Mấy ngày Tết lu bu lắm thứ, việc không tên thì nhiều mà có tên thì ít, nên giờ mới rảnh ngồi ôn lại chuyện năm cũ 2012, một năm thật đặc biệt với đại gia đình nhà mình. Sau những gì xảy ra năm qua thì mình lại càng thấm thía thêm một điều là “người tính không bằng giời tính”, giời cho thì được mà giời lấy đi thì cũng phải nghiến răng mà chịu thôi chứ chẳng dám nói tài nói giỏi gì cả.
Năm nào cũng thế, cứ đến bữa cơm tất niên trong lòng cũng trào lên cảm giác nao nao khó tả, tựa như cảm giác nơm nớp lo âu không biết bữa cơm tất niên sang năm gia đình có còn trọn vẹn, đủ đầy như năm cũ, liệu năm mới có an lành, yên ả. Sở dĩ có tâm trạng đó vì cuộc sống ở xứ sở này có quá nhiều điều bất an có thể xảy ra hay ập đến bất cứ lúc nào, không ai có thể lường trước được. Chẳng hạn, sáng dắt xe ra đi làm, liệu có ai dám chắc chắn 100% là chiều đến còn an toàn tính mạng mà trở về nhà. Mình xưa nay có đi lễ chùa cũng chỉ cầu hai chữ bình an. Càng ngày càng thấm một điều chỉ cần bình an là đã quá đủ. Không có bình an thì chẳng thể sống và làm được việc gì cho ra hồn. Có tiền tài, danh vọng mà không có được sự bình an (nhất là bình an trong tâm) thì cũng vứt.
Có lẽ cho tới thời điểm này chưa năm nào trong gia đình mình một năm mới lại bắt đầu bằng một nỗi sợ hãi kinh khủng như năm 2012. Bắt đầu từ những ngày giáp Tết, nhưng cuộc chiến cam go, quyết liệt với tử thần để giành dật lại mạng sống cho đứa cháu gái, một cô bé thông minh, xinh đẹp, đang tuổi ăn tuổi lớn, chính thức bắt đầu từ mùng 4 Tết Nhâm Thìn 2012. Cả nhà lo âu, sầu não, hốt hoảng chạy đôn chạy đáo tìm thầy, từ thầy cúng cho đến thầy thuốc giỏi khắp các bệnh viện. Bố mình 84 tuổi rồi mà còn đến mấy lần tất tả bắt taxi chạy một mạch từ 4h sáng về quê để khấn cho cháu ở đền thờ tổ Nguyễn Xí (Nghi Lộc, Nghệ An) rồi lại long tong quay lại Hà Nội trong ngày. Đúng là những lúc như thế chỉ có sức mạnh tinh thần mới giúp con người ta vượt qua được sự vất vả. Sẽ chẳng bao giờ quên được những tháng ngày buồn bã đến cùng cực như thế. Thời tiết sau Tết mưa dầm gió rét lại càng làm cho tâm trạng ảm đạm não nề. Cả chuỗi ngày dài lê thê lầm lũi trong đêm đen mưa phùn gió bấc rét cắt thịt da tất bật vào ra khu hồi sức tích cực của bệnh viện. Người luôn sợ bệnh viện như mình, chưa bao giờ dám đi thăm bệnh nhân nào ở khu hồi sức tích cực, thậm chí đi thăm người ốm không bao giờ dám ngồi lên giường của bệnh nhân, vậy mà hàng tháng trời lăn lộn khắp các gầm cầu thang, hành lang cho đến cái khoảng sân xi măng bẩn thỉu bé tẹo chỗ giếng trời của tòa nhà bệnh viện. Nhiều khi mệt quá còn úp mặt vào giường bệnh thiếp đi giây lát. Chỉ với vài tấm bìa cát tông vứt xuống cũng đủ làm chỗ qua giấc. Các giây thần kinh tê liệt, không còn tâm trí đâu mà lo với sợ, khiếp với hãi. Đám người nhà bệnh nhân cứ chui lủi khắp các nơi như thế để tranh thủ chợp mắt đôi chút còn lấy sức thay ca cho nhau. Nhưng như thế nào đã đáng gì, đòn cân não kinh khủng nhất với đám người nhà bệnh nhân thập tử nhất sinh có lẽ là tiếng kèn trống đám ma réo rắt thê lương phát ra từ nhà tang lễ nằm sát sàn sạt khoa hồi sức tích cực lúc 6 giờ sáng mỗi ngày, khi đất trời còn im lìm trong bóng tối. Bệnh viện Bạch Mai đã quá “sáng suốt” khi xây nhà tang lễ to chềnh ềnh ngay sát sàn sạt khu hồi sực tích cực (thuộc Viện các bệnh nhiệt đới trung ương). Ở xứ này khi làm bất cứ cái gì hình như đếch ai chịu động não suy nghĩ một tí cho ra hồn, cứ như là suy nghĩ sẽ bị mòn mẹ nó mất não hay sao. Hàng chục bệnh nhân hôn mê sâu nào là mở nội khí quản, nào thở ô-xi,… nằm dăng dăng cả dãy dài. Người nhà bệnh nhân hàng đàn hàng lũ vừa nhếch nhác, mệt mỏi, vừa hốt hoảng, cuống cuồng, xen lẫn tuyệt vọng, trong cuộc chiến đấu quyết liệt dành lại mạng sống mong manh cho người thân từ bàn tay tử thần, thế mà hàng ngày, từ sớm tinh mơ, đã phải chịu thêm đòn cân não tra tấn tâm lý nặng nề bằng những thứ âm thanh chết chóc, não nề ấy. Tử khí tràn ngập khắp nơi, len lỏi khắp các ngóc ngách. Thần kinh tê liệt, căng cứng. Hàng tháng trời vào ra bệnh viện mỗi ngày không biết bao nhiêu lần, tiền gửi xe còn không dám tính, vì nếu tính có khi mỗi ngày lên đến cả vài trăm ngàn đồng nếu đi xe ô tô (vì tiết trời mưa rét). Người nhà bệnh nhân méo mặt nhưng lũ trông xe mặt mày hớn hở vì đẫy túi. Ở xứ này, nhiều khi nỗi bất hạnh khổ đau của người này lại trở thành niềm vui, nỗi hoan hỉ của kẻ khác. Khốn nạn thế đấy. Thế mới biết, chẳng mấy ai được như bác Bá Thanh của Đà Nẵng. Bác ấy dám cả gan yêu cầu bệnh viện ở Đà Nẵng trông xe miễn phí với lý do “tôi quan sát và phỏng vấn người nhà bệnh nhân rồi, mỗi ngày họ vào ra bệnh viện không biết bao nhiêu lần, tốn kém tiền bạc lắm, bởi thế các bệnh viện nên trông xe miễn phí, thành phố sẽ hỗ trợ kinh phí” (phát biểu trong cuộc họp Hội đồng nhân dân thành phố). Đã thế, nhà trường nơi cháu mình học lại làm ăn tắc trách, không phát bảo hiểm cho cháu. Bệnh trọng vào viện mà không có bảo hiểm thì có đi buôn thuốc phiện cũng khó mà cáng được. Mỗi ngày đến mười mấy triệu tiền thuốc, chưa kể tiền thuê người trông bệnh nhân mỗi ngày 250.000 đồng. Một bệnh nhân nặng lúc nào cũng phải có 3 người luân phiên túc trực. Cả nhà hoảng loạn. Nhà trường đã làm tờ trình lên công ty bảo hiểm nhưng cũng chẳng ích gì. Bí quá mình phải tận dụng mọi quan hệ nặng cân, thân tình để “chạy”. Có một nhời của bề trên còn hơn vạn lời của loại thảo dân như mình. Mẹ kiếp, rơi vào tình thế ấy ở cái xã hội này nếu không có quan hệ thì chỉ còn nước chết. Nhà mình chưa “giết người ra tiền”.
Thế nhưng, có lẽ không ở đâu con người lại thân thiện với nhau như đám người nhà bệnh nhân. Những ánh mắt cảm thông, những lời hỏi han, động viên, chia sẻ, thậm chí giúp đỡ nhau những lúc cần thiết, làm cho ai nấy đều cảm thấy cuộc đời này còn đôi chút ấm áp, tin cậy. Cảm động hơn cả là cháu mình nằm ở khu hồi sức tích cực của bệnh viện nhiệt đới khoảng 2,5 tháng mà người nhà không phải lót tay bác sĩ hay y tá, điều dưỡng một đồng nào (mà họ vẫn vui vẻ, tận tình phục vụ). Không ít người bảo “đấy là vì bệnh nhân thập tử nhất sinh, không biết sống chết thế nào thì bố ai dám nhận phong bì”. Nói thế là không đúng, ví như ở bệnh viện K (và khối nơi khác) đa phần toàn bệnh nhân ung thư vào cửa trước ra cửa sau (nhà xác) mà người ta vẫn nhận tiền thun thút đấy thôi. Thật may là xung quanh ta, lòng nhân, sự tử tế vẫn còn (tuy không nhiều). Chính những ngày tháng gian nan như thế mà không có sự chia sẻ, giúp đỡ tận tình (thậm chí lăn sả vào túc trực đêm hôm ở bệnh viện) của bạn bè và người thân không hiểu sẽ còn khốn khó, mệt mỏi đến nhường nào.
Có lẽ ông bà, cha mẹ mình ăn ở hiền lành, phúc đức (thêm nữa phải công nhận là các bác sĩ điều trị cực kì giỏi) nên cháu mình đã được cứu sống và sau nửa năm đã trở lại đi học bình thường. Ai cũng bảo đó là điều kì diệu nhất trong những điều kì diệu, hi hữu nhất trong những điều hi hữu. Cả nhà hân hoan, hạnh phúc đến tột cùng.
Đúng là hết mưa trời lại sáng.
Đầu năm thì lao đao như thế nhưng càng về cuối năm Trời Phật đã bù lại cho đại gia đình liên tiếp những niềm vui lớn, 3 sự kiện quan trọng, 3 đại hỉ: Lễ đính hôn của con gái Tuti, đám cưới của cháu gái Tuli và lễ cưới kim cương của ông bà. Cả nhà tíu tít, rộn ràng chuẩn bị hàng tuần lễ liền cho mấy cái đám cưới.
Chỉ cần nghe hai câu nói của ông bà thông gia và xem cung cách gia đình thông gia đối xử với con bé, mình biết con gái đã “vào” được gia đình rất tử tế, tràn ngập yêu thương. Hai đứa sống ở nước ngoài lâu nên rất tự lập. Khi biết hai con muốn tự lo mọi chuyện, bố chồng nói với hai đứa “Ngày xưa, bố không có bố để lo cho mình (bác ấy mồ côi cha khi lên 5 tuổi), còn bây giờ các con có bố, các con hãy để bố được lo cho các con nhé”. Còn mẹ chồng nói với con bé (khi trao tặng trang sức) thế này: “Đây chỉ là chút kỉ vật nhỏ gia đình dành tặng cho con, nó chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, còn cái quí giá nhất của cuộc đời mẹ là con trai mẹ thì mẹ đã tặng cho con rồi”. Ai nghe thấy cũng trào nước mắt vì xúc động.
Tuli cháu gái mình là một cô bé thật đặc biệt: thông minh, xinh đẹp, giỏi giang và rất tài hoa. “Cầm, kì, họa" (còn mỗi “thi” là chưa phát lộ, hi hi…) đủ cả mà tính nết lại hiền thục, nhuần nhị hiếm ai có. Mình chưa lần nào nghe thấy con bé nói to hay cáu kỉnh với ai bao giờ, mặt mũi lúc nào cũng cười tươi hồn hậu. Có lẽ cũng vì thế mà được chồng và gia đình chồng rất yêu thương. Con cái như của trời cho. Ông anh trai mình có phước nên sinh được hai đứa con thông minh sán lạn và tính nết rất nhẹ nhõm, khoan hòa, trung hậu.
Và lễ cưới đặc biệt nhất là lễ cưới kim cương của bố mẹ mình. Đến tuổi này (U90) mà còn sống khỏe, sống vui và luôn hạnh phúc bên nhau như bố mẹ mình thật đúng là phúc đức cho con cháu. Lễ cưới kim cương là món quà tinh thần rất lớn cho hai cụ. Hôm rồi bố mình cười bảo “bố thì hạ cánh ngay rồi chứ mẹ còn đang thăng lắm, chưa hạ cánh được đâu, suốt ngày ngồi ngắm Album với xem đĩa ghi hình của 3 đám cưới, rồi hí hoáy viết lách, ghép với dán ảnh”, hi hi…. Nhờ mấy món quà tình thần như thế mà thấy ông bà trẻ khỏe hẳn ra, mặt mũi lúc nào cũng tươi roi rói. Các cụ nói đúng, ở đời, chất lượng đời sống tinh thần quan trọng hơn cả.
Mình biết, sống ở đời Giời Phật chẳng cho ai tất cả và cũng không lấy đi của ai tất cả. Cho cái này sẽ lấy đi cái khác, cho lúc này sẽ lấy đi lúc khác. Bởi thế chẳng nên tham lam đòi hỏi gì nhiều, chỉ cầu trời hai chữ bình an. Nhất là trong bối cảnh xã hội biến động khôn lường ngoài kia chỉ mong được hai chữ bình an đã là phúc lắm.
Đi lễ chùa lúc nào mình cũng chỉ cầu hai chữ bình an cho cả nhà.
——-
Vài hình ảnh lễ thành hôn của hai con Hà Thu – Hà Anh (Ti – Cún)
{webgallery} {/webgallery} |
{webgallery} {/webgallery} |
{webgallery} {/webgallery} |
|||
Con gái tự làm bánh đãi khách | Tự tay bày biện, trang trí cho lễ thành hôn | Đón "phái đoàn" nhà Cún |
{webgallery} {/webgallery} |
{webgallery} {/webgallery} |
{webgallery} {/webgallery} |
|||
Ti và Cún |
"Đây là chút kỉ vật gia đình dành tặng cho con, nó chỉ mang ý nghĩa tượng trưng còn cái quí giá nhất cuộc đời mẹ là con trai mẹ thì mẹ đã tặng cho con rồi" |
Mẹ Cún-Mẹ Ti: thông gia thời hiện đại, hi hi… |
Vài ảnh "độc" ở đám cưới cháu gái yêu Tuli
{webgallery} {/webgallery} |
{webgallery} {/webgallery} |
{webgallery} {/webgallery} |
Hoàn hảo từng centimet cho lễ ăn hỏi | Dàn đồng ca nhà gái hát chào mừng nhà trai | Bà nội và bà ngoại song ca 1 bài hát tiếng Pháp chúc mừng hạnh phúc 2 cháu yêu. |
{webgallery} {/webgallery} |
{webgallery} {/webgallery} |
{webgallery} {/webgallery} |
Cô dâu đàn tặng khách một bản nhạc tự sáng tác | Cặp nhảy hoàn hảo: bà nội xì tin & cháu yêu | Cô dâu chú rể nhảy Gangnam Style cùng các bạn học thời sinh viên Aston University |
{webgallery} {/webgallery} |
{webgallery} {/webgallery} |
{webgallery} {/webgallery} |
"Mày" có sợ "tao" không? he he…. |
"Tao" có võ xịn nè, he he…. | Hi hi… đầu hàng rồi nhé. |
Lễ cưới kim cương của bố mẹ
{webgallery} {/webgallery} |
{webgallery} {/webgallery} |
{webgallery} {/webgallery} |
{webgallery} {/webgallery} |
{webgallery} {/webgallery} |
{webgallery} {/webgallery} |
{webgallery} {/webgallery} |
{webgallery} {/webgallery} |
{webgallery} {/webgallery} |
Toàn cảnh nơi diễn ra tiệc cưới | Nơi dành cho khách viết lời chúc mừng | Hai bạn U90 say sưa tham gia trò chơi đố vui |
{webgallery} {/webgallery} |
{webgallery} {/webgallery} |
{webgallery} {/webgallery} |
Bạn trai trả lời sai nên bị phạt hôn, he he…. | Ông bà cùng hai cháu yêu | Đại gia đình các dân tộc Vịt Ngan, hic |
Xuân says
Ôi đọc bài này của cô mà em rưng rưng nước mắt ý, nhất là đoạn về bố mẹ chồng của Ti. Cầu chúc đại gia đình nhà ta luôn bình an ạ.
Hằng says
” Mình chưa lần nào nghe thấy con bé nói
to hay cáu kỉnh với ai bao giờ, mặt mũi lúc
nào cũng cười tươi hồn hậu”
cô ơi e ấn tượng điều này quá cô ạ…nhắc nhở e bao điều học làm người…
bài viết của cô hay quá…like mạnh cô ơi..
Minh Hoa says
Cám ơn Phương Hoa! Bạn đã nói hộ tôi tiếng lòng mình đối với người thân!
Từ sâu tâm khảm của một người phụ nữ yêu quý gia đình, yêu thương con cháu, tôi chúc mừng Phương Hoa và Đại gia đình của bạn năm 2012 vừa qua đã tâm bão lướt tới Thành công và Hạnh phúc!
Kính chúc hai Cụ thân sinh ra bạn Vạn thọ vô cương!Chúc cho cược sống của chúng ta An lành, Thành đạt!
minhhoa says
Cám ơn Phương Hoa! Bạn đã nói hộ tôi tiếng lòng mình đối với người thân!
Từ sâu tâm khảm của một người phụ nữ yêu quý gia đình, yêu thương con cháu, tôi chúc mừng Phương Hoa và Đại gia đình của bạn năm 2012 đã VUOT QUA tâm bão LUOT tới Thành công và Hạnh phúc!
Kính chúc hai Cụ thân sinh ra bạn Vạn thọ vô cương!Chúc cho cuoc sống của chúng ta An lành, Thành đạt!
nthiphuonghoa says
@ Minh Hoa: cảm ơn mẹ yêu của Út Ịt nhé. Vui quá vì từ nay có thêm độc giả mới cho web của mẹ Hoa béo này, he he…. Chúc cả nhà me Hoa năm mới an lành, hạnh phúc và may mắn nhé. Mẹ Hoa có 2 cô công chúa thông minh và đáng yêu quá.
Minh Hoa says
Ui! Ui! được làm độc giả của quý Web là một may mắn của tôi! Giá mà tôi được gặp sớm hơn thì tôt xiết bao! Cám ơn tác giả ạ!..
Huong says
Chúc cô và gia đình một năm mới an lành hạnh phúc!
hà phương says
Cảm ơn Bà chị viết cảm động quá, hay quá. Đúng là có qua giông bão mới biết trân trọng những thứ tưởng như đơn giản mà vô cùng quan trọng. Tình người! Em chúc bà chị luôn khỏe mạnh để viết nhiều thứ hay cho bà con đọc và tẩy não luôn nhé, em nhờ bà chị tẩy giúp hộ cả bộ tộc nhà em luôn.
Tran Thi Huong Quynh says
hic, cam on co da khoi day cho em nhung tinh cam gia dinh, su tan tuy cham soc cua nhung nguoi than, cho em biet dieu gi la quy gia voi minh, chuc co va gia dinh binh an 🙂
ps: giong van co rat la la ah, :))
NGUYEN DIEP says
MỖI KHI EM BUỒN CHÁN, TUYỆT VỌNG, EM LẠI VÀO TRANG WEB CỦA CÔ ĐỌC NHỮNG BÀI CÔ VIẾT. SAU ĐÓ, CẢM THẤY MÌNH MẠNH MẼ, MỚI MẺ HƠN RẤT NHIỀU CÔ Ạ. CẢM ƠN SỐ PHẬN VÌ ĐÃ CHO EM ĐƯỢC LÀ SINH VIÊN CỦA CÔ!
Trần thị Hồng Hà says
Hoa thật hạnh phúc vì có một đại gia đình ấm áp, yêu thương nhau; Cha mẹ của Hoa còn khoẻ mạnh và mặn nồng sau từng ấy năm tháng. Chúc mừng Hoa đã có nhiều tin vui sau chuỗi ngày trải qua những lo âu vất vả. Đoc đến đoạn sau mình đã thở phào như trút đi một gánh nặng. Và Hoa nhỉ, dẫu sao tình người vẫn còn dù cho là quá ít. Nhưng theo cách cha mình nói, chính điều ấy làm yên vui trái đất và là lý do để tồn tại hàng ngày!
nthiphuonghoa says
@ Trần Thị Hồng Hà:
Cuộc đời dù có thế nào vẫn phải nhân văn mà sống thôi mẹ Hà nhỉ. Dù sao xung quanh ta vẫn còn những điều tốt đẹp. Cảm ơn mẹ Hà chia sẻ nhé.
Quốc Trịnh says
Danh gia vọng tộc
nthiphuonghoa says
@ Quốc Trịnh: Á à, biến mất hút lâu thế? Công cuộc PhD đên đâu roài, có sắp thành hiện thực chưa vậy?