Chào các cháu,
Cô rất phấn khởi nếu các bạn trẻ chịu khó đọc. Vì hầu như tất cả mọi thứ cần biết đều đã được thiên hạ ghi chép ra sách hết rồi.
Người khôn ngoan là người chịu khó đọc, để qua trải nghiệm của người khác rút ra kinh nghiệm cho mình, đỡ bị sốc, đỡ tốn tiền, đỡ tốn thời gian, đỡ bị tổn thương, đỡ sứt đầu mẻ trán.
Người khôn ngoan là người chịu khó thực hành. Các cháu hãy chịu khó ra ngoài đường, mở mắt to ra, tay năm tay mười, không biết gì thì mở mồm ra hỏi. Tiền cất ở nhà thì ai lừa mà sợ. Hãy đi xem cẩn thận tất cả mọi thứ từ bên trong ra bên ngoài. Đi làm thêm, ví dụ như làm gia sư, nấu ăn rửa bát, trông trẻ,…. Làm nhiều, chơi nhiều, học nhiều. Luôn sống chân thật tử tế hết mình. Nếu hiện nay một ngày cháu làm việc 8 tiếng, thì cháu hãy tăng lên thành 12 tiếng.
Người khôn ngoan là người chịu khó lắng nghe. Biết lùi biết tiến. Người khôn ngoan là người có nhiều bạn, ở khắp mọi nơi. Không chỉ bạn cùng trang lứa mà chơi cả với người già. Vì người già có thời gian, có tiền, có kinh nghiệm, có network và vô cùng độ lượng vị tha.
Để tìm hiểu cuộc sống Du Học Sinh mới sang thì để nhanh, dễ hiểu, dễ hình dung, cháu cứ chơi với mấy bạn ở quê mới ra Hà nội học thì cháu sẽ hiểu ngay. Hoặc cháu thử luôn đi, xin phép về quê, lên Sapa, về Hà Tĩnh… Tốn kém ít thời gian + ít tiền nhưng vẫn là quá rẻ, quá hời so với cái gì cháu sẽ thu về được.
Chuẩn bị:
1. Sức khỏe: vì người ta đi nhanh, nói nhanh, học nhanh, khẩn trương chứ không vội vã. Họ chăm chỉ luyện tập từ bé rồi nên thực ra họ rất tháo vát, cái gì họ chưa biết họ học ngay. Họ không xấu hổ mở mồm nói cái đó tôi chưa biết, tôi chưa học.
2. Cởi mở: nếu cháu không tự lại gần, không tự mở mồm, thì người ta tưởng cháu đang nghiên cứu pp cứu rỗi loài người nên người ta để cháu yên không hỏi đến.
3. Cẩn thận chỉn chu: Ở đây nói và làm thường đi đôi với nhau. Mình ẩu, mình tùy tiện, mình quay cóp dối trá là chết ngay. Vì chẳng phải thầy giáo mà tất cả mọi người sẽ cô lập cháu, mặc dù chả ai nói gì.
4. Cầu thị: Không bao giờ ngại nói ba từ Xin Lỗi, Cảm Ơn, Đề nghị.
5. Cháu nên tìm hiểu môn cháu định học là học ở đâu, học cái gì, lúc nào, với ai. Học kỳ I, học kỳ II, học kỳ III, học kỳ IV học cụ thể cái gì, có nhiều bạn chỉ nghe tên ngành học, khi xem đến nội dung các môn học kỳ II đã sợ quá chuyển sang học ngành khác luôn. Cô vô cùng kinh ngạc.
Cô vẫn còn nhớ khi mới vào đại học lên trường cô chả thấy ma nào cả, nhưng đến đâu thì cũng thấy chúng nó lù lù ngồi sẵn rồi. Hóa ra là họ chuẩn bị rất chu đáo từ lúc ở nhà, lên kế hoạch trước mấy tuần, mấy tháng.
6. Tinh thần vững vàng: Chả có gì phải lo phải sợ, "chó cứ sủa và đoàn người cứ tiến". Thi trượt thì thi lại, thi viết khó thì xin thi miệng. Tóm lại phải uyển chuyển, tìm giáo đỡ đầu, tìm bạn ghi bài hộ, hoặc tốt nhất là ghi âm lại bài giảng rồi về nhà nghe đi nghe lại chừng nào thủng thì thôi,…..
Tóm lại, sinh viên nhà mình láu cá khôn vặt, học được vài môn Toán Lý Hóa đã tưởng mình giỏi lắm. Biết cái gì hay rất ngại chia sẻ, khó khăn đương nhiên phải ráng chịu một mình.
Sang đây bị sốc vì không ai quan tâm, hỏi han làm hộ, khác hẳn ở nhà ỷ lại bố mẹ. Chả biết làm cái gì ngoài việc thi mấy cái môn linh tinh. Không quan tâm đến ai, đến những gì đang diễn ra xung quanh nên chả biết nói chuyện gì. Lấy vài cái vật chất như xe máy, iphone làm mục tiêu sống, ở đây những cái đó không ai cần. Người ta càng giàu thì người ta càng khiêm tốn, càng tránh làm tổn thương người khác qua việc khoe khoang.
Ở đây họ không quan trọng cháu là ai, cháu có cái gì, mà họ quan tâm cháu làm được gì cho người khác. Nếu cháu là chủ doanh nghiệp hàng tháng trả được lương, được thuế cho 1 nhân viên thì người ta coi trọng cháu hơn nhiều lần là cháu đi làm công ăn lương nhà nước…
Hihi, đừng lo sợ gì. Quan trọng là khỏe mạnh, tự tin, cầu thị, thật thà, trung thực, tử tế. Muốn đạt được gì thì phải tự phấn đấu nỗ lực. Đừng đi tắt đón đầu, đừng phong bì nhờ vả. Thế là ổn.
Cháu phải học cách lên sân khấu nào thì diễn vai đó. Bi kịch chỉ xẩy ra nếu mình sang đây mà lại sống y như ở nhà, hoặc về nhà lại sống y như ở đây. Thì sẽ thành hâm gàn dở ngay.
Thế nhé, "nhóm sinh viên nhà mình" càng ngày càng đông vui, yêu thương đùm bọc dẫn dắt nhau đi. Cô sợ nhất các bạn cứ câm như hến. Đến lúc cô hỏi đến thì nào thì bị đuổi học, hết visa, hết tiền, thi trượt, cãi nhau với người thân.. v.v.
Cô H.
———————————
Hằng Nguyễn says
Bài viết hay, cô đọng và có ý nghĩa quá ạ. Em cảm ơn cô HB(
The Sun says
Cháu kết nhất câu “Ở đây họ không quan trọng cháu là ai, cháu có cái gì, mà họ quan tâm cháu làm được gì cho người khác.”