Bài đã được đăng trên website của trường cấp 3 Yên Hòa, he he….thpt-yenhoa-hanoi.edu.vn/news.yenhoa
Mong rằng học sinh Yên Hòa bây giờ đọc xong bài này không lấy mình "làm gương phấn đấu" để Thầy Cô phải mệt nhoài vì chúng hê hê…..
—————————————–
Nhà có 3 anh em.
Ông anh nói năng vừa phải. Thời gian để cáu nhiều hơn để nói.
Thằng em thì mồm như ngậm hạt thị, thi thoảng cao hứng mới nhả ra vài câu.
Cũng như hầu hết bọn trẻ con trong khu sư phạm, cả ba anh em đều được đúc từ cái lò Yên Hòa mà ra.
Chỉ khác nhau một điểm duy nhất.
Ông anh học rất giỏi, thi thoảng cũng để lại đôi chút tì vết, tuy chưa đến mức phải viết bản kiểm điểm, do chọc ngoáy bạn bè.
Thằng em, không chỉ học giỏi mà mồm miệng còn câm như hến. Theo tiêu chí đánh giá của nhà trường Việt Nam nó được xếp loại ngoan hiền là cái chắc.
Còn tôi, phận gái, sinh nhằm năm Dần.
Chẳng biết trách ai, cũng sinh năm Dần nhưng mấy cô bạn tôi Giời hào phóng bạn tặng đủ mọi thứ hơn người,. Nào công, nào dung, nào ngôn, nào hạnh. Đủ cả.
Còn tôi, chẳng biết lúc tôi được sinh ra, Giời hờn giận gì ai mà lấy đi hết, lấy đi sạch, hự hự.
Là gái nhưng người ngợm thô kệch như đàn ông, tính nết con giai, nghịch hơn quỉ sứ. Tóm lại là xấu cả người lẫn nết.
Đã thế mồm mép lại toét toe, toe toét suốt ngày.
Những năm cấp 2 còn kha khá, thậm chí lớp 5, 6 (cấp 2 Mai Dịch) còn oai như cóc, được làm liên đội trưởng. Nhưng không hiểu sao đến năm lớp 7 (cấp 2 Dịch Vọng) bỗng nảy nòi cá biệt, với tội trạng nặng nhất là bị Thầy Phiếm (dạy Toán giỏi nổi tiếng) đuổi khỏi lớp học thêm vì tội nhại cái động tác không mấy mĩ quan của thầy: lấy com pa xỉa răng xong đưa lên mũi ngửi và viết chữ “Phiếm gầy” lên bìa sách giáo khoa (không chỉ mình tôi viết nhưng cái số tôi nó đen nên bị Thầy phát hiện, hi hi…). Những chuyện nghịch ngộ loàng xoàng khác thì vô khối…. Cũng không làm sao quên được Thầy Sĩ dạy Toán có tật vừa giảng bài vừa lấy tay kì ghét ở cổ. Cả lũ học sinh chúng tôi ngồi dưới cũng bắt chước đua nhau kì ghét cho đến khi vê được một cục tròn kha khá bèn nhất loạt chờ lúc Thầy quay lên bảng thì búng vào lưng Thầy. Giời ạ, láo quá đi mất!
Thế nhưng, từ khi đặt chân vào cấp 3 thì "tình hình" còn tồi tệ hơn nữa.
Nhiều chục năm trời đã trôi qua nhưng đến tận bây giờ cái tâm trạng của một học trò cá biệt, đầu têu hầu hết các trò nghịch ngợm trong lớp vẫn trở về trong tôi mỗi lần nghĩ về trường xưa, bạn cũ và cũng là những chủ đề chính cho các câu chuyện cho mỗi lần gặp mặt bạn bè xưa cũ. Nghịch ngộ quái quỉ đến mức đã nhiều chục năm rồi mà bạn bè trong lớp, cùng trường (khóa 76-79) và thầy cô có thể quên ai chứ không thể quên được tôi, Phương Hoa. Điều thú vị nhất là trong cả đời mình, duy nhất chỉ có các bạn phổ thông gọi tôi với cái tên đầy đủ, thân thiết “Phương Hoa”. Sau này tôi chỉ còn được gọi cộc lốc là “Hoa” hay “Hoa béo”.).
Mới vào lớp 8 (hệ 10 năm), chỉ loay hoay vài tháng tôi đã kịp trở thành một học sinh cá biệt trong mắt các giáo viên. Nào có phải vì mất dạy hay dốt nát gì cho cam. Tất cả chỉ do cái tội nói cười toe toét. Không biết ăn trúng cái gì mà lúc nào cũng phởn. Cứ ngồi ở đâu là góc lớp đó vui như Tết, đồng bào cười hỉ hả suốt giờ. Có lần, thầy Nam chủ nhiệm (dạy Văn) đã nảy ra sáng kiến xếp tôi ngồi giữa hai thằng hiền như đất, miệng im hơn thóc, câm hơn hến (Nguyễn Chí Thanh và Nguyễn Khắc Tuấn – lớp trưởng) với hi vọng cái miệng đáng ghét của tôi sẽ không còn cơ hội mở ra khép vào liên tục như trước nữa, hic. Nào ngờ, chỉ mấy ngày sau, chẳng hiểu cả hai thằng này ăn trúng cái gì hay mắc bệnh truyền nhiễm từ tôi đến nỗi không chỉ mồm miệng mà còn cả tứ chi cũng bắt đầu hoạt động hết công suất. Có lần hai thằng còn lôi nhau ra sân tẩn nhau một trận ra trò. Còn tôi, ở giữa, ngồi cười khà khà khoái trí. Thầy Nam phải liên tục đổi chỗ các nhân vật bắng nhắng trong lớp, trong đó có tôi. Có thời gian ngồi cạnh thằng Hòa Sò (Phó Đức Hòa hiện là giảng viên ĐHSPHN), một thằng cũng mồm mép tép nhảy không kém, thế là cả góc đó cứ rộn ràng suốt buổi. Bực quá, Thầy bèn chuyển tôi lên bàn trên ngồi giữa Hà “Thẽm” và Hồng Thủy. Thầy vừa tuyên bố dứt lời về việc đổi chỗ thì thằng Hòa bỗng hét toáng lên: “Tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa rồi Thầy ơi!” (bởi hai đứa cũng thuộc hàng trùm buôn dưa lê bán dưa chuột trong lớp). Hai đứa này ngày đó yêu nhau, viết thư cho nhau mùi mẫn, sặc mùi cải lương, nào là anh anh, em em, nào là “hai trái tim cùng chung nhịp đập”,… Vô phúc cho chúng là có bức thư rơi vào tay tôi. Tôi bèn mặt mũi nghiêm trọng và bắt mạch ở cổ tay hai đứa rồi cười khằng khặc “Ối giời ơi, đúng là hai trái tim cùng chung nhịp đập rồi, sướng nhá”. Chỉ thế thôi mà cả lũ bạn lai được phen cười nghiêng ngả, còn hai đứa mặt đỏ nhừ vì ngượng.
Không chỉ mồm mà cả người tôi không lúc nào yên, ngọ ngoạy liên hồi ngay cả trong giờ học (như trẻ con bị bệnh tăng động, hi hi…). Dù có đang nghe giảng hay làm bài tập trên lớp nhưng mắt vẫn đảo như rang lạc, thấy đứa nào gần đó hở ra cái gì là chọc cái đó. Cứ đứa nào đằng trước đứng lên phát biểu là kiểu gì lúc ngồi xuống cũng bị thước kẻ chọc vào đít, hoặc ngồi học mà cao hứng rút chân ra khỏi dép thì kiểu gì nhìn xuống đất thì “than ôi, dép đã không cánh mà bay” (lượn dưới gầm bàn như đi chợ).
Mà cũng không hiểu sao bọn bạn cùng lớp ngày xưa lại nhiệt tình a dua với những trò nghịch ngộ của tôi đến thế? Nghịch trong giờ, nghịch ngoài lớp, nghịch khắp nơi, lúc nào cũng nghịch. Hình như cái đầu tôi sinh ra chỉ để nghĩ ra những trò nghịch ngộ láo lếu. Thầy Nam chủ nhiệm lớp (kiêm dạy Văn) cao lớn, béo tốt nhưng có bộ chân vòng kiềng cong veo, đi xe đạp cứ khuềnh khoàng hết cả ra. Có lần, khi vừa thấy Thầy Nam lên xe ra khỏi trường, tôi liền cầm đầu đến hơn chục đứa con gái (Mĩ Liên, Hồng Thủy, Ngọc Béo, Phương Anh, Thanh Minh,…) trong lớp nhảy phắt lên xe đạp cũng khuỳnh chân đi vòng vèo cả hàng ngay sau lưng thầy. Chưa hết. Có lần, trong giờ nữ công của cô Loan (kiêm dạy Hóa) tôi lại đầu têu cả lũ con gái nhại dáng vẻ đặc biệt của một số giáo viên dạy ở lớp. Thầy Nam lên lớp cứ ưỡn bộ ngực "dám đón những phong ba dữ dội" như Nguyễn Văn Trỗi khi ra pháp trường xử bắn. Thầy Triệu dạy Toán cực hay nhưng có thói quen khi tay phải viết bảng thì tay trái uốn cong ra đằng sau dẻo như múa. Chúng tôi vừa nhại vừa cười ngặt nghẽo nên quên khuấy cô Loan đang ngồi lặng lẽ theo dõi. Cũng không ngờ, Cô Loan sau đó lại “mách” với thầy Nam làm báo hại tôi và cả lớp. Ngay sau đó là giờ Văn của Thầy Nam. Vừa vào lớp, chưa kịp đợi cả lớp chào thì Thầy đã quát to: Chị Phương Hoa đi lên bảng! Và thế là bắt đầu một màn giáo huấn kinh hoàng kéo dài cả 2 tiết Văn. Tôi bặm mặt được một lúc thì nhe răng ra cười (nhưng không dám phát thành tiếng) vì cứ mỗi khi Thầy quay sang nhìn tôi thì mấy đứa trong lớp lại giơ cao cặp sách với dòng chữ viết bằng phấn “Phương Hoa ơi có tê chân không? Có cần bôi dầu cù là không?”. Thầy ngơ ngác không hiểu sao, bởi cứ khi Thầy quay xuống lớp thì bọn nó đã kịp úp cặp xuống bàn, mặt mũi tỉnh bơ như không có chuyện gì xảy ra. Chúng cứ thế, làm đi làm lại nhiều lần. Tôi đứng trên bảng cứ suýt sặc vì cười mà không được phát thành tiếng. Đứng chán cạnh bảng, tôi lai “lê thân” về phía góc lớp và bước thẳng vào sọt rác của lớp để tiếp tục “nghiến răng” nghe Thầy giáo huấn. Cả lớp lại được phen cười bò. Của đáng tội, nếu cứ đứng nguyên một chỗ hai tiết liền nghe mắng chắc chân tôi sẽ tê dại rồi phù lên mất, và cái thủ của tôi sẽ ong lên.
Mà không hiểu sao lũ chúng tôi chỉ hay quậy trong giờ Văn của Thầy Nam chủ nhiệm. Không ít lần Thầy phạt tôi đứng lên vì tội mất trật tự trong lớp. Tôi vừa đứng lên thì cái lũ ngồi sau bèn hô hoán ầm ĩ "thầy ơi, bạn Phương Hoa đứng thế che hết cả bảng rồi, bọn em không chép bài được". Thầy bí quá không biết làm thế nào lại đành "nghiến răng" mời tôi ngồi xuống. Cũng không ít lần Thầy mời tôi ra khỏi lớp. Thầy vừa quát to "Chị Phương Hoa đi ra ngay khỏi lớp" thì thằng Hòa Sò và Hà "Thẽm" kêu to "Thầy đuổi nó ra, không phải học nó càng sướng". Thầy nghe xong tưởng thật bèn sửa ngay khung hình phạt và hạ giọng "Chị Phương Hoa đi vào lớp". Cả lớp được mẻ cười rũ rượi Cứ thế, không ít lần tôi đã bị ra, vào lớp giữa giờ kiểu đó. Có lẽ tại biết Thầy chỉ giả vờ nghiêm nhưng thực ra rất tốt, rất hiền và rất thương học trò nên cả lũ cứ "bắt nạt" Thầy như thế.
Lên lớp 10 chúng tôi được học Văn với Thầy Đào. Thầy đeo kính cận dày cộp, dạy hay và có nụ cười rất hiền (cả mắt và miệng đều cười), tuy nhiên mắc bệnh "phun mưa" khi giảng. Cũng vì "bệnh" này mà Thầy mất oan cái áo comple với lớp con em họ tôi. Nó học năm dưới, cũng là học sinh cá biệt như tôi, thậm chí có lẽ còn "tệ" hơn. Lớp nó cũng học Văn với Thầy Đào. Nó nhỏ con nên ngồi ngay bàn đầu. Thầy Đào khi giảng bài lại hay có thói quên đứng tì người vào bàn đầu để giảng và thi thoảng "phun mưa". Nhằm dịp 20.11, chọn ngày Thầy diện bộ comple xịn (ngày đó có comple mặc là xịn lắm lắm, oai lắm lắm) nó bèn bôi đầy mực vào chỗ Thầy hay dựa vào. Kết quả là cái áo comple của Thầy bị một vệt mực to đùng và dài ngoằng. Khi nghe tôi kể chuyện này, một thằng bạn Tây của tôi (cũng giáo sư đại học hẳn hoi) cười ngặt nghẽo bảo "sao học sinh ở đâu cũng láo toét thế nhỉ?". Rồi cậu ấy kể cô giáo lớp 7 của cậu ấy ngày xưa cũng có bệnh "phun mưa". Ngại nói với cô nên một hôm cả lớp cậu ấy đã nhất loạt dương ô trong giờ giảng của cô. Cô vào lớp thấy thế lúc đầu cũng “đội mũ phớt”, tỉnh queo giảng bài như không có chuyện gì xảy ra. Sau tức quá không chịu được mới hỏi cả lớp tại sao thì nhận ngay được câu trả lời đồng thanh của cả lớp: "Chúng em che mưa". Đấy, học trò Tây "chơi" giáo viên có lẽ còn "ác chiến" hơn cả học trò ta ấy chứ.
Giờ nghĩ lại vẫn không thể hiểu nổi sao ngày xưa mình và các bạn lại nghĩ ra lắm trò láo lếu đến như vậy. Tuy vậy, tuyệt nhiên cả lũ chúng tôi đều yêu quí các thầy cô và không bao giờ nói những câu láo lếu hoặc có những cử chỉ vô lễ như không ít bọn học trò bây giờ. Chỉ nghịch ngộ vậy thôi nhưng học hành vẫn nghiêm chỉnh lắm.
Thế nhưng, đến cuối học kì I năm lớp 10 (cô Bách dạy Toán kiêm chủ nhiệm) thì xảy ra chuyện “động trời”. Hôm đó lớp tôi kết nạp Đoàn. Thủ tục bao giờ cũng có màn giơ hay hô “Xin thề, xin thề”. Do tôi còn cắm cúi tranh thủ làm bài tập cho tiết học sau đó nên chẳng “hô hoán” gì và cũng chẳng nghe thấy ai hô láo lếu gì. Thế mà chẳng hiểu sao thầy Quốc (dạy Nga Văn) tình cờ đi ngang qua đó lại nghe thấy có tiếng hô dõng dạc trong lớp “Xin về, xin về” và đi mách với cô chủ nhiệm. Và thế là màn “truy nã thủ phạm” diễn ra triền miên, dai dẳng. Không khí trong lớp thật trầm uất. Tất nhiên, đã có tên trong “sổ đen” đội ngũ cá biệt của lớp nên tôi cũng là một đối tượng bị nghi can. Của đáng tội, ngày đó tôi và thằng Quốc lớp trưởng cũng đang hơi thinh thích nhau (sau này trong lưu bút nó mới tiết lộ là nó xung phong ngồi cạnh tôi là để kèm cặp, giúp đỡ tôi nhưng chính vì sự thật tình của tôi mà nó đã rất quí mến tôi”. Thằng này cao to, đẹp giai, ngoan ngoãn, học giỏi nên không ít con gái trong lớp mê nó, nhưng không hiểu sao nó có vẻ kết tôi (mẹ nó sau biết chuyện sợ chết khiếp, he he…Sau này, khi gặp mẹ nó ngoài đường tôi toàn cúi rạp người và hô "Con chào mẹ chồng hụt nhá". Cả hai cô cháu đều cười tít mắt). Mấy hôm sau đó, trên đường đi học về khi thấy nó phóng xe vội vã đuổi theo, trống ngực tôi đã đập thình thịch và trong đầu xoẹt qua ý nghĩ “chắc sắp tỏ tình đây?”. Người tôi vừa bắt đầu hơi run lên một tí thì bỗng dưng thấy cái mặt nó nhăn nhó đến tội nghiệp và bảo “Phương Hoa ơi, Phương Hoa nói thật với Quốc đi, có phải là hôm đó Phương Hoa hô “xin về” không? Cứ nói thật với Quốc đi, Quốc sẽ không nói với ai đâu”. Vừa tẽn tò vì mừng hụt, vừa điên ruột vì bị nghi oan, tôi cáu tiết gầm lên “Đồ điên!” và phóng thẳng (nói thế thôi chứ sau hai đứa vẫn còn kịp khắc tên nhau lên thân một cây xà cừ to đùng ở sân trường, he he…). Sau này, khi bạn bè cũ gặp lại, cứ nhắc đến vụ hô “Xin về” là cả lũ lại cười lăn lộn. Nhưng oái oăm nhất là phải đến gần 25 năm sau mới có thằng cười toe toét nhận tội. Hóa ra là thằng Tú lụ, một thằng học giỏi và có tiếng là hiền trong lớp. Nó hô “Xin về” không đến mức hoành tráng lắm nên cả lớp không nghe thấy gì nhưng vì ngồi ngay cạnh cửa sổ nên Thầy Quốc dạy Nga Văn đi ngoài hành lang nghe thấy.
Cứ thế, cứ thế, cái mác "cá biệt" cứ đeo đẳng tôi suốt cả thời cấp 3. Những chuyện quấy đảo của tôi và lũ bạn nhiều không kể xiết.
Với những “thành tích bất hảo” quấy rối trong lớp nên tuy tôi học không đến nỗi nào nhưng phải mãi đến trước khi về nghỉ Tết âm lịch, học kì 2 năm lớp 10, mới được kết nạp Đoàn để thi đại học sư phạm. Mà sự đời đâu có ai ngờ là sau này tôi lại liên tục có dịp đưa sinh viên về thực tập tại trường cấp 3 Yên Hòa. Để tránh bị các Thầy Cô giáo cũ vẫn còn làm việc “tố cáo thành tích bất hảo” ngày xưa nên khi giới thiệu sinh viên với nhà trường bao giờ tôi cũng “khôn khéo” chen vào một câu “Thú thật với các em, cô ngày xưa là học sinh cá biệt trường này”. Đám sinh viên cười ngặt nghẽo. Nhìn cô Hoa "oai phong lẫm liệt" bây giờ chắc chúng cũng khó tưởng tượng được điều đó.
Đặc biệt hơn cả, tròn 30 năm sau ngày ra trường tôi lại được Ban giám hiệu nhà trường mời về tọa đàm với các giáo viên trong trường về vấn đề Đổi mới phương pháp dạy học trong nhà trường phổ thông Việt Nam. Thế hệ giáo viên của trường bây giờ không ai biết “quá khứ lẫy lừng” của tôi ngày trước. Ngay sau màn giới thiệu của Cô Thúy Anh hiệu trưởng về tôi, một cựu học sinh của trường, trước khi bắt đầu tọa đàm với các giáo viên, tôi đã phải hóm hỉnh nói thêm “cô Thúy Anh giới thiệu về tôi đúng nhưng chưa đủ, còn thiếu 2 chữ, tôi sẽ xin bổ sung ngay sau khi buổi tọa đàm kết thúc”. Và thế là đến cuối buổi tọa đàm tôi đã bổ sung cho đủ “tôi là cựu học sinh….. cá biệt của trường”.
Hà Nội, 1h sáng 16.11.2010
Viết nhân dịp kỉ niệm 50 năm thành lập trường Cấp 3 Yên Hòa.
Ng.Thị Phương Hoa
Khách says
hehe, ba Hoa beo viet bai nay hay ghe, co gui di du thi ko a?
Khách says
Cháu thích đọc bài viết của cô Hoa thế không biét. 😆
Khách says
Bài viết thú vị quá! Nhân vật chính cũng quá thú vị. He he. Tiếp theo sẽ là bài: “Hiện tại … của một cựu học sinh cá biệt”, em đoán sẽ vô cùng hấp dẫn đây.
Khách says
😀 😆 😛
Trường lớp có những đứa như gái, đi học nó mới có ý nghĩa, mới vui.
Khách says
😆 Vỡ ruột mất thôi. Con thích nhất cái câu: “không chỉ mồm mà người tôi lúc nào cũng không yên”. Chết cười với quá khứ oai hùng của “người đẹp” :)) hí hí. Bi h học sinh toàn gọi là cô Phương Hoa mà cô nhỉ. Một điều cô Phương Hoa nói thế này, cô Phương Hoa nói thế kia. Đọc xong bài này chắc cả lũ học trò ngất ra vì cười mất thôi. Hí hí
Khách says
Ối zời ôi, cái đoạn 2 đứa khắc tên nhau lên 1 gốc cây bàng kja mà bác Chính đọc đc thì sao hả cô :))
Khách says
@ Huế kon đơi:
Hè hè… nếu bác Chính muốn cô còn chỉ cho cái cây ý và nhiều cây khác nữa. Cả rừng cây luôn cơ, ha ha… Cô làm nghề “điêu khắc” mờ lị, hị hị….
Khách says
Ôi, cô viết hay quá! Cười đau cả ruột, nhất là doạn: “…động tác không mấy mĩ quan của thầy: lấy com pa xỉa răng xong đưa lên mũi ngửi…”, tả thực và hay quá cô ạ =)))
Có nên đặt 1 tên nữa cho bài này là: “Một nhà giáo dục đã từng là học sinh cá biệt như thế nào?” không nhỉ keke 😀
Khách says
Không ngờ cô của mình lại quậy thế không biết.
Hồi đó đi học dzui hơn bây giờ cô nhỉ, giờ mà có hs nghịch như cô chắc bị đánh hội đồng không lên lớp nổi ý chứ
Khách says
@ Quốc Trịnh:
Ối giời, bây giờ học lòi mắt ra, lấy đâu sức mà quậy nữa cơ chứ hoặc đứa nào đã hư thì cực hư luôn chứ không chỉ nghịch ngộ như ngày xưa, hi hi…
Khách says
Cô ơi bài này có bản quyền không cô? Cho em share lên face book được không cô? Hy vọng là thầy cô có cái nhìn khác về học sinh “cá biệt”. Một học sinh cá biệt giờ là PGS oai phong lẫm liệt cơ đấy.
Khách says
@ Quốc Trịnh:
He he… muốn up lên đâu thì up, muốn share đi đâu thì share nhé. Thoải con gà mái đi, hi hi…
Khách says
Dung chan dung minh trung thuc qua! Moi nguoi se cang yeu chi hon. Nhung no cung co y nghia giao duc nhe nhang, vui vui!
Khách says
Cô nổi tiếng rồi! Hoan hô!
Khách says
@ Đặng Thanh Điềm:
ừ, nổi tiếng vì nghịch, hi hi… 😉
Khách says
Cô ơi, Em muốn được nghe cô giảng bài quá! Tiếc là em chưa được học với cô…
Khách says
@ Hậu:
em học trường nào thế? Không phải trường ĐHNN à?
Chúc vui
Khách says
[quote name=”Hậu”]Cô ơi, Em muốn được nghe cô giảng bài quá! Tiếc là em chưa được học với cô…[/quote]
Bạn nghe cô Hoa giảng xong là nghiện đấy, không dứt ra được đâu. Chuyên gia gây nghiện mà! He he
Khách says
cô ơi, em đang là học viên k20 của cô đây ạ.có lúc em như bị tách ra khỏi tập thể bởi vì tính ” lập dị” của mình. không phải vì em phá phách ai, cũng chẳng phải vì em học kém, cũng chẳng phải em tự tách mình ra tập thể, mà vì thẳng-thật như cô vậy. em may mắn không đựơc đào tạo ngoài bắc mà mãi tận tp HCM xa xôi, chưa phải đã hết những điều xấu nhưng năng động thoải mái, thật thà hơn rất nhiều, em nhiễm cách sống như thế rồi nên giờ ra bắc khó sống quá cô à!
Khách says
@ Thu:
cứ kiêu hãnh ngẩng cao đầu mà sống chứ. Mặc kệ “tồng pào” chứ.
Khách says
em chao co! em la hoc vien cao hoc k20 moi hoc voi co 1 tuan vua rui. Em thích học voi co lam, hoi cap 3 em cung nghich lam, hi hi. Nhat la PPT cau co y ah!!!
Bi h em cung di day, may tro cua bon tre con, nhoc ti minh cung bit het. he he.
Co oi, mon LLDH hien dai nay, hoc thi hien dai nhung ma de cuong sao lai “hai dien” the ha co? Em hi vong de thi mở, liên quan đến thực tế 1 chút
Khách says
Tu hom dua Quoc ve, vao trang cua Hoa minh thay qui Hoa lam day hehe. Thang, That va song tinh nguoi lam. To rat qui cau. Giu suc khoe nhe.
Khách says
@ Le Thi Na:
Giờ này mụ vẫn lọ mọ trong “nhà” ta thía à? Cảm ơn mụ đã nghĩ tốt về ta và quí ta, hi hi..
Ta cũng rất quí mụ mà, mụ Na ạ.
Khách says
hic.cô ơi em vừa trông cún vừa tranh thủ đọc mà em không nhịn được cười cô ạ.em phục cô rồi. em xưa cũng là học sinh cá bịt nhưng gặp cô em bị tắt điện luộn bi cô em ngủ thui sáng mai phải lên lớp.
Khách says
hihi, bài của cô viết hay quá đi ạ , làm con đọc lúc nửa đêm mà cười sặc sụa hehe .Lời văn của cô đúng như tính cách con người cô vậy , rất thẳng thắn , thành thật và vô cùng hóm hỉnh . Con rất thích những giờ giảng bài của cô, rất thu hút vs những câu chuyện thú vị làm sv phải cười nghiêng ngả ^^
Khách says
8) Đọc bài em chả nghi ngờ tẹo nào, đúng là đại ca Hoa péo mà, đã thể hiện khả năng bất hảo ngay từ sớm :-*
Trần Tuấn says
😀 Đọc các bài viết của cô, em rất thích. Thấy rằng trong đó, có cái gì đó rất riêng, rất khác với nhiều giáo viên em từng học. Dù “tuổi đời của em” mới chỉ 2/3 cái “tuổi nghề” của cô thôi ạ !
Hy vọng có ngày…trở về Tổ quốc 8) được nghe cô giảng một lần, trăm “đọc qua” không bằng một “thấy thật” mà 😛
Trần Tuấn, Du học sinh Việt Nam tại Cộng hòa Hungary.
nthiphuonghoa says
@ Trần Tuấn:
ha ha… ở Hung mà cũng “mò” vào website của cô để xem à? Ai mách hay tình cờ mò ra thế?
Chắc ngày đi học PT cũng cá biệt chứ giề? cứ ngửi mùi là bít ngay, he he…
Chúc vui nhé.
Trang Trinh says
em rat thich phong cach cua co. doc nhung trang viet cua co lam em nho den “mot thoi de nho cua em” co ah. 🙂
Chung Ulis says
Văn của cô hay quá đi ạ, em ngồi đọc mà cứ cười sặc sụa . nhưng toàn phải cười thầm :))(^^) vì bên cạnh là con bạn em đang ôn thi Luật 🙂
Ngày xưa em cũng đã từng bị đuôi cổ thi học kỳ môn Toán vì tội ương ngạnh cô ạ,hihi, nhưng lúc sau thì thầy lại gọi vào xoa đầu. . . và. . . làm lành,hic