GS. Hồ Ngọc Đại
Trẻ em luôn đúng
GS Hồ Ngọc Đại, người sáng lập phương pháp giáo dục thực nghiệm than thở về thực trạng phương pháp dạy học quá mô phạm trong nhà trường hiện nay. Theo ông, trẻ em học mà không cần được cho điểm đánh giá bởi người khác, trẻ em không cần ganh đua hơn kém nhau một phần tư điểm mà chỉ cần từng em thi đua với chính bản thân mình, từng em vượt lên những khả năng của chính bản thân mình.
Hãy để các em tự do sáng tạo, phát biểu ý kiến riêng của mình.
Điều đầu tiên người lớn cần hiểu biết về trẻ em, ấy là nhìn thấy ở các em không phải là những người lớn thu nhỏ mà là nhìn thấy ở từng em một thực thể phát triển. Trước hết phải tôn trọng trẻ: Trẻ giỏi cái gì phải tôn trọng cái đó, thích cái gì ta tôn trọng cái tự nhiên đó. Đấy là nguyên lý căn bản của giáo dục.
Thầy chính là người phục vụ học sinh. Nói thế không phải không đề cao vai trò người thầy. Thầy vẫn thiêng liêng, vĩ đại nếu làm đúng chức năng đó. Anh phục vụ cho học sinh, chứ không phải học sinh phục vụ cho anh. Như thế là đổi mới căn bản.
Cốt lõi là học để làm gì. Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để thành người. Nhưng biết để làm gì? Làm để làm gì? Trước đây 95% dân số không đi học thì không thành người ư? Ngày trước, 95% dân số không đi học vẫn cứ sống bình thường, bây giờ chỉ để sống bình thường thì cả 100% dân số phải đi học. Như vậy, học là để sống bình thường, để xứng đáng với chính mình, là trở thành chính mình.
Nếu 5% người dân trước đây đi học là để thoát ly cuộc sống thì giờ đây, 100% người dân đi học là để được sống cuộc sống của một người bình thường. Học không phải để hơn người khác, học không phải để thành ai đó, mà học để mỗi người được trở thành chính mình. Đó là nguyên lý căn bản của giáo dục cần phải đạt đến.
Học để sống
Học để sống khác với học để thi. Học để sống bình thường sao cho tự nhiên, vui vẻ, hạnh phúc. Các em tham gia hoạt động giáo dục một cách náo nức, không phải nơm nớp lo lắng về những bảng đánh giá, xếp loại. Xếp loại làm sao được con người khi mỗi người hiện đại là một cá thể có giá trị riêng biệt. Em này có thể học toán giỏi, văn giỏi nhưng không biết làm gì khác; em khác có thể là một người bạn rất tốt của mọi người, biết quét nhà, rửa bát, nấu cơm, giúp đỡ gia đình…
Ai cũng nói phải bảo vệ, yêu thương yêu trẻ, tôi đề nghị thêm "phải tôn trọng trẻ". Tức là yêu thương và tôn trọng. Xã hội hiện đại, trẻ cần được tôn trọng, đối xử công bằng. Tôn trọng trẻ là phải dạy trẻ những cái gì đúng đắn, chững chạc. Không phải nhồi nhét đủ thứ, ép buộc trẻ tin những gì người lớn cho là đúng.
Trẻ con vốn là chân thành, hồn nhiên, nhưng sao vào nhà trường nó lại nói dối, có phải vì anh dạy nó thế? Trẻ không thích sẽ bảo là không thích, nhưng anh lại bảo thế là hư!? Anh bắt trẻ phải tin điều anh nói là đúng. Trái ý người lớn là hư. Vì thế, nếu chương trình học buộc các em phải giống như những cái máy thì cha mẹ hãy "cải thiện" tình hình bằng cách để cho trẻ tự nhiên phát triển mong muốn của mình. Đừng quá kỳ vọng, quá áp đặt, khiến trẻ thành những nạn nhân của chính mình.
Theo Bee.net (08/01/2012 14:14:18)
Lê Hồng Nhung says
Cô ơi em rất rất thích những bài viết, các sách nói về giáo dục trẻ em. Cô có tâm đắc những đầu sách nào cô giới thiệu cho em với ạ. Em yêu tụi trẻ con lắm nhưng chưa biết nên hướng dẫn, dạy dỗ các bé như nào để các bé ko bị phát triển lệch lạc. Em cảm ơn cô nhiều!
yeuaiaiyeu13 says
cô ơi nhưng không phải trẻ em nao cũng ngoan và sống tôt, vì vậy chúng ta vãn phải uốn nắn chung.không thể để trẻ hồn nhiên đánh bạn, hồn nhiên nói chuyện trẻ thích khi cô giá đang giảng bài…
Phạm Đức Long says
Con chào cô, gs Hồ Ngọc Đại rất tâm huyết với giáo dục tuổi thơ. Con bị thuyết phục bởi tư tưởng trẻ em không cần cạnh tranh với bạn bè trong lớp học, trong trường mà các em cần sự tiến bộ dần, vượt lên những khả năng đã có của chính mình để tự phát hiện và phát huy những tố chất mới. Tuy nhiên, bản thân con nghĩ thêm rằng lối giáo dục như trên không chỉ đúng với trẻ em mà còn đúng với người lớn nữa. Bản thân em trai con là một người rất tự ti với bạn bè về kết quả học tập nhưng con luôn khuyên rằng “Anh hi vọng ngày hôm sau em đến trường, em tự cảm thấy mình đã cố gắng đủ sức và gặt hái được cái em đang ấp ủ của ngày hôm nay là em đã là một sinh viên tốt rồi, tự phát hiện đam mê và nỗ lực để theo đuổi nó”. Sau đó, em con dần hình thành cho mình một phong cách học tập rất cá tính. Vì vậy con cho rằng lối tư duy giáo dục của gs Hồ Ngọc Đại rất đáng để “thực nghiệm”. Một điểm nữa, trẻ em không có tư duy nói dối, nên người xưa có câu “đi hỏi già về nhà hỏi trẻ”. Bởi vì trẻ em có gì trong trải nghiệm thì các em sẽ phản ánh nó một cách trung thực. Giaó viên muốn dạy được các em phải yêu thương các em thực lòng, nếu không các em sẽ biết và không muốn học những tiết học của giáo viên do các em rất dễ thần tượng và cũng dễ thần tượng thầy, cô.
moon light says
Cô cho em đăng lại bài của cô trên blog của em được không ah?
nthiphuonghoa says
@ moon light:
he he… quan liêu thế, có phải bài của cô đâu, của GS Hồ Ngọc Đại chứ, bê thoải mái đi nhá.