Từ blog của Trần Văn Toàn, GV Khoa Ngữ Văn, ĐHSP Hà Nội
my.opera.com/toantransp1/blog/show.dml/4501448
Tuesday, 10. November 2009, 09:32:43
Tuy nhiên, thổ lộ trực tiếp những tình cảm của mình trước một người mà mình thực lòng yêu quý, kính trọng, với tôi, luôn là một khó khăn. Và tôi tin rằng đây cũng là tâm trạng chung của nhiều người. Một phần vì: khi đã thực lòng yêu quý thì việc nói ra nhiều khi là không còn cần thiết nữa. Cũng tựa như chúng ta sống mà không cần phải cáo thị rằng mình đang sống. Phần khác, có những chuyện, những tình cảm mà dù cố gắng cách mấy, ngôn ngữ không thể nói hết được. Ngôn ngữ, trong những cảnh huống như thế luôn cho thấy những giới hạn của nó.
Trong lễ sinh nhật thứ 81 của thầy, xin được bộc bạch một vài cảm nhận nhỏ, riêng tư về thầy dù vẫn biết rằng sự im lặng có những đáy sâu mà không một ngôn từ nào có thể chạm đến được.
Với tôi, thầy Chú luôn là ân sư.
Giờ đây, khi đọc lại những gì thầy viết, thấy rất rõ một đặc điểm: từ rất sớm, những bài viết của thầy đã vượt quá những khung khổ của nghiên cứu văn học như người ta đã quan niệm trong một thời gian dài. Từ rất sớm thầy đã bận tâm đến khía cạnh của văn hóa trong trước tác của Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh và mở rộng hơn là bối cảnh văn hóa của đời sống văn học. Những đối tượng quan tâm, bàn luận của thầy rất phong phú: tính chất đa ngữ trong sáng tác của Hồ Chí Minh, những trăn trở canh tân của Nguyễn Trường Tộ, về sự áp đảo của văn minh phương Tây với văn hóa phương Đông truyền thống, về khuynh hướng đạo đức trong những tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh… nhưng đều xuất phát từ một vấn đề trung tâm: những ảnh hưởng và tác động của văn hóa đối với sự vận hành và tồn tại của đời sống văn học. Có thể nói, GS Nguyễn Đình Chú là một trong không nhiều những nhà nghiên cứu Việt Nam đã sớm trực giác được vai trò của văn hóa trong việc nhận diện và cắt nghĩa về những hiện tượng văn học. Khi nhận tôi về tổ, ngay từ đầu, thầy đã yêu cầu tôi phải đọc kĩ những gì thầy viết về văn hóa, về mối quan hệ giữa văn hóa và văn học không phải chỉ bởi những kết luận khoa học quan trọng trong những bài viết này mà để xác định một hướng đi lâu dài. Dù có rất nhiều hạn chế về năng lực và điều kiện làm việc, nhưng tôi đã cố gắng thực hiện yêu cầu đó và càng đi càng thấy biết ơn sự chỉ dẫn của thầy. Những gợi mở, động viên và phản biện từ thầy qua những bài viết và những cuộc trò chuyện đã từng bước giúp tôi ngày một hình dung rõ hơn và công việc mà mình theo đuổi. Từ những khởi đầu ấy tôi đã tìm và gặp thêm những người thầy mới, cả ngoài đời và trong sách vở. Từ thầy Chú, tôi hiểu rằng: ân sư không phải là người thầy duy nhất nhưng là người giúp học trò của mình tìm, đặt và có được sự tự tin cần thiết để bước những bước chân đầu tiên trên con đường khoa học. Được có một ân sư như thế trong đời, quả thật, là một may mắn của số phận.
Nhưng không phải riêng tôi mới được hưởng sự may mắn ấy. Từ những câu chuyện mà các thầy cô anh chị trong tổ bộ môn kể lại, từ những học viên đã từng được thụ giáo thầy, tôi cũng biết đến thật nhiều những người mà thầy đã cưu mang, tận tâm nâng đỡ, chỉ dạy. Có người tôi biết tên: anh Tôn Thất Dụng, anh Nguyễn Công Lý, anh Nguyễn Thanh Sơn, chị Nguyễn Thị Nương… Có người tôi chỉ biết đến qua những câu chuyện mà danh tính của họ thật xa xôi – những câu chuyện được lưu giữ và truyền qua các thế hệ như một minh chứng về tấm lòng của một người thầy trọn đời tận tâm với học trò. Chính tôi đã trực tiếp chứng kiến, PGS Nguyễn Đăng Na (sinh năm 1942), trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên truyền hình rơm rớm nước mắt khi nói về thầy. Sau này, thầy Nguyễn Đăng Na có nói với tôi: “thầy Chú là một trong ba người thầy quan trọng nhất trong cuộc đời của mình”… Những câu chuyện, những tình cảm như thế về thầy Chú có thể kể mãi không dứt. Tôi cảm nhận được trong những lời kể ấy không chỉ sự cảm phục mà còn cả niềm hạnh phúc và tự hào về một người thầy. Và hơn thế, như một niềm tin về sự hiện diện của sự từ tâm trong cuộc sống. Có lẽ chính vì thế, thầy Chú, tấm lòng của thầy không còn là câu chuyện của một cá nhân mà đã trở thành một phần của lịch sử Khoa Ngữ Văn trường ĐHSP; trở thành biểu tượng cho tấm lòng của người thầy, và hơn thế, một biểu tượng cho lối sống của con người khoa Văn: chân thành, tận tâm, tình nghĩa.
Về phần mình, sống cạnh thầy, chứng kiến những ứng xử của thầy, tôi nhận thấy một đặc điểm: thầy luôn tin vào mọi người, tin vào những điều người khác nói, tin vào tình cảm mà người khác dành cho thầy, tin vào những khía cạnh tốt đẹp và tích cực của người khác. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về niềm tin ấy – một niềm tin thật hồn nhiên và phác thực – và chỉ mãi gần đây tôi mới lí giải được phần nào nguyên nhân về niềm tin ấy nơi thầy. Cái gốc của niềm tin ấy, theo tôi là vì thầy luôn đến với mọi người bằng sự chân thành của lòng mình. Chỉ những người thật sự chân thành với người khác mới có thể có được niềm tin về sự chân thành trong tình cảm mà người khác dành cho mình. Có lẽ cũng chính vì thế mà thầy không giận ai lâu, không có những để bụng, thành kiến. Với đồng nghiệp, với học trò không phải không có chuyện bất như ý nhưng vì luôn tin ở sự chân thành của tình cảm nên luôn có tâm thế để nhận thấy những điều tốt đẹp từ những quan hệ giao đãi, luôn nhận thấy những yếu tố tích cực ở người khác để tôn trọng và bộc lộ những thiện chí. Đấy phải chăng là một cảnh giới để có được sự hư tâm? Có lần thầy tâm sự với tôi: thầy tâm đắc nhất với câu châm ngôn mà thân phụ thầy đã dạy thầy từ nhỏ, một câu châm ngôn có ý nghĩa như một sự khai tâm: “hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân”. Đấy thật sự là một may mắn mà gia phong đã đem đến cho thầy. Nhưng tôi vẫn nghĩ, những câu châm ngôn đẹp đẽ mà một người biết đến trong đời chắc không ít. Điều quan trọng là ở chỗ sống theo những châm ngôn ấy một cách thành tâm và vững chãi. Và đó chính là một bài học thâm viễn mà tôi đã kính cẩn nhận biết được từ những ứng xử của thầy.
Theo khuôn phép của nhà Nho xưa, học trò học thầy không chỉ là chữ nghĩa để đỗ đạt mà còn là học một cách sống. Cũng theo khuôn phép ấy, từ rất lâu, tôi đã hiểu rằng mình sẽ mãi chỉ là một học trò nông nổi và hạn hẹp trước những gì đã thụ giáo từ thầy. Không phải không có lúc tự thẹn nhưng rồi lại tự an ủi mình: xưa nay, chuyện con không theo kịp cha, trò chẳng nối được chí thầy cũng phải đâu là chuyện hiếm!
Xin được kết thúc những cảm nhận nhỏ về thầy trong bài viết này bằng tình cảm của thầy với cô Thâm – người bạn đời mà tình cảm của thầy dành cho cô sau suốt gần 60 năm vẫn luôn trẻ trung và "bồng bột". Nói về cô luôn là một cảm hứng đặc biệt của thầy Chú. Nói nhiều lần nhưng chỉ một tone duy nhất: ngưỡng mộ và hạnh phúc trong sự ngưỡng mộ ấy. Tôi vẫn nhớ, khi ngôi nhà mới của thầy cô ở Yên Hòa khánh thành, thầy gọi tôi vào phòng viết của mình. Rất nhiều sách vở còn bề bộn và một cái bàn viết trang nhã, một chiếc ghế làm việc. Thầy ngồi vào ghế với dáng vẻ còn ngỡ ngàng, chưa mấy quen thuộc. Thầy cầm cây bút, không để viết gì rồi đột nhiên quay lại nói với tôi: “Cô tài thật đấy. Thế quái nào mà cuối đời mình lại rơi vào ngôi nhà đẹp như thế này”. Nói xong thầy cười, tiếng cười đặc trưng của thầy, hồn hậu và ấm. Có cảm giác, thầy giao phó toàn bộ cuộc đời mình vào tay cô và hoàn toàn tin cậy, mãn nguyện với những xếp đặt của cô! Cô Thâm, như trong cảm nhận của tôi, là điểm tựa mà Ac-si-met nói đến trong cuộc sống và sự nghiệp khoa học của thầy.
Nhân lễ sinh nhật thứ 81 của thầy, con xin được chúc thầy cô sức khỏe và những niềm vui luôn chan hòa trong ngôi nhà của thầy cô.
Và con tin rằng, đó cũng là mong ước của cả tổ VHVN2, của Khoa Ngữ Văn, của tất cả những thế hệ môn sinh đã có vinh dự được học tập, sống và làm việc bên thầy!
liiijj says
😡 🙁 😐
jurry says
😆 🙂 😳 😮 hay