Nguyễn Đăng Hưng (GS Đại học Liège, Bỉ)
Thế là bắt đầu từ đầu năm 1996, tôi lao vào việc khai trương và triển khai chương trình hợp tác đào tạo cao học Bỉ-Việt trên diện qui mô hơn những năm trước.
Mỗi khoá tuyển sinh tôi tổ chức làm hai đợt liên tiếp. Đợt thi viết bao gồm những câu hỏi ôn tập về học trình của kỷ sư xây dựng hay cơ khí. Đợt hai thi vấn đáp do chính tôi phỏng vấn từng thí sinh. Vì đông thí sinh ghi danh, tôi đã phải bỏ ra ròng rã 3 ngày liên tiếp sáng chiều cho việc tuyển sinh khoá đầu tiên để có thể trao đổi với mỗi thí sinh ít nhất 15 phút. Năm nào cũng vậy, trong 12 năm dài tại Sài Gòn 12 khoá rồi Hà Nội 8 khoá, tôi đều giữ nguyên phương án tuyển sinh này. Tính trung bình mỗi khoá có chừng 50 người dự thi, như vậy tôi đã tiếp xúc trực tiếp được gần 1000 kỷ sư, cử nhân trẻ Việt Nam có yêu cầu theo học các lớp đào tạo thạc sỹ quốc tế tại chỗ do chúng tôi tổ chức. Đây có thể coi là sỹ số người dân đạt chuẩn của kỷ thuật thăm dò ý kiến người dân trong những dịp bầu cử hay trưng cần dân ý ở các nước tiên tiến phát triển. Thành phần các thí sinh cũng rất rộng rãi và tiêu biểu cho xã hội Việt Nam. Thật vậy, phí dự thi rất thấp và những thí sinh nhà nghèo tham gia rất nhiệt tình vì họ được thông báo trước là sẽ có 15 học bỗng tại chỗ dành cho các thí sinh đỗ đầu, học bổng do dự án đào tạo chi trả.