Mới chưa đầy 2 tháng làm tư vấn du học, mới tiếp xúc với có vài chục phụ huynh, học sinh mà NHỊP CẦU DU HỌC ĐỨC -CTC- nhận ra nhiều điều thật “thú vị”:
1. “Cha mẹ là lá chắn, che chở suốt đời con”
Cha mẹ bao bọc và lo hết cả phần của con. Tuyệt đại đa số các cuộc gọi điện thoại hoặc email, hoặc tin nhắn trên FB hay gặp trực tiếp để trao đổi về vấn đề du học đều là của các vị phụ huynh. Phụ huynh của các con học cấp 2,3 đã đành, đằng này lại là phụ huynh của các sinh viên đang theo học trong các trường đại học, thậm chí còn cả phụ huynh của con 25 tuổi, đã tốt nghiệp đại học, tại Mỹ hẳn hoi. Thế mới biết cánh tay của phụ huynh xứ mình dài thật, cha mẹ luôn là lá chăn che chở suốt đời con, ngay cả khi muốn con bay thật xa. NHỊP CẦU DU HỌC ĐỨC -CTC- chỉ “tiếp” phụ huynh một lần duy nhất ấy thôi, còn sau đó muốn được tư vấn thì phụ huynh phải đến cùng con hoặc nếu con đã lớn, hãy nên để con đến một mình. Con du học chứ đâu có phải cha mẹ, đúng không, bởi thế, phải gặp trực tiếp cô/cậu học trò có nguyện vọng du học mới biết được sở nguyện, hay sở trường sở đoản của các con mà tư vấn cho phù hợp chứ.
– Có gia đình khi cùng con đến xin tư vấn mới ngã ngửa người ra là con học hành bê trễ, còn nợ nần nhiều môn ở năm nhất đại học, con đã sang năm học thứ hai mà tình hình cũng không sáng sủa gì hơn.
– Có những bạn trẻ hoặc năng lực, hoặc thái độ/tinh thần, hoặc cả năng lực lẫn thái độ đều không tốt.
– Có bạn trẻ rất thông minh, sáng láng nhưng sống buông thả, học hành lánh cháng, không có chí tiến thủ, ngại khó, ngại khổ.
Những học sinh như vậy chúng tôi đều không khuyên các phụ huynh cho con đi du học vì có đi cũng khó mà lấy được tấm bằng, chỉ đốt thời gian, đốt tuổi trẻ và đốt tiền của của cha mẹ.
2. “Cố sao cho bằng anh bằng em, bằng bạn bằng bè”
Không ít bạn trẻ bỗng dưng nảy ý định muốn đi du học chỉ với lý do duy nhất “bọn bạn bè nó đi hết cả rồi, không nhẽ mình lại học ở nhà”. Vào đại học rồi, hết năm thứ nhất bạn bè đi du học gần hết, đã thế học năm nhất đại học ở Việt Nam quá nhiều thứ không dính gì đến chuyên môn nên ngán.
Không ít gia đình muốn con du học chỉ vì anh em họ mạc, bạn bè, người thân đều cho con đi hết cả rồi, tôi cũng “phải cho con đi du học thôi”.
Thương nhất và cảm động nhất là một cặp vợ chồng sinh nhai với quán bún buổi sáng, tằn tiện chắt chiu từng đồng, cũng muốn cho cậu con duy nhất đi du học “vì nói thật với bác chứ các cháu trong họ đi hết cả rồi, vợ chồng em cũng muốn đầu tư cho trai qua Đức du học vì nghe nói bên Đức học không mất học phí, giá sinh hoạt lại rẻ, nhà em lại có họ hàng định cư bên đó”. Thương lắm, cũng muốn giúp lắm nhưng khi hỏi ra mới biết là con đã thi trượt đại học từ 2 năm trước, và có môn dưới 4 điểm, mà qui định của Đức là phải đỗ một trường đại học của Việt Nam được Đức công nhận và không môn nào dưới 4. Đành nói bố mẹ là nếu con quyết tâm đi du hoc thì phải quyết tâm thi lại đại học, không có cách nào khác.
3. Dù có đi bốn phương trời vẫn thích ….. gần người Việt
Muốn cho con ra nước ngoài du học nhưng mối quan tâm trước hết của đa phần phụ huynh không phải là trường nào có ngành nào tốt, thành phố nào có cuộc sống thú vị, giá cả sinh hoạt hợp lý mà tiêu chí đầu tiên bao giờ cũng là có trường nào ở gần người nhà, người thân quen hay không. Rất nhiều phụ huynh hỏi xem con có thể học ở thành phố nọ, thành phố kia không vì nhà tôi có người quen, người thân ở đó. Đến đi ra nước ngoài rồi mà vẫn còn không bứt ra được khỏi cái tâm lý “đi đâu cũng phải có người Việt, ăn gì cũng không bỏ được cơm Việt”, vẫn còn muốn bìu ríu với “lũy tre làng”, không được gần cả lũy thì cũng phải gần một cụm, hay một cây…tre. Tất nhiên cũng chỉ là yếu tố tâm lý của phụ huynh Việt vốn hay lo, lo con buồn, lo con không có ai hỏi han lúc ốm đau, lúc hắt hơi sổ mũi rồi con lại tủi thân,…. Nhưng nếu cứ mãi tư duy “nhất thân, nhì quen” kiểu ấy các con khó có cơ hội tự lập khi xa xứ.
Ra nước ngoài, làm quen và thưởng thức ẩm thực xứ người cũng là một trải nghiệm thú vị nhưng không ít người chỉ ra nước ngoài có 1 tuần cũng phải “cưỡi” theo cái nồi cơm điện, sang đến nơi việc đầu tiên là đi tìm nhà hàng châu Á, khổ thế đấy.
Đi du học mà vẫn đàn đúm, túm năm tụm ba người Việt với nhau thì đừng bao giờ hi vọng ngoại ngữ khá lên được, cũng đừng hi vọng học hay cảm được cái văn hóa của xứ người. Ra nước ngoài đến vài chục năm mà vẫn tha lôi cái văn hóa “đậu phụ mắm tôm” thì đừng hi vọng hội nhập.
4. Mục đích học ngoại ngữ chỉ cốt để lấy được cái chứng chỉ, cầm được cái visa
Không ít bạn trẻ lao vào học ngoại ngữ với mục đích duy nhất là có bằng được cái chứng chỉ để có thể apply vào các trường đại học. Ngoại ngữ vô cùng quan trọng đối với du học và hội nhập nơi đất khách, vậy mà cái tâm lý học ứng thí, học vì mục đích thi cử vẫn chiếm trọn tâm can rất nhiều bạn trẻ. Luyện lò nhớn lò bé, ngày đêm học gạo thuộc làu làu các dạng đề thi. Vào hỏi thi vấn đáp, khi được hỏi ca sĩ nam yêu thích là ai, nhất loạt là Đàm Vĩnh Hưng, ca sĩ nữ yêu thích là ai, nhất loạt là Mỹ Tâm, bài hát yêu thích là gì, nhất loạt là “Tóc nâu môi trầm”. Giám khảo ngán ngẩm quá bèn hỏi luôn thí sinh khác “có phải ca sĩ yêu thích của em là Đàm Vĩnh Hưng phải không?” thì cũng nhận được câu trả lời “vâng ạ”. Học kiểu ấy thì có cầm được cái chứng chỉ trong tay nhưng vẫn câm mù điếc với cái thứ tiếng ấy quả là dễ hiểu.
Quan điểm của NHỊP CẦU DU HỌC ĐỨC – CTC- là thế này: nếu mục đích du học chỉ là để cầm được tấm bằng thì tốt nhất nên học ở Việt Nam, vừa nhanh hơn, vừa rẻ hơn rất nhiều, cũng là bằng của các trường nước ngoài tử tế, hẳn hoi (không nói đến bằng rởm ở đây). Đã đánh đường sang tận xứ người để học thì ngoài việc cố gắng “hái” lấy tri thức thì hãy cố gắng học lấy cách cảm, cách nghĩ, lề thói tư duy, cung cách làm việc, tinh thần sống, cách nhìn nhận, đánh giá và giải quyết mọi vấn đề của cuộc sống, của xã hội văn minh.
Không nên nghĩ đơn giản cứ có tiền, có ngoại ngữ là đi du học. Thất bại đầy rẫy ra. Nếu biết chắc là sự ra đi không hề có lợi cho các con, không có gì đảm bảo các con sẽ thành công, thậm chí cầm chắc thất bại thì ko bao giờ bác bếu lại dám "nhẫn tâm" khuyên hay đưa các cháu đi cả. Nếu năng lực không tới, ý chí quyết tâm, tính tự lập,… không có thì tuyệt đối không nên cho con đi du học.
PS 1. Không ít người vì yêu quí mà ái ngại cho Nhịp Cầu Du Học Đức -CTC- vì đã dành rất nhiều thời gian nhiệt tình tư vấn cho các phụ huynh và học sinh (đa phần trên dưới vài giờ đồng hồ cho mỗi ca tư vấn). Thông tin về du học có đầy ắp trên mạng, chỉ cần vài cái click chuột các bạn đã có đầy đủ các những thứ mình cần. Thế nhưng, khi gặp gỡ, trò chuyện, trao đổi rồi các bạn mới thấy còn vô số những điều quan trọng và tối cần thiết khác mà các bạn không thể tìm thấy trên mạng hay trong sách vở,… mà chỉ có thể nhận được từ sự chia sẻ của những người đã có những trải nghiệm thực sự trong quá trình sống, học tập và làm việc nơi xứ người.
PS 3. Xin lỗi vì Nhịp Cầu Du Học Đức – CTC- đã mạo muội nhắc nhở một số phụ huynh vì đã dùng điện thoại của cơ quan để gọi điện xin tư vấn du học cho con. Không dùng của công vào việc riêng, đấy cũng là một nét văn hóa đẹp của những người văn minh. Không chỉ các các con cần phải học cách hành xử văn mình mà cả các vị phụ huynh cũng cần lưu tâm đến những điều tưởng chừng nhỏ nhặt như vậy. Câu chuyện nhỏ vậy thôi nhưng là bài học lớn.
Thang Hanu says
Cảm ơn chị Hoa vì bài viết thật hay, phản ánh đúng thực tế.