nước khác nhau) tại phủ thủ tướng ở Berlin với chủ đề “Đối thoại về tương lai của châu Âu và nước Đức”. Cả ba vị nguyên thủ quốc gia từ phong cách đến dáng vẻ đều rất gần gũi, cởi mở và thân thiện ngồi giữa đám sinh viên.
Ảnh 3. Thủ tướng Đức Merkel, Thủ tướng Anh David Cameron và thủ tướng Na-uy Jens Stoltenberg trong buổi tranh luận với sinh viên diễn ra tại phủ thủ tướng ở Berlin.
Hành động đó ở các nước phương Tây là hoàn toàn bình thường, thế nhưng chắn chắn không thể có được ở Việt Nam. Nhìn ảnh chụp các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam xuống cơ sở, đặc biệt là khi đến các trường học, nơi cần phải tỏ thái độ thân thiện, dung dị, gần gũi nhất thì bao giờ cũng thấy những động tác, cử chỉ lời nói quan cách, trịnh trọng trong khung cảnh cảnh trống dong cờ mở, băng rôn biểu ngữ tưng bừng, hoa hòe hoa sói lòe loẹt mà phát ngán. Họ đến với “tâm thế lãnh tụ” nên trông ai nấy mặt mũi trịnh trọng, đầy vẻ bề trên là điều cũng dễ hiểu.
Ảnh chụp TBT Nông Đức Mạnh dự lễ khai giảng tại trường THPT Chu Văn An, Hà Nội
Đấy là chưa nói đến nội dung các bài phát biểu, nghe chỉ thấy sáo rỗng, giáo điều, nói nôm na là không sao lọt lỗ nhĩ cho được. Bài phát biểu của vị nào cũng như vị nào, ở trường này cũng như ở trường kia, bao giờ cũng vỏn vẹn mấy ý thế này:
1. Vai trò của của giáo dục đối với sự nghiệp xây dựng đất nước, phát triển kinh tế xã hội, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến giáo dục, đến thế hệ trẻ (không quên nhồi vào tên vài cái Nghị quyết cho thêm tính thuyết phục,he he…), bla bla bla….
2. Biểu dương những thành tích dạy học và giáo dục mà thầy trò nhà trường đã đạt được trong những năm qua, bla bla bla,…
3. Kêu gọi, động viên nhà trường cần ra sức thi đua dạy tốt, học tốt theo lời Bác Hồ dạy, đạt thành tích cao nhưng phải là thành tích trung thực để tạo nên con người có kiến thức và đạo đức thực sự, phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước, bla bla bla….. (Nếu ai không tin cứ thử vào mấy cái link ở đây đọc cho biết, he he…link 1, link 2,…)
Cuối cùng là màn hứa hẹn nọ kia của nhà trường và đại diện học sinh (do được “mớm lời” chứ dám chắc là cũng không được phép tự “nói bằng những lời của chính mình”, he he.
Bởi thế, sẽ là bất công khi lên tiếng chỉ trích học sinh Việt Nam không chỉ đồng phục ở quần áo mà còn đồng phục ở tư duy. Than ôi, ở xứ Nam ta đâu phải chỉ có mỗi học sinh mắc sai lầm ấy.
Còn đây là những bài phát biểu của Tổng thống Obama nhân dịp dự lễ khai giảng tại một số trường học ở Mĩ. Tuyệt không bài nào giống bài nào, không ở đâu giống ở đâu. Cứ đọc thì sẽ thấy nó khác những bài phát biểu của các "đấng tối cao" nước Nam ta đến nhường nào. Bài nào cũng thấy gần gũi, dung dị nhưng dí dỏm và đầy sức thuyết phục.
Đoạn trích thứ nhất:
"Xin chào – các bạn mạnh giỏi cả chứ? Tôi đang ở đây cùng các bạn học sinh trường Trung học Wakefield tại Arlington, Virginia. Và lúc này trên khắp nước Mỹ các bạn học sinh từ Mẫu giáo tới lớp 12 cũng đều đến trường. Tôi rất vui mừng thấy tất cả chúng ta, các bạn và chúng tôi, đều cùng đến trường ngày hôm nay.
Hôm nay, là ngày đi học đầu tiên của nhiều người trong số các bạn. Với các bạn ở trường Mẫu giáo hoặc lớp đầu của hai bậc Sơ trung và Cao trung, thì đây là ngày đầu tiên các bạn đến trường mới, vì vậy có hồi hộp bồn chồn cũng là dễ hiểu thôi. Tôi hình dung thấy ở đâu đó đúng lúc này có những anh chị học sinh lớp cuối cấp thấy mình khá sung sướng vì chỉ còn phải đi học có một năm nữa thôi. Và nói chung, với tất cả các bạn, dù đang ở lớp nào cũng vậy, có những bạn vẫn nghĩ giá như nghỉ hè vẫn còn kéo đến tận hôm nay thì thích bao nhiêu, và sáng nay các bạn đó có thể nằm ườn thêm một chút trên giường.
Tôi thông cảm với tình cảm đó. Khi tôi còn nhỏ, gia đình tôi ở Indonesia mấy năm, và mẹ tôi không có tiền cho tôi đến trường của trẻ em Mỹ. Thế là mẹ quyết định tự bà dạy thêm cho tôi, dạy cả tuần từ thứ Hai đến thứ Sáu, ngày nào cũng dạy tôi từ 4 giờ 30 sáng.
Ngay giờ đây tôi vẫn không thấy khoái lắm với việc phải dậy sớm đến thế. Nhiều bận tôi ngủ gục ngay khi đang ngồi ăn lót dạ. Nhưng tôi phản đối sao cũng chẳng được, bao giờ mẹ cũng nhìn tôi bằng con mắt ấy và bảo tôi, “Thì nào mẹ có sung sướng gì hơn đâu, hả con?” (xem toàn văn tại đây)
Đoạn trích thứ hai:
Bây giờ, nếu các cháu hứa không nói với ai thì tôi sẽ kể cho các cháu nghe một bí mật: khi còn học phổ thông, cũng như trung học, không phải lúc nào tôi cũng là học sinh giỏi nhất theo khả năng của mình. Không phải môn nào tôi cũng thích. Không phải lúc nào tôi cũng chú tâm vào học hành như đáng lẽ phải thế. Tôi nhớ khi tôi học lớp tám, tôi phải học một môn gọi là đức dục. Đức dục là về những điều đúng sai, nhưng nếu các cháu hỏi tôi lúc học lớp 8 tôi thích môn gì thì tôi sẽ trả lời là bóng rổ. Tôi không nghĩ đức dục lại nằm trong danh mục những môn học yêu thích của tôi.
Nhưng đây mới là điều thú vị. Sau đó, lúc nào tôi cũng nhớ cái môn đức dục này. Tôi vẫn nhớ cách nó khiến tôi phải suy nghĩ. Tôi vẫn nhớ khi bị hỏi những câu đại loại như: Trong cuộc sống, cái gì là quan trọng? Hoặc như thế nào là coi trọng nhân phẩm và tôn trọng người khác? Sống trong một quốc gia đa sắc tộc – nơi không phải ai cũng trông giống như các cháu, suy nghĩ giống cháu hoặc xuất thân từ những vùng lân cận với các cháu – nghĩa là thế nào? Chúng ta tìm cách sống chung với mọi người như thế nào? (xem toàn văn tại đây)
Đoạn trích thứ ba:
Nhưng nói gì thì nói, cho dù chúng ta có những giáo viên tâm huyết nhất, những bậc phụ huynh có trách nhiệm nhất và những ngôi trường tốt nhất trên thế giới, tất cả sẽ chẳng có nghĩa gì trừ khi tất cả các em hoàn thành trách nhiệm của mình: đến lớp hàng ngày, chú ý đến các bài giảng của thầy cô giáo, lắng nghe lời cha mẹ và người lớn, cũng như nỗ lực hết sức trong việc học.
…
Một số các em có thể không có cha mẹ để làm nơi nương tựa. Có thể một ai đó trong gia đình các em vừa mất việc và không có đủ tiền để xoay sở. Các em có thể sống trong một môi trường không được tốt, hay bị bạn bè ép buộc làm những việc mà bản thân biết là không đúng.
Nhưng cho dù hoàn cảnh của các em là như thế nào – các em giống ai, các em có bao nhiêu tiền, các em phải làm gì ở nhà – đó không phải là lý do để biện hộ cho việc không làm bài tập về nhà hay có một thái độ xấu. Đó không phải là lý do để giải thích cho việc cãi lại lời thầy cô, cắt tiết hay bỏ học. Đó không phải là lý do để không cố gắng.
Việc các em đang ở đâu không xác định các em sẽ đi đến đâu. Không ai viết sẵn định mệnh của các em. Đây là nước Mỹ, và các em tự viết lấy tương lai của mình…(xem toàn văn tại đây).
Và còn rất rất rất…nhiều các bài phát biểu khác nữa của Obama hoặc các chính khách phương Tây khác dành cho học sinh. Mọi người hãy chịu khó mò vào google tìm đọc để thấy chỉ duy nhất một điều "ÔI, SAO MÀ KHÁC NHAU ĐẾN THẾ"…. Mà nếu có cảm thấy sốc quá thì cũng cố bụm miệng mà hô be bé thôi nha, ha ha….
Ha Phuong says
Đúng quá cô ạ :-rất nhiều các bài phát biểu khai trường của các vị lãnh đạo nước ngoài và nhiều nhân vật có tên tuổi khác.
Đọc xong mà “thèm”, ước gì 12 năm của mình cũng có người đến “tiêm” vào đầu những điều kia, thì đảm bảo học sinh đứa nào cũng khoái đi học.
Các vị lãnh đạo đến thăm trường thì chỉ khổ học sinh đứng nhừ cả chân mỏi cả tay mà vẫy hoa vẫy cờ, xong các ông í cũng có liếc mắt nhìn xem học sinh ra làm sao đâu :-
Trần Hoàng Anh says
Hihi, cô ạ, em cũng góp ít gạch đá với cô về vụ phát biểu này đây:
Hồi trước, em cũng đem 1 clip – về dịp Obama đến thăm và phát biểu chào năm học mới tại 1 trường trung học ở Mỹ – đến lớp làm tài liệu cho lớp phiên dịch. Và rồi cũng chợt nhận ra rằng, ở cái xứ Việt Nam “dân chủ gấp vạn lần tư bản” thì người ta sẽ mở đầu diễn văn bằng việc chào từ các vị lãnh đạo đảng, rồi đến các bộ ban ngành, rồi dần dần mới xuống đến các “vị” nhân dân, nói chung là “từ trên xuống” – trong khi ở nước Mỹ thì ông Tổng thống chào từ các em học sinh trở đi, chào đến các thầy cô giáo, đến thầy/cô hiệu trưởng, rồi mới đến “bộ trưởng” GD.
Éo le thay là nhiều người vẫn khăng khăng bảo vệ cho một “thiên đường vẽ” đã bị lịch sử bỏ lại sau lưng từ lâu . . .
LinhLinh says
hihi, đúng lắm cô ạ. Nhưng em thích nhất bài phát biểu của B.Clinton: Xin chào…Tôi là B.Clinton, tổng thống Mỹ, tôi xin tuyên bố khai mạc thế vận hội Atlanta 1996…hihi
Đôi khi cũng chỉ cần đến thế thôi, sao cứ phải rườm rà, sáo rỗng làm gì, mà có khi cũng chẳng biết mình đang đọc cái gì nữa ấy chứ…
Quang Hoat says
Tôi cũng đã viết đại loại như vậy lâu rồi, nhưng mọi người thường hay nói tôi lo chyện bao đồng, hâm, tiêu cực. Mãi, cũng mỏi mệt và nghĩ không khéo mình hâm thật cũng nên(?). Nay vô tình đọc bài viết của “bà” cũng còn có người”cháy”.
Chúc “bà” có nhiều bài viết “độc” nữa.
He, (một người bạn học cũ)
nthiphuonghoa says
@ Quang Hoat: lau lam moi lai nghe gi tu ong, he he… Khi nao toi vao Xu Quang thi minh lai gap nhau nhe. Chuc vui nhieu.
Van Canh says
Cô ơi! bình dị như Cụ Hồ nhà mình ngày trước thôi cũng đã rất “tây” rồi!hihi