• Skip to primary navigation
  • Skip to main content
  • Skip to primary sidebar
  • Skip to secondary sidebar

Phương Hoa

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
  • Liên hệ

admin

Bảy mươi ngàn tỉ đồng để biên soạn sách giáo khoa?

07.06.2011

(Theo Bee.net.vn)

– Bảy mươi ngàn tỷ đồng là nhiều hay ít? Cố nhiên ai cũng cho là nhiều, quá nhiều, ngoại trừ có một vài người cho là ít, thậm chí rất ít. Một vài phép tính số học đơn giản cho chúng ta thấy có thể làm được việc gì với số tiền bảy mươi ngàn tỉ đồng?

Đề án “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa Phổ thông sau năm 2015” với kinh phí ước tính 70 ngàn tỷ đồng. 

Đơn cử một vài việc (làm riêng mỗi việc chứ không làm tất cả cùng một lúc):

Đủ kinh phí để tổ chức các cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp như vừa qua trong vòng 500 năm tới (5 năm tổ chức 1 lần, 1 lần hết 700 tỉ).

Đủ để mua ô tô loại khá (1 tỉ đồng một chiếc) và phát không cho các vị vừa trúng cử, từ HĐND cấp huyện và thị xã cho đến Đại biểu Quốc hội, mỗi vị một chiếc. Còn cấp xã, cấp phường thì 6 người một chiếc (phải bình bầu hoặc bốc thăm).

Đủ để xây 140.000 căn hộ cho người thu nhập thấp.

Đủ để xây 2.000 ngôi trường mới khang trang hiện đại. Mỗi ngôi trường 35 tỉ là quá tuỵêt vời, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi. Nếu chia đều cho các tỉnh thì mỗi tỉnh sẽ có hơn 30 trường mới như vậy.

Đủ để mua SGK và phát không cho tất cả học sinh phổ thông trong vòng 35 năm tới .

Đủ để tăng lương cho giáo viên (mỗi người thêm 1 triệu đồng một tháng) trong vòng 6 hay 7 năm tới.
………

Đọc đến đây, chắc có nhiều độc giả sẽ cáu: “Sốt cả ruột! Gì mà cứ lải nhải “đủ để" mãi như thế! Mà lấy đâu ra bảy mươi ngàn tỉ ấy mới được chứ”.

Vâng, xin bạn cứ bình tĩnh đọc tiếp.

Số là kẻ viết bài này vừa được mời dự một cuộc họp để góp ý cho đề án “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa Phổ thông sau năm 2015”. Mục tiêu của đề án: Hoàn thành xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa mới cho bậc trung học phổ thông để bắt đầu thực hiện từ năm 2017. Kinh phí thực hiện: ước tính bảy mươi ngàn tỉ đồng!

Kẻ viết bài này được dự họp từ 8h30’ đến 11h30’ (ngày 1/6 vừa qua), được phát biểu ý kiến 7 phút và được nhận phong bì trong đó có 450.000 đ.

Thưa các bạn!

Thế là trong danh mục các việc có thể làm với số tiền bảy mươi ngàn tỉ đồng mà tôi liệt kê trên đây có thêm một việc :

– Đủ để làm một chương trình và biên soạn SGK mới hơn và tốt hơn so với hiện nay.

Mới hơn thì chắc chắn rồi. Chả lẽ với ngần ấy tiền mà cuối cùng chẳng có gì mới? Tuy nhiên tốt hơn thì còn phải kiểm chứng trong quá trình thực hiện. Nhiều khi cái mới lại không tốt và cái tốt thì không mới!

Nếu các bạn là người có quyền quyết định thì các bạn sẽ chọn việc làm nào để tiêu cho hết số tiền bảy mươi ngàn tỉ đồng ấy? Xin nhớ là chỉ những việc làm cho ngành Giáo dục thôi đấy, vì số tiền ấy lấy trong nguồn kinh phí dành cho Giáo dục.

Còn nếu tôi có quyền thì tôi sẽ dùng số tiền ấy vào ba việc: một là xây 1.000 ngôi trường mới (mỗi cái 30 tỉ thôi), hai là phát không SGK cho mọi học sinh trong 5 năm tới, ba là tăng lương cho thầy cô giáo (mỗi người một năm thêm 10 triệu) trong 4 năm tới!!! Thế là vừa hết nhẵn 70000000000000 đồng nhé! (Các bạn chú ý: sau con số 7 là 13 con số 0).

Văn Như Cương

Chuyên mục: Bài viết ưa thích

Gutbai Lenin!

05.06.2011

Sergei Beregovoy

Xin chào, lão bà châu Âu! Bà vẫn khỏe chứ? Chúng tôi đã ở đây với bà. Màu cờ các nước của bà chúng tôi đã quen thuộc. Những vạch từ trái qua phải, những vạch từ trên xuống dưới, những vạch đen, trắng, đỏ, vàng, xanh lam, xanh lơ. Những cây thập tự trắng trên nền đỏ, những cây thập tự đỏ trên nền trắng. Các nước đó chúng tôi đã đến nhiều lần. Mùi vị mỗi nước chúng tôi đều rành. Chúng tôi đã đi tàu điện ngầm ở London , xem thế vận hội ở Athen và mua hàng ở Munchen. Sáng thứ bảy chúng tôi uống cà phê ở Roma, còn chiều chủ nhật thì đi nhảy ở Praha. Thế giới hiện nay không còn ranh giới, các khoảng cách đã biến thành thủ tục: địa chỉ của mỗi người chúng tôi bây giờ bắt đầu bằng www.

Thế nào, lão bà, nắm đấm sắt của phương đông đỏ không còn làm bà sợ hãi nữa chứ? Tất cả những cơn ác mộng đã lùi lại đằng sau phải không? Đúng, gutbai, Lenin! Bức tường vững chắc giờ đây không còn ngăn cách chúng ta, nó đã đổ sụp trong nháy mắt, đã biến thành một đống kỷ niệm.

Tất cả mọi người đều sướng vui như con trẻ! Còn gì tốt hơn nữa: Berlin là một thành phố và thậm chí là một quốc gia. Một thủ tướng, một thủ đô, một đội tuyển bóng đá quốc gia.

Những đứa con mỗi ngày nghỉ đều có thể về thăm bố mẹ già. Hệ thống phát thanh truyền khắp lãnh thổ nước cộng hòa. Nước Đức đã thống nhất!

Ở giữa Berlin còn lại một đoạn tường thành gợi nhắc về một quá khứ mù mờ, gợi nhắc về một tư tưởng không được thành sự thật. Đó là mơ ước về sự công bằng toàn thể, về những lý tưởng đạo đức và nhân văn. Những mơ ước về hạnh phúc không thể nào có được cho tất cả mọi người. Đoạn tường thành còn lại đó là mảnh rời của một thời đại đã qua bị bóng ma không tưởng dối lừa.

Thậm chí những người Đức với thói cố chấp cuồng tín và tính kỷ luật thép của mình cũng không thể đạt được cái mà ông hô hào. Nửa thế kỷ họ đã cố gắng hết sức. Rốt cuộc họ hiểu ra việc này là vô nghĩa và thân ái nói với ông: “Gutbai, Lenin!”.

Gutbai, Lenin! Chúng tôi cũng đã tin vào ông. Có người trong chúng tôi đã chết vì ông, có người đã giết chóc nhân danh ông. Tin vào ông, chúng tôi đã thắng trong các cuộc chiến tranh và đã phóng lên vũ trụ những tên lửa đầu tiên. Nhiều người đã hiểu sai ông, bản thân ông cũng đã hiểu sai nhiều cái. Tuy nhiên chúng tôi đã tin vào ông. Tin cho đến tận giây phút cuối cùng. Rồi sau đó hiểu ra là ông đã lừa dối chúng tôi. Dù ông lừa dối không chỉ chúng tôi, mà cả bản thân ông. Chúng tôi đã từ bỏ ông. Chính ông đã đẩy chúng tôi đến bước này, không để cho chúng tôi và cả ông một sự lựa chọn nào. Ông, có lẽ, chính ông cũng không biết làm gì, do đó đã đưa mình đến ngõ cụt. Ông đã lập nên một nhà nước chỉ dựa trên niềm tin vào ông. Khi niềm tin này không còn thì nhà nước cũng không còn. Chúng tôi rất khó khăn chia tay với ông, nhiều người đã khóc, một số người đến nay vẫn chưa tin chuyện này. Chúng tôi chia tay ông như người lớn chia tay tuổi thơ và như người thanh niên hết tin vào chuyện cổ tích. Thật đau đớn phải nói lên điều đó, nhưng dù sao chúng tôi cũng nói với ông: “Gutbai, Lenin!”.

Tất nhiên, không phải một mình ông có lỗi trong việc để xảy ra mọi sự như bây giờ. Nói chung ông là một cậu trai không tồi, Lenin ạ. Chỉ đơn giản là ông đã chọn sai đất nước. Chỉ đơn giản là ông đã không biết rằng ở nước Nga có thể đồng thời vừa là thiên thần vừa là ác quỷ.

Cái đất nước mà ông tập hợp đã vỡ tung tóe một cách ngu ngốc. Bây giờ bạn bè và họ hàng sống ở các quốc gia khác nhau: những tổng thống khác nhau, những thủ đô khác nhau, những đội tuyển thể thao khác nhau, những con người khác nhau.

Thực ra cái ý tưởng gom mọi người vào ở trong một ngôi nhà, cho họ thử sống cùng nhau vui vẻ, thân thiện, không phải là một ý tưởng tồi. Đúng, nói gì thì nói, ông là một cậu trai không tồi, Lenin ạ! Nhìn xem, cả châu Âu đã theo gương ông. Giờ đây họ đã là một đại gia đình: lão bà của chúng ta vẫn chưa nói lời cuối cùng.

Chúng tôi ngủ đêm ở các khách sạn tại Gieneve, sáng sớm bay đi Barcelona. Chúng tôi tụ tập xem biểu diễn nhạc rock ở Helsinky và mời khách đến Moskva.

Nhưng không ai còn bao giờ đến thăm CCCP (Liên Xô) nữa. Nó là một đất nước bí ẩn, lạ lùng và mâu thuẫn như tất cả chúng tôi. Chúng tôi không lạ lùng đến thế nếu không phải là những người Nga như thế. Bây giờ còn lại của CCCP chỉ là dòng chữ đề trên các áo thể thao. Vậy mà nó đã từng là tổ quốc chúng tôi. Chúng tôi, cũng như tất cả mọi người trên hành tinh, không muốn chiến tranh, mà chỉ mơ về hạnh phúc và hòa bình. Chúng tôi không có lỗi khi những ước mơ của chúng tôi không thành hiện thực.

Nam Tư, Tiệp Khắc… Những cái tên này cũng không còn nữa trong ngôn ngữ chúng tôi. Chỉ còn trên hòn đảo Tự Do đầy ánh mặt trời giữa biển khơi Caribe xa xôi là nơi tên ông chưa trở thành một âm thanh trống rỗng. Nhưng được bao lâu nữa?

Thế nhưng nước Đức đã thống nhất. Bức tường Berlin đã vỡ thành những cục nhỏ – những ký ức năm euro để nhớ về một chuyến du lịch. Lão bà lại ca khúc khải hoàn của mình.

Còn ông… chỉ còn là bức tượng đồng giấu mình đâu đó ở thành phố nơi tôi sống. Ông chỉ còn là một từ gồm năm chữ cái được ghi trong sách giáo khoa lịch sử. Các thế hệ mới không biết ông vì chúng không cần đến ông. Chúng thậm chí không giã từ ông vì ông là người xa lạ. Nghĩa là, đành lòng vậy, cầm lòng vậy. Lịch sử đối xử rất nghiệt ngã với những tình nhân của nó. Đơn giản là ông đã thoái lui. Đơn giản là ông đã già đi. Xin lỗi, nếu không phải là thế. Dẫu sao ông là một cậu trai không tồi, nhưng… gutbai, Lenin!

13.11.2004

Ngân Xuyên

dịch từ nguyên văn tiếng Nga “ Гуд бай, Ленин" (theo Blog Ông già sành điệu"

Chuyên mục: Bài viết ưa thích

Hãy cho con được một lần thất bại

31.05.2011

 {jcomments on}

Chuyên mục: Chưa được phân loại

Suy dinh dưỡng tâm hồn

31.05.2011

 

Phạm Văn Nga (Văn Hoá Phật Giáo)
Tuần Việt Nam
(http://www.chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Giao-Duc/Suy_dinh_duong_tam_hon/)


Suy dinh dưỡng hiểu đơn giản là khi người ta không hấp thụ được mọi thứ không phù hợp với thể tạng, cơ địa của mình. Nhưng sự “suy dinh dưỡng tâm hồn” mới thật là trầm trọng và rất đáng quan ngại khi nếp sinh hoạt, lối sống, quan niệm vào đời đều đang bộc lộ tình trạng xuống cấp.

Chuyện kể ngày xưa Hải Thượng Lãn Ông có lần khám cho một vị hoàng tử về chứng gầy yếu biếng ăn đã phán rằng: “Hoàng tử bị suy dinh dưỡng”. Cả triều đình cảm thấy ngạc nhiên vì cậu ta đâu có thiếu sơn hào hải vị, cao lương mỹ vị. Nhưng không ai hiểu lý do “suy dinh dưỡng” là cậu ta không thể hấp thụ mọi thứ trên đời nếu nó không phù hợp với thể tạng, với cơ địa của chính mình. Suy rộng ra cái được ăn và cái ăn được không phải lúc nào cũng tương thích, đem lại kết quả như ý.

Nhìn lại thanh thiếu niên chúng ta, có ai ngạc nhiên trước tỷ lệ gần 30% suy dinh dưỡng thể chất khi tuổi trẻ hôm nay có qúa ít thời gian rèn luyện thân thể, và chắc sẽ còn ngạc nhiên nhiều hơn nếu như sự “suy dinh dưỡng tâm hồn” mới thật là trầm trọng và rất đáng quan ngại khi nếp sinh hoạt, lối sống, quan niệm vào đời đều đang bộc lộ tình trạng xuống cấp.

Tại sao? Khi trong chương trình giáo dục chúng ta đã nhét vào đấy bao nhiêu là môn học từ chính trị đến đạo đức với trùng điệp ngôn từ về lý tưởng cao đẹp và bao nhiêu thứ mà những nhà giáo dục nghĩ là điều hay lẽ phải? Phải chăng những lời rao giảng không đem lại một giá trị thực tế nào hay chỉ vì chúng ta cứ “đè” học sinh ra mà nhồi nhét mọi thứ quan điểm của những nhà giáo dục bất kể trình độ nhận thức và hoàn cảnh xã hội.

Tuổi trẻ hôm nay đang suy dinh dưỡng ra sao?
Một sự thực hiển nhiên là những năm gần đây tình trạng bỏ học ngày một gia tăng lên đến con số hàng triệu. Số đi học thì rất nhiều trẻ không ngoan từ chuyện bỏ bê học hành, ăn diện thời trang, sống buông thả thiếu lý tưởng. Tình yêu đến quá sớm ngay từ cuối cấp 2 và lớp trẻ không nhận ra biên giới mong manh của tình yêu và thú vui xác thịt.

Theo một con số thống kê thì tỷ lệ nạo phá thai ở Việt Nam đang ở mức báo động cao và khoảng 25% trong 500.000 ca được thống kê chính thức là trẻ vị thành niên (!). Theo ông Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y Tế thì với con số 114.000 ca trong năm 2007, TP.HCM đã “vô địch” cả nước và tương tự, nước ta có thể “vô địch” thế giới. Một số trẻ lao vào vòng xoáy bạo lực, đâm chém, tập họp băng đảng y như trong phim “xã hội đen”, hút xách ma túy.

Chỉ rảo qua một số quán café giờ tan trường và nếu lắng nghe ngôn ngữ tuổi teen, bạn sẽ không khỏi giật mình trước rất nhiều tiếng lóng và chửi thề. Vậy thì nền giáo dục của chúng ta hôm nay đang đóng vai trò gì trong việc hình thành nhân cách? Những điều các em học trên ghế nhà trường, từ giáo dục pháp luật, sức khỏe sinh sản vị thành niên, chính trị v.v… không được hấp thụ tốt nên những hoàng tử công chúa của chúng ta vẫn cứ là những đứa trẻ suy dinh dưỡng(?)
Cái gì đang mất đi?

Các nhà giáo dục hôm nay không khỏi băn khoăn khi những bài học được truyền trao không đem lại kết quả như kỳ vọng mà có người còn hoài nghi tính thực tiễn của những môn học ấy khi khoảng cách giữa cuộc sống và những điều được “thuyết giảng” ngày một xa cách. Chúng ta đang đánh mất những gì?

Phải chăng đó là tâm hồn và tình yêu thương thực sự. Có người đã phải kêu lên: “Vì đâu lương tâm bị đánh mất để xã hội nhiễu loạn đến mức này?” (Ths. Nguyễn Thị Oanh) và trước những suy thoái của xã hội người lớn khi họ đang rơi vào vòng xoáy của lòng tham, toan tính mưu cầu danh lợi thì trách sao lớp trẻ thiếu hẳn những tấm gương soi chân chính.
Thần tượng hôm nay của các em là ai? Những ca sĩ, diễn viên, người mẫu hào nhoáng bề ngoài hay những khuôn mặt đồng tính và đồng bóng? Cha mẹ, thầy cô có còn là nguồn động viên mạnh mẽ nhất cho các em vào đời?
Ths. Nguyễn Thị Oanh đã có câu trả lời khi nhận định: “Thật ra muốn các em tránh ma túy thì cơ bản hơn là tạo cho các em một cuộc sống gia đình hạnh phúc, an toàn. Làm sao cho các em được thỏa mãn các nhu cầu về tình thương, tình cảm, một đời sống văn hóa tinh thần phong phú, một nghị lực để nói “không” với cái xấu, những đam mê lành mạnh như nghệ thuật, thể thao” (Nguyễn Thị Oanh – Hạnh phúc phải lựa chọn).

Cha mẹ các em có hiểu điều đó không? Hay chính họ cũng đang vật lộn với cuộc sống và đang đánh mất dần khả năng yêu thương của chính mình. Tỷ lệ ly dị trên 30% là một con số để chúng ta suy ngẫm, chưa kể những gia đình đã đổ vỡ nhưng còn đang níu kéo vì những quyền lợi vật chất gắn bó chưa thể tách rời. Tình yêu thương vì thế đã dần phai trong con người chúng ta hôm nay khi chủ nghĩa tôn thờ vật chất đang hoành hành trong mọi ngõ ngách của tâm hồn và đời sống.

Chúng ta so sánh giàu nghèo hơn thiệt với hàng xóm, với những người trong cộng đồng, trong gia tộc, với tất cả những ai mà ta muốn so sánh “Khi nào tâm hồn còn so sánh thì không thể có tình yêu xuất hiện và tâm hồn liên tục cân đo đong đếm, phán xét… Bạn so sánh chính bản thân với một người nào đó tốt hơn xuất sắc hơn, giàu có hơn; bạn liên tục quan tâm đến bản thân mình… Theo cách này ngày càng muốn chiếm hữu nhiều hơn, ngày càng ích kỷ hơn…” (Krisnamurti – Cuộc đời phía trước)
Krisnamurti cũng cho rằng: “Chức năng của giáo dục là phải giúp học sinh không bị mắc kẹt trong mớ hỗn độn của cuộc sống này, chính những hỗn độn ấy làm hạn hẹp tâm hồn chúng, khiến chúng không thể nhìn xa được…” Trường học, theo ông, phải là nơi mang lại hạnh phúc cho thế giới này. Vì thế giới này cần hạnh phúc. Phải chăng hạnh phúc chỉ có được khi con người biết tiết chế lòng tham, mở rộng tâm từ, và yêu thương cuộc sống.

Chúng ta đang đánh mất dần kỹ năng biết sống hạnh phúc khi tâm hồn trẻ thơ đã bị đốt cháy theo những ước mơ vị kỷ của người lớn từ chuyện chạy trường, chạy lớp cho đến đua đòi theo hướng bất chấp mọi thủ đoạn để ngoi lên (không phải vươn lên) trên tầng lớp xã hội của mình.

Nguy hại nhất, ngoài việc xơ hóa tâm hồn là mất luôn cả sự trung thực. Người ta dạy cho trẻ nói như được lập trình với những câu nói rỗng tuếch và đóng khung hai chữ quan điểm vào đấy. Khi người lớn quen sống trên hàng đống hàng giả từ bằng cấp, thành tích báo cáo cho đến chức danh, địa vị xã hội thì mong gì dạy dỗ lòng trung thực cho con trẻ.

Phải chống suy dinh dưỡng từ đâu?
Trong khi chờ đợi những thay đổi ngoài xã hội thì ngay trong nền giáo dục, đã đến lúc phải nhìn lại hệ thống chương trình, giáo trình, nội dung, phương pháp. Trẻ phải được bú mớm, ăn dặm rồi mới có thể dự tiệc được. Không thể cứ khiên cưỡng nhồi nhét cái ta có mà không phải cái các em cần. Sự hấp thụ phải tùy theo nhận thức và trình độ phát triển tâm hồn. Dạy về tình yêu cho con trẻ phải bắt đầu từ yêu kính cha mẹ thầy cô (chứ không phải giáo dục sinh sản ngay từ năm lớp 5 hay lớp 6?).

Có người đã nhìn ra vấn đề: “Chúng tôi đấu tranh chống những khuynh hướng sai lầm trong giáo dục, đào tạo. Đó là khuynh hướng duy ý chí, muốn nôn nóng đưa giáo dục chính trị vào ngay cả từ lớp vỡ lòng. Rốt cuộc, chính trị không đạt yêu cầu mà nhân cách cũng không xây dựng được” (Mai Chí Thọ, Chủ tịch Hội Khuyến học TP.HCM, trích báo Công An).
Và cái trục phải là tình yêu thương và lòng trung thực vì theo nhận xét của một nhà tâm lý xã hội học về nền giáo dục chúng ta hiện nay là “Một nền giáo dục từ thế hệ này qua thế hệ khác không nhấn mạnh đủ đến đạo đức con người mà tính trung thực là cái trục” (Nguyễn Thị Oanh – sách đã dẫn).

Tất nhiên, không thể chỉ hô hào suông mà phải bằng kế hoạch hay hành động. Từ đâu, có lẽ phải bắt nguồn từ gia đình, nơi khơi mở những tình cảm, những tư duy chân chính – những khả năng vô tận trong bản tánh con người. Tính thân thiện mà nhà Phật gọi là tâm từ cần phải được giáo dục bởi lẽ “đó chính là lòng ước muốn an lạc và hạnh phúc cho mọi người, kẻ thù trực tiếp của nó là sân nhuế trong khi kẻ thù gián tiếp là tình yêu nhục dục hay ích kỷ” (Thera Piyddassi – Theo dấu chân Bụt).
Kế đến là tinh thần trung thực và khách quan trong nhìn nhận sự việc, khinh ghét sự dối trá dù đòi hỏi lòng dũng cảm. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân gần đây có đề cập đến điều này;

Một nền giáo dục tốt phải có môi trường sư phạm tốt, với 6 yếu tố quan trọng: trật tự, kỷ cương, trung thực, công bằng, khách quan khuyến khích đầu tư, tình thương và sáng tạo. Và trụ cột đề thực hiện là giáo viên, học sinh và sự quản lý nhà nước về giáo dục… (Theo Báo Tuổi Trẻ 31/7/2008). Ta thấy tình thương và lòng trung thực đã được nhìn nhận như là những phẩm chất của một nền giáo dục mang tính nhân bản, dù chỉ là những bước chập chững ban đầu và khoảng cách từ nhận thức đến hành động vẫn còn đó. Nhưng hãy cứ mong sao sớm là hiện thực!


Chuyên mục: Bài viết ưa thích

Thư của bố

26.05.2011

 

Thư của bố gửi con sắp thi vào đại học (Theo phoenixheart.net)

Con trai yêu quý của bố! Việc học quả là khó khăn gian khổ, mẹ con nói phải đấy… e hèm.

Vậy là thấm thoắt bóng trâu phi cửa sổ đã được mười bảy năm, nay con trai của bố đã lên mười bảy tuổi. Tuyệt vời, con ạ. Mới ngày nào con còn ị bô và kêu gào như chợ cháy, nay với sự trợ giúp của Dielac Mama, con đã cao một mét tám mươi nhăm, lông chân một thùng, lông nách một gánh, thủ dâm mỗi sáng, mộng tinh hằng đêm, và có thể đường đường chính chính bẻ gãy sừng hươu – tất nhiên bố con ta đang giả định rằng hiện là mùa xuân và hươu nai đang thay gạc.

Con trai yêu quý!

Hôm trước con có hỏi bố về định hướng nghề nghiệp – ừ, vì con sắp phải bước vào cuộc thi bốc cứt đầy khí thế để chen chân vào giảng đường đại học đặng sau này vợ chồng rau cháo nuôi nhau. Bố bận quá, con ạ, công việc ngập đến rốn, cấp dưới ngu độn, cấp trên ngu đần, nên đến hôm nay bố mới trả lời con được. Vậy con hãy đọc đây mấy dòng tu huýt của bố – tất nhiên ý bố là “tâm huyết”. Con hãy đọc đây tấm lòng của một kẻ bố yêu con [vỗ tay].

[Read more…] about Thư của bố

Chuyên mục: Bài viết ưa thích

  • « Go to Previous Page
  • Go to page 1
  • Interim pages omitted …
  • Go to page 97
  • Go to page 98
  • Go to page 99
  • Go to page 100
  • Go to page 101
  • Interim pages omitted …
  • Go to page 171
  • Go to Next Page »

Primary Sidebar

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa
Giám đốc Nhịp Cầu Đức CTC

Bài viết mới

  • Đại nhạc hội Giáng sinh 2020 kỉ niệm 5 năm thành lập Nhịp Cầu Đức CTC
  • Kĩ năng sống (2)
  • Kĩ năng sống (1)
  • Chuẩn bị hành trang du học
  • Để con không vô cảm

Phản hồi gần đây

  • Dương Duy Thảo trong Bài phát biểu tại lễ khai mạc triễn lãm về bảo vệ môi trường tại Viện Goethe HN
  • Guest trong Bài phát biểu tại lễ khai mạc triễn lãm về bảo vệ môi trường tại Viện Goethe HN
  • nguyễn thu hiền trong Bài phát biểu tại lễ khai mạc triễn lãm về bảo vệ môi trường tại Viện Goethe HN
  • BacGiang trong Thông gia nhà mình
  • Guest trong Thông gia nhà mình

Our Visistor

023428
Views Today : 37
Views Yesterday : 86
Views Last 7 days : 398
Views Last 30 days : 1970
Views This Month : 1776
Views This Year : 4685
Total views : 40158

Secondary Sidebar

Bài viết

  • Bài viết của tôi
  • Bài viết từ độc giả
  • Bài viết ưa thích
  • Viết cho con trai

Đào tạo

  • Tư vấn du học Đức
  • Các khóa bồi dưỡng
  • Sau đại học
  • Đại học
  • Đơn vị đã tham gia giảng dạy

Nghiên cứu

  • Bài tham gia hội thảo
  • Bài đăng trên tạp chí
  • Sách đã xuất bản
  • Đề tài nghiên cứu

Liên kết

  • Facebook Phương Hoa
  • Nhịp cầu Đức CTC
  • PTE Online

Copyright © 2025 · Phương Hoa