Sergei Beregovoy
Xin chào, lão bà châu Âu! Bà vẫn khỏe chứ? Chúng tôi đã ở đây với bà. Màu cờ các nước của bà chúng tôi đã quen thuộc. Những vạch từ trái qua phải, những vạch từ trên xuống dưới, những vạch đen, trắng, đỏ, vàng, xanh lam, xanh lơ. Những cây thập tự trắng trên nền đỏ, những cây thập tự đỏ trên nền trắng. Các nước đó chúng tôi đã đến nhiều lần. Mùi vị mỗi nước chúng tôi đều rành. Chúng tôi đã đi tàu điện ngầm ở London , xem thế vận hội ở Athen và mua hàng ở Munchen. Sáng thứ bảy chúng tôi uống cà phê ở Roma, còn chiều chủ nhật thì đi nhảy ở Praha. Thế giới hiện nay không còn ranh giới, các khoảng cách đã biến thành thủ tục: địa chỉ của mỗi người chúng tôi bây giờ bắt đầu bằng www.
Thế nào, lão bà, nắm đấm sắt của phương đông đỏ không còn làm bà sợ hãi nữa chứ? Tất cả những cơn ác mộng đã lùi lại đằng sau phải không? Đúng, gutbai, Lenin! Bức tường vững chắc giờ đây không còn ngăn cách chúng ta, nó đã đổ sụp trong nháy mắt, đã biến thành một đống kỷ niệm.
Tất cả mọi người đều sướng vui như con trẻ! Còn gì tốt hơn nữa: Berlin là một thành phố và thậm chí là một quốc gia. Một thủ tướng, một thủ đô, một đội tuyển bóng đá quốc gia.
Những đứa con mỗi ngày nghỉ đều có thể về thăm bố mẹ già. Hệ thống phát thanh truyền khắp lãnh thổ nước cộng hòa. Nước Đức đã thống nhất!
Ở giữa Berlin còn lại một đoạn tường thành gợi nhắc về một quá khứ mù mờ, gợi nhắc về một tư tưởng không được thành sự thật. Đó là mơ ước về sự công bằng toàn thể, về những lý tưởng đạo đức và nhân văn. Những mơ ước về hạnh phúc không thể nào có được cho tất cả mọi người. Đoạn tường thành còn lại đó là mảnh rời của một thời đại đã qua bị bóng ma không tưởng dối lừa.
Thậm chí những người Đức với thói cố chấp cuồng tín và tính kỷ luật thép của mình cũng không thể đạt được cái mà ông hô hào. Nửa thế kỷ họ đã cố gắng hết sức. Rốt cuộc họ hiểu ra việc này là vô nghĩa và thân ái nói với ông: “Gutbai, Lenin!”.
Gutbai, Lenin! Chúng tôi cũng đã tin vào ông. Có người trong chúng tôi đã chết vì ông, có người đã giết chóc nhân danh ông. Tin vào ông, chúng tôi đã thắng trong các cuộc chiến tranh và đã phóng lên vũ trụ những tên lửa đầu tiên. Nhiều người đã hiểu sai ông, bản thân ông cũng đã hiểu sai nhiều cái. Tuy nhiên chúng tôi đã tin vào ông. Tin cho đến tận giây phút cuối cùng. Rồi sau đó hiểu ra là ông đã lừa dối chúng tôi. Dù ông lừa dối không chỉ chúng tôi, mà cả bản thân ông. Chúng tôi đã từ bỏ ông. Chính ông đã đẩy chúng tôi đến bước này, không để cho chúng tôi và cả ông một sự lựa chọn nào. Ông, có lẽ, chính ông cũng không biết làm gì, do đó đã đưa mình đến ngõ cụt. Ông đã lập nên một nhà nước chỉ dựa trên niềm tin vào ông. Khi niềm tin này không còn thì nhà nước cũng không còn. Chúng tôi rất khó khăn chia tay với ông, nhiều người đã khóc, một số người đến nay vẫn chưa tin chuyện này. Chúng tôi chia tay ông như người lớn chia tay tuổi thơ và như người thanh niên hết tin vào chuyện cổ tích. Thật đau đớn phải nói lên điều đó, nhưng dù sao chúng tôi cũng nói với ông: “Gutbai, Lenin!”.
Tất nhiên, không phải một mình ông có lỗi trong việc để xảy ra mọi sự như bây giờ. Nói chung ông là một cậu trai không tồi, Lenin ạ. Chỉ đơn giản là ông đã chọn sai đất nước. Chỉ đơn giản là ông đã không biết rằng ở nước Nga có thể đồng thời vừa là thiên thần vừa là ác quỷ.
Cái đất nước mà ông tập hợp đã vỡ tung tóe một cách ngu ngốc. Bây giờ bạn bè và họ hàng sống ở các quốc gia khác nhau: những tổng thống khác nhau, những thủ đô khác nhau, những đội tuyển thể thao khác nhau, những con người khác nhau.
Thực ra cái ý tưởng gom mọi người vào ở trong một ngôi nhà, cho họ thử sống cùng nhau vui vẻ, thân thiện, không phải là một ý tưởng tồi. Đúng, nói gì thì nói, ông là một cậu trai không tồi, Lenin ạ! Nhìn xem, cả châu Âu đã theo gương ông. Giờ đây họ đã là một đại gia đình: lão bà của chúng ta vẫn chưa nói lời cuối cùng.
Chúng tôi ngủ đêm ở các khách sạn tại Gieneve, sáng sớm bay đi Barcelona. Chúng tôi tụ tập xem biểu diễn nhạc rock ở Helsinky và mời khách đến Moskva.
Nhưng không ai còn bao giờ đến thăm CCCP (Liên Xô) nữa. Nó là một đất nước bí ẩn, lạ lùng và mâu thuẫn như tất cả chúng tôi. Chúng tôi không lạ lùng đến thế nếu không phải là những người Nga như thế. Bây giờ còn lại của CCCP chỉ là dòng chữ đề trên các áo thể thao. Vậy mà nó đã từng là tổ quốc chúng tôi. Chúng tôi, cũng như tất cả mọi người trên hành tinh, không muốn chiến tranh, mà chỉ mơ về hạnh phúc và hòa bình. Chúng tôi không có lỗi khi những ước mơ của chúng tôi không thành hiện thực.
Nam Tư, Tiệp Khắc… Những cái tên này cũng không còn nữa trong ngôn ngữ chúng tôi. Chỉ còn trên hòn đảo Tự Do đầy ánh mặt trời giữa biển khơi Caribe xa xôi là nơi tên ông chưa trở thành một âm thanh trống rỗng. Nhưng được bao lâu nữa?
Thế nhưng nước Đức đã thống nhất. Bức tường Berlin đã vỡ thành những cục nhỏ – những ký ức năm euro để nhớ về một chuyến du lịch. Lão bà lại ca khúc khải hoàn của mình.
Còn ông… chỉ còn là bức tượng đồng giấu mình đâu đó ở thành phố nơi tôi sống. Ông chỉ còn là một từ gồm năm chữ cái được ghi trong sách giáo khoa lịch sử. Các thế hệ mới không biết ông vì chúng không cần đến ông. Chúng thậm chí không giã từ ông vì ông là người xa lạ. Nghĩa là, đành lòng vậy, cầm lòng vậy. Lịch sử đối xử rất nghiệt ngã với những tình nhân của nó. Đơn giản là ông đã thoái lui. Đơn giản là ông đã già đi. Xin lỗi, nếu không phải là thế. Dẫu sao ông là một cậu trai không tồi, nhưng… gutbai, Lenin!
13.11.2004
Ngân Xuyên
dịch từ nguyên văn tiếng Nga “ Гуд бай, Ленин" (theo Blog Ông già sành điệu"
Trả lời