Câu chuyện thứ 4
Trong khuôn khổ một dự án giáo dục ở Việt Nam mà phía Đức trúng thầu, một đồng nghiệp Đức của mình, giáo sư một trường đại học Đức được phân công nhiệm vụ tư vấn mua sắm trang thiết bị cho các cơ sở đào tại Việt Nam. Việc mua sắm tất nhiên phải tuân thủ theo nguyên tắc đấu thầu. Một công ty kinh doanh trang thiết bị trường học của nước ngoài “nghe ngóng” được thông tin béo bở này bèn “đặt vấn đề” với vị giáo sư nọ rằng nếu vị này tư vấn cho phía Việt Nam chọn công ty này được “trúng thầu” thì công ty sẽ “tặng”, đúng ra là “lại quả” cho một con xe BMW. Mình nghe vị giáo sư này kể chuyện bèn hỏi lại thế ông trả lời như thế nào thì được nghe đáp lại như sau: Còn trả lời thế nào nữa. Tôi bảo họ xe BMW tôi có rồi, mà nếu chưa có thì tôi cũng chẳng dại gì mà bán rẻ thanh danh và sự nghiệp của mình vì cái xe BMW. Không nhẽ danh dự của tôi chỉ rẻ thế. Tôi bảo họ như tôi biết, đất nước Việt Nam còn rất nghèo, nếu các ngài có lòng thì cứ mang số tiền trị giá con xe đó trao tặng Việt Nam ấy nhé, cảm ơn nhiều. (Câu chuyện này mình cũng đã có dịp được nghe lại từ một nguồn khác nữa nên mình tin chắc đó là sự thật).
Nghe vị giáo sư già kể lại câu chuyện này mà mình thực sự sốc. Hóa ra danh dự, liêm sỉ của giáo sư Tây nó lại cao đến thế.
Cứ ngậm ngùi tự hỏi liệu có ai ở xứ sở này có đủ liêm sỉ, danh dự và lòng tự trọng để có thể từ chối một lời mời chào béo bở và hấp dẫn đến thế? Liệu bao giờ điều này mới xảy ra ở xứ sở Tiên rồng có lịch sử tự vẽ 4000 năm văn hiến?
Giời ạ, mình đúng là ngu si nên mới cứ tự hỏi ba lăng nhăng như thế cho mất thời giờ vì ở xứ sở con Rồng cháu Tiên này thì các Rồng đực, Rồng cái, Tiên ông, Tiên bà dòng giống vốn thông minh hơn người nên chúng sẽ chẳng thèm “ăn non” con xe BMW làm gì. Chẳng bõ dính mép. Chúng sẽ cao kiến hơn bằng cách lập ra các công ty sân sau, sân trước bao từ A đến Z để mời thầu là chúng nó mà trúng thầu cũng là chúng nó luôn.
Sực nhớ có lần mình trút bức xúc với mấy đồng nghiệp Đức về tệ nạn mua bán chỗ làm công chức nhà nước ở xứ này thì được một vị an ủi: Thôi bà ạ, bà cũng đừng bức xúc quá làm gì. Ở nước chúng tôi cũng có tình trạng đó.
Mình nghe thấy thế đã hơi bớt ngậm ngùi.
Thế nhưng vị này nhếch mép thủng thẳng nói tiếp “…nhưng mà từ thế kỉ thứ 18”.
Bỏ mẹ rồi, thế hóa ra xứ mình còn cách xa “chúng nó”, cái bọn tư bản giãy chết đấy, những 300 năm cơ à.
——————————-
Bắt đầu từ 20.1.2012 trên web mình sẽ có những bài viết ngắn, đúng hơn là những mẩu chuyện, với chủ đề “Tư duy kiểu Tây và Tư duy kiểu Ta”. Tuy nhiên, xin lưu ý mấy điểm sau:
1. Đây chẳng phải là những bài viết khái quát cao siêu gì, chỉ đơn giản là kể lại những những điều mình nghe thấy, nhìn thấy và trải nghiệm được khi quan hệ giao tiếp với các bạn bè, đồng nghiệp người Đức.
2. Nói là tư duy nhưng thực ra phần nhiều câu chuyện vượt ra khỏi phạm trù tư duy và liên quan đến quan điểm sống, thậm chí nhân cách con người.
3. Nói là Tư duy kiểu Tây nhưng không có nghĩa là Tây nào cũng tư duy theo kiểu ấy. Tây thì cũng có dăm bảy đường/loại Tây.
4. Nói là tư duy kiểu Ta nhưng cũng có thể có những Ta không không tư duy theo kiểu ấy.
5. Nói tư duy kiểu Tây cũng không có nghĩa là lúc nào, chỗ nào tư duy nào của Tây cũng hay hơn tư duy của Ta, he he…
Để tiện theo dõi (đúng ra là tránh hiểu lầm cho là mình "bốc thơm" Tây), ở câu chuyện nào cũng có "đôi lời phi lộ" trên đây đi kèm.
Trả lời